Để biết thêm thông tin về kết quả đạt được của ngành Công Thương Bắc Kạn, Phóng viên Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Hà Sỹ Thắng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn.
PV: Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Với nỗ lực, quyết tâm cao và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, xin ông cho biết các kết quả của ngành Công Thương Bắc Kạn đạt được trong năm 2023.
Ông Hà Sỹ Thắng: Năm 2023, được sự chỉ đạo và điều hành quyết liệt của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các địa phương, kinh tế của tỉnh nói chung và của ngành công thương nói riêng tiếp tục ổn định và phát triển. Đồng thời, do có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương nhằm thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhờ đó, hoạt động của ngành công nghiệp được tăng cường đẩy mạnh sản xuất; hoạt động thương mại, dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ, hàng hóa phong phú, đa dạng về mẫu mã, chủng loại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; các cơ quan chức năng đã theo dõi sát tình hình thị trường, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tỉnh Bắc Kạn năm 2023 tăng 6,33%, trong đó, tốc độ tăng trưởng của khu vực II (Công nghiệp – xây dựng) đạt mức cao nhất với 9,16%; tiếp đó là khu vực III (dịch vụ) với 7,13%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch theo đúng xu hướng; Nhóm ngành dịch vụ tiếp tục chiếm cơ cấu lớn nhất tăng từ 51,84% năm 2022 lên 52,89% năm 2023, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 16,04% năm 2022 lên 16,37% năm 2023 (năm 2023 riêng ngành công nghiệp chiếm 8,16%).
Năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022, Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 1.780,283 tỷ đồng, tăng 12,22% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 100,40% kế hoạch năm 2023. Trong đó sản lượng một số sản phẩm tăng cao so với cùng kỳ như: Tinh quặng sắt ước đạt 110.248 tấn, tăng 89% so với cùng kỳ, tăng 37,8% kế hoạch năm; Tinh quặng kẽm ước đạt 19.885 tấn, tăng 38% so với kế hoạch; Tinh quặng chì ước đạt 9.409 tấn, tăng 20,47% so với cùng kỳ, tăng 17,6% kế hoạch năm; Chì kim loại ước đạt 17.173 tấn, tăng 49% so với cùng kỳ, tăng 6% kế hoạch năm;…
Tỷ lệ số hộ được sử dụng điện trên địa bàn tỉnh ước đạt 98%, đạt kế hoạch năm 2023. Sản lượng Điện thương phẩm ước đạt 325,65 triệu kwh, tăng 8,28% so với cùng kỳ, tăng 16,3% kế hoạch năm, trong đó điện sản xuất ước đạt 48,7 triệu kwh, tăng 7,39% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 9.108,650 tỷ đồng, tăng 33,41% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 29,68% so với kế hoạch năm 2023; Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2023 tăng 6,25% so với cùng kỳ, những nhóm Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 21,21%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 7,94%; duy nhất nhóm hàng giao thông giảm 2,54%.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2023 đạt 40,584 triệu USD, tăng 11,86% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 5,4% so với kế hoạch năm 2023, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 37,690 triệu USD, tăng 12,62% so với cùng kỳ năm 2022. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Chì thỏi thô; Đũa gỗ, Gỗ dán ép, Gỗ ván sàn; Hoa quả chế biến… Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Verneer nguyên liệu; Thiết bị dùng trong sản xuất gỗ dán ép; Bột oxit chì, Hệ thống tuyển quặng, Túi giấy xỏ đũa…
PV: Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn về lĩnh vực công nghiệp - thương mại, ngành Công Thương đã làm tốt công tác tham mưu, đóng góp về lĩnh vực công nghiệp - thương mại như thế nào thưa Ông?
Ông Hà Sỹ Thắng: Đứng trước nhiều khó khăn thách thức, ngành Công Thương Bắc Kạn luôn chủ động trong mọi tình huống, kịp thời tham mưu cho địa phương những quyết sách, tạo mọi điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn.
Điển hình như, tham mưu Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án: Giải phóng mặt bằng và san nền tạo mặt bằng thu hút đầu tư phần diện tích còn lại của Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I, qua đó HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 10/3/2023 về chủ trương đầu tư dự án Hoàn thiện mặt bằng phần diện tích còn lại của Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I;
Chủ trì tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 05/6/2023 về chủ trương đầu tư dự án Cấp điện nông thôn tỉnh Bắc Kạn; Tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Công Thương bổ sung các Dự án nhà máy điện gió vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia; xem xét, bổ sung bổ sung các dự án Nhà máy điện sinh khối vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2045;
Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tại Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND ngày 22/02/2023. Hiện nay, tỉnh có 06/06 cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022).
Thường xuyên rà soát, thăm nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, có giá trị gia tăng cao để kịp thời gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Bám sát tiến độ triển khai các dự án công nghiệp, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp để kịp thời báo cáo UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án triển khai thực hiện theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương Bắc Kạn thường xuyên làm tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại, theo dõi, nắm bắt biến động của thị trường để kịp thời báo cáo, tham mưu khi có những biến động về giá cả, về cơ chế chính sách....
Đặc biệt, đã chủ trì tham mưu tỉnh tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại, trong đó: Tổ chức Đoàn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư tại Nhật Bản; tổ chức Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc - Bắc Kạn và chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại năm 2023 tại thành phố Bắc Kạn; Tổ chức gian hàng của tỉnh tham gia trên 13 hội chợ triển lãm trong nước; phối hợp UBND huyện Pác Nặm tổ chức Chương trình “Ngày hội hàng hóa vì người tiêu dùng” năm 2023, nằm trong khuôn khổ các Sự kiện Chào mừng 20 năm ngày thành lập huyện Pác Nặm (19/8/2003-19/8/2023); Tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; Triển khai xây dựng mô hình thương mại hai chiều nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và cung ứng mặt hàng thiết yếu cho địa phương tại xã Quân Hà, huyện Bạch Thông thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.
Khảo sát, lựa chọn và hỗ trợ đưa vào sử dụng điểm mua bán hàng hóa, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng của miền núi, vùng sâu, vùng xa năm 2023 triển khai tại điểm bán hàng thuộc Hộ kinh doanh Nguyễn Đình Cường, Thôn Nà Lẹng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm; Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023, đơn vị đã khảo sát, lựa chọn và hỗ trợ đưa vào sử dụng triển khai 01 điểm bán sản phẩm OCOP tại điểm dừng nghỉ thuộc Hộ kinh doanh Phong Phin (Tiểu khu Đèo Gió, thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn).
Với vai trò là cơ quan thường trực của UBND tỉnh trong công tác Hội nhập kinh tế quốc tế, trong năm đơn vị đã tổ chức 01 lớp tập huấn kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện phóng sự tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế qua phóng sự trên Đài PT-TH tỉnh. Thường xuyên thông tin, tuyên truyền về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Hội nhập kinh tế quốc tế; tuyên truyền, phổ biến nội dung và các cam kết của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP, UKVFTA....; cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, tổ chức và người dân về các yêu cầu kỹ thuật, quy định, thực tiễn về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và phòng vệ thương mại của các nước đối tác trong các Hiệp định thương mại tự do theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Công Thương trên Trang Thông tin điện tử của Sở Công Thương.
PV: Năm 2024, dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen. Ngành Công Thương Bắc Kạn đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào thưa Ông?
Ông Hà Sỹ Thắng: Bước sang năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và ngành công thương nói riêng trên địa bàn tỉnh dự báo có nhiều thuận lợi, một số dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông quan trọng được khởi công, nhiều dự án đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế - xã hội, từng bước tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường,…
Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ thuận lợi, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều trở ngại, rào cản trong phát triển. Chính vì thế, ngành Công Thương Bắc Kạn sẽ tập trung triển khai các Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tạo hành lang pháp lý cho các dự án công nghiệp đầu tư. Trong đó, hoàn thiện các thủ tục đầu tư cho các dự án công nghiệp của tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển;
Phối hợp với các địa phương quan tâm, tăng cường phát triển công nghiệp nông thôn nhất là các lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, sản xuất thực phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, sản xuất cơ khí phục vụ nông nghiệp, khôi phục, bảo tồn ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (dệt thổ cẩm; tép chua,…); Thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp để tiếp tục tạo tiến đề phát triển trong giai đoán tới, tập trung thu hút đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp từ nguồn vốn xã hội hóa.
Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc kết nối, quảng bá giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại chú trọng hình thức trên nền tảng số, thông qua Website giao dịch điện tử ngành Công Thương bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống.
Cùng với đó, hỗ trợ xây dựng một số sản phẩm nông sản chủ yếu của tỉnh làm sản phẩm chủ lực, đảm bảo đạt yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì, nhãn mác để tham gia vào mạng lưới bán lẻ hiện đại và phục vụ xuất khẩu. Chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP của tỉnh đồng thời vận động doanh nghiệp tăng cường liên kết, liên doanh đầu tư, chuyển giao công nghệ, đầu tư thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, công bố chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Tăng cường các biện pháp hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về định hướng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu, sản phẩm xuất khẩu; phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.