TÓM TẮT:
Du lịch sinh thái đang trở thành loại hình du lịch thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Huyện đảo Phú Quý có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nhất là hệ sinh thái biển. Trong những năm gần đây, du khách biết đến huyện đảo Phú Quý ngày càng nhiều. Hòn đảo này có hệ sinh thái biển rất đa dạng và phong phú, với nhiều bãi biển đẹp và phong cảnh hoang sơ. Trong bài viết này, tác giả sử dụng phương pháp SWOT để phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển du lịch sinh thái tại đây. Qua đó, tác giả cũng đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch sinh thái theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.
Từ khóa: du lịch sinh thái, huyện đảo Phú Quý, phát triển du lịch, du lịch, SWOT.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm qua, du lịch sinh thái (DLST) đã và đang phát triển nhanh chóng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Du lịch sinh thái góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng, tạo nguồn lợi kinh tế to lớn cho địa phương. Việt Nam với cảnh quan thiên nhiên đa dạng, giàu tiềm năng để phát triển DLST. Trong đó, Bình Thuận là tỉnh Cực Nam Trung Bộ có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển mạnh loại hình DLST. Đặc biệt, Tỉnh có đảo Phú Quý với diện tích 17,82 km2 đang được Nhà nước quan tâm đầu tư, phát triển thành một trong 6 trung tâm DLST biển đảo của cả nước.
Huyện đảo Phú Quý được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển DLST: các bãi biển, các đảo lân cận, sự đa dạng về sinh học biển, hệ sinh thái biển; tài nguyên nhân văn, các di tích văn hóa gắn liền với cộng đồng dân cư trên đảo. Hiện nay, bước đầu DLST đã được hình thành và phát triển. Hiện đã khai thác được các loại hình tham quan danh lam thắng cảnh, lặn ngắm san hô, câu cá phục vụ nhu cầu giải trí của du khách. Tuy nhiên, tại đây vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập và chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của nó: thiếu chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ của hướng dẫn viên du lịch địa phương; sự tham gia của người dân còn ít; cơ sở hạ tầng còn thiếu;… Vì thế, phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ, thách thức nơi đây để có những định hướng, chiến lược phát triển du lịch hợp lý nhất để đưa DLST tại huyện đảo Phú Quý phát triển theo hướng bền vững là vấn đề cấp thiết.
2. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp điều tra thực địa và xử lý thông tin
Để phục vụ cho việc thu thập tài liệu cho đề tài, tác giả đã tiến hành các đợt khảo sát thực tế và xử lý thông tin để:
- Quan sát ghi nhận hoạt động du lịch, các dịch vụ, các điểm du lịch, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch của huyện đảo Phú Quý.
- Thu thập các thông tin thứ cấp, các số liệu liên quan đến thực trạng và định hướng phát triển du lịch của huyện đảo Phú Quý.
- Tiếp cận các doanh nghiệp, cộng đồng địa phương có tham gia vào hoạt động du lịch.
- Tìm hiểu các cơ chế chính sách của các bên liên quan khi tham gia vào hoạt động du lịch của huyện đảo Phú Quý.
- Trao đổi với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tới hoạt động du lịch tại huyện đảo Phú Quý để có những căn cứ đề xuất các giải pháp phát triển du lịch sinh thái tại đây.
- Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi
Khách du lịch nội địa khi đến tham quan tại huyện đảo Phú Quý. Tổng số mẫu là 250 mẫu. Phương pháp lấy mẫu phi xác xuất thuận tiện. Nội dung điều tra tập trung vào yếu tố hấp dẫn đối với du khách khi chọn du lịch tại huyện đảo Phú Quý; tình hình đi lại ăn ở; nhận định của du khách về tính hiếu khách, sự tham gia vào hoạt động du lịch của người dân địa phương; vấn đề bảo vệ môi trường;…
Sau khi sàng lọc thì còn lại 245 mẫu đối với khách du lịch nội địa. Thời gian lấy mẫu từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2021.
- Phương pháp SWOT
Phương pháp phân tích SWOT là một công cụ tìm kiếm tri thức về một đối tượng dựa trên nguyên lý hệ thống, trong đó:
- Phân tích điểm mạnh (S=strengths), điểm yếu (W=weaknesses) là sự đánh giá từ bên trong, tự đánh giá khả năng của hệ thống trong việc thực hiện mục tiêu, lấy mục tiêu làm chuẩn để xếp một đặc trưng nào đó làm điểm mạnh hay điểm yếu.
- Phân tích cơ hội (O=opportunities), thách thức (T=threats) là các yếu tố bên ngoài chi phối đến mục tiêu phát triển của hệ thống, lấy mục tiêu làm chuẩn để xếp một đặc trưng nào đó của môi trường bên ngoài là cơ hội hay thách thức.
Kết quả của phân tích SWOT là cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển du lịch sinh thái tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.
3. Kết quả và thảo luận
- Sơ nét về tình hình phát triển du lịch tại huyện đảo Phú Quý
Đảo Phú Quý thường được gọi là “hòn ngọc giữa biển khơi”, nằm cách đất liền 56 hải lí theo hướng Đông - Đông Nam, với dân số khoảng 30 nghìn người, gồm 3 xã: Long Hải, Tam Thanh và Ngũ Phụng.
Phú Quý có nhiều bãi tắm đẹp và phong cảnh hoang sơ. Nơi đây có khí hậu trong lành, biển bao bọc xung quanh, nước trong xanh và hệ thống rạn san hô đa dạng, phong phú. Phú Quý có nhiều bãi tắm đẹp như vịnh Triều Dương, bãi doi Dừa, bãi nhỏ Gành Hang,… Phú Quý còn có nhiều danh thắng nổi tiếng với 3 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh, nhiều thắng cảnh đẹp, người dân biển hiền hòa, mến khách. Ngày 16/6/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có Quyết định công nhận Khu du lịch Phú Quý là khu du lịch cấp tỉnh. Phú Quý đang dần trở thành một điểm đến du lịch rất hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Trong năm 2019, đã có gần 42.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến Phú Quý (tăng 117% so với cùng kỳ), tổng thu từ du lịch ước đạt 105 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2030, Phú Quý sẽ đón 74.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế khoảng 6.000 lượt), tốc độ tăng trưởng khoảng 10,46%/năm và tổng nguồn thu từ du lịch đạt khoảng 380 tỷ đồng/năm, giúp giải quyến việc làm cho trên 2.000 lao động.[1]
- Phân tích các kết quả nghiên cứu
Hình 1: Yếu tố hấp dẫn khách du lịch
Qua Hình 1 cho thấy, khách du lịch tìm đến Phú Quý vì phong cảnh thiên nhiên đẹp, hoang sơ chiếm 34.6%, tiếp đến là khí hậu trong lành, mát mẻ (28.6%). Như vậy, khách du lịch đến đây vì khung cảnh thiên nhiên còn hoang dã, đẹp, và môi trường trong lành.
Nguồn: Kết quả điều tra du khách năm 2021, n = 245
Về những hoạt động mà khách du lịch tham gia khi đến đây thường là thưởng thức hải sản trên đảo (88.3%), lái xe máy quanh đảo tham quan các điểm du lịch hấp dẫn (70.5%), tham quan du lịch lồng bè (60.9%), tham gia tắm biển (59.8%)… (Bảng 1). Như vậy, du khách đến đây thường là những đối tượng thành thị, sống xa biển, nên họ có xu hướng quay về vùng biển để được thưởng thức hải sản tươi ngon, được tận hưởng bầu không khí trong lành.
Bảng 1. Các hoạt động của du khách (%)
* Một người có thể chọn nhiều hoạt động
Nguồn: Kết quả điều tra du khách năm 2021, n = 245
Mức độ hài lòng của khách du lịch khi đến đây cho thấy có 59,5% khách hài lòng và rất hài lòng khi đến du lịch tại đảo.
Hình 2: Mức độ hài lòng của khách du lịch (%)
Hình 3: Thông tin về sư quay trở lại, giới thiệu người khác
của du khách (%)
Bảng 2. Sự hài lòng của du khách
Nguồn: Kết quả điều tra du khách năm 2021, n = 245
Nếu dựa vào Bảng 2 ta thấy, đa số du khách hài lòng bởi vẻ đẹp hoang sơ của biển đảo, môi trường trong lành, và họ được thư giãn khi du lịch tại đảo. Tuy nhiên, có đến 13,8% du khách không hài lòng liên quan đến cơ sở lưu trú và ăn uống. Du khách cho rằng các cơ sở ăn uống còn rất đơn giản, kiểu mô hình hộ gia đình, không chuyên nghiệp. Có đến 38% du khách mong muốn hướng dẫn viên du lịch địa phương cải thiện hơn nữa về trình độ hiểu biết chuyên môn của các điểm đến.
Bảng 3. Những mong muốn cải thiện của du khách
- Phân tích SWOT cho du lịch sinh thái tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận
Trên cơ sở các nguồn thông tin đã thu thập được, tác giả đã lập bảng phân tích SWOT về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức cho sự phát triển du lịch sinh thái tại huyện đảo Phú Quý.
Bảng 5. Phân tích SWOT cho sự phát triển du lịch sinh thái
tại huyện đảo Phú Quý
S Strengths |
W Weaknesses |
O Opportunities |
T Threats |
- S1: Đảo Phú Quý có nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ, chưa có sự tác động của con người. - S2: Vùng biển đảo Phú Quý có nguồn hải sản phong phú. - S3: Thời tiết vào mùa gió nam biển dịu êm thích hợp cho hoạt động tắm biển, lặn ngắm san hô; vào mùa gió bấc biển sóng mạnh thích hợp loại hình thể thao lướt sóng mạo hiểm. - S4: Có nhiều danh thắng nổi tiếng với 3 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh. - S5: Phương tiện giao thông kết nối giữa đất liền và đảo ngày một hiện đại - S6: Cuộc sống yên bình, người dân thật thà, thân thiện. - S7: Có sự tham gia của người dân trong việc phát triển du lịch tại địa phương. - S8: Môi trường chưa bị ô nhiễm. |
- W1: Người dân địa phương và khách du lịch chưa có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường. - W2: Chưa có khách sạn hạng sao, nhà hàng sang trọng để phục vụ cho khách có nhu cầu hưởng thụ. - W3: Hướng dẫn viên du lịch địa phương chỉ là tay ngang chứ không trải qua trường lớp hoặc có chứng chỉ hành nghề. - W4: Các loại hình du lịch còn đơn điệu, chưa phong phú. - W5: Chưa có các điểm bán đặc sản, quà lưu niệm để du khách có thể thoải mái đến mua mang về, hiện tại du khách muốn mua đặc sản chỉ có thể liên hệ với chủ nhà nghỉ, khách sạn và sau đó được đóng gói trực tiếp mang đến tàu chứ khách không thể tự tay lựa chọn (tác giả thu thập được sau khi phỏng vấn sâu các du khách). |
- O1: Loại hình DLST ngày một được nhiều du khách lựa chọn. - O2: Số lượng du khách đến Phú Quý ngày một tăng. - O3: UBND tỉnh có chính sách phát triển đảo Phú Quý trở thành khu du lịch cấp tỉnh. - O4: Các nhà đầu tư quan tâm đến các dự án phát triển du lịch đảo Phú Quý. - O5: Tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. - O6: Giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của địa phương đến du khách và đồng thời tiếp thu, học hỏi những nét văn hóa mới. - O7: Công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ các di sản văn hóa, thiên nhiên đang được Nhà nước quan tâm. |
- T1: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất bão gây khó khăn cho việc tàu thuyền đi lại. - T2: Nhận thức của người dân về phát triển du lịch bền vững còn thấp. - T3: Sự phát triển nhanh chóng các khu dân cư làm phá vỡ đi vẻ đẹp hoang sơ của đảo. - T4: Hướng dẫn viên địa phương còn thiếu kinh nghiệm, nghiệp vụ chuyên môn. - T5: Trong những năm gần đây, số lượng du khách tăng rất nhanh làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển. - T6: Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, hoạt động kinh tế chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt hải sản biển. |
4. Đề xuất một số chiến lược phát triển du lịch sinh thái tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận
Sau khi đã làm sáng tỏ SWOT, tác giả mạnh dạn đề xuất các chiến lược phát triển du lịch sinh thái tại huyện đảo Phú Quý với 3 mục tiêu phát triển bền vững là: (1) Bảo tồn thiên nhiên; (2) Hỗ trợ sự tham gia của cộng đồng địa phương; (3) Kinh doanh có lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cao.
Bảng 6. Chiến lược phát triển du lịch sinh thái tại huyện đảo Phú Quý
Chiến lược SO (Strengths - Opprtunities) |
- SO1: Đẩy mạnh phát triển DLST tại huyện đảo Phú Quý. - SO2: Lập dự án kêu gọi các nhà đầu tư vào huyện đảo Phú Quý để phát triển DLST. - SO3: Tuyên truyền lợi ích phát triển DLST cho người dân địa phương. |
Chiến lược WO (Weaks - Opportunities) |
- WO1: Thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tăng cường xây dựng các loại hình dịch vụ mới, các điểm bán quà lưu niệm, đặc sản, và phát triển dịch vụ sẵn có từ người dân. - WO2: Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch địa phương có đầy đủ chuyên môn và chứng chỉ hành nghề du lịch. - WO3: Tạo ra thêm nhiều loại hình du lịch hấp dẫn để thu hút khách tham quan. |
Chiến lược ST (Strengths - Threats) |
- ST1: Hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương tham gia làm DLST. - ST2: Giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức DLST. - ST3: Xây dựng chương trình bảo vệ môi trường. |
Chiến lược WT (Weaks – Threats) |
- WT1: Xây dựng chương trình đào tạo, huấn luyện hướng dẫn viên và người dân địa phương. - WT2: Kêu gọi nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng phát triển bền vững. - WT3: Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải; có kế hoạch quản lý vấn đề ô nhiễm rác thải, nước thải và ô nhiễm không khí trong hoạt động DLST. |
5. Kết luận
Đảo Phú Quý là nơi rất lý tưởng để tổ chức các hoạt động DLST, vì nơi đây mang vẻ đẹp hoang sơ, nguồn hải sản phong phú, đa dạng, con người chân thật, thân thiện. Để DLST tại Phú Quý phát triển theo đúng nghĩa, cần đảm bảo hài hòa các lợi ích giữa kinh tế, môi trường và xã hội; vừa phải hòa hợp giữa khai thác tài nguyên du lịch gắn với bảo tồn; bảo vệ môi trường cảnh quan, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Võ Thị Kim Liên (2017). Phát triển du lịch sinh thái huyện đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Trọng Nhân, Lê Thông (2011). Nghiên cứu phát triên du lịch sinh thái vườn quốc gia Tràm Chim tỉnh Đồng Tháp. Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Cần Thơ 2011:18a, 228-239.
- Phan Thị Dang, Đào Ngọc Cảnh (2014). Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái tại khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư. Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Cần Thơ Số 33 (2014), trang: 46-55,.
A STUDY ON THE DEVELOPMENT OF ECOTOURISM
IN PHU QUY ISLAND, BINH THUAN PROVINCE
Master. VO THI KIM LIEN
Lecturer, Faculty of Tourism, Phan Thiet University
ABSTRACT:
Ecotourism has attracted more and more both domestic and foreign tourists. Phu Quy Island district, Binh Thuan Province has a great potential for ecotourism development, especially sea-based ecotourism. Phu Quy Island has become a popular tourism destination with a large number of visitors in recent years thanks to its diverse and rich marine ecosystems with many beautiful pristine beaches. This paper used the SWOT analysis method to analyze the strengths, weaknesses, opportunities and challenges in the ecotourism development of Phu Quy Island. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to sustainably develop Phu Quy Island’s ecotourism, ensuring the harmony of economic, social and environmental benefits.
Keywords: ecotourism, Phu Quy Island district, tourism development, tourism, SWOT.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 11, tháng 5 năm 2021]