Nhận định về ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 tới chuỗi cung ứng toàn cầu, một số biện pháp phòng ngừa rủi ro

ĐINH THỊ THU HÀ (VNPT Technology)

TÓM TẮT:

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động rất lớn tới nền kinh tế cũng như ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Sự gián đoạn mà đại dịch gây ra cho các chuỗi cung ứng để lại hậu quả nặng nề và vấn đề đặt ra là cần có các biện pháp để phòng tránh và đối phó với những sự kiện tương tự trong tương lai. Bài báo nêu lên thực trạng về đại dịch Covid-19, sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu; từ đó phân tích và chỉ ra các rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống cung ứng và đưa ra những giải pháp tiêu biểu, nhằm khắc phục các nhược điểm và cải thiện hoạt động của chuỗi cung ứng.

Từ khóa: đại dịch Covid-19, sự đứt gãy, chuỗi cung ứng toàn cầu, phòng ngừa rủi ro.

1. Đặt vấn đề

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra thiệt hại đáng kể cho các ngành công nghiệp khác nhau trên toàn thế giới. Hoạt động cung ứng nhiều loại nguyên liệu thô, hàng hóa và thành phẩm đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết các chuỗi cung ứng ở tất cả các ngành công nghiệp như dược phẩm, thực phẩm, điện tử, công nghiệp ô tô,... đều đang phải đối mặt với sự đứt gãy và gián đoạn chưa từng có. Không giống như những sự kiện đã xảy ra trước đây, Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng từ sản xuất, chế biến, vận tải và hậu cần (logistics), phân phối; cũng như những biến động lớn về nhu cầu hàng hóa và dịch vụ. Do đó, việc phân tích và nghiên cứu các tác động của Covid-19 đối với sự hoạt động và khả năng phòng vệ của chuỗi cung ứng rất cần thiết để giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trước những sự kiện tương tự trong tương lai.

2. Thực trạng về tác động của đại dịch Covid-19 tới các chuỗi cung ứng trên toàn cầu

Kể từ khi dịch Covid-19 lần đầu tiên được công bố vào cuối năm 2019, đại dịch đã lây lan đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với hàng trăm triệu ca mắc bệnh. Mặc dù số ca nhiễm có dấu hiệu giảm mạnh kể từ đầu năm 2022 đến nay và các quốc gia đang làm quen với quá trình “bình thường mới” để phục hồi nền kinh tế, tuy nhiên Thế giới đang trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo Tổ chức Thương mại Thế Giới (WTO), tuy thương mại toàn cầu đã có sự hồi phục mạnh mẽ kể từ đầu năm 2021, nhưng khối lượng thương mại toàn cầu có dấu hiệu chững lại kể từ Quý 3/2021 và dự báo sẽ suy giảm trong năm 2022 (Hình 1) do lo ngại về những biến thể mới của Covid-19 sẽ làm dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ trở lại và thế giới vẫn chưa có biện pháp để kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh mà không làm ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Để tránh lây nhiễm trên diện rộng, một loạt các biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19 đã được chính phủ các nước áp dụng, bao gồm hạn chế đi lại và các hoạt động vận tải; đóng cửa biên giới; đóng cửa tạm thời các nhà máy và cửa hàng; thậm chí là phong tỏa toàn bộ thành phố. Những hạn chế này dẫn đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động, nguyên vật liệu và hàng hóa, tác động trực tiếp và gây gián đoạn cho các hoạt động của chuỗi cung ứng.

Đại dịch Covid-19 không phải là thảm họa đầu tiên làm đứt gãy các chuỗi cung ứng. Một số thảm họa thiên nhiên khác, chẳng hạn như trận động đất và sóng thần năm 2011 ở Tohoku - Nhật Bản; dịch SARS bùng phát ở Trung Quốc năm 2003 và trận sóng thần năm 2004 ở Indonesia đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu, linh kiện và thành phẩm. Điều đáng chú ý là hoạt động sản xuất - cung ứng được phục hồi sau những thảm họa này chỉ trong vài tuần. Tuy nhiên, như trong Hình 2, dựa trên phạm vi và mức độ, các tác động của Covid-19 sâu rộng hơn so với tất cả các sự kiện nêu trên.

Hầu hết các sự kiện, chẳng hạn như động đất, sóng thần, rò rỉ phóng xạ hoặc chiến tranh, thường chỉ giới hạn trong các khu vực địa lý cụ thể và trong thời gian tương đối ngắn. Tuy nhiên, trong vòng 4 tháng, kể từ khi bùng phát lần đầu tiên, vi rút Covid-19 đã lây lan trên toàn cầu, khiến hàng tỷ người phải ở trong tình trạng giãn cách xã hội, đồng thời khiến các ngành kinh tế ngừng hoạt động một phần hoặc toàn bộ. Ngoài ra, với khả năng lây lan và đột biến mạnh của virus, khó có khả năng dự đoán được thời điểm kết thúc đại dịch.

Trái ngược với các thảm họa tự nhiên, nhân tạo hoặc các dịch bệnh truyền nhiễm khác, Covid-19 không chỉ làm gián đoạn chuỗi cung ứng ở một mắt xích nhất định, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các yếu tố của chuỗi cung ứng, từ nguồn cung ứng, sản xuất, vận tải - hậu cần, phân phối cho đến khách hàng cuối cùng. Covid-19 cũng đã chỉ ra điểm yếu của các mạng lưới chuỗi cung ứng phức tạp, trong đó, các tác nhân ở thượng nguồn của chuỗi (các nguồn cung ứng nguyên vật liệu) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi hành vi gần như “thất thường” của các tác nhân ở hạ nguồn (khách hàng và nhu cầu của họ). Đây chính là hiệu ứng roi da (bullwhip effect) - hiện tượng thông tin về nhu cầu thị trường cho một sản phẩm bị bóp méo hay khuếch đại lên qua các khâu chuỗi cung ứng, dẫn đến sự dư thừa tồn kho, ảnh hưởng đến chính sách giá và tạo ra phản ánh không chính xác trong nhu cầu thị trường. Hiệu ứng này có sức tàn phá rất lớn cho các tác nhân tại thượng nguồn của chuỗi cung ứng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. (Hình 3)

Dòng chảy của chuỗi cung ứng hàng hóa, từ nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho đến hoạt động phân phối sản phẩm, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nhìn chung, chúng ta có thể phân loại hàng hóa thành 2 nhóm: hàng hóa chức năng (functional goods) - nhóm sản phẩm có vòng đời dài và có nhu cầu ổn định; và hàng hóa sáng tạo (innovational goods) - nhóm sản phẩm có vòng đời ngắn và có tính sáng tạo cao, kéo theo nhu cầu bất ổn định. Trong đại dịch Covid-19, một số hàng hóa chức năng như khẩu trang đã bị biến tướng từ hàng hóa chức năng thành hàng hóa sáng tạo do nhu cầu và nguồn cung biến động mạnh. Phản ứng nhanh nhạy với thị hiếu khách hàng và lợi nhuận cao trở thành một đặc điểm quan trọng của nhiều chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch. (Hình 4)

Đại dịch Covid-19 làm cho nhiều thành phố bị đóng cửa do giãn cách xã hội, kéo theo nguồn nhân lực, nguồn cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cũng như hàng hóa thiết yếu bị gián đoạn ở hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng, nhu cầu đối với các mặt hàng như khẩu trang tăng cao, trong khi nhu cầu đối với đồ điện tử lại giảm. Ngành logistic, đặc biệt là vận tải quốc tế đối với các tuyến hàng hải, hàng không và đường bộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các chính sách hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới để phòng chống dịch.

3. Đứt gãy trong cung ứng của một số nhóm hàng hóa

3.1. Sản phẩm công nghệ cao

Chuỗi cung ứng ngành công nghiệp công nghệ cao bao gồm các sản phẩm như điện thoại thông minh và các phụ kiện công nghệ khác đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đại dịch Covid-19 do thiếu nguồn cung linh kiện lắp ráp. Các trường hợp điển hình có thể kể đến như Apple đã phải hoãn việc ra mắt các sản phẩm mới do các nhà máy Foxconn ở Trung Quốc ngừng hoạt động. Các nhà máy của Samsung và LG ở Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đã phải tạm dừng sản xuất do giãn cách xã hội. Trong lĩnh vực Hàng không, Airbus, Boeing và Lockheed đã phải tạm dừng các hoạt động sản xuất tại một số nhà máy của họ ở Châu Âu và Hoa Kỳ.

3.2. Ô tô

Hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn trong ngành đều đã phải ngừng sản xuất tại một số nhà máy ở Trung Quốc và các quốc gia khác. Volkswagen đóng cửa các nhà máy ô tô ở Trung Quốc do chính sách hạn chế đi lại và thiếu nguồn cung ứng phụ tùng lắp ráp. General Motors đã khởi động lại các nhà máy ở Trung Quốc nhưng với tốc độ sản xuất rất thấp. Hyundai đóng cửa các nhà máy lắp ráp ở Hàn Quốc, chủ yếu do thiếu nguồn cung ứng phụ tùng từ Trung Quốc. Các nhà máy của Nissan ở Châu Á, Châu Phi và Trung Đông đã tạm dừng sản xuất.

3.3. Thuốc men và dụng cụ y tế

Các nhà sản xuất Trung Quốc ước tính chiếm hơn 40% sản lượng xuất khẩu các thành phần dược phẩm hoạt tính (API) được sử dụng trên toàn thế giới. Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu thuốc lớn thứ ba trên thế giới và do đó đóng vai trò trung tâm là nhà cung cấp các loại thuốc điều trị Covid-19 cần thiết. Tuy nhiên, do hơn 70% sản lượng thuốc của Ấn Độ phụ thuộc vào các nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc, các công ty dược phẩm của Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng do các nhà cung cấp ở Trung Quốc bị tạm dừng sản xuất.

Ngoài thuốc men, thế giới cũng chứng kiến ​​tình trạng thiếu dụng cụ bảo hộ cá nhân. Sự thiếu hụt dụng cụ bảo hộ trên toàn cầu hiện nay, đặc biệt là khẩu trang y tế, mặt nạ phòng hộ, đồ bảo hộ và kính bảo hộ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ngăn chặn virus. Hơn nữa, nhu cầu dụng cụ bảo hộ trên toàn cầu không chỉ bị thúc đẩy bởi Covid-19 mà còn bởi thông tin sai lệch, tin tức giả mạo dẫn đến tình trạng mua sắm hoảng loạn và đầu cơ dự trữ, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt. Chính phủ các nước đã phải huy động các nhà sản xuất ở các ngành công nghiệp khác vào cuộc để bù đắp cho sự thiếu hụt hiện tại. Do đó, một số công ty lớn như Tesla Motors, Peugeot và nhiều nhà sản xuất không thuộc lĩnh vực y tế phải điều chỉnh máy móc, quy trình sản xuất của họ để sản xuất máy thở.

3.4. Đứt gãy trong hoạt động logistics quốc tế:

Đóng cửa hoạt động hàng không thương mại: Việc đóng cửa hàng không thương mại đã hạn chế nghiêm trọng khả năng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không khiến việc vận chuyển các nguồn cung cấp thiết yếu như thiết bị y tế để chống lại dịch bệnh bùng phát trên khắp thế giới trở nên khó khăn hơn. Ước tính trong năm 2020, hơn 6,2 nghìn tỷ đô la Mỹ hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không, chiếm hơn 35% giá trị thương mại quốc tế. Tuy nhiên, khoảng 50% đến 60% tổng số lượng hàng hóa được vận chuyển trong khoang máy bay chở khách. Theo Cục Quản lý An ninh Vận tải Hoa Kỳ, các chuyến bay chở khách đã giảm khoảng 95% trong năm 2020.

Đóng cửa biên giới và hạn chế thương mại: Một trở ngại khác mà hoạt động logistics phải đối mặt là các chính sách hạn chế xuất nhập khẩu nghiêm ngặt và tình trạng đóng cửa biên giới ở các quốc gia gây ra những gián đoạn đáng kể. Điển hình là các chính sách hạn chế xuất khẩu do một số quốc gia như Ấn Độ, Pháp, Đức và Mỹ áp đặt đối với một số loại thuốc và thiết bị y tế, thậm chí cấm hoàn toàn việc xuất nhập khẩu một số sản phẩm, đã làm trì hoãn hoạt động logistics trong chuỗi cung ứng của các sản phẩm này. Tình trạng thiếu tài xế, thiếu xe tải và việc kiểm tra, kiểm dịch nghiêm ngặt của hải quan đã khiến việc vận chuyển container và hàng hóa bằng đường biển, chiếm 90% khối lượng thương mại toàn cầu, bị đình trệ.

4. Sự biến động của nhu cầu tiêu thụ hàng hóa

4.1. Nhu cầu về thuốc và dược phẩm

Nhu cầu về các loại thuốc như chloroquine và hydroxychloroquine, được một số quốc gia sử dụng để điều trị nhiễm trùng Covid-19, đã tăng lên nhanh chóng. Nhu cầu tăng cao đối với các loại thuốc điều trị thông thường như thuốc ho, thuốc cảm, giảm đau và thuốc dành cho trẻ em bị thu gom và dự trữ mạnh mẽ. Nhu cầu cao tăng đột ngột đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng thuốc, khiến chính phủ một số nước phải giới hạn số lượng thuốc mà người dân có thể mua.

4.2. Thiết bị bảo hộ và máy thở y tế

Nỗ lực đối phó với đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu cho dụng cụ bảo hộ tăng cao, chẳng hạn như khẩu trang y tế, găng tay và quần áo bảo hộ. Hầu như tất cả các quốc gia đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các vật tư này. WHO ước tính trong năm 2020, mỗi tháng cần khoảng 89 triệu khẩu trang y tế , 76 triệu găng tay y tế và 1,6 triệu kính bảo hộ. Nhu cầu tăng mạnh đã dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian sản xuất từ 4 đến 6 tháng để đáp ứng các đơn đặt hàng. Năm 2019, nhu cầu toàn thế giới cho máy thở mới là 77.000 chiếc, tuy nhiên vào năm 2020, con số này là hơn 250.000.

4.3. Ngành hàng không

Việc đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại đã dẫn đến sự gián đoạn lớn trong nhu cầu sử dụng đường hàng không. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế dự báo số lượng ghế do các hãng hàng không cung cấp sẽ giảm 57% -64%. Qatar Airways là một trong số ít hãng hàng không tiếp tục đảm bảo các dịch vụ hành khách thương mại theo lịch trình. Các điểm đến của Fly Emirates đã bị giảm từ hơn 150 xuống còn 2 điểm, đó là London và Frankfurt. Các hãng hàng không Hoa Kỳ đang tìm kiếm 50 tỷ USD viện trợ của Chính phủ để vượt qua cuộc khủng hoảng, trong khi tại Úc, Qantas đang cắt tất cả các chuyến bay quốc tế.

4.4. Ngành dệt may

Dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động và có tính toàn cầu hóa rất cao. Các chính sách kiểm dịch, đóng cửa các cửa hàng bán lẻ, người tiêu dùng mất thu nhập cũng như giảm chi tiêu trong thời kỳ dịch bệnh đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng đối với mặt hàng này. Tại Liên minh Châu Âu, ngành Dệt may được dự báo sẽ đối mặt với khả năng sụt giảm doanh số lên đến 50%. McKinsey & Company dự đoán doanh thu của lĩnh vực may mặc và giày dép sẽ thấp hơn 27% -30%. Theo khảo sát của Liên minh Doanh nghiệp Có trách nhiệm (RBA), 50% nhà máy và nhà cung cấp của họ không hoạt động hết công suất, và 15% số nhà máy đang hoạt động dưới 50% sản lượng. Ngoài ra, tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, cùng với việc thiếu công nhân cũng góp phần vào sự sụt giảm đáng kể của ngành dệt may.

4.5. Các hoạt động bán lẻ

Với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, tâm lý lo sợ đã thúc đẩy người dân chuyển sang mua các sản phẩm thiết yếu như giấy vệ sinh và các mặt hàng khô. Một cuộc khảo sát của Tạp chí Công cụ Tìm kiếm (Search Engine Journal) cho thấy doanh số bán hàng tiêu dùng thiết yếu tại Mỹ đã tăng tới 53% trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Tại Trung Quốc, do niềm tin của người tiêu dùng giảm mạnh, doanh số bán hàng trung bình đã giảm 29% ở các ngành hàng như đồ gia dụng và nội thất, cũng như quần áo và điện tử. Tương tự, tại Mỹ, doanh số bán lẻ các ngành hàng này giảm trung bình 8,7%.

5. Rủi ro tiềm tàng trong chuỗi cung ứng

Trong 3 thập kỷ qua, các công ty sản xuất đã cố gắng đạt được hiệu quả cao nhất bằng cách áp dụng các mô hình sản xuất tinh gọn, điển hình là JIT (Just-in-time). Tuy nhiên, khi đối mặt với những sự kiện gián đoạn lớn như sóng thần, động đất hoặc dịch bệnh, những chuỗi cung ứng tinh gọn và hiệu quả này đã bộc lộ những giới hạn của việc thiếu tính linh hoạt và tốc độ phản ứng trước rủi ro. Đây chính xác là những gì đang xảy ra trong đại dịch Covid-19 khi các doanh nghiệp phải chạy đua với việc khôi phục công suất nhà máy của họ, cũng như công suất của các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng một cách nhanh nhất.

Chuỗi cung ứng là một hệ thống đa lớp và có thể ẩn chứa rất nhiều nhà cung cấp cấp thấp mà doanh nghiệp không biết tới, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong hoạt động cung ứng. Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất ô tô thông thường có hơn 900 nhà cung cấp cấp 1 (phụ trách sản xuất các mo-dun/bán thành phẩm), mỗi nhà cung cấp này lại có trung bình hơn 500 nhà cung cấp cấp 2 (phụ trách sản xuất linh phụ kiện cho nhà cung cấp cấp 1). Trên thực tế, không có nhiều doanh nghiệp quản lý và theo dõi các nhà cung cấp cấp 2 hoặc thấp hơn. Mạng lưới nhà cung cấp phức tạp này làm giảm khả năng hiển thị của chuỗi cung ứng và làm chậm tốc độ ứng phó của chuỗi khi xảy ra sự cố. (Hình 5)

Sự gián đoạn ở các nhà cung cấp cấp thấp trong chuỗi cung ứng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho toàn bộ chuỗi cung ứng. Một minh họa rõ nét là các nhà cung cấp có trụ sở tại Vũ Hán, Trung Quốc. Theo khảo sát, có ít nhất 5 triệu công ty trên thế giới có một hoặc nhiều nhà cung cấp cấp 2 ở khu vực Vũ Hán. Hơn nữa, đây thường là những nhà cung cấp không thể thay thế do hầu như không thể tìm được các giải pháp thay thế thích hợp ở những nơi khác, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng như đại dịch Covid-19.

6. Giải pháp phòng chống rủi ro cho chuỗi cung ứng

6.1. Giải pháp ngắn hạn

Để giải quyết và đối phó ngay lập tức với rủi ro về nguồn cung, các doanh nghiệp cần xác định các thành phần và nguyên vật liệu quan trọng đối với sản xuất và có nguy cơ gián đoạn về nguồn cung cao, cùng với việc phát triển đội ngũ tìm kiếm nguồn cung ứng chiến lược nhằm phát triển các nguồn cung dự phòng, đảm bảo cung ứng liên tục trong các trường hợp khẩn cấp như khan hiếm nguyên vật liệu hoặc nhu cầu sản xuất tăng đột biến. Ngoài ra, để giảm bớt sự phụ thuộc vào một số nhà cung cấp, doanh nghiệp có thể cân nhắc phương án chủ động sản xuất một số nguyên vật liệu quan trọng thay cho việc thu mua (tinh gọn chuỗi cung ứng).

Doanh nghiệp cũng cần phải xem xét lại cơ cấu các nhà cung cấp hiện tại và tăng cường thiết lập mối quan hệ với các nhà cung cấp địa phương. Việc hợp tác với các nhà cung cấp địa phương có vị trí địa lý gần hơn so với các nhà cung cấp ở xa hoặc ở quốc gia khác giúp rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận chuyển.

Để khắc phục tình trạng sản xuất dưới mức tối ưu do mất cân đối về cung cầu, các doanh nghiệp cần tận dụng dữ liệu lịch sử sẵn có để phân tích về biến động của cung cầu, từ đó tối ưu hoạt động thu mua và sản xuất. Hơn nữa, cần chia sẻ và trao đổi thông tin kịp thời với các nhà cung cấp để đảm bảo quá trình cung ứng diễn ra thuận lợi.

6.2. Cải thiện khả năng hiển thị và khả năng ứng phó của chuỗi cung ứng

Khả năng hiển thị và khả năng ứng phó hiệu quả đối với sự gián đoạn là một trong những thước đo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng hiệu quả nhất. 2 giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của Covid-19 cũng như nâng cao khả năng hiển thị và khả năng ứng phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng được thể hiện tại Hình 6.

6.3. Cải thiện khả năng hiển thị để phòng tránh các gián đoạn

Đạt được khả năng hiển thị không chỉ là điều quan trọng để đạt được hiệu quả và sự linh hoạt trong quá trình sản xuất thông thường, mà còn quan trọng trong việc nắm bắt những gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Các khuyến nghị được đưa ra để phát triển khả năng hiển thị chuỗi cung ứng được thể hiện trong phần I của Hình 5.

Để giảm thiểu thiệt hại trong ngắn hạn, trước tiên, các doanh nghiệp cần xác định các mắt xích bị đứt gãy trong chuỗi bằng cách kiểm tra thường xuyên tất cả các nhà cung cấp ở mọi cấp độ. Sự gián đoạn trong một điểm của chuỗi cung ứng thường có hiệu ứng gợn sóng và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi. Việc xác định được những nhà cung cấp yếu kém có thể giảm đáng kể thời gian cần thiết để kích hoạt các biện pháp đối phó với rủi ro. Sau đó, việc thu thập dự báo về nhu cầu của khách hàng và đưa ra dự báo về nhu cầu nguyên vật liệu tới các nhà cung cấp cần được thực hiện ngay. Hơn nữa, trong trường hợp khẩn cấp, các doanh nghiệp nên cung cấp các hỗ trợ cần thiết, từ hỗ trợ pháp lý đến hỗ trợ tài chính cho khách hàng cũng như nhà cung cấp; đồng thời yêu cầu các hỗ trợ tương tự từ phía họ để phục hồi hoạt động chung của chuỗi cung ứng. Ngoài ra, để tránh tình trạng suy giảm công suất đột ngột, doanh nghiệp nên xác định một mức tồn kho hợp lý với các nhà cung cấp chính.

Khuyến nghị tiếp theo, đó là những yếu tố thúc đẩy khả năng cạnh tranh trong dài hạn. Điều đầu tiên là phải nắm bắt được các lỗ hổng nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng và theo dõi các rủi ro tiềm ẩn trong thời gian thực. Tổn thương trong chuỗi cung ứng thường xảy ra trên 5 yếu tố, gồm: lập kế hoạch, mạng lưới nhà cung cấp, logistics, sức khỏe tài chính, độ phức tạp của sản phẩm và kinh nghiệm hoạt động. Doanh nghiệp cần nhạy cảm với các sự kiện lớn như dịch bệnh, chiến tranh, xung đột chính trị và thiên tai, vì những sự kiện này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới nhà cung cấp - khách hàng. Công nghệ thông tin và các giải pháp chuyển đổi số như công nghệ 5G, phân tích dữ liệu lớn và điện toán đám mây có thể hỗ trợ các công ty phát triển khả năng hiển thị thông qua hệ thống quản lý thông suốt và giúp nhận ra sự gián đoạn một cách kịp thời. Khuyến nghị thứ hai là phối hợp với các đơn vị nội bộ cũng như với các nhà cung cấp chiến lược để thiết lập các phương pháp tiếp cận quản lý rủi ro, đồng thời nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu nguyên liệu và tối ưu năng lực sản xuất.

6.4. Cải thiện khả năng ứng phó trước các sự kiện gián đoạn

Trong thời gian gián đoạn chuỗi cung ứng, khả năng ứng phó là động lực chính cho phép các công ty thực hiện các phản ứng nhanh chóng và hiệu quả về chi phí để đối phó với sự gián đoạn. Tuy nhiên, hầu hết các biện pháp phát triển khả năng ứng phó có quy trình hoạt động phức tạp hơn; do đó, có thể làm giảm khả năng hiển thị, như thể hiện trong phần II của Hình 5.

Trong ngắn hạn, nguồn cung ứng thay thế và dự phòng hàng tồn kho giúp các chuỗi cung ứng phục hồi nhanh chóng. Để giải quyết và đối phó ngay lập tức với rủi ro về nguồn cung, các doanh nghiệp cần xác định các thành phần và nguyên vật liệu quan trọng đối với sản xuất và có nguy cơ gián đoạn về nguồn cung cao, cùng với việc phát triển đội ngũ tìm kiếm nguồn cung ứng chiến lược nhằm phát triển các nguồn cung dự phòng, đảm bảo cung ứng liên tục trong các trường hợp khẩn cấp như khan hiếm nguyên vật liệu hoặc nhu cầu sản xuất tăng đột biến. Ngoài ra, để giảm bớt sự phụ thuộc vào một số nhà cung cấp, doanh nghiệp có thể cân nhắc phương án chủ động sản xuất một số nguyên vật liệu quan trọng, thay cho việc thu mua (tinh gọn chuỗi cung ứng).

Trong lập kế hoạch dài hạn, đa dạng hóa nhà cung cấp và dự phòng năng lực làm giảm nguy cơ gián đoạn khi chuỗi cung ứng trải qua các sự kiện như Covid-19. Một biện áp khả thi là hợp tác với các nhà cung cấp ở các vị trí địa lý khác nhau. Tuy nhiên, cũng cần xem xét lại cơ cấu các nhà cung cấp hiện tại và tăng cường thiết lập mối quan hệ với các nhà cung cấp địa phương. Việc hợp tác với các nhà cung cấp địa phương có vị trí địa lý gần hơn so với các nhà cung cấp ở xa hoặc ở quốc gia khác giúp rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận chuyển. Việc đa dạng hóa nhà cung cấp làm tăng khả năng phòng vệ trước những sự cố về cung ứng, sản xuất và phân phối. Dự phòng năng lực là một trong những chiến lược giảm thiểu rủi ro phổ biến nhất được sử dụng để cải thiện tính linh hoạt của chuỗi cung ứng. Dự phòng năng lực có nghĩa là các doanh nghiệp trong chuỗi duy trì các nguồn lực linh hoạt, như nhân công, máy móc và xe cộ có thể được huy động ngay lập tức để duy trì hoặc tăng cường năng lực sản xuất khi có gián đoạn.

Tác động của Covid-19 cũng như các sự kiện gián đoạn khác đối với nhu cầu của các loại hàng hóa là rất khác nhau. Do đó, chiến lược của các chuỗi cung ứng tương ứng cần được định vị cẩn thận. Việc cải thiện khả năng hiển thị và khả năng ứng phó sẽ làm tăng chi phí cho các chuỗi cung ứng và có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Do đó, doanh nghiệp cũng nên cân bằng giữa việc giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả trong chuỗi cung ứng và tổng chi phí sở hữu (total cost of ownership).

7. Kết luận

Khó có thể lường trước được sự xuất hiện của các cuộc khủng hoảng đặc biệt như đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể lên kế hoạch phòng tránh và đối phó với các tác động bằng cách thiết lập và phát triển chuỗi cung ứng bền vững và linh hoạt. Hiệu quả của chuỗi cung ứng phụ thuộc nhiều vào mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về chuỗi cung ứng của mình và những rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng.

Bài báo thảo luận về 3 đặc điểm của Covid-19 so với các sự kiện khác: thời gian ảnh hưởng lớn hơn, diện tích ảnh hưởng lớn hơn và phạm vi ảnh hưởng lớn hơn. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề được tóm tắt và phân tích trong toàn bộ quy mô của chuỗi cung ứng từ các nguồn cung ứng đến khách hàng cuối cùng. Đại dịch Covid-19 đã buộc các công ty phải đánh giá lại hiệu quả chuỗi cung ứng của mình. Các giải pháp phòng ngừa với mục tiêu tăng cường khả năng hiển thị và khả năng ứng phó của chuỗi cung ứng được đưa ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trang bị các công cụ giảm thiểu rủi ro để hoạt động hiệu quả hơn trước những tác động do các sự kiện như Covid-19 gây ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. WHO. (2022). WHO Coronavirus Disease (COVID-19) Dashboard. Geneva, Switzerland: WHO.
  2. K. Jackson, M. A. Weiss, A. B. Schwarzenberg and R. M. Nelson. (2020). Global economic effects of COVID-19.
  3. WTO. (2022). Goods barometer signals possible turning point for trade as supply pressures ease. Geneva, Switzerland: WTO.
  4. J. Tan and P. Enderwick. (2006). Managing threats in the global era: The impact and response to SARS.
  5. Leonard. (2020). What procurement managers should expect from a 'bullwhip on crack.
  6. K. Paul and P. Chowdhury. (2020). A production recovery plan in manufacturing supply chains for a high-demand item during COVID-19.
  7. Sodhi et al. (2021). Research opportunities in preparing supply chains of essential goods for future pandemics.
  8. Sharma and Kumar. (2021). Managing the supply chain during disruptions: Developing a framework for decision-making.
  9. Choi et al. (2021). Managing extended supply chains.

Impacts of the COVID-19 pandemic on the global supply chains and some solutions to avoid supply chain risks

Dinh Thi Thu ha

VNPT Technology

Abstract:

The COVID-19 pandemic has greatly impacted the global economy and supply chains around the world. The unprecedented supply chain disruption caused by COVID-19 has had severe consequences, and it is important to take measures to prevent and cope with similar events in the future. This paper points out the situation of supply chains during the pandemic, and the disruption of the supply chain on a global scale. The paper analyzes and highlights potential risks facing the supply chain and proposes some typical solutions to overcome the supply chain’s weaknesses and improve the operations of supply chain.

Keywords: the COVID-19 pandemic, disruption, global supply chain, risk avoidance .

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022]