Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, Ngành triển khai thực hiện. Trải qua 17 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong cả nước.
Hướng đến kỳ xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 7 và Lễ Công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia (dự kiến cuối tháng 11/2020), sáng 20/10/2020, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh chủ đề này.
Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết những điểm mới trong kỳ xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia lần thứ 7?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam là một chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ để xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam thông qua các thương hiệu của các sản phẩm.
Năm 2020, Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp tổ chức kỳ xét chọn các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 7 và Lễ Công bố các Doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia.
Bước sang năm 2020, nền kinh tế thế giới, khu vực và cả Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia cũng như được các hiệp hội ngành hàng, các địa phương, các cơ quan giới thiệu đăng ký vào chương trình rất lớn, với trên 1.000 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau trên cả nước. Đây phần lớn là những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh và có tiềm lực.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ những điểm mới trong kỳ xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia lần thứ 7 năm 2020
Ngày 29/9/2020, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã ký, ban hành Quyết định số 2534/QĐ-BCT công nhận 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020, tăng 27 doanh nghiệp so với năm 2018.
Việc xét chọn các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 7 được thực hiện theo các thủ tục hành chính quy định tại Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg và Thông tư 33/2019/TT-BCT. Thang điểm đánh giá là 1.000 điểm. Tổng điểm quy định để một sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là từ 650 điểm trở lên và điểm mỗi tiêu chí (chất lượng, đổi mới sáng tạo, năng lực tiên phong) phải đạt 60% trở lên trên tổng điểm mỗi tiêu chí.
Một điểm sáng nữa trong kỳ xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 7 là Chương trình đã thu hút được một số thương hiệu có tiếng, có tiềm lực, lần đầu tiên đăng ký tham gia như: VnPay, Mobifone, Cholimex, Dược Nam Hà, Richy, Pan…
Không những vậy, có một số tập đoàn và công ty con cùng đăng ký tham gia xét chọn như: Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam – Gelex, Tập đoàn BRG… Những doanh nghiệp này đã góp phần đa dạng hóa danh mục sản phẩm dịch vụ đạt Thương hiệu quốc gia với những ngành nghề dịch vụ mới như thanh toán điện tử, quản lý khách sạn, du lịch trải nghiệm…
Một số doanh nghiệp tuy đã có thương hiệu mạnh trên thị trường nhưng chưa được công nhận đạt thương hiệu quốc gia năm nay do không đáp ứng được các tiêu chí của Chương trình. Điều này đã chứng minh sức hút cũng như sự quan tâm của doanh nghiệp dành cho Chương trình là rất lớn.
Phóng viên: Như vậy, sau khi có Quyết định công bố 124 doanh nghiệp và 283 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020, Bộ Công Thương dự kiến sẽ có những hoạt động gì trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong và ngoài nước?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xây dựng,phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bộ Công Thương sẽ có những hành động, biện pháp cụ thể để nâng cao nhận thức của xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp và cả người dân đối với công tác xây dựng, phát triển thương hiệu, trong đó có hoạt động tuyên truyền quảng bá, đào tạo, tập huấn.
Thứ hai, Bộ Công Thương sẽ trực tiếp hỗ trợ để các doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí của chương trình Thương hiệu quốc gia và trở thành các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia.
Thứ ba, tuyên truyền quảng bá cho chương trình Thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tới đối tác quốc tế cũng như người tiêu dùng trong nước.
Ở trong nước, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan thực hiện chuỗi các hoạt động quảng bá trên các phương tiện truyền thông trên cả nước như: các đài truyền hình, đài tiếng nói Việt Nam, báo giấy, báo điện tử… Việc quảng bá, tuyên truyền trên các báo đài góp phần tôn vinh các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đạt Thương hiệu quốc gia, khích lệ và hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, khẳng định lại vị trí của mình, tăng niềm tin trong cộng đồng và phát triển kinh doanh một cách thiết thực.
Thứ trưởng khẳng định, vai trò là cơ quan quản lý Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xây dựng,phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đối với hoạt động quảng bá tại thị trường nước ngoài, do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, do vậy, Bộ Công Thương đã và đang nố lực phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các hoạt động tư vấn gián tiếp và trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu đáp ứng được hệ thống tiêu chí của Chương trình.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài nghiên cứu thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho các sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh.
Như vậy, việc xây dựng, bảo vệ, quảng bá Thương hiệu quốc gia sẽ có sự chung tay, phối hợp cùng thực hiện của các Bộ, ngành và của cả cộng đồng xã hội.
Phóng viên: Trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra là “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển bền vững kinh tế, tháo gỡ kịp thời điểm khó khăn, vướng mắc và khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước”. Vậy theo Thứ trưởng, việc chúng ta có những chính sách, chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp như Dự thảo Văn kiện vừa nêu có ý nghĩa như thế nào? Các doanh nghiệp Việt Nam đã biết tận dụng cơ hội cũng như lợi thế mà các chương trình, chính sách mang lại chưa?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Đổi mới các chính sách cũng như những hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp là việc làm hết sức cần thiết và bắt buộc. Đây cũng là chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ Công Thương, đối với Cục Xúc tiến thương mại cũng như là đối với các hoạt động về xúc tiến thương mại.
Trong bối cảnh cạnh tranh hết sức gay gắt ngay tại sân nhà thì việc đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp là điều cần thiết, có thể nói là sống còn của công tác xúc tiến thương mại.
Năm 2020, Bộ Công Thương đã đổi mới, đa dạng phương thức xúc tiến thương mại như: tổ chức rất nhiều các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, không những đối với các thị trường ngay gần chúng ta như Trung Quốc mà còn cả các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, vươn tới một số quốc gia châu Âu, châu Mỹ và cả Châu Phi, châu Mỹ- La tinh…
Hiện nay, thương mại điện tử cũng đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, do vậy, Bộ Công Thương đang phối hợp với rất nhiều các hiệp hội, doanh nghiệp để đưa sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam lên các sàn thương mại điện tử trong nước cũng như quốc tế, trong đó có sàn Amazon của Mỹ…
Về phía doanh nghiệp, Bộ Công Thương kỳ vọng, các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tính chủ động hơn nữa, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan xúc tiến thương mại như là Cục Xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương cũng như nhiều cơ quan xúc tiến thương mại khác trên toàn quốc của các Bộ, Ngành, của các địa phương.