Nguyễn Văn Linh - người tìm tòi, khảo nghiệm và kiến tạo công cuộc đổi mới đất nước

ThS. PHẠM VĂN LƯƠNG (Trường Đại học Giao thông Vận tải)

TÓM TẮT:

Đổi mới là một quá trình đầy khó khăn phức tạp, đòi hỏi phải có quá trình tìm tòi khảo nghiệm. Đất nước ta trong những năm 80 của thế kỷ XX, đứng trước cuộc khủng hoảng về kinh tế - xã hội. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, dân tộc ta đã vượt qua được những khó khăn thử thách. Bài viết nghiên cứu những công lao vô cùng to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Người tìm tòi, khảo nghiệm và kiến tạo công cuộc đổi mới đất nước.

Từ khóa: Nguyễn Văn Linh, đổi mới, người lãnh đạo, người đứng đầu.

1. Đặt vấn đề

Sự nghiệp đổi mới ở nước ta đang đi vào chiều sâu và đạt được những thành tựu to lớn, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong hành trình lịch sử đó, chúng ta không thể không nhắc tới công lao của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Không phải ngẫu nhiên mà tên tuổi đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn liền với hai chữ “Đổi mới”.

Trong suốt cuộc đời mình, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn là người cộng sản kiên định và sáng tạo. Với những công lao vĩ đại đối với lịch sử dân tộc và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, khi đồng chí qua đời, Đảng ta trân trọng đánh giá: “Đồng chí đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau ở địa phương và cơ quan Trung ương, dù ở đâu, làm việc gì, đồng chí cũng đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân, luôn luôn trau dồi kiến thức và lắng nghe ý kiến đồng bào, đồng chí, quan tâm tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ và góp phần xây dựng các quan điểm, đường lối của Đảng”[1].

2. Tuổi trẻ hoạt động cách mạng

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tên khai sinh là Nguyễn Văn Cúc[2] và sau này lấy bí danh Mười Cúc[3], đồng chí sinh ngày 01/7/1915, quê ở xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên; Đồng chí từ trần ngày 27/4/1998[4]

Đồng chí sớm tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí đã 2 lần bị bắt và đày ra Côn Đảo. Lần thứ nhất vào năm 1930, khi còn ở tuổi vị thành niên, khi rải truyền đơn chống đế quốc, đồng chí bị địch bắt, kết án tù chung thân và đày đi Côn Đảo, năm 1936 đồng chí được trả tự do, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và tiếp tục hoạt động cách mạng. Lần thứ 2 vào đầu năm 1941, đồng chí bị địch bắt ở Vinh, sau đó đưa về Sài Gòn xử án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai, đồng chí luôn nêu cao khí phách bất khuất kiên cường và rèn luyện bản lĩnh cách mạng. Chính tại nơi đây đã giúp đồng chí trưởng thành và trở thành nhà cách mạng xuất sắc của Đảng. Khi nói về những ngày bị giam cầm ở đây, đồng chí có hồi tưởng lại: “Côn Đảo, cái địa ngục trần gian ấy, đã trở thành trường học đào tạo cả về văn hóa và đặc biệt là về cách mạng cho chúng tôi”[5].

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí quay về Nam bộ để hoạt động cách mạng. Đồng chí giữ nhiều cương vị chủ chốt trong suốt 30 năm kháng chiến ở miền Nam như quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục. Mỗi bước đi lên thắng lợi của phong trào cách mạng miền Nam đều có vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí tiếp tục gắn bó sự nghiệp với công cuộc xây dựng thành phố Hồ Chí Minh ở cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt nhất vào tháng 12/1986, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn liền với lịch sử cách mạng của nhân dân ta, đất nước ta qua nhiều thời kỳ. Nhưng đặc biệt nhất khi nói về đồng chí Nguyễn Văn Linh, chúng ta phải luôn khẳng định đồng chí chính là người đã có công rất lớn tìm tòi, khảo nghiệm và kiến tạo công cuộc đổi mới đất nước.

3. Tìm tòi khảo nghiệm đường lối đổi mới

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Nguyễn Văn Linh được giao trọng trách là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, Trưởng ban Dân vận - Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam.

Tháng 12/1981 trở lại, đồng chí làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 2, với quyết tâm phải thực hiện được Nghị quyết số 01-NQ/TW, Bộ Chính trị xác định mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh sau giải phóng: “từ một thành phố tiêu thụ chuyển sang một thành phố sản xuất, từ kinh tế phục vụ chiến tranh và hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài chuyển sang kinh tế độc lập, phục vụ dân sinh và tiến lên chủ nghĩa xã hội”[6]. Đây cũng là thời điểm, việc áp dụng một cách thụ động, chủ quan, duy ý chí, mang nặng tính áp đặt cơ chế kinh tế mới, cộng thêm các yếu tố khách quan như mất hẳn thị trường và nguồn cung cấp máy móc, nguyên vật liệu từ phương Tây và Nhật Bản, sự rút lui của bộ phận đáng kể tư sản Hoa Kiều, ảnh hưởng chính sách cấm vận của Mỹ… đã làm cho năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất-kinh doanh ngày càng suy giảm. GDP của Thành phố Hồ Chí Minh những năm 1976 - 1980 chỉ ở mức bình quân 2,2%/ năm[7]. Thời kỳ này, phân phối lưu thông trở nên rối ren, đời sống cán bộ và nhân dân khó khăn, tình hình tư tưởng cũng xấu đi rất nhanh.

Với nhiệm vụ phải vực dậy nền kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh, làm đầu tàu cho nền kinh tế của phía Nam và của cả nước, phương châm hành động của đồng chí Nguyễn Văn Linh đó là áp dụng cáctừ kinh nghiệm trong quản lý điều hành và qua nghiên cứu khảo sát thực tế, với tư duy nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra lối thoát và phát triển. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã nhận thấy rằng một số chính sách kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế của ta đã lỗi thời, muốn tháo gỡ khó khăn, phải tìm ra cách làm ăn mới, hợp quy luật, hợp lòng người. Đồng chí đã cùng tập thể Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành nhiều đợt công tác củng cố tổ chức cơ sở Đảng và hệ thống chính quyền các cấp, lấy hiệu quả làm trọng tâm và là thước đo trong quản lý, lãnh đạo. “Trả về cho sản xuất sự vận hành đúng quy luật của nó”[8]. Điều đó được đồng chí coi là biện pháp hữu hiệu để tạo ra những chuyển biến tích cực của các cơ sở sản xuất và cả nền kinh tế.

Sau khi có Nghị quyết Trung ương 6, khóa IV (tháng 8/1979) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện một số mô hình đổi mới trong sản xuất và kinh doanh như các xí nghiệp Dệt Thành Công, Phong Phú, Thắng Lợi, Công ty bột giặt miền Nam, Xí nghiệp thuốc lá, Dược phẩm 2/9,… Những mô hình mới này đã áp dụng chế độ lương khoán sản phẩm; tự tìm tòi tháo gỡ những khó khăn về vật tư, nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm và đã làm ăn có lãi. Sau khi thí điểm, tổng kết bài học kinh nghiệm từ Xí nghiệp dệt Thành Công, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đề nghị Thành ủy cho phép nhân diện rộng điển hình. Ông cho rằng, muốn sản xuất “bung ra”, các doanh nghiệp phải được giao quyền tự chủ, phải phá bỏ cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp. Mô hình của Dệt Thành Công đã lan tỏa ra nhiều các xí nghiệp khác trên khắp thành phố. Sau một thời gian ngắn, nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh có những bước chuyển động lớn, mang tính đột phá, hàng chục nghìn cơ sở sản xuất nhỏ và sản xuất gia đình trước đó bị đình trệ đã được khôi phục và hoạt động trở lại, một số mô hình công tư hợp doanh mới được thử nghiệm. Theo số liệu của Viện Kinh tế Hồ Chí Minh, cuối năm 1985, trong bối cảnh cả nước chưa thoát khỏi khủng hoảng, Thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 6% dân số cả nước đã đóng góp 19% tổng sản phẩm xã hội và 17,4 thu nhập quốc dân của cả nước.[9] Trong giai đoạn 1984 – 1985, sản xuất công nghiệp của thành phố có bước tiến vượt bậc, so với năm 1976, giá trị tổng sản lượng đã tăng 78%, trong đó nhóm cơ khí (nhóm 1) chiếm tỉ trọng rất cao (20% tổng sản lượng) và thành phần kinh tế quốc doanh chiếm tỉ trọng khoảng 50% giá trị. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp cũng có bước phát triển vượt bậc, chiếm 50% giá trị tổng sản lượng toàn thành phố và chiếm gần 50% giá trị sản lượng trên toàn quốc[10]. Nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước “bung ra”, từng bước loại bỏ dần cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp.

Đặc biệt, với tư duy gần dân, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Linh đã cho phép tổ chức một hình thức sinh hoạt diễn đàn gọi là Câu lạc bộ Giám đốc. Câu lạc bộ này chủ trương tập hợp có chọn lọc các cách làm nhằm tháo gỡ những khó khăn do cơ chế tập trung quan liêu bao cấp áp đặt lâu nay, tìm cho được mô hình: kinh doanh phải có lãi, xí nghiệp không chỉ đứng vững trên cơ sở vật chất cũ mà qua mỗi chu kỳ sản xuất phải thực hiện cho được tái sản xuất mở rộng, đời sống cán bộ, công nhân viên được từng bước ổn định và cải thiện[11]. Qua hơn 20 lần sinh hoạt, Câu lạc bộ đã thu hút rất đông đảo người dự và phát biểu, những khái niệm về mô hình mới như Kế hoạch ba phần, Xí nghiệp - cơ sở vệ tinh, và loại hình công tư hợp doanh... đã hình thành.

Với những kết quả đạt được của quá trình tìm tòi khảo nghiệm ở Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7/1983 tại Đà Lạt, Đồng chí Nguyễn Văn Linh và Thành ủy Thành phố đúc kết, tổng hợp báo cáo các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Thành phố Hồ Chí minh đã “báo cáo về những việc đã làm của chúng ta trong thời gian qua, cũng như những khó khăn tồn tại để Bộ Chính trị có thêm cơ sở thực tiễn để đề ra đường lối chính sách mới”[12]. Trong buổi báo cáo này, các giám đốc một số xí nghiệp có những sản phẩm thiết yếu cho đời sống, làm ăn có hiệu quả, được trực tiếp báo cáo tình hình hoạt động thực tế trên tinh thần năng động, sáng tạo tìm ra các làm ăn mới mang lại hiệu quả kinh tế, theo những chủ trương của thành phố trong thời gian qua. Với những giá trị mang lại cho sự nghiệp đổi mới của Đảng, có thể nói rằng “sự kiện Đà Lạt” (1983) có mối quan hệ hữu cơ đến công cuộc đổi mới sau này của Đảng.

Để chuẩn bị cho Đại hội VI, Ban Bí thư Trung ương đã có Quyết định số 1509/VPTƯ ngày 10/5/1986 phân công nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị[13] nghiên cứu cải tiến và đổi mới quản lý kinh tế. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được phân công tổng kết kinh nghiệm ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tháng 6/1986, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Bí thư và được phân công Thường trực Ban Bí thư. Với tư duy lý luận mới và quá trình khảo nghiệm thực tiễn, đồng chí Nguyễn Văn Linh và tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa V đã chỉ đạo chặt chẽ xây dựng các văn kiện trình Đại hội VI của Đảng, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đường lối đổi mới của Đảng tại Đại hội lần thứ VI.

4. Kiến tạo đường lối đổi mới đất nước

Tháng 12/1986, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội lần thứ VI. Với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Đảng đã thẳng thắn phê phán những sai lầm khuyết điểm và hoạch định đường lối đổi mới toàn diện. Đại hội cũng đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư. Để có thể xoay chuyển tình hình, nhiệm vụ trước mắt của Đảng là: ổn định tình hình kinh tế - xã hội; ổn định và cải thiện từng bước đời sống vật chất và văn hóa cho nhân dân.

Thực hiện chủ trương của Đảng, nhưng cần bắt đầu từ đâu, lựa chọn vấn đề nào làm khâu đột phá để chuyển biến toàn bộ nền kinh tế - xã hội?. Với trí tuệ, bản lĩnh và những kinh nghiệm thực tiễn, được sự nhất trí của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã lựa chọn phân phối, lưu thông làm chủ đề cho Hội nghị Trung ương lần thứ 2 (tháng 4/1987), lấy đó làm mũi đột phá để tháo gỡ những rối ren nhằm ổn định tình hình kinh tế và ổn định đời sống nhân dân. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 2 đã có tác động mạnh đến quá trình sản xuất và lưu thông, tháo gỡ những ách tắc cho “đầu vào” và “đầu ra” của sản xuất, đã xử lý đúng đắn các lợi ích kinh tế để tạo ra động lực cho sản xuất phát triển. Thực hiện mở rộng giao lưu hàng hóa, xóa bỏ “ngăn sông, cấm chợ”, biện pháp này đã có tác dụng to lớn và tức thời đối với nhiều nơi; tình trạng khan hiếm nhiều loại hàng hóa đã được khắc phục bước đầu. Các vấn đề tiền lương, giá cả... đã dần được giải quyết, “đây là một trong những nhân tố rất quan trọng đưa nước ta từng bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội”[14]. Lạm phát giảm dần, từ 3 con số năm 1987 xuống còn 61% năm 1991; lưu thông tiền tệ dần được ổn định. Cuối năm 1988, thực hiện trả lương bằng tiền mặt, bỏ chế độ tem phiếu; từ nền kinh tế hiện vật chuyển dần sang kinh tế hàng hóa, điều tiết theo thị trường với sự quản lý hướng dẫn của Nhà nước. Đời sống nhân dân bước đầu được cải thiện.

Trong đổi mới cơ cấu kinh tế, đồng chí Nguyễn Văn Linh xác định, phải lấy mặt trận nông nghiệp làm khâu đột phá. Đặc biệt, là chủ trương cải tiến “Khoán 100” (tháng 1/1981) trong nông nghiệp thành “Khoán 10” (Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 5/4/1988) về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”). Chủ trương “Khoán 10” đã giúp giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất trong nông nghiệp. Từ một nước thiếu đói, phải nhập khẩu lương thực, đến năm 1989 Việt Nam xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, nó mở đầu cho sự ổn định và gia tăng về lương thực của đất nước, sớm giải quyết thành công vấn đề an ninh lương thực, góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị đất nước. Trong đổi mới tư duy làm kinh tế, ông cũng chủ trương “trả về cho sản xuất sự vận hành đúng quy luật của nó”[15]. Đồng chí đã chủ trương xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang hoạch toán kinh doanh, kết hợp giữa kế hoạch với thị trường.

Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thường đi trực tiếp xuống cơ sở để nắm bắt tình hình, đánh giá khả năng của cán bộ. Đồng chí thường nói với cán bộ cơ sở: “Đổi mới trước hết là phải đổi mới trong tư duy”, “Có thực sự đổi mới tư duy và phong cách mới hiểu được thực chất của hiện trạng, phân biệt rõ ràng đúng sai,  phát huy được nhân tố tiến bộ; gạt bỏ những sai lầm. Từ đấy, mở ra một trình độ mới trong nhận thức và vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin, khơi dậy được tính chủ động, sáng tạo của nhân dân lao động, phát huy được tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội để đưa đất nước đi lên”[16]. Với tầm nhìn chiến lược, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng sớm nhận thấy bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu có thể trở thành nguy cơ đe dọa sự ổn định của xã hội, của chế độ. Những bài viết trong mục “Những việc cần làm ngay”, đăng trên Báo Nhân dân từ tháng 5/1987 đến tháng 9/1990 đã tạo ra một luồng sinh khí mới trong xã hội: dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Những năm cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, cuộc khủng hoảng chính trị ở Liên Xô và Đông Âu đã tác động xấu đến nước ta. Đứng trước những tác động đó, với bản lĩnh và sự nhạy cảm về chính trị, tại Hội nghị lần thứ 6 VI (tháng 3/1989), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã sớm đề ra những nguyên tắc chỉ đạo, bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới không đi chệch hướng. Đổi mới nhưng kiên định con đường, mục tiêu xã hội chủ nghĩa - con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Từ bài học ở các nước Đông Âu và Liên Xô, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thấy rõ sự cần thiết và cấp thiết của việc giữ vững mặt trận tư tưởng, lý luận; kiên quyết phê phán những sai trái, lệch lạc về tư tưởng, lý luận chính trị, chống “diễn biến hòa bình”, bảo đảm sự thống nhất về nhận thức và ý chí, hành động trong Đảng và xã hội ở thời điểm khó khăn, phức tạp nhất. Ông nhận thấy rằng “phải lắng nghe ý kiến rộng rãi của nhân dân, nhưng cần phân biệt những ý kiến đúng đắn với những ý kiến sai trái, tiếp thu những ý kiến đúng”[17]. Chính những đổi mới khoa học, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã giúp Đảng ta kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới.

Trong lĩnh vực đối ngoại, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng rất coi trọng đổi mới tư duy. Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW (tháng 5/1988), về đổi mới tư duy, điều chỉnh đường lối đối ngoại, tập trung giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển kinh tế. Trong nhiệm kỳ Đại hội VI, trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chủ trương đẩy nhanh việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; nối lại quan hệ với các nước Tây Âu; tạo cơ sở thuận lợi cho việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ; đẩy mạnh việc rút quân khỏi Campuchia, tạo dựng môi trường hòa bình hữu nghị và ổn định trong khu vực, tạo cơ sở để Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN. Quan điểm đối ngoại của Đảng tại Đại hội VI cho thấy thiện chí của Việt Nam, phù hợp với yêu cầu đất nước và xu thế quốc tế; sự lựa chọn các đối tượng cần thực hiện bình thường hóa như Trung Quốc, Mỹ, ASEAN cho thấy sự đúng đắn, sáng suốt của Đảng mà người đứng đầu là Tổng Bí thư.

Từ cuối năm 1990 đến đầu năm 1991, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tập trung công tác chỉ đạo chuẩn bị nội dung Đại hội VII của Đảng. Với tầm nhìn của người đứng đầu, ông đã chủ trì soạn thảo nhiều văn kiện trình Đại hội. Đặc biệt là Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đây là, văn kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới đất nước. Tại Đại hội Đảng lần thứ VII, đồng chí đã đề nghị xin được rút khỏi danh sách đề cử Ban chấp hành Trung ương. Đó thực sự là tấm gương mẫu mực vì nghĩa lớn, một cốt cách cao đẹp của người cộng sản Nguyễn Văn Linh.[18]

5. Kết luận

Sau hơn 30 năm tiến hành đổi mới, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng lên. Trong hành trình đầy vĩ đại đó của lịch sử dân tộc, đồng chí Nguyễn Văn Linh một người chiến sĩ cách mạng kiên cường, người cộng sản mẫu mực suốt đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, của đất nước ta, là một trong những nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, với tư duy sắc bén, tinh thần không ngừng đổi mới cùng phong cách sống cao đẹp, luôn “lấy dân làm gốc” và “nói đi đôi với làm”.

Dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công lao của đồng chí Nguyễn Văn Linh, người đã góp phần to lớn trong hoạch định và thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng. Đồng chí thực sự xứng đáng với vai trò là người tìm tòi, khảo nghiệm và kiến tạo công cuộc đổi mới đất nước.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1998). Điếu văn do đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đọc trong lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Văn Linh ngày 29/04/1998. Tạp chí Cộng sản, số 10, tháng 5/1998.

[2],3,4 Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (2018). Đồng chí Nguyễn Văn Linh. Truy cập tại: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc/tong-bi-thu/dong-chi-nguyen-van-linh-73.

[5],11,12 Ngô Thị Huệ, Trần Bạch Đằng, Dương Đình Thảo và cộng sự (2015).  Nguyễn Văn Linh hành trình cùng lịch sử. Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

[6],7,9 Ngô Công Quang (2015). Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh: Từ “thành trì” đến “thành thị”. Truy cập tại: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/kinh-te-tphcm-tu-thanh-tri-den-thanh-thi-1430954379.htm.

[8],10 Nguyễn Văn Linh (1985). Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm. Nxb Sự Thật, Hà Nội.

[13] Tháng 6/1985. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa V) đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu lại vào Bộ Chính trị.

[14] Ngọc Huyền (2005). Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo của Đảng ta. Tạp chí Xây dựng Đảng, số 7, tr5.

[15] Nguyễn Văn Linh (1985). Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm. Nxb Sự Thật, Hà Nội, tr105.

[16] Nguyễn Văn Linh (1987). Đổi mới tư duy và phong cách. Nxb Sự thật, Hà Nội, tr 9.

[17] Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI, 1989). Nghị quyết số 06-NQ/HNTW ngày 29/3/1989, Hội nghị lần thứ sáu về kiểm điểm hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và phương hướng, nhiệm vụ ba năm tới. Truy cập tại: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-vi/nghi-quyet-so-06-nqhntw-ngay-2931989-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-vi-ve-kiem-diem-hai-nam-thuc-1107.

[18] Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2015). Kỷ yếu hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn - Chợ lớn - Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh”, Thành phố Hồ Chí Minh.

Former Party General Secretary Nguyễn Văn Linh - The arrchitect of Đổi Mới policy

Master. Pham Van Luong

University of Transport and Communications

Abstract:

The implementation of the Đổi Mới policy was a difficult and complex process with a lot of exploration and experimentation when Vietnam faced an economic - social crisis in the 80s of the twentieth century. Thanks to appropriate directions of the Communist Party of Vietnam, the country overcame difficulties and challenges. This paper studies the enormous contribution and merits of former Party General Secretary Nguyễn Văn Linh who researched, tested and created the Đổi Mới policy.

Keywords: Nguyễn Văn Linh, the Đổi Mới policy, leader.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11  năm 2022]