TÓM TẮT:
Trong thời gian đầu hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam đã dựa vào một trong những lợi thế thu hút vốn FDI, đó là chi phí sản xuất thấp với nhân công giá rẻ. Song theo thời gian, lao động rẻ không còn là lợi thế và sự hấp dẫn như trước đây, nhất là trong thời đại khoa học công nghệ đang dần bộc lộ điểm yếu đó là sự thiếu bền vững. Vậy nguyên nhân do đâu và đâu là giải pháp căn bản, toàn diện để Việt Nam đối mặt với thách thức và đứng vững trong công cuộc hội nhập kinh tế toàn cầu sẽ được bài viết luận bàn.
Từ khóa: Lao động giá rẻ, hội nhập, năng suất lao động, chất lượng lao động.
1. Bối cảnh hiện nay
Công cuộc tìm kiếm các nước có chế tạo chi phí thấp đã thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm những thị trường có nguồn lao động dồi dào, giá rẻ. Tuy nhiên giờ đây, các nhà đầu tư lại luôn mong muốn kiếm tìm những địa điểm có thể giúp họ tiếp cận với lực lượng lao động chất lượng cao và có khả năng sáng tạo. Mức lương ngành Dệt may Việt Nam hiện tại từ 402 - 604 USD, tương đương từ 8,4 - 12 triệu đồng mỗi tháng, tăng 12% so với năm 2015. Con số này chỉ bằng gần một nửa so với Malaysia (725 - 1.019 USD/tháng) và bằng một phần tư so với mức lương trung bình ngành Dệt may tại Singapore. Tuy nhiên, con số này lại cao hơn nhiều so với chi phí nhân công của Lào, Campuchia, Myanmar, Bangladesh hay Sri Lanka. Các nước này sẽ cạnh tranh về chi phí nhân công và sẽ ngày càng làm suy giảm thị phần chế tạo chi phí thấp của Việt Nam. Hơn nữa, lợi thế so sánh về chi phí nhân công rẻ của Việt Nam sẽ bị giảm đi đáng kể khi so sánh giữa năng suất lao động và chi phí tiền lương. Chúng ta thử cùng so sánh với các con số dưới đây:

Qua bảng 1 ta có thể thấy, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam chỉ bằng khoảng 5% so với của Singapore, về tiền lương trả cho người lao động của Việt Nam cũng chỉ khoảng 5%. Lợi thế của NSLĐ so với tiền lương của Singapore là 27,23, trong khi ở Việt Nam cũng chỉ khoảng gấp 29 lần. So với các nước Malaysia, Thái Lan, Philipine và Indonesia con số này tương ứng là 57,5; 40,46; 46,46 và 54,52… Vậy có thể thấy rõ một thực tế, ngay giai đoạn này Việt Nam đã mất đi lợi thế so sánh về lao động giá rẻ… Chi phí tiền lương của chúng ta thấp, nhưng NSLĐ lại vào hàng rất thấp. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), NSLĐ của nước ta thuộc nhóm thấp nhất trong các quốc gia của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Giai đoạn đầu hội nhập chủ yếu dựa vào lợi thế cạnh tranh là nhân công giá rẻ. Nguồn lực chính cho tăng trưởng là tăng cơ học, thêm người, thêm việc làm, thêm thu nhập, nhưng hiện nay Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về năng suất lao động. Nguồn lực chính cho tăng trưởng đang dần cạn kiệt, nguồn lực tạo lợi thế cạnh tranh là nhân công giá rẻ cũng hao mòn dần. Việt Nam đang ở ngưỡng cửa mới, để phát triển, chúng ta cần tập trung tăng năng suất tại tất cả ngành Nông nghiệp, Công nghiệp và Dịch vụ… để có thể tăng chuỗi giá trị. Sản xuất hàng hóa với nhân công rẻ không thể nào giúp Việt Nam tăng trưởng trong tương lai mà chính là năng suất và chất lượng lao động.
2. Nguyên nhân kìm hãm năng suất lao động
Để tìm hiểu nguyên nhân của việc kìm hãm NSLĐ cần hiểu rõ bản chất và các nhân tố tác động đến NSLĐ.
NSLĐ là chỉ tiêu đo lường số lượng sản phẩm hoặc giá trị sản phẩm mà một người lao động thực hiện trong một đơn vị thời gian (giờ, ngày, tháng…). NSLĐ là yếu tố quyết định đến mức thu nhập và mức sống của người lao động. Và quan trọng nhất, NSLĐ là một trong những yếu tố quan trọng tạo ra năng lực cạnh tranh của chúng ta trong cuộc chơi quốc tế. Qua bảng 1, NSLĐ của Việt Nam rất thấp chỉ bằng 1/18 NSLĐ của Singapore, bằng 1/6,5 Malaysia, 1/3 Thái Lan. Trong khu vực ASEAN, hiện tại NSLĐ của Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar, Camphuchia và đang xấp xỉ với Lào. Những nhân tố ảnh hưởng đến NSLĐ, theo giáo trình giảng dạy của Trường Đại học Kinh tế quốc dân bao gồm: các nhân tố về con người; về tổ chức lao động và môi trường.
a. Các nhân tố gắn với bản thân người lao động
- Trình độ văn hóa;
- Trình độ chuyên môn;
- Tình trạng sức khỏe;
- Thái độ lao động;
- Kỷ luật lao động;
- Cường độ lao động;
- Tinh thần trách nhiệm;
- Sự gắn bó với doanh nghiệp.
b. Các nhân tố gắn với tổ chức quản lý lao động
- Phân công lao động;
- Tiền lương, tiền thưởng;
- Tổ chức phục vụ nơi làm việc;
- Thái độ cư xử của người lãnh đạo;
- Bầu không khí làm việc của tập thể.
c. Các yếu tố thuộc về môi trường lao động
- Môi trường tự nhiên;
- Điều kiện lao động.
Các nhân tố đều rất quan trọng, nhưng rõ ràng chúng ta có thể tác động trước hết và trên hết là các nhân tố chủ quan. Thực tế cho thấy chỉ khi nào người lao động, người quản lý có kiến thức và trình độ nghề nghiệp thì mới tiếp cận, nhanh chóng tiếp thu, vận dụng sáng tạo những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào việc làm ra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, năng suất cao. Yếu tố tổ chức và môi trường cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Gắn liền với người lao động để tăng NSLĐ là công cụ sản xuất, máy móc thiết bị có công nghệ, kỹ thuật ngày càng cao; công cụ sản xuất, máy móc thiết bị hiện đại cùng với quy trình sản xuất và quản lý tiên tiến làm giảm bớt những chi phí trung gian. Khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, phải luôn gắn liền với tổ chức bộ máy quản lý, điều hành hợp lý có trình độ cao; quá trình hợp lý hóa sản xuất sẽ thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy người lao động làm việc hiệu quả hơn.
2.1. Cơ cấu lao động theo ngành theo thành phần kinh tế lạc hậu, bất hợp lý đã kìm hãm tăng năng suất lao động
Hiện nay, ở Việt Nam, nông nghiệp là ngành có lao động chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng việc làm với 44,1% (2015), tuy nhiên NSLĐ của ngành này ở mức rất thấp. NSLĐ ngành Nông nghiệp ước tính chỉ bằng 1/3,5 năng suất ngành Công nghiệp và khoảng 1/2,5 năng suất ngành Dịch vụ. Đây là một trong các yếu tố kéo giảm NSLĐ của nước ta.

Công nghiệp là nhóm ngành có NSLĐ cao nhất trong 3 nhóm ngành với tỷ trọng lao động chiếm 22,8% tổng việc làm năm 2015. Tốc độ tăng năng suất của nhóm này không ổn định, giảm trong 3 năm 2007 - 2010, phục hồi mạnh trong năm 2010-2015. Trong cả giai đoạn 2007-2015, tốc độ tăng năng suất chậm nhất, chỉ 1,44%/năm. Dịch vụ là nhóm ngành có tỷ trọng lao động tăng đều qua các năm và đến năm 2015 đạt 33,1% tổng việc làm. Tốc độ tăng năng suất của nhóm ở mức 2%/năm.
Xem xét NSLĐ theo thành phần kinh tế có
thể thấy rõ hơn trong bảng 3.

Khu vực ngoài nhà nước chiếm 86 % tổng việc làm là khu vực có NSLĐ rất thấp bằng 56% NSLĐ chung. Trong khi đó khu vực nhà nước chiếm 9,8% việc làm của nền kinh tế có NSLĐ bằng 3,1 lần NSLĐ chung. Khu vực có NSLĐ cao nhất là khu vực đầu tư nước ngoài bằng 5,7 lần NSLĐ chung nhưng lao động khu vực này chỉ bao phủ 4,2% lao động có việc làm cả nước. Nhìn chung, các thành phần kinh tế đều có tốc độ tăng NSLĐ ổn định ở mức 3-4%/năm. Cơ cấu kinh tế theo thành phần kinh tế cũng là một yếu tố kéo giảm NSLĐ.
3.1. Chất lượng nhân lực và vấn đề đào tạo
Một trong những nguyên nhân được ILO đưa ra là do nước ta chỉ có khoảng gần 20% lao động được đào tạo chuyên môn; đa số không có đủ chất lượng chuyên môn, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thị trường.

Trình độ chuyên môn có được cải thiện nhưng rất chậm, đặc biệt nhóm chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ khá cao và chậm được cải thiện. Trung bình nhóm chưa qua đào tạo mỗi năm chỉ cải thiện được 1,3 % trong khi nhóm cao đẳng và đại học tốc độ thay đổi khoảng hơn 8%/năm.
2.2. Đa số người lao động làm việc mà họ không thấy vui
Công việc không phù hợp với chuyên môn, kỹ năng và đặc biệt là lòng đam mê của họ, nhiều khi họ làm công việc không yêu thích; môi trường làm việc thiếu thân thiện, chuyên nghiệp và hợp tác, thiếu tôn trọng, không ghi nhận thành tích và đặc biệt là họ không nhìn thấy con đường phát triển ở phía trước,… do vậy làm ảnh hưởng xấu tới năng suất cao và chất lượng lao động.
2.3. Phần lớn các cơ quan, doanh nghiệp chưa nghiên cứu và áp dụng các phương pháp quản trị hiệu quả
Hiện nay phần lớn các cơ quan, doanh nghiệp áp dụng phương pháp quản trị theo “cảm tính”. Nhà quản lý chưa xây dựng được một hệ thống quản trị phù hợp, không cho nhân viên nhìn thấy được con đường mà họ phải đi, công việc họ phải làm, chưa thực sự lôi cuốn người lao động vào công việc, đặc biệt cho thấy họ sẽ được gì nếu kết quả tốt, nghĩa là chưa thực sự tạo động lực làm việc.
2.4. Doanh nghiệp chưa chú trọng đến công tác đào tạo và phát triển nhân viên
Người lao động chưa biết rõ về yêu cầu công việc, tiêu chuẩn cần đạt, dẫn đến thiếu sự chủ động và sáng tạo trong công việc, chưa hiểu nghề và thiếu gắn bó.
2.5. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh còn hạn chế
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tỷ lệ tăng GDP bình quân hàng năm khá cao. Tuy nhiên, chủ yếu là tăng cơ học, tăng do gia tăng số lượng yếu tố đầu vào. Gia tăng về yếu tố công nghệ yếu tố hiệu quả còn quá chậm, đặc biệt về mặt công nghệ. Tỷ trọng các ngành sử dụng công nghệ cao chỉ chiếm 12-13%, ngành sử dụng công nghệ trung bình khoảng 10%, ngành công nghệ thấp chiếm trên 60%. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, phần lớn doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở nước ta đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ; có 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ những năm 1960 - 1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang… Nhóm ngành sử dụng công nghệ cao mới đạt khoảng 20%, trong khi đó ở Singapore là 73%, Malaysia là 51% và Thái Lan là 31%.
Ngoài ra, chính sách tiền lương, hệ thống thang bảng lương còn nhiều bất cập, chậm được đổi mới, chưa tạo động lực cho việc tăng NSLĐ.
3. Một số giải pháp tăng năng suất lao động, duy trì và tăng cường tăng lực cạnh tranh của Việt Nam
Các giải pháp dưới đây tập trung vào tháo gỡ các nguyên nhân kìm hàm NSLĐ đã chỉ ra ở phần trên.
Một là, tăng cường ứng dụng, đổi mới công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.
Nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, Chính phủ cần hỗ trợ, khuyến khích DN, tổ chức, cá nhân chú trọng đổi mới, ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, từ đó nâng cao NSLĐ, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì 2% tổng chi ngân sách, Nhà nước cần tích cực huy động nguồn lực từ xã hội, chủ yếu từ DN bằng việc quy định bắt buộc các DN phải dành một tỷ lệ nhất định trong thu nhập trước thuế để đầu tư cho KH&CN; tổ chức lại hệ thống nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho DN; phát huy liên kết 3 nhà (nhà nước - nhà khoa học - DN) để ứng dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất.
Hai là, đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững; Tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng cao, những ngành có hàm lượng công nghệ cao; Thúc đẩy cơ cấu lại DN và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa; giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, DN và của cả nền kinh tế; phát triển kinh tế tri thức; Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh; Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực có NSLĐ thấp sang khu vực NSLĐ cao, tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn (nơi đang tập trung tới gần 70% lực lượng lao động) gắn với vấn đề đào tạo, dạy nghề, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng lao động công nghiệp; Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ KH&CN; phát triển kinh tế trang trại, sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng lớn, có hàm lượng công nghệ lớn.
Ba là, nhanh chóng nâng cao chất lượng nhân lực.
Giải pháp trước mắt cũng như lâu dài là cần nâng cao chất lượng nhân lực Việt Nam, tập trung vào một số công việc sau:
Đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân theo hướng hội nhập quốc tế cả về nội dung, phương pháp giảng dạy, thi cử sát hạch và quản lý giáo dục. Trang bị cho người học đầy đủ kiến thức từ lý thuyết đến thực hành, kỹ năng mềm, đưa nhân lực Việt Nam nhanh chóng tiếp cận trình độ quốc tế cả về chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng liên quan.
Tổ chức tốt công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay trên ghế nhà trường.
Nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng và triển khai hệ thống trung tâm thông tin, dự báo cung cầu nhân lực quốc gia; làm tốt công tác dự báo về nhu cầu nhân lực đến từng ngành/lĩnh vực của nền kinh tế theo từng giai đoạn, thời kỳ làm căn cứ cho người học có cơ sở lựa chọn ngành nghề, các cơ sở đào tạo chủ động tiến hành đào tạo; người sử dụng lao dộng dễ dàng tiếp cận nguồn lao động phù hợp theo yêu cầu.
Bốn là, tổ chức và quản lý lao động.
Công tác đào tạo mới là điều kiện cần để có chất lượng lao động, còn vấn đề tổ chức và sử dụng lao động trong từng doanh nghiệp sẽ quyết định yếu tố đủ. Thông qua việc xác định lại công việc giúp tạo động lực thúc đẩy nhân viên làm việc có hiệu quả.
Truyền đạt sự nhiệt tình đến các thành viên trong tổ chức. Cảm xúc rất dễ lây lan. Sự nhiệt tình lạc quan của người lãnh đạo về công việc khiến những người khác đưa ra nỗ lực nhiều hơn.
Đối xử với các đồng nghiệp với sự tôn trọng. Các nhà lãnh đạo đặt ra câu hỏi quan trọng cho cấp dưới và lắng nghe các câu trả lời - sẽ có được mức năng suất cao hơn. Các nhà lãnh đạo luôn luôn tìm kiếm ý kiến của một người cấp dưới trước khi thể hiện ý kiến của riêng mình nhiều khả năng đạt năng suất cao từ cá nhân người cấp dưới đó.
Thể hiện sự đánh giá cao và ghi nhận. Thành ý đánh giá cao từ một người lãnh đạo tạo ra một môi trường làm việc tích cực và đã được chứng minh có một mối liên hệ trực tiếp đến năng suất.
Đóng vai trò tích cực trong sự phát triển của cấp dưới. Dành thời gian chỉ dẫn nhân viên có liên quan chặt chẽ với năng suất làm việc của họ.
Năm là, đẩy mạnh công cuộc cải cách chính sách tiền lương, lấy tiền lương làm động lực thúc đẩy tăng NSLĐ.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tiền lương đối với khu vực DN theo nguyên tắc thị trường; gắn tiền lương của DN nhà nước với NSLĐ và hiệu quả kinh doanh của DN.
Thiết kế thang lương, bảng lương đảm bảo bản chất là thước đo giá trị lao động xã hội, phản ánh mức độ phức tạp của công việc mà người lao động đảm nhận, được dùng làm căn cứ xếp lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo chức danh, tiêu chuẩn công việc đang làm và xếp lương khi điều động, luân chuyển.
Nghiên cứu áp dụng cơ chế hợp đồng làm việc đối với cả hai đối tượng công chức và viên chức; áp dụng phương pháp đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức như đối với lao động khu vực DN ngoài quốc doanh, DN FDI.
Nghiên cứu, từng bước áp dụng cơ chế tuyển chọn, quản lý, sử dụng, sa thải lao động trong khu vực công giống như khu vực DN ngoài nhà nước.
Tóm lại, muốn chủ động trong cuộc chơi hội nhập, nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định. Do vậy, mục tiêu xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao tiệm cận khu vực và thế giới mới là nhu cầu cần kíp để các nhà đầu tư nhìn nhận Việt Nam là một thị trường để phát triển, chứ không chỉ là một xưởng gia công giá rẻ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lao động giá giá rẻ không còn là lợi thế. http://congluan.vn/lao-dong-gia-re-khong-con-la-loi-the/
2. PGS.TS. Nguyễn Ngọc Quân và ThS. Nguyễn Vân Điềm: Quản trị nhân lực (Tái bản 2). Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân 2012.
3. https://sokhcn.vinhphuc.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/KinhTeChinhTri/View_Detail.aspx?ItemID=2207
4. Niên giám thống kê các năm 2010-2015. Tổng cục Thống kê.
CAUSES AND SOLUTIONS FOR VIETNAM TO OVERCOME
THE END OF ITS CHEAP LABOUR FORCE
Assoc.Prof.Ph.D. PHAM THI THU HA
School of Economics and Management,
Hanoi University of Science and Technology
ABSTRACT:
In the beginning of the international economic integration process of Vietnam, the country relied on low-cost production with a cheap labour force to lure foregin direct investmen (FDI). However, over time the cheap labour force has not been an attractive factor of Vietnam to FDI, particularly in the context of technological development. The cheap labour factor has been considered unsustainable factor for the growth of Vietnam. This study gives explanations and proposes pragmatic and comprehensive solutions for Vietnam to overcome challenges arising during the country’s international economic integration process.
Keywords: Cheap labour, integration, productivity, labor quality.
Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây