TÓM TẮT:
Bài viết này tổng hợp một số kết quả thuộc đề tài: “Nghiên cứu mô hình lập kế hoạch hệ thống thông tin chiến lược cho các trường đại học công lập - vận dụng thí điểm cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”, cụ thể là kết quả nghiên cứu về sự ảnh hưởng của Technology Foresight tới việc lập kế hoạch hệ thống thông tin chiến lược trong trường đại học. Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng bao gồm: Phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu và phương pháp nghiên cứu định tính.
Từ khóa: lập kế hoạch hệ thống thông tin chiến lược, Technology Foresight.
1. Đặt vấn đề
Trên cơ sở nghiên cứu tổng quan về lập kế hoạch hệ thống thông tin chiến lược (LKHHTTTCL), tác giả đã xây dựng được mô hình lý thuyết LKHHTTTCL cho các trường đại học công lập Việt Nam. Mô hình được xây dựng, phát triển dựa trên quy trình 5 pha (5 yếu tố) của tác giả Piccoli và 1 yếu tố mới dựa trên cách tiếp cận Foresight hay Technology Foresight (nhìn trước tương lai công nghệ), bao gồm: (1) Kế hoạch chiến lược của trường đại học, (2) Nhìn trước tương lai công nghệ, (3) Đánh giá và kiểm định chất lượng các hệ thống thông tin (HTTT), (4) Tầm nhìn các HTTT, (5) Định hướng phát triển các HTTT và (6) Đề xuất thực hiện các mục tiêu chiến lược [2, 5, 6, 4].
Trong số 6 yếu tố trên, yếu tố mới: “Technology Foresight” được tác giả đưa vào mô hình bởi các lí do sau:
- Technology Foresight đã được nhiều nước trên thế giới quan tâm, triển khai rộng rãi và được coi là một công cụ chính sách quan trọng.
- Mục tiêu tổng quát của Technology Foresight là để xác định các công nghệ đang nổi lên mà có thể mang lại những lợi ích kinh tế và xã hội lớn nhất, trong đó bao gồm cả lĩnh vực giáo dục đại học, từ đó đặt ra thứ tự ưu tiên đầu tư cho các hoạt động khoa học và đổi mới trong trường đại học.
- Technology Foresight được liên kết tới việc hình thành chiến lược.
Để nghiên cứu sự ảnh hưởng của Technology Foresight tới việc LKHHTTTCL trong trường đại học, tác giả tập trung giải quyết và làm rõ 3 vấn đề sau:
- Những công nghệ ảnh hưởng tới việc LKHHTTTCL của trường đại học trong tương lai.
- Đánh giá mức độ ảnh hưởng của công nghệ tới việc LKHHTTTCL của trường đại học.
- Những công nghệ có ảnh hưởng nhiều nhất tới việc LKHHTTTCL của trường đại học.
2. Phương pháp nghiên cứu
Các phương pháp nghiên cứu chính được tác giả sử dụng gồm có: Phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu và phương pháp nghiên cứu định tính.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu được sử dụng trong việc tổng quan nghiên cứu, các tài liệu được tham khảo bao gồm sách, báo, tạp chí được lưu hành bởi các nhà xuất bản, các trường đại học có uy tín và các cơ quan chức năng trong nước. Khi phân tích và tổng hợp tài liệu đều có trích dẫn và minh chứng liên kết tới các tài liệu tham khảo cụ thể. Ngoài ra, phương pháp này còn được sử dụng trong việc xác định cây chủ đề, thiết kế danh mục thông tin cần thiết,...
- Phương pháp nghiên cứu định tính được sử dụng trong việc: (1) Thu thập nguồn dữ liệu sơ cấp từ các cuộc phỏng vấn, thảo luận với các chuyên gia công nghệ thông tin từ các trường đại học Việt Nam, (2) Xử lý và phân tích dữ liệu sơ cấp và thứ cấp.
Số lượng chuyên gia được phỏng vấn và xin ý kiến: 21 chuyên gia công nghệ thông tin từ 14 trường đại học công lập Việt Nam.
Phần lớn nội dung phỏng vấn của các chuyên gia đều được tác giả ghi lại thành các file âm thanh dưới sự cho phép của các chuyên gia (16 chuyên gia), 4 chuyên gia yêu cầu ghi tay và không cho phép ghi âm, 1 chuyên gia gửi phần trả lời câu hỏi qua email. Thông tin về các chuyên gia đều được bảo mật, nội dung các cuộc phỏng vấn chỉ được sử dụng trong mục đích nghiên cứu và không sử dụng vào các mục đích khác. Tác giả thực hiện công việc “gỡ băng” bằng cách nghe các file âm thanh và nhập lại các nội dung bằng phần mềm Microsoft Word. Các dữ liệu được tác giả tổng hợp và phân tích dựa trên phần mềm Microsoft Excel.
Số lượng câu hỏi phỏng vấn chuyên gia liên quan tới sự ảnh hưởng của Technology Foresight tới việc LKHHTTTCL trong trường đại học: 03/22.
3. Nội dung nghiên cứu, kết quả và thảo luận
Sau khi tiến hành phỏng vấn, thảo luận với 21 chuyên gia từ 14 trường đại học nhằm nghiên cứu sự ảnh hưởng của Technology Foresight tới việc LKHHTTTCL trong trường đại học, tác giả đã tổng hợp được kết quả như sau:
Bảng 1. Những công nghệ ảnh hưởng tới việc LKHHTTTCL
của trường đại học trong tương lai
Trong Bảng 1, tác giả đã tổng hợp được 35 công nghệ mà theo ý kiến của các chuyên gia là ảnh hưởng tới việc LKHHTTTCL của trường đại học trong tương lai.
Bảng 2. Đánh giá mức độ ảnh hưởng của công nghệ tới việc LKHHTTTCL
của trường đại học
Trong Bảng 2, chỉ có 1/21 chuyên gia (chiếm tỉ lệ 4,76%) không đưa ra ý kiến về việc công nghệ có ảnh hưởng tới việc LKHHTTTCL của trường đại học, không có chuyên gia nào cho rằng công nghệ ít ảnh hưởng tới việc LKHHTTTCL của trường đại học, 3/21 chuyên gia (chiếm tỉ lệ 14,29%) cho rằng công nghệ có ảnh hưởng tới việc LKHHTTTCL của trường đại học. Có 10/21 chuyên gia (chiếm tỉ lệ 47,62%) cho rằng công nghệ có ảnh hưởng nhiều, khá ảnh hưởng, ảnh hưởng lớn tới việc LKHHTTTCL của trường đại học. Có 8/21 chuyên gia (chiếm tỉ lệ 38,1%) cho rằng công nghệ có ảnh hưởng rất nhiều, rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn tới việc LKHHTTTCL của trường đại học. Ở Bảng 2, tổng số các ý kiến đánh giá của chuyên gia là 22 người là do có 1 chuyên gia đưa ra ý kiến đánh giá mức độ ảnh hưởng của 2 công nghệ ở 2 mức độ khác nhau (1 công nghệ là có ảnh hưởng và 1 công nghệ là có ảnh hưởng rất lớn).
Bảng 3. Những công nghệ có ảnh hưởng nhiều nhất tới việc LKHHTTTCL
của trường đại học
Trong Bảng 3, tác giả đã tổng hợp được 26 công nghệ mà theo ý kiến của các chuyên gia là có ảnh hưởng nhiều nhất tới việc LKHHTTTCL của trường đại học, trong đó 2 công nghệ có ảnh hưởng nhiều nhất tới việc LKHHTTTCL của trường đại học là: (1) Trí tuệ nhân tạo: 13/21 chuyên gia, (2) Dữ liệu lớn, khai phá dữ liệu và phân tích dữ liệu: 12/21 chuyên gia.
4. Kết luận
Từ các kết quả đã được tổng hợp ở trên có thể thấy rằng yếu tố Technology Foresight có ảnh hưởng nhiều tới việc LKHHTTTCL của trường đại học, đặc biệt khi LKHHTTTCL, các trường đại học cần chú trọng tới 2 công nghệ: (1) Trí tuệ nhân tạo và (2) Dữ liệu lớn, khai phá dữ liệu và phân tích dữ liệu. Cả 02 công nghệ này đều thuộc nhóm công nghệ kỹ thuật số - là nhóm công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ xếp vào trong danh mục các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 [3, 1]. Tác giả hi vọng những kết quả này sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích, có giá trị về mặt khoa học và có thể vận dụng vào thực tiễn tại các trường đại học Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Khoa học Công nghệ (2018), Quyết định số 3685/QĐ-BKHCN, ngày 03/12/2018 về việc ban hành Danh mục các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0.
- Gabriele Piccoli. (2008). Information Systems for Managers: Text and Cases. Địa điểm xuất bản: John Wiley & Sons, Inc.
- Klaus Schwab (2016), Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nhà xuất bản Rạng Đông, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Maree Conwa. (2007). Overview of Foresight Methodologies. Thinking Futures, 1-10.
- Trần Thọ Đạt (2013), Foresight và cách tiếp cận Foresight trong xây dựng chiến lược nguồn nhân lực giảng dạy công nghệ thông tin, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
- United Nations Industrial Development Organization. (2005). Technology Foresight. Austria: UNIDO.
A RESEARCH ON THE INFLUENCE OF TECHNOLOGY FORESIGHT ON STRATEGIC INFORMATION SYSTEMS PLANNING AT UNIVERSITIES
Master. DAO ANH PHUONG
Hanoi National University of Education
Student at K36 - National Economics University
ABSTRACT:
This article summarizes some results of the research named “Research on strategic information system planning model for public universities: Pilot application for Hanoi National University of Education” including the influence of Technology Foresight on strategic information systems planning at universities. The research used analytical, document synthesis and qualitative research methods.
Keywords: strategic information system planning (SISP), Technology Foresight.