Báo cáo hoạt động ngành Công Thương của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cho thấy, thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Sở Công Thương các địa phương đều hoàn thành phần lớn các chỉ tiêu quan trọng về công nghiệp, thương mại.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng giá trị sản xuất toàn khu vực ước đạt 217. 836 tỷ đồng, giảm nhẹ (0,1%) so với cùng kỳ. Đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng lớn của ngành Công Thương khu vực, báo cáo chỉ rõ.
Cũng theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2020, hoạt động thương mại các tỉnh, thành phố trong khu vực chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, gây ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế xã hội.
Riêng tổng mức bán lẻ ước đạt 341.097 tỷ đồng (bằng 40,1%) kế hoạch cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,485 tỷ USD, bằng 44,5% kế hoạch năm 2020. Trong đó, có 6/15 tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng không cao như: Gia Lai (+7,1%), Đăk Nông (+4,9%), Kon Tum (+4,7%), Quảng Trị (+3,8%), Đăk Lắk (+1,5%), Phú Yên (+1,3%); Ninh Thuận (+0,4%); có 9/15 tỉnh giảm hoặc gần bằng so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng cuối năm, ngành Công Thương các tỉnh, thành khu vực miền Trung-Tây Nguyên đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm đạt 294.947 tỷ đồng, đưa giá trị sản xuất cả năm là 512.783 tỷ đồng, đạt 99,1% kế hoạch và tăng 8,6% so với năm 2019.
Cùng với đó, phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng cuối năm đạt 427.227 tỷ đồng, cả năm đạt 768.324 tỷ đồng, đạt 90,3% kế hoạch, tăng 2,0% so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu đạt 5,7 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 10,17 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian qua.
Thứ trưởng nhấn mạnh, nhiều địa phương đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước; sự phối hợp chia sẻ thông tin về công tác quản lý nhà nước, hợp tác phát triển sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại, kết nối giao thương hàng hóa được duy trì thường xuyên và có hiệu quả đóng góp tích cực vào các thành tựu của ngành Công Thương.
Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2020, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị, Sở Công Thương các tỉnh, thành trong khu vực cần tiếp tục thực hiện có các giải pháp cụ thể hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu; khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh của địa phương về cả công nghiệp, thương mại góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương; phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược của miền Trung-Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-tây Nguyên cần phối hợp với các đơn vị Cục, Vụ của Bộ Công Thương để xây dựng các cơ chế, chính sách, quy hoạch và đồng bộ hạ tầng thương mại khuyến khích logistics phát triển.
Ngoài ra, cần thường xuyên phối hợp với các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương phổ biến và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các cam kết và tận dụng có hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP… mang lại; nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh, các tỉnh, thành phố phải nâng cao vai trò quản lý nhà nước của Sở Công Thương để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
“Tăng cường liên kết hợp tác giữa các địa phương, phát huy vai trò các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để tạo động lực kéo theo sự phát triển các địa phương khác trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại toàn khu vực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chỉ đạo.
Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên gồm 15 tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Tổng diện tích tự nhiên toàn khu vực là 102.035 km2, chiếm hơn 30% diện tích của cả nước, bao gồm vùng ven biển một phần Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây nguyên với tổng chiều dài bờ biển hơn 1.456 km. Dân số của khu vực gần 17 triệu người, chiếm hơn 18% dân số cả nước.
Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú về rừng, núi, biển, đảo, vịnh nước sâu, đất đai, di sản văn hóa, di tích lịch sử… Đây là những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với các ngành công nghiệp chủ lực như: lọc hóa dầu, thủy điện, điện gió, điện mặt trời, công nghiệp đóng tàu; công nghiệp cơ khí, sản xuất thiết bị điện, điện tử, công nghiệp hỗ trợ; chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng…