Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cũng như tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong khi phòng vệ thương mại có ý nghĩa quan trọng và đang trở thành xu hướng, chiến lược song hành với mở cửa hội nhập của mỗi quốc gia. Vì vậy, điều quan trọng là cần nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam nhằm ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại và tận dụng tốt những cơ hội tại thị trường nước ngoài.
Xu thế tất yếu trong thương mại quốc tế
Chia sẻ về vấn đề cho rằng việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam khiến nhiều quốc gia chú ý và điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong khuôn khổ một Tọa đàm mới đây, bà Trang Thu Hà, Chánh văn phòng Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, thép và các sản phẩm kim loại khác là một trong những nhóm đối tượng hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại của khá nhiều nước.
Riêng ngành thép Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đã có những bước phát triển vượt bậc, với tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 14 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm với kim ngạch xuất khẩu gần 14 tỷ USD; trong 10 tháng 2022, xuất khẩu thép đạt hơn 7 triệu tấn các loại và đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 7 tỷ USD.
Tuy nhiên, bà Hà cho rằng, việc sản phẩm thép bị điều tra phòng vệ thương mại xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Về nguyên nhân khách quan, đó là chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu gia tăng không chỉ với ngành thép mà với tất cả các ngành. Riêng với ngành thép, theo thống kê của Hiệp hội Thép thế giới thì nguồn cung thép luôn luôn dư thừa và theo dự báo gần đây nhất của World Steel, nhu cầu tiêu thụ thép của năm 2022 còn giảm khoảng 2,2% chỉ đạt hơn 1,7 tỷ tấn.
Bên cạnh đó, thép là một ngành kim loại cơ bản để sản xuất ra rất nhiều sản phẩm khác, do đó để gia tăng giá trị của các chuỗi sản phẩm của mình thì các nước đều có xu thế bảo hộ ngành thép của họ, dẫn đến số vụ việc phòng vệ thương mại đối với thép tại các nước cũng gia tăng.
Ngoài ra, cùng với việc Việt Nam ký kết và thực hiện một loạt FTA thế hệ mới và mở cửa thị trường, nhiều mặt hàng trong đó có sắt thép có mức thuế về 0%, dẫn tới các nước tìm các biện pháp khác về thương mại, môi trường, kỹ thuật... nhằm hỗ trợ ngành sản xuất nội địa của mình.
Cuối cùng là xu hướng kiện chùm, kiện domino. Các nước thường có xu hướng kiện nhiều nước (các nước có thị phần xuất khẩu lớn vào nước điều tra hoặc các nước nghi ngờ có sự chuyển tải hàng hóa nhằm lẩn tránh thuế, hoặc các nước đặt trụ sở công ty mẹ-con). Sản phẩm thép Việt Nam cũng thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ… là các nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới.
Về nguyên nhân chủ quan, những năm gần đây Việt Nam được đánh giá là một nền kinh tế tăng trưởng tốt, trình độ lao động tốt, nguồn nhân lực khá dồi dào phong phú và các doanh nghiệp cũng đã dần chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào để cung cấp sản phẩm, tạo được sức cạnh tranh nhất định khi xuất khẩu ra các thị trường.
Thứ hai, việc tiếp cận các phương pháp phòng vệ thương mại cũng như kết nối các thông tin của doanh nghiệp thép đối với doanh nghiệp nước sở tại cũng như các chính sách chưa được đầy đủ, do đó dẫn đến có những vụ việc xung đột về thương mại.
Thứ ba, những sản phẩm thép mặc dù đã bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhưng khi chuyển sang thị trường khác kim ngạch xuất khẩu cũng gia tăng dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của các nhà sản xuất nước sở tại thì họ cũng sẽ kiện.
Việc Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại trong đó có mặt hàng thép là điều tất yếu, không thể tránh khỏi khi tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường nước ngoài tăng nhanh.
Kết nối, tăng cường năng lực ứng phó cho doanh nghiệp
Theo bà Trang Thu Hà, đối diện với nhiều vụ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường quốc tế, bên cạnh những khó khăn doanh nghiệp thép đã dần chủ động khi đối diện với các sự việc như chuẩn bị sẵn nhân lực, cũng như hệ thống tài chính sổ sách kế toán, tiếp cận với các đối tác để tạo niềm tin và tích cực phối hợp cung cấp thông tin khi cơ quan điều tra của nước sở tại đề nghị. Ngoài ra, qua quá trình tham gia vụ việc, doanh nghiệp dần tiếp cận và chủ động tăng cường khả năng cạnh tranh, tiếp cận bạn hàng và mở rộng các thị trường mới.
Bà Hà chia sẻ, phòng vệ thương mại đối với các quốc gia khác được sử dụng nhiều năm và rất nhuần nhuyễn, nhưng Việt Nam mới chính thức sử dụng được 6 năm. Doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và ứng phó với các vụ việc trong khoảng 10 năm trở lại đây. Do vậy, thiếu nhất của các doanh nghiệp thép là vấn đề này còn khá mới. Với những doanh nghiệp lớn có tiềm lực, có các phòng ban, nhân lực, tài chính để đầu tư vừa kéo nhiều thời gian vừa mất thời gian cho vụ việc không chỉ 3 - 5 năm mà có thể kéo dài.
“Trong ngành thép hiện nay có một số doanh nghiệp lớn nhưng đa phần vẫn là các doanh nghiệp nhỏ. Do đó sự hiểu biết của những doanh nghiệp này để sắp xếp nhân lực để tham gia vào các vụ việc rất khó khăn và để tiếp cận đủ thông tin cũng như thời gian diễn ra vụ việc“, bà Hà cho biết.
Ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho rằng trong tiến trình hội nhập càng ngày càng sâu rộng thì phòng vệ thương mại là công cụ mà bất cứ doanh nghiệp nào, không chỉ là xuất khẩu hay nhập khẩu cũng nên quan tâm.
Đồng ý kiến với bà Trang Thu Hà, ông Tuấn cho rằng, khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ khi ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại là hạn chế nguồn lực và kiến thức chuyên môn.
Về kinh nghiệm của Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam trong ứng phó với các vụ việc này, ông Tuấn cho biết, vai trò của Hiệp hội là đứng ra kết nối các doanh nghiệp vướng phải những vụ kiện về chống bán phá giá và phòng vệ thương mại. Hiệp hội sẽ tập hợp thông tin và tư vấn hướng dẫn trong phạm vi mà Hiệp hội nắm được. Đồng thời làm việc với các cơ quan chuyên môn như Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương và các đơn vị về luật nếu có, giúp cho các doanh nghiệp làm việc tập trung hơn, đúng quy trình, đúng chuẩn mực quốc tế về khởi kiện cũng như để phòng vệ chính đáng.
Theo ông Tuấn, thời gian qua các doanh nghiệp trong Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cũng liên tục phải đối mặt với các tình huống liên quan đến gian lận xuất xứ hoặc né tránh về nguồn gốc. Do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, Mỹ đã đánh thuế rất cao các mặt hàng nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc dẫn đến một số doanh nghiệp lợi dụng đưa hàng hóa sang dựa vào xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh. Điều này khiến doanh nghiệp trong nước bị “vạ lây”.
“Trong hai năm vừa rồi, Hiệp hội đã nhận được đơn khởi kiện từ Mỹ, Ả rập và Australia… Chúng tôi đang phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp trong Hiệp hội xử lý các vấn đề liên quan để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho xuất xứ và hàng hóa của chúng ta khi xuất khẩu đến các thị trường đó”, ông Tuấn cho biết.