Cùng với sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ, trong những năm gần đây các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn, thách thức khi xuất khẩu sang thị trường này. Có thể kể tới các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa, nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, lao động….
Đối với vấn đề phòng vệ thương mại, ngoài các cuộc điều tra truyền thống thì trong vòng 3 năm trở lại đây Hoa Kỳ có sự gia tăng rõ rệt trong hoạt động điều tra các biện pháp chống lẩn tránh do Bộ Thương mại Hoa Kỳ thực hiện và điều tra gian lận nguồn gốc xuất xứ, chống sử dụng lao động cưỡng bức do Hải quan Hoa Kỳ thực hiện. Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang khó khăn và có nguy cơ rơi vào suy thoái, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam lại phải đối mặt với sự gia tăng của nhiều thủ đoạn lừa đảo, đặc biệt là các điều khoản thanh toán quốc tế…
Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý tìm hiểu và cập nhật quy định pháp luật của Hoa Kỳ, đặc biệt các quy định có ảnh hưởng đáng kể đến việc tiếp cận thị trường như quy định về phòng vệ thương mại, vệ sinh phòng dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ hoặc các quy định liên quan đến tiêu chuẩn sử dụng lao động...
Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình xuất khẩu sang thị trường này, trong quá trình giao thương với Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần thận trọng việc tìm kiếm đối tác, đàm phán hợp đồng; cần sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý để có những thông tin chất lượng nhằm đánh giá được tình hình tài chính, mức độ tin cậy của các đối tác Hoa Kỳ; hạn chế thanh toán bên thứ 3 (bên môi giới); và nên hạn chế việc sử dụng hợp đồng mẫu do bên đối tác cung cấp hoặc các tài liệu thay thế cho hợp đồng như PO, Commercial Invoice vì các tài liệu này không có các điều khoản đảm bảo về giải quyết tranh chấp hoặc điều khoản để ràng buộc, đảm bảo nghĩa vụ của đối tác…
Đối với các vụ việc phá sản nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiến hành tìm hiểu thông tin vụ việc sớm qua các kênh thông tin sẵn có cũng như tìm kiếm và đàm phán với luật sư để tránh rơi vào thế bị động, còn ít thời gian chuẩn bị cho vụ kiện và ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng.
Để có cái nhìn đa dạng và sâu sắc hơn về những vấn đề này, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Những lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ”.