Gian lận xuất xứ hàng hoá
Vì tình trạng gian lận xuất xứ hàng hoá, các nước trong khu vực và trên thế giới đã có những chính sách thay đổi lớn như tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, trong hoạt động thương mại, đặc biệt các cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước lớn có tác động rất lớn đến nền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu từ các Hiệp định thương mai tự do (FTA), song cũng vì thế, hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo hợp thức hóa xuất xứ hàng hoá Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… để lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng…
Với vai trò quản lý, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, các cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam, thu hút dịch chuyển luồng đầu tư vào Việt Nam sản xuất sản phẩm xuất khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ hàng hoá Việt Nam, nâng cao tính tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Các thủ đoạn gian lận xuất xứ có ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, các đối tượng sử dụng C/O giả, C/O không hợp lệ khi làm thủ tục hải quan hay khai sai các thông tin trên C/O để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt khi làm thủ tục hải quan như khai không đúng hàm lượng giá trị khu vực (RVC), khai sai tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC),…., khai sai người đứng tên tại ô số 1 (đối với C/O mẫu E - giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc (ACFTA)…
Đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, một số doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để sản xuất, gia công, lắp ráp nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định. Khi xuất khẩu, các doanh nghiệp này lại khai xuất xứ Việt Nam trên tờ khai hải quan và trên nhãn hàng hóa hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam.
Trên thực tế, đã có trường hợp hàng hóa được đặt sản xuất ở nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam, nhưng các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở được ghi sẵn bằng tiếng Việt và dòng chữ “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” trên sản phẩm, bao bì sản phẩm.
Việc gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu mang lại lợi ích trước mắt của một nhóm đối tượng nhưng ảnh hưởng lâu dài và nghiêm trọng đến doanh nghiệp nước ta. Hàng hoá Việt Nam xuất khẩu dễ trở thành tâm điểm của các cuộc điều tra phòng vệ thương mại.
Để đảm bảo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) chỉ dành cho các nhà sản xuất và thương mại Việt Nam, Bộ Công Thương dã đề xuất và soạn thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, và hàng hóa nhập khẩu. Tiếp đó là Thông tư số 05/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa và kê khai xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu.
Thời gian qua, Nghị định 31 và Thông tư 05 đã nhanh chóng trở thành công cụ đấu tranh không khoan nhượng, bóc tách các thủ đoạn gian lận xuất xứ. Điển hình là vụ việc của Công ty TNHH MTV PANGLORY (Tây Ninh), đã được Cục Hải quan Tây Ninh phát hiện doanh nghiệp sử dụng tự chứng nhận xuất xứ Việt Nam trên tờ khai hải quan và in trên nhãn hàng hóa, bao bì các thành phẩm dòng chữ “MADE IN VIETNAM” không đúng theo quy định tại Nghị định số 31 và Thông tư số 05 của Bộ Công Thương.
Cảnh báo sớm
Cùng với đấu tranh, bóc tách thủ đoạn gian lận xuất xứ hàng hoá, cơ quan quản lý thông qua các biện pháp nghiệp vụ cũng đưa ra nhiều cảnh báo với doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, Cục Kiểm tra sau thông quan đã tổ chức xây dựng kế hoạch, đánh giá rủi ro đối với các doanh nghiệp Việt nam xuất khẩu hàng hóa đi 3 khu vực thị trường gồm Mỹ, EU, Ấn Độ và có nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Kế hoạch chia thành 3 giai đoạn. Kết thúc từng giai đoạn đều thực hiện đánh giá hoạt động kiểm tra; tổng hợp các tình huống, nội dung phát sinh mới, các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tìm biện pháp thực hiện.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả thông qua cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý và trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc. Đồng thời, tích cực tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định, thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp; trao đổi, tham vấn đưa ra quan điểm về các khía cạnh pháp lý và thực tiễn của vụ việc với cơ quan điều tra của nước ngoài, đề nghị tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Triển khai Đề án 824 của Chính phủ tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của 37 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo gồm 12 mặt hàng để thông tin cho các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác.
Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 07/2019, tới nay đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại, cụ thể là gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men. Thông qua công tác cảnh báo sớm, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Hoạt động cảnh báo sớm có ý nghĩa tích cực trong bối cảnh nhiều nước coi phòng vệ thương mại là công cụ bảo vệ sản xuất nội địa. Trước hết, cảnh báo sớm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu không bị hoặc bị áp mức thuế chống bán phá giá thấp hơn so với quy định. Tiếp đó, việc cảnh báo sớm cũng giúp các doanh nghiệp, hiệp hội hiểu rõ hơn về quy định điều tra chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ, nhằm ngăn chặn từ đầu những hành vi khai báo thông tin không chính xác và việc tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Cuối cùng, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.