TÓM TẮT:
Nghiên cứu ứng dụng thiết lập mô hình kinh tế lượng về quyết định chi tiêu của khách du lịch nội địa đến Khu du lịch Quốc gia Núi Sam Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Kết quả kiểm định mô hình cho thấy quyết định chi tiêu của du khách chịu tác động bởi mức thu nhập bình quân, độ tuổi, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, thời gian lưu trú, người đi cùng chuyến đi và tổ chức tour kết hợp nhiều điểm đến. Nghiên cứu cũng tạo cơ sở để đưa ra những hàm ý quản trị cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành và cấp quản lí chức năng trong định hướng quảng bá và nâng cao mức chi tiêu của du khách khi chọn loại hình du lịch văn hóa tâm linh.
Từ khóa: du khách nội địa, mô hình kinh tế lượng, quyết định chi tiêu, Khu du lịch Quốc gia Núi Sam.
1. Đặt vấn đề
An Giang là địa phương có nhiều tiềm năng du lịch cả về du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó tiêu biểu là Khu du lịch Quốc gia (KDLQG) Núi Sam nằm trong quần thể Bảy Núi (Thất Sơn) thuộc xã Vĩnh Tế, phường Núi Sam, TP. Châu Đốc. KDLQG Núi Sam đặc biệt nổi tiếng là điểm du lịch văn hóa- tâm linh tín ngưỡng của cả nước với quần thể các di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, tiêu biểu là Miếu Bà Chúa Xứ, Chùa Tây An, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Hang cùng với lễ hội “Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam”. Những địa điểm này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích và tài sản lịch sử văn hóa cấp quốc gia, được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hàng năm thu hút trên 5 triệu lượt khách tham gia. (Bảng 1)
Bảng 1: Lượng khách du lịch đến TP. Châu Đốc giai đoạn 2016 - 2020
(Nguồn: Báo cáo kinh tế - xã hội TP.Châu Đốc)
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả sử dụng mô hình kinh tế lượng về quyết định chi tiêu của du khách nội địa, đồng thời dựa trên kết quả mô hình nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm hướng đến nâng cao mức chi tiêu trung bình/chuyến đi của du khách nội địa khi đến với KDLQG Núi Sam - Châu Đốc.
Nghiên cứu hành vi chi tiêu của khách du lịch đối với điểm đến
2.1 Cơ sở lí thuyết:
Việc nghiên cứu về mức chi tiêu của du khách và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chi tiêu của họ có ý nghĩa quan trọng cả về mặt định hướng xúc tiến quảng bá, quản lí nguồn lực và dự báo của doanh nghiệp du lịch lữ hành cũng như các cấp quản lý về du lịch ở địa phương.
Nội dung nghiên cứu tập trung chủ yếu ở cấp độ vi mô, đi sâu đánh giá các nhân tổ ảnh hưởng đến quyết định chi tiêu của từng du khách trong chuyến đi (thuộc đặc điểm nhân khẩu học, đặc điểm chuyến đi, cảm nhận của du khách về sản phẩm và chất lượng dịch vụ du lịch cung ứng tại KDLQG Núi Sam). Khi nghiên cứu về hành vi chi tiêu của khách du lịch, mức chi tiêu bình quân du khách đóng vai trò quan trọng trong việc đo lường tác động kinh tế của ngành Du lịch đối với một điểm đến.
Với mô hình nghiên cứu trên góc độ vĩ mô, người ta đã loại bỏ tác động của đặc điểm cá nhân đến quyết định chi tiêu. Nghiên cứu rộng hơn, trên thực tế và về lí thuyết hành vi tiêu dùng của khách du lịch, quyết định chi tiêu có thể chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố, như: đặc điểm nhân khẩu học của khách du lịch (thu nhập, độ tuổi, giới tính, học vấn, nghề nghiệp, ...hay đặc điểm chuyến đi (hình thức tổ chức, số lượng người trong đoàn, số lần tham quan,...).
Một nghiên cứu tại tỉnh Khánh Hòa - Nha Trang của tác giả Nguyễn Thị Hồng Đào,(2013) và gần đây của Nguyễn Thị Thanh Tư (2019) nghiên cứu tại Bến Tre cho thấy, các du khách đã kết hôn có mức chi tiêu bình quân thấp hơn với khách độc thân (thấp hơn khoảng 15,7%), du khách đi một mình chi tiêu ít hơn khách đi với cùng nhiều người.
Thời gian lưu trú tại điểm đến có thể ảnh hưởng đáng kể đến mức chi tiêu, số ngày lưu trú có quan hệ cùng chiều với tổng chi tiêu (Agarwal & Yochum, 1999) và quan hệ ngược chiều với chi tiêu bình quân ngày (Taylor & cộng sự, 1993). Mặt khác,về lí thuyết lẫn thực tiễn thì sự cảm nhận hay mức độ hài lòng của du khách đối với chất lượng dịch vụ du lịch và đặc điểm các sản phẩm du lịch tại điểm đến có thể đóng vai trò quan trọng trong hành vi chi tiêu của họ.
2.2 Mô hình nghiên cứu:
Hình 1: Sơ đồ nghiên cứu tổng quát
Mô hình được biểu diễn dưới dạng hàm hồi quy như sau:
Ln(ChiTieui ) = β0 + β1Ln(ThuNhapi )+ β2Tuoi1i + β3Tuoi2i + β4GioiTinhi + β5HonNhani + β6HocVan1i + β7HocVan2i + β8NNghiep1i + β9NNghiep2i + β10Nnghiep3i + β11LuuTru1i + β12LanDeni + β13DiCung1 + β14 KetHop1 + β15Touri + β16SanPham1i + β17SanPham2i + β18DichVu1i + β19DichVu2i + β20XuatXu1i + β21XuatXu2i + ui (1)
Trong đó, biến mục tiêu (biến phụ thuộc) Ln(ChiTieu)i là logarit tự nhiên của mức chi tiêu bình quân ngày của du khách nội địa tại KDL QG Núi Sam - Châu Đốc - An Giang, ui là sai số ngẫu nhiên ui~N(0,δ2).
Mô tả các biến độc lập: Thiết lập và mô tả, mã hóa các biến theo các tầng nấc dưới dạng biến giả (Dummy-biến nhị nguyên có giá trị 0 và 1)
+ Nhóm biến nhân khẩu học: Ln(ThuNhap)i thu nhập bình quân/tháng của du khách lấy logarit tự nhiên; Các biến giả (Dummy Variables): Tuoi1i là độ tuổi (=1 nếu ≤ 35 tuổi, 0 nếu khác); Tuoi2i (=1 nếu từ 36 - 55tuổi, 0 nếu khác); GioiTinhi là giới tính (=1 nếu là nam, 0 nếu là nữ); HonNhani là tình trạng hôn nhân (=1 nếu kết hôn, 0 nếu khác); HocVan1i là trình độ học vấn (=1 nếu tốt nghiệp đại học, 0 nếu khác); HocVan2i (=1 nếu tốt nghiệp sau đại học, 0 nếu khác); NNnghiep1i (=1 nếu là học sinh - sinh viên, 0 nếu khác); NNghiep2i (=1 nếu là viên chức nhà nước, 0 nếu khác); Nnghiep3i (=1 nếu làm kinh doanh, 0 nếu khác).
+ Biến đặc điểm chuyến đi: LuuTru1i là thời gian lưu trú (=1 nếu chỉ 1 - 2 ngày, =0 nếu khác); LanDeni là số lần đến du lịch Núi Sam (=1 nếu đến lần đầu, = 0 nếu từ 2 lần trở lên); DiCungi là người đi cùng du khách (=1 nếu đi một mình, =0 nếu đi cùng người thân/bạn bè/đồng nghiệp); KetHopi là việc kết hợp chuyến đi du lịch thêm các điểm khác ngoài Núi Sam (=1 nếu có, =0 nếu không); Touri là hình thức tổ chức chuyến đi (=1 nếu tổ chức theo tour, = 0 nếu khác).
+ Biến cảm nhận của du khách về sản phẩm và dịch vụ: SanPham1i là cảm nhận của du khách về mức độ phong phú đa dạng của các sản phẩm du lịch (=1 nếu hài lòng, =0 nếu khác); SanPham2i, (=1 nếu bình thường, =0 nếu khác); DichVu li là cảm nhận của du khách về chất lượng dịch vụ du lịch (=1 nếu hài lòng, =0 nếu khác); DichVu2i (=1 nếu hài lòng bình thường, =0 nếu khác); XuatXu1i là xuất xứ của du khách (=1 nếu từ TP. Hồ Chí Minh, =0 nếu đến từ nơi khác); XuatXu2i (=1 nếu từ miền Đông Nam bộ hoặc Nam bộ, =0 nếu nơi khác).
3. Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu:
Nghiên cứu này sử dụng mô hình tuyến tính Log-Log. Nghiên cứu sử dụng phần mềm Eview 11.0 cho phân tích định lượng. Để đáp ứng tiêu chuẩn mô hình hồi quy dùng cho nghiên cứu. Theo Fredman (2008), đối với mô hình về chi tiêu của khách du lịch nên chọn dạng hàm tuyến tính log vì liên quan đến bản chất của mối quan hệ giữa các biến cũng như tính chính xác của các ước lượng.
Đối với N. Gujarati (2003), những chuỗi dữ liệu có thang đo biến thiên lớn (như số liệu doanh thu, chi phí quảng cáo, thu nhập,...) nên sử dụng mô hình log-log, semi-log hoặc xử lý các biến bằng sai phân. Theo đó, so với các dạng hàm khác như hàm tuyến tính và hàm bán logarit thì dạng hàm hồi quy tuyến tính log có thể kiểm soát được vấn đề dữ liệu không phân phối chuẩn và phương sai có hiện tượng thay đổi (Heteroskedasticity).
Nghiên cứu này được thực hiện tại Châu Đốc, An Giang. Phương pháp lấy mẫu thuân tiện, đối tượng là khách du lịch nội địa đã đến KDLQG Núi Sam (chủ yếu từ các tỉnh, thành khác phía Nam và vào mùa Lễ Vía Bà - tháng 4 Âm lịch). Sau khi xem xét quy định của mẫu đối với mô hình hồi quy bội: Kích thước mẫu tối thiểu n= 8p+50, trong đó p là số biến độc lập tham gia mô hình, (Fidell& Tabachnick,2003) Vậy số lượng mẫu phù hợp yêu cầu đưa vào nghiên cứu là 210 (với p =20). Để nâng cao độ tin cậy của mô hình kích thước mẫu được chọn là 400 khách, thu được kết quả hợp lệ 392 mẫu. Mô tả mẫu nghiên cứu được trình bày trong bảng 2.
Bảng 2. Mô tả thống kê mẫu nghiên cứu
Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra của nhóm tác giả (2020)
4. Kiểm định và phân tích mô hình nghiên cứu
4.1. Kiểm định mô hình
Tiến hành kiểm định tổng quát mô hình hồi quy về sự phù hợp của mô hình (kiểm định ANOVA), hệ số R2 điều chỉnh cho thấy các biến độc lập tham gia có khả năng giải thích được 74,17% sự biến thiên về mức chi tiêu của du khách. Giá trị P-value tương ứng với F rất nhỏ (P =0.000<0.05) nên mô hình hồi quy xác lập là phù hợp.
Hình 1: Kiểm định sai số (phần dư) của mô hình theo phân phối chuẩn
Nguồn: Tác giả xử lý trên phần mềm Eviews 9.0
Với giá trị P-value (Jarque-Bera) = 0.068 > 0.05 cho thấy ở mức ý nghĩa 5%, sai số thỏa mãn điền kiện tuân theo phân phối chuẩn.
Hình 2: Kiểm định White về tính chất phương sai của sai số thay đổi (Heteroskedasticity):
Nguồn: xử lý trên phần mềm Eviews 11.0
P-value của đại lượng kiểm định = 0.0001<0.05 cho thấy ở mức ý nghĩa 5% mô hình xảy ra hiện tượng phương sai sai số thay đổi (thường xảy ra đối với phương pháp chọn mẫu thuận tiện và số liệu chéo).
Hình 3: Kiểm định tự tương quan của sai số mô hình (kiểm định Breusch-Godfrey)
Nguồn: Xử lý trên phần mềm Eviews 11.0
P-value của đại lượng kiểm định = 0.2514 > 0.05 Ở mức ý nghĩa 5% kết luận mô hình không xảy ra hiện tượng tự tương quan của sai số trong mô hình. Kết quả hệ số VIF, cho thấy các hệ số Phương sai phóng đại VIF đều nhỏ hơn 10 nên có thể kết luận hiện tượng đa cộng tuyến không có ảnh hưởng đáng kể đến mô hình. (Bảng 3)
Bảng 3. Kết quả ước lượng mô hình hồi quy tuyến tính log-log
Nguồn: Ước lượng từ dữ liệu khảo sát với Eviews 11.0 (2020)
4.2. Phân tích kết quả và kiểm định mô hình nghiên cứu
4.2.1. Đặc điểm nhân khẩu học và quyết định chi tiêu của du khách
Kết quả ước lượng mô hình lần 2 cho thấy, các đặc điểm nhân khẩu học đóng vai trò quan trọng trong quyết định chi tiêu của du khách nội địa tại Núi Sam.
Đối với tình trạng hôn nhân: Theo hệ số hồi quy chuẩn hóa được xếp hạng trong Bảng 3 cho thấy tình trạng hôn nhân của du khách được đánh giá thứ 10/12 biến có mức tác động đến chi tiêu của du khách trong chuyến đi. Hệ số ước lượng của biến mang dấu âm và có ý nghĩa thống kê ở mức 5%, điều này cho thấy, các khách du lịch đã kết hôn có mức chi tiêu bình quân cao hơn 8,5% so với những khách du lịch còn độc thân (e-0,088839 – 1 = 0,0850), với điều kiện các yếu tố khác không thay đổi. Kết quả tưởng tự của Mak & cộng sự (1977), Đỗ Ngọc Hân (2017), vì vậy có thể lý giải những du khách đã lập gia đình khi đi hành hương về Núi Sam thường có nhiều khoản chi tiêu tài chính cho yếu tố tâm linh so với đối tượng độc thân chủ yếu đi tham quan du lịch.
Đối với độ tuổi của du khách: Độ tuổi của du khách cũng có ảnh hưởng đáng kể đến quyết định chi tiêu trong chuyến đi và được đánh giá mức độ ảnh hưởng cao hơn tình trạng hôn nhân của du khách 1 bậc. Hệ số ước lượng của biến Tuoi1i và Tuoi2i đều mang dấu âm và có ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Điều này cho thấy, du khách càng lớn tuổi có chi tiêu bình quân cao hơn du khách trẻ và trung niên (tương tự kết quả của Jang & cộng sự (2004), Mak & cộng sự (1977) và Đỗ Ngọc Hân (2017), Nguyễn Thị Thanh Tư (2019)). Với điều kiện các yếu tố khác không đổi thì nhóm du khách có độ tuổi từ dưới 35 so với mức từ 36-55 tuổi có mức chi tiêu bình quân thấp hơn 14,98% (e-0.162339 – 1 = -0.1498). Nhóm du khách có độ tuổi từ dưới 36-55 có mức chi tiêu bình quân thấp hơn 7,29% so với nhóm du khách trên 55 tuổi (e-0.07571 – 1 = -0.0729), với điều kiện các yếu tố khác không đổi.
Đối với thu nhập bình quân của du khách (LnIncome): Trong bảng 3, có thể thấy thu nhập bình quân của du khách có hệ số hồi chuẩn hóa được xếp thứ ba về mức ảnh hưởng đến quyết định chi tiêu của du khách, đây là kết quả không nằm ngoài kì vọng vì thu nhập được xem là yếu tố quan trọng quyết định mức chi tiêu của du khách trong các nghiên cứu trước (Jang & cộng sự (2004), Nguyễn Thị Hồng Đào (2013), Đỗ Ngọc Hân (2017)). Với hệ số hồi quy dương và có ý nghĩa thống kê cao đến mức chi tiêu (P value = 0.000). Trong mô hình tuyến tính log thì hệ số hồi quy đồng thời là hệ số co giãn nên nếu thu nhập tăng 1% thì mức chi tiêu của khách du lịch sẽ tăng tương ứng 21,44% với điều kiện các yếu tố khác không đổi.
Đối với nghề nghiệp của du khách: Mức chi tiêu của du khách cũng có sự khác biệt tùy vào nghề nghiệp của họ, theo kết quả trong mô hình hồi quy nghiên cứu chính thức ở Bảng 3, từ biến Nnghiep 01 và Nnghiep 03 có ý nghĩa thống kê mức 5%. Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi thì nhóm du khách là sinh viên học sinh được đánh giá có mức ảnh hưởng đến chi tiêu của du khách thấp hơn nhóm du khách là công nhân viên chức là 18,28% (e-0,16789 – 1 = -0,1828); và nhóm du khách có nghề nghiệp là doanh nhân có mức chi tiêu thấp hơn các nhóm khác khoảng 17,41%(e-0,160465 – 1 = -0,1741).
Đối với sự kết hợp điểm đến khác trong chuyến đi của du khách và số người đi cùng: Từ Bảng 3 cho thấy, hai biến KetHop chiếm vị trí quan trọng thứ hai trong 12 biến có ảnh hưởng chi tiêu của du khách đến KDL Núi Sam – Châu Đốc, nó có hệ số âm, điều này nói lên trong các điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu khách du lịch nội địa đến KDL Núi Sam có kết hợp với một vài điểm tham quan khác thì mức chi tiêu sẽ giảm khoảng 18,75% so với du khách chỉ đến Núi Sam duy nhất trong hành trình (e-0.20761 – 1 = -0,1875).
Biến số người đi cùng DiCung có hệ số âm, có ý nghĩa thống kê mức 5%. Điều này nói lên trong các điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu khách du lịch nội địa đến KDL Núi Sam đi một mình thì quyết định đến mức chi tiêu cho chuyến đi giảm 14,33% so với chuyến đi có nhiều người tham gia (e-0,1546 – 1 = -0,1433).
Đối với xuất xứ của du khách: Xuất xứ du khách cũng có ảnh hưởng đáng kể đến quyết định chi tiêu trong chuyến đi, với kết quả khảo sát thì biến xuất xứ XuatXu01 và XuatXu02 là một trong các biến có mức tác động cao nhất đến chi tiêu cho chuyến đi đến KDLQG Núi Sam, đặc biệt là biến XuatXu02 (xếp hạng 1/12 biến). Trong kết quả ước lượng hai biến xuất xứ đều có ý nghĩa thống kê ở mức 5%, với hệ số ước lượng mang dấu dương cho thấy trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh có mức chi tiêu cao hơn nhóm du khách đến từ Miền Đông Nam bộ và Nam bộ là 9,25% (e0,088496 – 1 = 0,0925). Mức chi tiêu của du khách đến từ Đông Nam bộ và Nam bộ lại có mức chi tiêu cao hơn nhóm du khách đến từ các tỉnh Trung bộ và Bắc bộ là 28,43% (e0,250245 – 1 = 0,0798520).
4.2.2. Cảm nhận về sản phẩm dịch vụ du lịch và quyết định chi tiêu của du khách
Theo mô hình hồi quy nghiên cứu chính thức Bảng 3, cảm nhận và đánh giá của du khách về sản phẩm dịch vụ du lịch tại điểm đến là yếu tố quan trọng tác động đến quyết định chi tiêu trong chuyến đi của họ.
Đối với cảm nhận sự đa dạng của sản phẩm du lịch: Theo kết quả ước lượng thì hệ số ước lượng của 2 biến về cảm nhận sự đa dạng của sản phẩm du lịch tại KDLQG Núi Sam, thì biến SanPham1 có giá trị dương và có ý nghĩa thống kê mức 5% cho thấy quan điểm đánh giá về sản phẩm du lịch không quá khắt khe. Nhóm du khách cảm nhận đánh giá hài lòng đối với sự đa dạng, phong phú của các sản phẩm du lịch tại KDLQG Núi Sam có mức chi tiêu cao hơn 18,89% so với những du khách cảm nhận đánh giá bình thường và không hài lòng (e0,173028 – 1 = 0,1889) trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi.
Đối với cảm nhận về chất lượng dich vụ du lịch: Đối với chất lượng dịch vụ du lịch cũng có ảnh hưởng đáng kể đến mức chi tiêu của du khách. Theo kết quả ước lượng thì hệ số ước lượng của biến DichVu1i có giá trị dương và có ý nghĩa thống kê cao (mức ý nghĩa 5%). Điều này cho thấy, nhóm du khách đánh giá hài lòng và chất lượng dịch vụ du lịch có mức chi tiêu cao hơn so với những du khách đánh giá bình thường hoặc không hài lòng về chất lượng du lịch là 20,08% (e0.183005 – 1 = 0,2008) trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi. Đúng theo lý thuyết hành vi khách du lịch, sự đánh giá của du khách về sản phẩm dịch vụ tác động đến chi tiêu khi họ thực sự cảm thấy hài lòng.
5. Một số hàm ý quản trị:
Thứ nhất, đầu tư thu hút phân khúc du khách chủ lực: Đầu tư thu hút phân khúc du khách có xuất xứ từ TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ, du khách có thu nhập cao. Phân tích từ kết quả ước lượng của mô hình cho thấy du khách nội địa có hành vi chi tiêu khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm nhân khẩu học và đặc điểm chuyến đi. Từ kết quả này có thể gợi ý về cách tổ chức phân khúc thị trường nội địa dựa trên xuất xứ nguồn khách cho thấy lượng khách đến từ TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ có mức chi tiêu cao hơn hẳn các nhóm khách từ các nơi khác..
Đối với đối tượng du khách lớn tuổi và du khách đi du lịch cùng bạn bè, người thân, qua nghiên cứu cho thấy có mức chi tiêu cao hơn các đối tượng khác. Họ thường đi du lịch theo đoàn và có nhu cầu cao về tâm linh tín ngưỡng, có nhu cầu giao lưu tìm hiểu lịch sử địa phương, có nhu cầu tham gia trong các hoạt động vui chơi, mua sắm, lưu trú qua đêm.
Để thu hút đối tượng du khách này, cần đẩy mạnh kênh kết nối với các công ty lữ hành trong nước và thiết kế các chương trình, sản phẩm du lịch có nhiều không gian cho các hoạt động tập thể, khai thác các lợi thế sẵn có của địa phương (du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp miệt vườn, du lịch lễ hội, du lịch làng nghề, tour sông nước, trung tâm mua sắm khu vực biên giới, v.v...). Các doanh nghiệp du lịch cần thực hiện những nghiên cứu sâu hơn về các đặc điểm, nhu cầu của đối tượng du khách tiềm năng này để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp.
Do đó, địa phương cần xem xét đặc điểm, nhu cầu của phân khúc khách để đáp ứng mức độ thỏa mãn cao nhất, đặc biệt trong mùa lễ hội đầu năm lượng khách đến tập trung, đông, cần có sự tăng cường hỗ trợ an toàn, tăng cường các tiện ích giúp cho du khách thoải mái trong chuyến đi (chỗ lưu trú, nhà hàng, quán sá, cửa hàng kinh doanh đặc sản,...).
Đối với phân khúc du khách có mức thu nhập cao, để kích thích du khách chi tiêu lớn hơn, các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở cung ứng dịch vụ tại địa phương trong xây dựng chiến lược kinh doanh cần đa dạng hóa dòng sản phẩm dịch vụ cao cấp;Đầu tư nâng cấp các cơ sở phục vụ hiện có, xây dựng cácKDLQG sinh thái văn hóa cao cấp tại khu vực Núi Sam và vùng sông nước để tạo thêm điểm đến mới, kéo dài thời gian lưu trú của khách,...
Thứ hai, đầu tư và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch: Qua hai chỉ tiêu về sản phẩm và chất lượng dịch vụ khảo sát trực tiếp thấy tỷ lệ thực sự hài lòng của du khách chỉ trên 55%. Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, những du khách hài lòng về tính đa dạng của sản phẩm du lịch có mức chi tiêu bình quân cao hơn 20% so với các du khách khác. Tuy nhiên, việc tổ chức phát triển các sản phẩm hiện nay để phục vụ du lịch vẫn còn bất cập như: sản phẩm chưa phong phú về mẫu mã, còn thiếu tính đặc thù địa phương khiến cho việc thu hút chi tiêu của du khách khó phát triển. Do vậy, các cấp quản lý cần có chính sách khuyến khích, tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các làng nghề, cơ sở sản xuất với doanh nghiệp và khách du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm và thu hút chi tiêu của du khách.
Các doanh nghiệp và cấp quản lý du lịch cần quan tâm đến chiến lược đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch nhằm kích thích tiêu dùng và gia tăng nguồn thu từ phân khúc thị trường khách du lịch nội địa. Bên cạnh sản phẩm chính hiện nay là du lịch tâm linh, núi rừng sông nước du lịch làng nghề, du lịch nhà vườn,... KDLQG Núi Sam cần phát huy lợi thế vừa có Núi Sam vừa có sông Hậu khai thác phát triển các sản phẩm du lịch khám phá cảnh quan, du lịch sông nước, kênh rạch nhà vườn, ...
Bổ sung các sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương như hàng lưu niệm gốm sứ, sơn mài, sự kiện lễ hội, du lịch văn hóa - tâm linh, lễ hội văn hóa ẩm thực địa phương, dịch vụ mua sắm, vui chơi giải trí,… Đặc biệt cần nghiên cứu các loại hình thể thao khám phá, cắm trại, chèo thuyền dọc sông Hậu, ở vùng núi Sam, du lịch thưởng ngoạn trên kênh rạch, hồ để thu hút đối tượng là học sinh - sinh viên.
Thứ ba, chú trọng phát triển các sản phẩm ẩm thực, hải sản nước ngọt phục vụ du lịch: Châu Đốc nằm trên ngã ba sông Mekông đổ từ Biển Hồ về Việt Nam, vốn nổi tiếng với sản phẩm ẩm thực như các loại mắm việt, mắm Thái, hải sản khô, các loại bánh trái... Cần khuyến khích các thành phần xã hội tham gia khai thác tiềm năng ẩm thực, đẩy mạnh phát triển về các ngành nghề chế biến thực phẩm đặc thù địa phương.
Thứ tư, đầu tư, liên kết phát triển loại hình du lịch sinh thái rừng tràm ngập nước, du lịch nông nghiệp, du lịch tham gia hội chợ kinh tế biên mậu: Nhờ hệ thống sông ngòi chằng chịt với hơn 70 tuyến sông trên địa bàn Châu Đốc, chưa tính các rạch và kênh nước lớn nhỏ, nhân tạo và tự nhiên. Nhiều khu vực mật độ sông nước dày đến mức chiếm 70% diện tích khu vực. Điều này đem đến nhiều giá trị kinh tế, đất đai phì nhiêu dễ trồng trọt, dễ chăn nuôi thủy, hải sản. Hiện đã có nhiều khu du lịch trang trại sinh thái hình thành (ECO Farm).
Ngoài ra, Châu Đốc còn có lợi thế là nằm sát biên giới Campuchia, gần Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, là khu vực mua bán trao đổi hàng hóa qua biên giới sầm uất, vùng nuôi cá bè lớn trên sông của vùng tứ giác Long Xuyên, một trung tâm kinh tế năng động nhất của cả nước. Châu Đốc có thể tận dụng những lợi thế này để liên kết xây dựng các tour, điểm du lịch, các loại hình du lịch mới gắn với du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch Homestay,... Để đưa Châu Đốc và KDLQG Núi Sam trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách với các loại hình du lịch gắn với các loại hình du lịch đặc thù.
Thứ năm, khai thác tài nguyên du lịch nhân văn phục vụ lễ hội tín ngưỡng dân gian truyền thống: Vùng Châu Đốc gắn liền với nhân vật lịch sử Thoại Ngọc hầu, người tiên phong mở đất và tổ chức đào kênh Vĩnh Tế, trở thành Thần Hoàng của vùng đất rộng lớn này.
So với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Châu Đốc là địa phương giàu tài nguyên văn hóa nhân văn. Hiện có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng là di tích cấp quốc gia trong đó đáng kể là di tích Miếu Bà Chúa Xứ gắn với mùa lễ hội tháng 4AL, Lăng mộ Thoại Ngọc Hầu. Các nguồn tài nguyên du lịch nhân văn vật thể, phi vật thể đang còn lưu giữ trong cộng đồng là các nguồn tài nguyên văn hóa vô giá cần nghiên cứu khai thác hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh,lễ hội tín ngưỡng truyền thống dân gian, khôi phục đờn ca tài tử,... trong đó lấy KDLQG Núi Sam làm điểm nhấn trung tâm.
Tài liệu tham khảo:
- Agarwal, B., and Yochum, G. R. (2000). Determinants of Tourist Spending”, In A. G. Woodside & cộng sự (Eds.). Consumer Psychology of Tourism, Hospitality and Leisure, 1, 311- 330.
- Alegre, J., & Pou, L. (2004). Micro-Economic Determinants of the Probability of Tourism Consumption. Tourism Economics, 10(2), 125-144.
- Đinh Kiệm (2009). Bài giảng Kinh tế lượng Ứng dụng. TP. Hồ Chí MinhĐại học Tài chính Marketing.
- Damodar N. Gujarati. (2004). Basis Econometrics - Third Edition. USA: The McGraw Hill Company
- Downward, p., & Lumsdon, L. (2003). Beyond the Demand for Day-Visits: An Analysis of Visitor Spending. Tourism Economics, 9(1), 67-76.
- Frechtling, D. c. (2006). An Assessment of Visitor Expenditure Methods and Models. Journal of Travel Research, 45(1), 26-35.
- Nguyễn Thị Hồng Đào. (2013). Nghiên cứu Mô hình kinh tế lượng về Quyết định chi tiêu của du khách nội địa đến Nha Trang - Khánh Hòa. Tạp chí Kinh tế Phát triển, 2014.
- Nguyễn Thị Thanh Tư. (2019). Ứng dụng Mô hình kinh tế lượng về Quyết định chi tiêu của du khách nội địa đến Bến Tre, Tạp chí Công Thương, 2019.