Được sự uỷ quyền của Lãnh đạo Bộ Công Thương, sáng ngày 7/6/2023, tại Hà Nội, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đã chủ trì buổi làm việc với bà Ambreen Iftikhar, Lãnh đạo Hội đồng Đầu tư, Văn phòng Thủ tướng Pakistan nhân chuyến thăm và làm việc của bà tại Việt Nam.
Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương Việt Nam có đại diện Lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Công nghiệp, đại diện Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại. Về phía Pakistan có bà Samina Mehtab, Đại sứ Pakistan tại Việt Nam, một số thành viên Hội đồng Đầu tư Pakistan và Đại sứ quán Pakistan tại Việt Nam, đại diện tổ chức JICA Pakistan.
Pakistan - đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của Việt Nam tại khu vực Nam Á
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi khẳng định Việt Nam luôn coi Pakistan là đối tác kinh tế, thương mại quan trọng tại khu vực thị trường Nam Á. Việc trao đổi đoàn ở các cấp là cơ hội để hai Bên cùng thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương giữa hai nước.
Theo ông Trần Quang Huy, hiện nay dư địa hợp tác về thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và Pakistan rất tiềm năng; đặt trong bối cảnh Việt Nam và Pakistan đều là các quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế tương đối nhanh ở khu vực châu Á, có nguồn nhân lực dồi dào. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1972 đến nay, hai nước đã duy trì quan hệ tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như ngoại giao, kinh tế, tài chính, khoa học kỹ thuật…
Hai Bên cũng đã thiết lập được những cơ chế hợp tác ở nhiều lĩnh vực, làm nền tảng cho việc thảo luận phương hướng và các biện pháp hợp tác giữa hai nước; đồng thời giải quyết những khó khăn nảy sinh giữa hai nước. Trong số đó, Bộ Công Thương được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì cơ chế hợp tác Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam-Pakistan và Tiểu ban hỗn hợp Thương mại Việt Nam - Pakistan.
Về phần mình, bà Ambreen Iftikhar đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong các năm qua, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn. Phía Pakistan đánh giá Việt Nam là một trong những hình mẫu thành công về thu hút đầu tư nước ngoài và về phát triển hoạt động ngoại thương.
Phối hợp chặt chẽ hơn để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước
Phía Pakistan bày tỏ sự quan tâm và mong muốn được mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pakistan trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp, đầu tư. Cụ thể, hai Bên có thể cùng cân nhắc nghiên cứu thỏa thuận hợp tác về đầu tư giữa hai nước.
Đại sứ Pakistan tại Việt Nam, bà Samina Mehtab cũng đề nghị bên cạnh hợp tác thương mại, công nghiệp, hai Bên có thể cùng nghiên cứu, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ. Hiện nay, Pakistan là quốc gia có khả năng cung cấp nguồn nhân lực về giáo viên, kỹ thuật viên công nghệ thông tin (IT), bác sỹ chất lượng cao đến nhiều nước trên thế giới.
Ghi nhận những đề xuất của phía Pakistan, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho biết sẽ cùng phối hợp để đưa những đề xuất của phía Pakistan vào trong nội dung thảo luận tại kỳ họp Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam-Pakistan lần thứ 5, dự kiến được tổ chức vào cuối năm 2023. Đây là cơ chế họp có sự tham gia tương đối đầy đủ của các Bộ/cơ quan ban ngành phía Việt Nam.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo Cục Công nghiệp và Vụ Chính sách thương mại đa biên đã có các trao đổi về chính sách phát triển công nghiệp (các ngành chế biến thực phẩm, ô tô, điện tử, dệt may…) và tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp về phát triển các ngành công nghiệp; việc tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương của Chính phủ Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển trong thời gian qua.