TÓM TẮT:
Bài viết nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh dịch vụ viễn thông (DVVT) của VNPT Bình Thuận giai đoạn 2018-2021. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 6 yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh DVVT của VNPT Bình Thuận là: năng lực tài chính, năng lực phát triển mạng lưới và hạ tầng số, năng lực chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung ứng, năng lực chất lượng nguồn nhân lực, năng lực marketing, năng lực vô hình (giá trị thương hiệu và uy tín). Từ đó, bài viết đưa ra một số hàm ý quản trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh DVVT của VNPT Bình Thuận.
Từ khóa: năng lực cạnh tranh, dịch vụ viễn thông, VNPT Bình Thuận.
1. Đặt vấn đề
Theo cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Việt Nam cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tham gia cung cấp các dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin (VT-CNTT) thông qua các hình thức liên doanh, góp vốn và phát triển một số dịch vụ mới. Điều này tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp (DN) và cho cả ngành VT-CNTT Việt Nam. Đồng thời, đại dịch Covid-19 gần 3 năm qua đã đặt ra rất nhiều thách thức và khó khăn cho toàn nền kinh tế cũng như cộng đồng DN, các DN, đặc biệt là các DN trong ngành VT-CNTT, khi xu hướng chuyển đổi số ngày càng diễn ra mạnh mẽ.
Năng lực cạnh tranh cũng là vấn đề quan trọng luôn được đặt lên vị trí hàng đầu trong chiến lược phát triển của các DN viễn thông vì nó phản ánh vị thế của DN viễn thông đó trong nền kinh tế với các DN viễn thông khác. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, nền kinh tế thị trường, nền kinh tế số thì áp lực cạnh tranh của các DN viễn thông càng lớn, sự cạnh tranh diễn ra rất gay gắt giữa các DN. Chính vì vậy, để tồn tại và phát triển, các DN viễn thông luôn phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, phải thích ứng linh hoạt để nâng cao lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong mọi thời điểm và trên mọi địa bàn để phát triển bền vững.
Là DN đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ VT-CNTT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, VNPT Bình Thuận có nhiều lợi thế về uy tín, có số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ VT-CNTT của DN đông, có mạng lưới hạ tầng cũng như hệ thống kênh bán hàng rộng khắp,… Tuy nhiên, với những chiến lược kinh doanh tạo sự khác biệt của các đối thủ đang ngày một lớn mạnh là một thách thức không nhỏ đối với VNPT Bình Thuận. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, thị phần của VNPT Bình Thuận bị giảm dần so với các đối thủ, các dịch vụ viễn thông truyền thống đã đạt đến mức bão hòa, khó có cơ hội đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa, nhất là trong xu hướng phát triển mạnh của các ứng dụng OTT (Over-The-Top application) như Facebook, Zalo, Skype, Viber,… sẽ khiến cho doanh thu từ dịch vụ viễn thông truyền thống suy giảm nhanh hơn.
Xuất phát từ những lý do nói trên, cùng với mong muốn đóng góp vào sự phát triển của VNPT Bình Thuận nhằm bắt kịp xu hướng thị trường trong thời gian tới. Tôi chọn chủ đề “Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh dịch vụ viễn thông của VNPT Bình Thuận” để nghiên cứu.
2. Mô hình và giả thuyết nghiên cứu đề xuất
Căn cứ vào các nghiên cứu trước đó cùng mục đích của đề tài, bài nghiên cứu đề xuất mô hình nghiên cứu sau:
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Các giả thuyết nghiên cứu:
Giả thuyết H1(+): Năng lực tài chính có tác động tới năng lực cạnh tranh DVVT của VNPT Bình Thuận.
Giả thuyết H2(+): Năng lực phát triển mạng lưới và hạ tầng số có tác động tới năng lực cạnh tranh DVVT của VNPT Bình Thuận.
Giả thuyết H3(+): Năng lực chất lượng sản phẩm/dịch vụ và cung ứng dịch vụ có tác động tới năng lực cạnh tranh DVVT của VNPT Bình Thuận.
Giả thuyết H4(+): Năng lực tổ chức, quản lý và điều hành có tác động tới năng lực cạnh tranh DVVT của VNPT Bình Thuận.
Giả thuyết H5(+): Năng lực chất lượng nguồn nhân lực có tác động tới năng lực cạnh tranh DVVT của VNPT Bình Thuận.
Giả thuyết H6(+): Năng lực marketing có tác động tới năng lực cạnh tranh DVVT của VNPT Bình Thuận.
Giả thuyết H7(+): Năng lực vô hình (thương hiệu và uy tín của DN) có tác động tới năng lực cạnh tranh DVVT của VNPT Bình Thuận
Giả thuyết H8(+): Năng lực chuyển đổi số có tác động tới năng lực cạnh tranh DVVT của VNPT Bình Thuận.
3. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong bài viết này là phương pháp hỗn hợp, kết hợp cả nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng.
- Nghiên cứu định tính:
Thực hiện phỏng vấn sâu; Xây dựng và phát triển thang đo các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh DVVT của VNPT Bình Thuận; Thiết kế bảng hỏi sơ bộ.
Thời gian nghiên cứu định tính được thực hiện trong 2 tháng, từ tháng 11/2021 đến tháng 12/2021.
- Nghiên cứu định lượng:
Được thực hiện qua 2 giai đoạn: (1) Nghiên cứu định lượng sơ bộ và (2) Nghiên cứu định lượng chính thức, thông qua kiểm định hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha, nhân tố khám phá EFA…
4. Kết quả và phân tích thực trạng năng lực cạnh tranh dịch vụ viễn thông của VNPT Bình Thuận
4.1.Kết quả nghiên cứu định lượng về nhân tố bên trong ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh dịch vụ viễn thông của VNPT Bình Thuận
4.1.1. Kiểm định giá trị của thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha
Kết quả kiểm định cho thấy, với 2 yếu tố về “Năng lực tài chính” và thang đo “chất lượng nguồn nhân lực” có biến quan sát TC2 và NL4 có hệ số tương quan biến tổng lần lượt bằng 0.023 và 0.121 < 0.3 (không đạt yêu cầu của Kiểm định Cronbach’s Alpha). Do đó, tác giả sẽ loại 2 biến quan sát này khỏi 2 thang đo trên để đảm bảo độ tin cậy cho 2 thang đo này trước khi đi vào phân tích nhân tố khám phá EFA.
4.1.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA
a. Các biến độc lập
Bảng 1. Kết quả kiểm định Barlett và KMO cho Biến độc lập
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu khảo sát bằng phần mềm SPSS
Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA cho biến độc lập (Bảng 1) cho thấy: Hệ số KMO là 0.756 > 0.5; Kiểm định Barlett có Sig. = 0.000 < 0.05 cho thấy phân tích EFA phù hợp với dữ liệu khảo sát.
Kết quả phân tích rút trích được 8 nhân tố với tổng phương sai trích khi phân tích khám phá nhân tố cho các biến độc lập là 67.447% (> 50%) cho thấy các nhân tố được trích có thể giải thích 67.447% sự biến thiên của dữ liệu.
Kết quả ma trận xoay của biến độc lập cho thấy các biến quan sát của các nhân tố được trích đều có hệ số tải nhân tố lớn hơn 0.5, vẫn giải thích cho các nhân tố ban đầu khi được gom lại chung trong các nhân tố cho nên tác giả giữ nguyên tên gọi như ban đầu cho các nhân tố.
b. Biến phụ thuộc
Bảng 2. Kết quả kiểm định Barlett và KMO cho Biến phụ thuộc
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu khảo sát bằng phần mềm SPSS
Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA cho biến phụ thuộc (Bảng 2) cho thấy hệ số KMO là 0.845 > 0.5; Kiểm định Barlett có Sig. = 0.000, cho thấy phân tích EFA phù hợp với dữ liệu khảo sát.
Kết quả phân tích EFA rút trích được 1 nhân tố với tổng phương sai trích khi phân tích khám phá nhân tố là 66.936% (> 50%) cho thấy các nhân tố được trích có thể giải thích 66.936% sự biến thiên của dữ liệu.
Kết quả ma trận xoay nhân tố cho Biến phụ thuộc cho thấy các biến quan sát trong nhân tố được trích đều có hệ số tải nhân tố lớn hơn 0.5 và đạt yêu cầu của Kiểm định EFA, gồm 5 biến quan sát: NLCT2; NLCT1; NLCT3; NLCT5 và NLCT4 vẫn đo lường cho nhân tố Năng lực cạnh tranh.
4.2. Kiểm định mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh dịch vụ viễn thông của VNPT Bình Thuận
4.2.1. Kiểm định mức độ phù hợp của mô hình
Bảng 3. Kết quả phân tích ANOVA trong hồi quy
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu khảo sát bằng phần mềm SPSS
Kết quả kiểm định F ở Bảng 3 cho giá trị Sig. = 0.000, phù hợp và mô hình nghiên cứu đề xuất phù hợp với tập dữ liệu khảo sát thu thập được.
Bảng 4. Bảng tóm tắt mô hình hồi quy
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu khảo sát bằng phần mềm SPSS
Kết quả Bảng 4 cho kết quả hệ số R2 hiệu chỉnh bằng 0.643, có nghĩa rằng khả năng giải thích của các nhân tố độc lập giải thích được 64.3% sự biến thiên trong dữ liệu của biến phụ thuộc năng lực cạnh tranh của DN.
4.2.2. Kiểm định các giả thuyết nghiên cứu
Kết quả phân tích hệ số hồi quy cho thấy rằng: giá trị Sig. trong Kiểm định t của các nhân tố độc lập (TC, PT, CL, NL, MA, TH) đều nhỏ hơn 0.05 nên đều ảnh hưởng tuyến tính đến biến năng lực cạnh tranh. Kết quả cũng cho thấy, có 2 nhân tố độc lập (QL, CDS) lần lượt có giá trị Sig. trong Kiểm định t bằng: 0.567 và 0.454 > 0.05, nên không có ảnh hưởng tuyến tính đến năng lực cạnh tranh.
Từ kết quả có được sau phân tích hồi quy, nghiên cứu đi đến kết luận: Có 6 giả thuyết được chấp nhận là H1, H2, H3, H5, H6, H7 và 2 giả thuyết bị bác bỏ là H4 và H8.
4.3. Đánh giá chung
4.3.1. Điểm mạnh năng lực cạnh tranh của VNPT Bình Thuận
VNPT có mạng lưới Trạm phát sóng di động, mạng truyền dẫn cáp quang rộng với nhiều gói dịch vụ mới và các chương trình khác nhau, từ đó giúp doanh thu tăng trưởng ổn định qua các năm. Qua đó, khẳng định được vị trí trên thị trường và các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, mức độ tăng trưởng, nộp ngân sách Nhà nước luôn đạt ở mức cao.
Với việc phủ sóng mạng lưới rộng khắp, VNPT Bình Thuận không chỉ khẳng định được năng lực cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ viễn thông tốt hơn so với đối thủ, mà còn thực hiện nhiệm vụ chính trị về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.
Kết nối được với nhiều cơ quan nhà nước, DN lớn trên địa bàn nên VNPT Bình Thuận có lượng lớn khách hàng sử dụng dịch vụ Internet, dịch vụ điện thoại cố định trong dài hạn.
VNPT Bình Thuận có một đội ngũ cán bộ quản lý tốt, năng lực chuyên môn cao, từ đó giúp VNPT Bình Thuận nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Chiến lược truyền thông hợp lý cùng thương hiệu được khẳng định trong lòng khách hàng, VNPT Bình Thuận thu được lượng khách hàng mới, đưa được thương hiệu của mình ngày càng phát triển trên thị trường.
4.3.2. Điểm yếu, hạn chế năng lực cạnh tranh của VNPT Bình Thuận
Mặc dù được đánh giá là DN có doanh thu, thị phần cao so với các đối thủ trên thị trường Bình Thuận, tuy nhiên trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của VNPT Bình Thuận còn một số hạn chế:
- Việc quy hoạch cấu trúc mạng lưới, quản lý tài sản mạng lưới còn chưa được chú trọng nhiều dẫn đến lãng phí trong sử dụng nguồn lực, hiệu quả khai thác sử dụng chưa cao.
- Chưa mạnh dạn trong đầu tư thêm cơ sở hạ tầng.
- Cơ chế phối hợp nội bộ giữa khối kinh doanh và khối kỹ thuật chưa phù hợp, không có chế tài cụ thể.
- Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kế hoạch kinh doanh của các đơn vị trực thuộc chưa được thực hiện thường xuyên, lực lượng lao động đông, lớn tuổi nhưng chưa đáp ứng đạt chuẩn về khung năng lực của Tập đoàn.
- Công tác đào tạo nâng cao năng lực người lao động đã chú trọng nhưng chưa hiệu quả, không theo kịp sự thay đổi của thị trường.
- Năng lực quản lý và điều hành của một số lãnh đạo cấp trung còn thiếu và yếu.
- Công tác quản lý công nợ khách hàng vẫn còn chưa chặt chẽ, tình trạng khách hàng chây lỳ không thanh toán nợ, lợi dụng sự cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ chuyển sang nhà cung cấp khác dẫn đến tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao.
- Số lượng kênh phân phối ít, hoạt động chưa hiệu quả.
- Trình độ nguồn nhân lực thấp.
- Chất lượng dịch vụ Internet chưa ổn định.
4.3.3. Nguyên nhân của những hạn chế
Do chưa nghiên cứu kỹ thị trường, nhu cầu của khách hàng và đối thủ, nên việc phát triển sản phẩm, đa dạng hóa các gói dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu của khách hàng, do đó doanh thu vẫn thấp hơn so với đối thủ Viettel trên địa bàn.
Chưa có chiến lược giữ vững và phát triển thị trường cụ thể. Những chiến lược mà VNPT Bình Thuận sử dụng hiện nay đều tập trung phát triển thị trường, thu hút khách hàng mới, nhưng không có chiến lược cụ thể để giữ vững thị phần đã đạt được trên thị trường, để mất khách hàng hiện hữu.
Dịch vụ chăm sóc khách hàng còn kém so với đối thủ. Nhiều nhân viên chưa có thái độ tốt với khách hàng, dịch vụ lắp đặt mới và sửa chữa còn chậm so với đối thủ. Cung cách phục vụ khách hàng chưa lấy khách hàng là trung tâm.
Chưa chú trọng đào tạo nguồn nhân lực theo kịp thời CMCN 4.0. Đào tạo nguồn nhân lực của VNPT Bình Thuận còn khá hạn chế.
5. Kết luận và hàm ý quản trị
5.1. Kết luận
Bài viết nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh DVVT của VNPT Bình Thuận. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có 6 yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh DVVT của VNPT Bình Thuận trong giai đoạn 2018-2021, là: năng lực tài chính, năng lực phát triển mạng lưới và hạ tầng số, năng lực chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung ứng, năng lực chất lượng nguồn nhân lực, năng lực marketing, năng lực vô hình (giá trị thương hiệu và uy tín). Đồng thời cũng xác định được các điểm hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của VNPT Bình Thuận.
Từ đó, bài nghiên cứu đề xuất các hàm ý quản trị nhằm giúp VNPT Bình Thuận nâng cao năng lực cạnh tranh DVVT và vị thế của mình trên thị trường trong giai đoạn 2021- 2025.
5.2. Đề xuất các hàm ý quản trị
Thứ nhất, phát huy nội lực và hiệu quả của hoạt động tài chính. Cụ thể, VNPT Bình Thuận cần sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư; tăng cường công tác quản lý công nợ cước dịch vụ VT-CNTT trả sau và xử lý các khoản nợ khó đòi kịp thời; tăng cường công tác quản lý dòng tiền; cần làm tốt công tác quản lý vật tư, hàng tồn kho, thiết bị đầu cuối thu hồi, vật tư thu hồi; ủy quyền, phân cấp sâu sân cho các đơn vị trực thuộc trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế tài chính, công tác báo cáo thống kê, phân tích hiệu quả tài chính; nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác quản lý tài chính kế toán trong toàn đơn vị.
Thứ hai, nâng cao chất lượng mạng lưới viễn thông, hạ tầng số. Cụ thể, xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn tỉnh; quy hoạch nâng cấp mạng di động 4G, phát triển hạ tầng mạng di động 5G; triển khai các giải pháp để phổ cập điện thoại di động thông minh, xây dựng quy định và lộ trình yêu cầu tích hợp công nghệ 4G, 5G; phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến,ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu; phát triển hạ tầng mạng cho Chính phủ số tại địa phương ổn định, an toàn, thông suốt; Cần khẩn trương triển khai nền tảng của hạ tầng số, thanh toán số, Mobile Money, hạ tầng cho chuyển đổi số mạng viễn thông là nền tảng của các nền tảng, bảo đảm một nền tảng viễn thông cũng như nền tảng khác chạy trên mạng viễn thông phải sạch.
Thứ ba, nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Đẩy mạnh đàm phán các thỏa thuận kết nối với các đối tác trong nước và quốc tế; Đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng mạng lưới phải đạt tiêu chuẩn của Bộ Thông tin và truyền thông và tiêu chuẩn của VNPT đưa ra; Cần tăng cường số máy nổ đặt tại các trạm này để đảm bảo chất lượng mạng lưới; Trang bị đầy đủ các thiết bị đo kiểm sóng cũng như chất lượng mạng lưới. Thường xuyên tổ chức đo, kiểm chất lượng mạng lưới để có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời. Dồn đổi các tuyến cáp nhằm tối ưu hóa mạng lưới, nâng cao hiệu suất sử dụng.
Giải pháp nâng cao chất lượng công tác chăm sóc khách hàng: Triển khai tốt công tác nghiên cứu thị trường để tìm hiểu nhu cầu thực sự của khách hàng, nắm bắt cách làm hay của các đối thủ; Đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu của khách hàng trong quá trình chuyển đổi số; Chuẩn hóa lại hệ thống cơ sở dữ liệu khách hàng, tích hợp ghép mã các khách hàng, mã thanh toán căn cứ trên các thông tin về họ tên, địa chỉ thanh toán, số chứng minh nhân dân,…; Phân loại đối tượng khách hàng và bố trí nhân lực chăm sóc phù hợp; cần đào tạo nhân viên bán hàng, chăm sóc khách hàng, các quy tắc ứng xử với khách hàng.
Thứ tư, nâng cao năng lực tổ chức, quản lý và điều hành: Hiện đại hóa quản lý theo hướng đổi mới căn bản mô hình tháp truyền thống, áp dụng linh hoạt các mô hình tổ chức quản lý hiện đại, linh hoạt như mô hình tổ chức mạng lưới, ma trận. Ngoài ra, VNPT Bình Thuận cũng cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Các nhóm giải pháp đó bao gồm: nhóm các giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng các nhà quản lý, nhóm các giải pháp về tạo động lực cho cán bộ, công chức nhằm nâng cao năng lực của các nhà quản lý, điều hành.
Thứ năm, nâng cao năng lực chất lượng nguồn nhân lực: Xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Đột phá trong tư duy sử dụng lao động, áp dụng các phương thức quản trị nhân sự theo các chuẩn mực quốc tế. Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất, biểu dương, tôn vinh cống hiến của nhân viên bằng những danh hiệu vinh dự, xứng đáng và các phần thưởng cao quý của Nhà nước và nhiều hình thức động viên, khích lệ tại đơn vị; Tạo môi trường làm việc thuận lợi cho nguồn nhân lực yên tâm công tác: Công khai hóa và tiêu chuẩn hóa quá trình tuyển dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ sáu, nâng cao năng lực marketing: Xây dựng chiến lược sản phẩm phù hợp, có chiến lược giá cả phù hợp, xây dựng chiến lược thị trường linh hoạt, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thiết lập hệ thống kênh phân phối phù hợp.
Thứ bảy, nâng cao uy tín, thương hiệu: Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ và thái độ phục vụ khách hàng; Thường xuyên tham gia các hoạt động an sinh xã hội, các hoạt động công ích,… Nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của thương hiệu đối với toàn thể người lao động trong đơn vị để mỗi một người lao động là một đại sứ cho việc quảng bá thương hiệu của DN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Tập đoàn VNPT và VNPT Bình Thuận (2021), Báo cáo kết quả kinh doanh các năm 2018, 2019, 2020, 2021 .
- Chu Hoàng Đông, (2016). Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh marketing của Cty TNHH MTV thông tin M1 thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội. Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Trường Đại học Thương mại.
- Huỳnh Thanh Nhã (2015), Đánh giá năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh tế tư nhân tại Thành phố Cần Thơ, Tạp chí Khoa học, 6, 30-36.
- Lê Thị Hằng (2013), Nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ thông tin di động của các công ty viễn thông Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
- Lê Văn Luận, (2020). Nâng cao năng lực cạnh tranh của VNPT Lào Cai. Luận văn Thạc sỹ Kinh tế, Trường Đại học Thái Nguyên.
- Lương Thị Thủy,(2018). Nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ viễn thông của VNPT Quảng Trị. Luận văn Thạc sĩ Khoa học Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Huế.
- Nguyễn Đức Anh, (2020). Giải pháp tài chính nâng cao khả năng cạnh tranh Tập đoàn Viễn thông Viễn thông Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội.
- Nguyễn Mạnh Hùng (2013),"Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam", Luận án TS - Đại học Kinh tế quốc dân.
- Nguyễn Xuân Phú, (2014). Nâng cao năng lực cạnh tranh của Viễn thông Phú Yên đến năm 2020. Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
- Phan Đình Hải, (2015). Nâng cao năng lực cạnh tranh của VNPT Huế. Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Huế.
IMPROVING THE COMPETITIVENESS
OF VNPT BINH THUAN’S TELECOMMUNICATIONS SERVICES
• Assoc.Prof.Ph.D NGUYEN XUAN MINH1
• Master’s student PHAM VAN QUANG2
1Foreign Trade University - Ho Chi Minh City Campus
2Phan Thiet University
ABSTRACT:
This study examines the factors affecting the competitiveness of telecommunications services provided by VNPT Binh Thuan in the period from 2018 to 2021. The study finds out that there are six factors affecting the competitiveness of VNPT Binh Thuan’s telecommunications services, including: financial capacity, network and digital infrastructure development capacity, product quality and service delivery capacity, quality of human resource, marketing capacity, and intangible capacity (brand value and reputation). Based on these results, this study presents some managerial implications to help VNPT Binh Thuan improve the competitiveness of its telecommunications services.
Keywords: competitiveness, telecommunications services, VNPT Binh Thuan.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 5 năm 2022]