Tóm tắt:
Nghị quyết số 68-NQ/TW được ban hành tạo ra một động lực mạnh mẽ, trở thành “đòn bẩy”, “cú hích” cho sự phát triển của kinh tế tư nhân. Trong đó, quan điểm chỉ đạo của Đảng nêu rõ: “trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”, “cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất” [1]. Và để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Đảng xác định là: “đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước” [1]. Trên tinh thần của Nghị quyết, bài viết làm rõ thực trạng, vai trò và các giải pháp nâng cao đạo đức kinh doanh và phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nhân, doanh nghiệp trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Từ khóa: kinh tế tư nhân, đạo đức kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp, Nghị quyết 68-NQ/TW.
1. Đặt vấn đề
Trải qua gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân từng bước phát triển và ngày càng chứng tỏ vai trò nòng cốt trong nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, cả về mặt nhận thức của xã hội và thực tiễn. Nghị quyết số 68-NQ/TW ra đời đã khẳng định và nhấn mạnh về tầm quan trọng của phát triển kinh tế tư nhân như là động lực quan trọng nhất của kinh tế quốc gia, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, coi doanh nhân là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”. Chính vì vậy, việc “chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội” [1] là định hướng quan trọng đã được đưa ra trong Nghị quyết. Trên cơ sở đó, một trong những giải pháp để phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, xây dựng những doanh nghiệp phát triển bền vững là đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong thời kỳ mới.
2. Quan điểm chỉ đạo của Đảng về việc đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân là nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường thì vai trò của đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp vô cùng quan trọng. Trong đó, đối với doanh nhân phẩm chất đạo đức, văn hóa kinh doanh, tinh thần kinh doanh được đặt lên hàng đầu, còn đối với doanh nghiệp được đánh giá theo chuẩn quốc tế, thể hiện mức độ thực hiện trách nhiệm xã hội và sự đóng góp cho quê hương, đất nước.
Doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh là tiêu chí và điều kiện để xây dựng những doanh nghiệp phát triển bền vững và một nền kinh tế vững mạnh, độc lập, một dân tộc hùng cường, thịnh vượng. Văn hóa, đạo đức kinh doanh của doanh nhân thể hiện thông qua những phẩm chất như “trung trực, thanh liêm, trách nhiệm”, tinh thần thượng tôn pháp luật, ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, kết hợp bản sắc văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới, có tâm, có tầm tham gia quản trị đất nước [1].
Một nền kinh tế vững mạnh đóng góp cho sự thịnh vượng của quốc gia cũng cần có những doanh nghiệp không chỉ kinh doanh hiệu quả, bền vững mà còn cần thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tham gia hoạt động tích cực vì cộng đồng, đóng góp làm giàu cho quê hương, đất nước. Doanh nghiệp tư nhân được đánh giá theo chuẩn quốc tế dựa trên các tiêu chí cốt lõi về: (1) Mức độ tuân thủ pháp luật. (2) Giải quyết công ăn việc làm. (3) Đóng góp vào ngân sách nhà nước và (4) Tham gia các hoạt động an sinh xã hội.
Để xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội cho doanh nhân và doanh nghiệp, Đảng đưa ra những định hướng về các giải pháp cơ bản như:
Một là, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội; nuôi dưỡng và khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của mọi người dân. [1]
Hai là, tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các doanh nhân, doanh nghiệp điển hình, tiên tiến, kinh doanh hiệu quả, bền vững, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tham gia tích cực các hoạt động vì cộng đồng. [1]
Ba là, thiết lập mối quan hệ giữa các cấp uỷ đảng, chính quyền với doanh nghiệp chặt chẽ trên cơ sở chia sẻ, cởi mở, chân thành. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động, tận tuỵ giải quyết các vấn đề vướng mắc cho doanh nghiệp tư nhân theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền; đồng thời phát huy vai trò góp ý, phản biện chính sách của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trung thực, kịp thời, đúng bản chất các vấn đề khó khăn, vướng mắc; nghiêm cấm việc thao túng, trục lợi chính sách, lợi dụng, làm tha hoá cán bộ, công chức.[1]
Bốn là, doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, năng động, sáng tạo, giữ vững bản lĩnh, nuôi dưỡng ý chí, khát vọng, không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực, phẩm chất, trình độ, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nỗ lực phấn đấu vươn lên.[1]
Năm là, không ngừng củng cố, nâng cao vai trò, chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, doanh nhân để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân. [1]
Sáu là, cần có chính sách cụ thể, khả thi trong xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phát triển Đảng trong doanh nghiệp, doanh nhân và có cơ chế, quy định phù hợp đối với tổ chức Đảng trong doanh nghiệp để những người ưu tú trong doanh nghiệp đứng vào hàng ngũ của Đảng. [1]
Đó là những giải pháp quan trọng để thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tạo động lực cho sự phát triển của kinh tế tư nhân nói riêng, nền kinh tế quốc gia và sự vươn lên của dân tộc trong kỷ nguyên mới. Văn hóa là động lực nội sinh quan trọng quyết định cho sự phát triển của một quốc gia thì văn hóa kinh doanh là điều kiện tất yếu cho sự thành công của một doanh nhân, sự phát triển của một doanh nghiệp và sự vươn lên của một dân tộc. Những quan điểm đó thể hiện tầm nhìn vừa sát sao với thực tiễn, vừa “nhìn xa trông rộng” của Đảng lãnh đạo.
3. Thực trạng về đạo đức kinh doanh và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nhân, doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay
Kể từ Đại hội VI (tháng 12/1986) đến nay, sau gần 40 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều đổi mới tư duy phát triển kinh tế đưa đất nước vượt qua những khó khăn, khủng khoảng; đất nước đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo hướng xã hội chủ nghĩa. Về cả mặt nhận thức và thực tiễn, vấn đề văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội đã được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân chú trọng và đưa vào trong văn hóa doanh nghiệp. Mỗi ngành nghề, doanh nghiệp đều có các tiêu chuẩn, chuẩn mực về văn hóa kinh doanh của tổ chức làm cơ sở định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp, điều chỉnh mối quan hệ trong doanh nghiệp và mối quan hệ doanh nghiệp và xã hội. Các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các tiêu chí và điều kiện bắt buộc cả về mặt pháp lý và đạo đức để đảm bảo văn hóa kinh doanh, như: không buôn lậu, không trốn thuế; không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác; không gây tổn hại đến môi trường... Văn hóa kinh doanh trở thành một yếu tố quan trọng góp phần cho sự thành công và phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Thực tế đã chứng minh nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển trên cơ sở thực hiện những tiêu chí đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia, thực hiện các hoạt động hỗ trợ cộng đồng về cơ sở vật chất, xóa đói giảm nghèo...
Tuy nhiên do những tác động của kinh tế thị trường, sự quản lý yếu kém của một số tổ chức, cơ quan nhà nước trong quản lý thị trường, thực thi pháp luật dẫn đến vẫn còn nhiều doanh nhân, doanh nghiệp bất chấp chạy theo lợi nhuận vi phạm các chuẩn mực của đạo đức kinh doanh, gây hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng, đất nước. Các hình thức kinh doanh phi đạo đức, như: làm hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, tàn phá môi trường, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, quảng cáo sai sự thật còn tồn tại phổ biến ở nhiều doanh nghiệp và đang dần dần được đưa ra ánh sáng công lý. Một số người trong đội ngũ doanh nhân thoái hóa, biến chất về đạo đức, dùng mọi thủ đoạn để thu lợi nhuận: vì mình mà hại người, gây tổn hại đến môi trường sống, lợi ích quốc gia. Một số hiện tượng cụ thể về vi phạm đạo đức kinh doanh như: vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (thực phẩm được nuôi trồng bẩn, tồn dư hóa chất, kim loại nặng, sử dụng nguồn nước và thức ăn không sạch, sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ, bảo quản không theo quy định gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng); vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (hiện tượng ăn cắp bản quyền đối với các sản phẩm nghệ thuật và cả lĩnh vực sở hữu công nghiệp, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường), và đặc biệt vi phạm trong gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng (nhiều vụ án môi trường lớn đã xảy ra như vụ Fomosa, Vedan...). Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp đối xử bất công với người lao động, không thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ như bảo hiểm, lương thưởng, ngày phép, an toàn lao động; và lợi dụng quyền hạn lừa đảo, chiếm dụng tiền của người dân, lũng đoạn các thị trường nhạy cảm như thị trường chứng khoán, thị trường tiền số...
Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đang quyết liệt giải quyết những vụ việc vi phạm đạo đức kinh doanh, dần dần đưa ra ánh sáng những doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, làm tổn thương đến sự phát triển bền vững. Thực tiễn phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh: một doanh nghiệp nói riêng, một nền kinh tế nói chung không thể phát triển bền vững nếu thiếu đạo đức của doanh nhân. Điều đó cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa tăng trưởng kinh tế với văn hóa, đạo đức và bài toán phát triển không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà mục đích là phát triển con người, nên cần có sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và xã hội. Nghị quyết số 68/NQ-TW ra đời thể hiện sự theo sát thực tiễn phát triển của đất nước, sự nhìn sâu sắc, toàn diện vào những vấn đề trọng yếu cho sự phát triển vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới. Không phải ngẫu nhiên Nghị quyết số 68 đề cập đến việc xây dựng đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp là 1 trong 8 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết đã đề cập đến vấn đề cốt lõi của phát triển đó là chủ trương, chính sách và định hướng cho sự phát triển kinh tế của cả một thời kỳ xoay quanh tâm điểm là đạo đức, là con người.
4. Một số giải pháp xây dựng đạo đức kinh doanh và phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nhân, doanh nghiệp Việt hiện nay
Trên cơ sở những quan điểm chỉ đạo của Đảng được đưa ra trong Nghị quyết số 68/NQ - TW, để phát triển kinh tế tư nhân nói chung và phát huy đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nhân, doanh nghiệp nói riêng, cần tổng hòa nhiều biện pháp, lực lượng. Bài viết tập trung đề xuất một số các giải pháp như sau:
Thứ nhất, đổi mới tư duy, nhận thức của toàn xã hội về vai trò của kinh tế tư nhân, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong thời đại mới; trong đó có sự nhận thức đúng về vai trò của văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nhân, doanh nghiệp. Mọi sự sai lầm đều bắt đầu từ trong nhận thức và mọi sự thay đổi đều bất đầu từ nhận thức. Như trong Nghị quyết đã chỉ ra có nhiều nguyên nhân dẫn đến kinh tế tư nhân chưa thực sự bứt phá mặc dù có nhiều tiềm lực để phát triển là do trước hết “Tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển” [1]. Cũng vậy, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp còn vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh là do chưa nhận thức đúng về vai trò của đạo đức trong làm ăn kinh tế. Một môi trường kinh doanh lành mạnh phải bắt đầu được xây dựng từ trong nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội; có nhận thức đúng mới có sự tự giác trong thực hiện và sự tự chịu trách nhiệm. Do đó, cần bắt đầu từ giáo dục, tuyên truyền, truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân, xây dựng phẩm giá con người, người dân của một đất nước từ trong cốt lõi là đạo đức. Đối với lãnh đạo, quản lý cần đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, liêm chính, trung thực, trách nhiệm. Đối với doanh nhân là khơi dậy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, sự tự tin, tự cường, tự hào dân tộc để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, tinh thần kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp. Đối với nhân dân cần có hiểu biết để nhận diện đúng, phát hiện, lên án những hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh để bảo vệ chính mình. Các cơ quan truyền thông, báo chí cần tôn trọng sự thật, nâng cao chất lượng truyền thông để khích lệ tinh thần kinh doanh trong toàn xã hội.
Thứ hai, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật và thực thi pháp luật nghiêm minh, công bằng. Đạo đức kinh doanh vốn là những tiêu chuẩn đòi hỏi sự tự giác thực hiện của chủ thể kinh doanh. Nhưng nếu doanh nghiệp không có sự tự giác, thì cần có sự thực thi đúng lúc, kịp thời, nghiêm minh của các cơ quan thực thi pháp luật. Một trong những nguyên nhân khiến các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vi phạm đạo đức kinh doanh là do sự buông lỏng, thậm chí đồng lõa, tiếp tay của một số cán bộ, cơ quan quản lý. Trong thời kì Việt Nam quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có một vai trò vô cùng quan trọng trong quản lý, điều tiết các quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ kinh doanh. “Thượng tôn pháp luật” là một đặc điểm quan trọng của nhà nước pháp quyền và đội ngũ lãnh đạo có vai trò rất quan trọng trong thực thi điều luật. Đạo đức của doanh nhân, doanh nghiệp cũng liên quan mật thiết đến đạo đức, trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý, đến tinh thần thượng tôn pháp luật của toàn xã hội.
Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, đoàn thể, của toàn xã hội trong việc khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp nâng cao đạo đức kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội. Các cơ quan, các hội, hiệp hội ở các ban ngành, địa phương (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền người tiêu dùng...) - đại diện cho quyền và lợi ích của doanh nghiệp cần hỗ trợ, giúp đỡ doanh nhân, doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội. Các cơ quan, tổ chức, hiệp hội cần phát động các phong trào để khích lệ tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội để mọi người dân đều có cơ hội tham gia làm giàu, phát triển kinh tế, đóng góp cho đất nước. Đồng thời, cần tiếp tục được phát triển, phát huy các phong trào nêu gương những tấm gương doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu có nhiều đóng góp cho xã hội.
5. Kết luận
Đạo đức kinh doanh đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của doanh nhân và doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, tạo dựng thương hiệu, có được niềm tin từ các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Nó không chỉ là điều kiện cho sự thành công của doanh nghiệp mà còn cho sự thành công và phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia. Các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay đã chú ý nhiều hơn đến xây dựng đạo đức và văn hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn những doanh nghiệp có hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh gây thiệt hại rất lớn đến cộng đồng. Vì vậy, cần có những giải pháp hiệu quả để môi trường kinh doanh Việt Nam phát triển lành mạnh và bền vững.
Tài liệu tham khảo:
Đảng Cộng sản Việt Nam (2025), Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2010), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Phần I, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2010), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Phần II, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
Promoting business ethics and social responsibility in the private sector under Resolution No. 68-NQ/TW
Dao Thi Huu
Faculty of Political Theory, Banking Academy of Vietnam
Abstract:
Resolution No. 68-NQ/TW has created a strong impetus, serving as a “lever” to accelerate the development of Vietnam’s private economy. The Communist Party of Vietnam affirms that in a socialist-oriented market economy, the private sector is a crucial driving force, playing a central role alongside the state and collective economies in building an independent, self-reliant economy integrated deeply and substantively into the global economy. To ensure rapid, sustainable, and effective growth of the private sector, the Party emphasizes promoting business ethics, social responsibility, and the entrepreneurial spirit while creating favorable conditions for entrepreneurs to engage in national governance. In alignment with this resolution, this study examines the current state, significance, and proposed solutions for enhancing business ethics and fostering social responsibility among Vietnamese entrepreneurs and enterprises in the context of the country’s ongoing development.
Keywords: private economy, business ethics, entrepreneurs, enterprises, Resolution 68-NQ/TW.