Những nguyên tắc căn bản xây dựng triết lý kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay

TS. NGÔ MINH THUẬN - ThS. NCS. ĐỖ THẾ DƯƠNG (Giảng viên Học viện Chính sách và Phát triển)

 

TÓM TẮT:

Sự thành công của một doanh nghiệp có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đưa đến. Một trong những nguyên nhân đó là phải xây dựng thành công văn bản triết lý kinh doanh nhằm khẳng định thương hiệu và giá trị sản phẩm của doanh nghiệp cung ứng ra thị trường. Việc xây dựng và hoàn thiện văn bản triết lý kinh doanh của doanh nghiệp góp phần xác định rõ mục tiêu, phương châm hành động của doanh nghiệp mang về giá trị cho bản thân doanh nghiệp và đóng góp cho sự phát triển bền vững xã hội. Bài viết phân tích những nguyên tắc căn bản xây dựng triết lý kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Từ khóa: triết lý, triết lý kinh doanh, toàn cầu hóa.

1. Đặt vấn đề

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp thời gian đầu kinh doanh rất thành công khẳng định được vị trí, chỗ đứng trên thị trường và được nhiều khách hàng biết đến, mang về lợi nhuận cho doanh nghiệp, nhưng chỉ sau một thời gian nhất định đã nhanh chóng bị lụi tàn và đánh mất dần vị trí trên thị trường. Một trong những thất bại nêu trên là do bản thân doanh nghiệp chưa xây dựng được văn bản triết lý kinh doanh, dẫn đến “hòa nhập” nhưng bị “hòa tan”, làm mất phương hướng trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế hiện nay. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần chủ động xây dựng cho mình triết lý kinh doanh giống như “kim chỉ nam” cho hành động của doanh nghiệp, để khẳng định vị trí, chỗ đứng trên thị trường hiện nay.

2. Một số khái niệm cơ bản về triết lý kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa

Triết lý nghiên cứu về lý lẽ tồn tại, vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng. Theo nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nam: “Triết lý là kết quả của sự suy ngẫm, chiêm nghiệm và đúc kết thành những công thức, những phương châm, những tư tưởng cơ bản cốt lõi nhất về cuộc sống, về hoạt động thực tiễn trên các mặt của đời sống xã hội”[1].

“Triết lý kinh doanh là những tư tưởng chủ thể kinh doanh hình thành để hướng dẫn tư duy và hành động cho toàn thể các thành viên trong tổ chức”[2]. Triết lý kinh doanh bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống, từ quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh,… được con người tổng kết và rút ra những tư tưởng chủ đạo như là những nguyên tắc về đạo lý và phương pháp quản lý để dẫn dắt hành vi.

Triết lý kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa là những nguyên tắc mang tính chất phương pháp luận đã được đúc kết, tổng kết trong hoạt động sản - xuất kinh doanh ở tầm nhìn vĩ mô, góp phần định hướng hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn sản xuất - kinh doanh của các công ty, các doanh nghiệp, các tập đoàn trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới.

3. Một số quan điểm tiếp cận triết lý kinh doanh

Thứ nhất, cách tiếp cận quản trị doanh nghiệp.

Triết lý kinh doanh có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, cần có cách hiểu đơn giản nhất triết lý kinh doanh và được xem như tuyên bố về tầm nhìn của một doanh nghiệp. Như vậy, khi hình thành triết lý kinh doanh, các nhà quản trị chiến lược của tổ chức thường xuất phát từ những lý do cơ bản như: Họ muốn tuyên bố lý do tồn tại của tổ chức, muốn khẳng định đặc trưng nổi bật của tổ chức này so với tổ chức khác về đạo lý kinh doanh và về biện pháp hành động, họ muốn phát triển và thành công lâu dài.

Thứ hai, cách tiếp cận thị trường.

“Triết lý kinh doanh là những tư tưởng chủ thể kinh doanh hình thành để hướng dẫn tư duy và hành động cho toàn thể các thành viên trong tổ chức”[3]. Triết lý kinh doanh bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống, từ quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh,… được con người tổng kết và rút ra những tư tưởng chủ đạo như là những nguyên tắc về đạo lý và phương pháp quản lý để dẫn dắt hành vi”. Triết lý kinh doanh thường thể hiện qua lý do tồn tại và các quan điểm hành động, liên quan đến các bộ phận chức năng, các đơn vị trong tổ chức. Chẳng hạn trong quản trị nhân sự, quan điểm có tính triết lý như: “Con người là tài sản quý nhất của tổ chức”. Nếu nhà quản trị hay chủ doanh nghiệp có quan điểm như vậy, họ luôn biết cách thu hút, sử dụng, đãi ngộ con người một cách hợp lý, giữ được lao động giỏi lâu dài. Hoặc trong quản trị marketing, tư tưởng: “Khách hàng là yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp” là một trong những quan điểm dẫn dắt hành vi các thành viên của doanh nghiệp trong các mối quan hệ với khách hàng, họ luôn tìm cách đáp ứng tốt các nhu cầu và mong muốn của khách hàng để giữ được khách hàng lâu dài.

Thứ ba, cách tiếp cận khoa học quản lý.

“Triết lý doanh nghiệp là một phương tiện để giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và tạo ra một phong cách đặc thù của doanh nghiệp”[4]. Theo cách tiếp cận này, triết lý doanh nghiệp cung cấp các giá trị, chuẩn mực hành vi, nhằm tạo nên một phong cách làm việc, sinh hoạt chung của doanh nghiệp, mang đậm bản sắc văn hóa của nó. Công tác đào tạo, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực có vai trò quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Việc vạch ra lý tưởng và mục tiêu kinh doanh, triết lý kinh doanh giáo dục cho đội ngũ nhân lực đầy đủ về lý tưởng, về công việc và trong một môi trường văn hóa tốt, nhân viên sẽ tự giác hoạt động, phấn đấu vươn lên, và có lòng trung thành, tinh thần hết mình vì doanh nghiệp.

Thứ tư, cách tiếp cận triết học.

Triết lý kinh doanh là những tư tưởng triết học phản ánh thực tiễn kinh doanh thông qua con đường trải nghiệm, suy ngẫm, khái quát hóa của chủ thể kinh doanh và chỉ dẫn cho hành động kinh doanh. Theo nhà nghiên cứu Phạm Thi Doan, Đỗ Minh Cường trong cuốn “Triết lý kinh doanh và quản lý doanh nghiệp” chỉ ra: Triết lý kinh doanh là sản phẩm phản ánh có mục đích phục vụ cho chủ thể kinh doanh nên sự khác nhau trong ngành, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp sẽ quy định tính đặc thù của triết lý kinh doanh.

Như vậy, triết lý kinh doanh là những nguyên tắc mang tính chất phương pháp luận đã được đúc kết, tổng kết trong hoạt động sản - xuất kinh doanh, góp phần định hướng hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp.

Triết lý kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa là những nguyên tắc mang tính chất phương pháp luận đã được đúc kết, tổng kết trong hoạt động sản - xuất kinh doanh ở tầm nhìn vĩ mô, góp phần định hướng hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn sản xuất - kinh doanh của các công ty, các doanh nghiệp, các tập đoàn trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới.

4. Những nguyên tắc cơ bản xây dựng triết lý kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa

Một là, xác định rõ sứ mệnh của doanh nghiệp.

Sứ mệnh của doanh nghiệp là tuyên bố lý do tồn tại của doanh nghiệp, còn gọi là tôn chỉ quan điểm, mục đích kinh doanh của doanh nghiệp, mô tả doanh nghiệp làm gì? vì ai và làm như thế nào?

Sứ mệnh của doanh nghiệp thực chất là trả lời câu hỏi: Doanh nghiệp của chúng ta là gì? Doanh nghiệp muốn trở thành một tổ chức như thế nào? Doanh nghiệp tồn tại nhằm mục đích gì? Công việc kinh doanh của doanh nghiệp là gì? Doanh nghiệp cần có nghĩa vụ và thực hiện nó như thế nào?

Điều này thể hiện ở đặc điểm sứ mệnh của doanh nghiệp, tập trung vào thị trường không phải là một sản phẩm cụ thể, nó tập trung vào một tổng thể các nhu cầu và doanh nghiệp làm sao có thể đáp ứng được các nhu cầu đó. Đây cũng là lý do cho câu hỏi công việc của chúng ta là gì? Nó xuất phát từ cái nhìn bề ngoài của khách hàng. Cụ thể, doanh nghiệp không thể xác định phương hướng một cách quá rộng hoặc quá hẹp, hay chung chung, mà phải cụ thể triển khai một cách có hiệu quả. Sứ mệnh do doanh nghiệp đặt ra cần phải khả thi và nhất định sẽ thực hiện trong hiện tại và mãi mãi sau này, thể hiện sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ban lãnh đạo và toàn thể nhân viên kinh doanh.

Thời gian gần đây, trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp tuyên bố sứ mệnh của doanh nghiệp, cụ thể như:

        - Viettinbank “Là ngân hàng số một của hệ thống ngân hàng Việt Nam, cung cấp sản phẩm tài chính ngân hàng hiện đại, tiện ích, tiêu chuẩn quốc tế”, “Mọi hoạt động đều hướng tới khách hàng; Năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tâm, minh bạch, hiện đại; Người lao động được quyền phấn đấu và làm việc hết mình - được quyền hưởng thụ đúng với chất lượng, kết quả, hiệu quả của cá nhân đóng góp - được quyền tôn vinh cá nhân xuất sắc, lao động giỏi”.

- Cà phê Trung Nguyên: “tạo dựng thương hiệu mang đến hàng đầu cho người thưởng thức cà phê và là nguồn cảm hứng đầy sáng tạo và niềm tự hào trong phong cách Trung Nguyên mang đậm văn hóa Việt Nam”.

Việc tuyên bố sứ mệnh của doanh nghiệp vừa khẳng định sự tồn tại của doanh nghiệp trên thị trường, vừa thu hút khách hàng quan tâm và ủng hộ sản của doanh nghiệp ngày càng nhiều hơn.

Hai là, xác định rõ tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp.

Tầm nhìn chiến lược doanh nghiệp là một nội dung trọng yếu trong văn bản triết lý kinh doanh, làm cho triết lý kinh doanh thể hiện rõ giá trị và sức sống. Nó là “tấm bản đồ chỉ đường”, là đích đến trong tương lai và con đường doanh nghiệp phải đi. Vì vậy, khi lên một kế hoạch kinh doanh, doanh nghiệp cần biết mình đang đi tới đâu, tương lai sẽ ở đâu. Tầm nhìn sẽ xác định con đường đi dài hạn cho doanh nghiệp. Tầm nhìn chiến lược thể hiện các mong muốn, khát vọng cao nhất, khái quát nhất mà doanh nghiệp muốn đạt được.

Tầm nhìn chiến lược doanh nghiệp về cơ bản là hướng tiếp cận tiên phong đối với lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp theo đuổi. Khi hoạch định tầm nhìn chiến lược và phổ biến tới tất cả các thành viên của doanh nghiệp, khách hàng và cộng đồng xã hội được biết, tin tưởng và hành động theo những niềm tin đó. Một ví dụ cổ điển là Henry Ford (người sáng lập hãng ô tô danh tiếng Ford) xác định viễn cảnh trong mỗi gara của người Mỹ sẽ đều có ô tô. Ở Việt Nam, tập đoàn cà phê Trung Nguyên xác định tầm nhìn chiến lược: “Trở thành một tập đoàn thúc đẩy sự trỗi dậy của nền kinh tế Việt Nam, giữ vững sự tự chủ về kinh tế quốc gia và khơi dậy, chứng minh cho một khát vọng Đại Việt khám phá và chinh phục”[5]. Thể hiện rõ chiến lược định hướng của Trung Nguyên là phương thức mở rộng thị trường Trung Nguyên ra toàn cầu. Như vậy, trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế, bản thân doanh nghiệp nếu không xác định đúng tầm nhìn chiến lược trong tương lai, dễ bị mắc phải căn bệnh chủ quan, duy ý chí, nóng vội đốt cháy giai đoạn; hoặc chậm phát triển dẫn đến tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh và do đó doanh nghiệp sẽ khó có chỗ đứng trên thị trường.

Ba là, xác định đúng mục tiêu cơ bản của doanh nghiệp.

Mục tiêu cơ bản của doanh nghiệp là kết quả cuối cùng hay toàn bộ hiện trạng mà doanh nghiệp muốn đạt tới trong một thời gian nhất định. Thông thường, các doanh nghiệp chia mục tiêu thành 2 loại là mục tiêu dài hạn và mục tiêu ngắn hạn. Mặt khác, các mục tiêu thường tập trung vào các vấn đề như: vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, thành tích của doanh nghiệp trên thị trường, lợi nhuận của doanh nghiệp nhận được, khả năng sinh lời và trách nhiệm của nhà lãnh đạo, thành tích và thái độ của công nhân viên và trách nhiệm đối với xã hội. Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có những mục tiêu giống nhau. Ở Nhật Bản, ngoài mục tiêu hướng tới lợi nhuận của doanh nghiệp, vấn đề xã hội cũng luôn được các doanh nghiệp chú trọng hàng đầu. Ở Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp luôn đặt lợi nhuận lên trước hết, khả năng trách nhiệm của các nhà lãnh đạo chưa cao. Do vậy, trước áp lực của nền kinh tế thị trường doanh nghiệp cần xác định rõ đặc điểm mục tiêu doanh nghiệp:

Tính định hướng, làm điểm xuất phát cho mục tiêu cụ thể và chi tiết, tạo thuận lợi cho việc quản trị, bởi các mục tiêu cơ bản chính là những tiêu chuẩn đánh giá thành tích chung của tổ chức.

Tính thiết lập, tự ưu tiên cho doanh nghiệp, nền móng của sự thành công, đưa doanh nghiệp gia nhập với kinh tế thị trường và đến với khách hàng theo quy tắc tự động.

Bốn là, xác định hệ thống các giá trị của doanh nghiệp.

Hệ thống giá trị cốt lõi của doanh nghiệp được coi là những nguyên lý thiết yếu và mang tính lâu dài của doanh nghiệp; là bộ quy tắc hướng dẫn chi tiết, ảnh hưởng sâu sắc tới suy nghĩ và hành động của các thành viên trong doanh nghiệp và thường không lệ thuộc vào kết quả kinh doanh. Trong những trường hợp khó khăn, các tổ chức kiên định sẽ thay đổi mục tiêu hoặc mô hình kinh doanh chứ không phải thay đổi hệ thống giá trị cốt lõi (hệ niềm tin) của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng và hoàn thiện hệ thống giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, điển hình như:

 Hệ thống giá trị cốt lõi của doanh nghiệp Viettel:

“Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý

Trưởng thành qua những thách thức và thất bại

Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh

Sáng tạo là sức sống

Tư duy hệ thống

Kết hợp Đông - Tây

Truyền thống và cách làm người lính

Viettel là ngôi nhà chung”[6].

 Một trong những hệ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp Việt Nam rất ấn tượng, Viettel với “Truyền thống và cách làm người lính” cũng là niềm tin của ban lãnh đạo Viettel.

Ngoài ra, có thể nhắc đến Tập đoàn Sony đã chủ động xây dựng và hoàn thiện hệ thống giá trị cốt lõi:

“Nâng cao nền văn hóa Nhật và vị thế quốc gia

Là người tiên phong - chứ không phải người theo đuôi: thực hiện điều bất khả thi

Khuyến khích khả năng và tính sáng tạo của cá nhân”[7].

Như vậy, thực tiễn có nhiều biến động và thay đổi, nhưng hệ thống giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp xây dựng và kiên định sẽ giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trở ngại, hoàn thành sứ mệnh của doanh nghiệp.

Năm là, yếu tố “đạo” và “lý” trong xây dựng triết lý kinh doanh.

- Yếu tố “đạo” trong xây dựng triết lý kinh doanh của doanh nghiệp

Triết lý doanh nghiệp chứa đựng trong nó những yếu tố chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc hành động để biểu dương những hành vi tốt và hạn chế những hành vi xấu. Vì vậy, yếu tố đạo lý được chú trọng khi soạn thảo các quyết định trong kinh doanh, sự tôn trọng các nguyên tắc đạo đức là cơ sở để đánh giá tinh thần trách nhiệm cá nhân. Trong triết lý của các công ty ưu tú, những đức tính tốt như trung thực, liêm chính, tính đồng đội và sẵn sàng hợp tác, tôn trọng cá nhân, tôn trọng kỷ luật,... thường được nêu ra. Nhờ có hệ thống giá trị được tôn trọng, triết lý doanh nghiệp còn có tác dụng bảo vệ nhân viên của doanh nghiệp - những người dễ bị thương tổn, thiệt thòi khi người quản lý của họ lạm dụng chức quyền hoặc ác ý, tư thù. Chẳng hạn, với một bản triết lý đề cao tinh thần hợp tác cộng đồng và tôn trọng nhân cách của mọi người, những hành vi trái với triết lý của những nhà quản lý sẽ bị nghiêm trị. Ở Tập đoàn IBM, văn bản quy định mức phạt rất nặng đối với những người làm trái với triết lý của Hãng. Anh có thể làm mất hàng triệu USD vì một kế hoạch R&D thất bại mà vẫn được tha thứ, nhưng nếu anh đối xử tàn tệ với nhân viên, hoặc coi thường khách hàng, trái với “quy định chung” của Hãng, anh sẽ bị kỷ luật rất nặng hoặc bị sa thải. Triết lý doanh nghiệp có tác dụng bảo vệ nhân viên, chống lại thói tư thù và các hành vi ác ý (nếu có) của những người quản lý họ. Người quản lý này lạm dụng quyền lực để đối xử với nhân viên một cách bất công, trái với triết lý doanh nghiệp thì các hành vi “chơi xấu” đó sẽ bị cấp quản lý cao hơn trừng phạt. Như vậy, vai trò của triết lý doanh nghiệp có thể so sánh với bất kỳ một nguồn lực nào khác của doanh nghiệp như vốn, tài sản hoặc công nghệ. Kiểm nghiệm từ thực tiễn sự thành công của các doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo, sáng lập các hãng lớn và các nhà nghiên cứu đã rút ra những nhận xét sâu sắc về tầm quan trọng của triết lý doanh nghiệp.

Yếu tố “lý” trong xây dựng triết lý kinh doanh của doanh nghiệp

Trong xây dựng văn bản triết lý kinh doanh cần tôn trọng các nguyên lý, quy luật, quy tắc của thị trường. Đây chính là chân lý nền tảng trong xây dựng triết lý kinh doanh, thiếu những yếu tố “lý” hoạt động kinh doanh trở nên nghèo nàn, thiếu sức sống, doanh nghiệp có thể bị lầm đường, lạc lối dễ dẫn đến thất bại. Thí dụ, trong xây dựng văn bản triết lý kinh doanh không thể không nhắc đến các yếu tố thực tồn của nó, như:

Chữ “Tín” trong kinh doanh chính là lòng tin giữa 2 chủ thể - người này với người khác, doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, rộng hơn là giữa một người với nhiều người, một doanh nghiệp với nhiều doanh nghiệp,... Không phải ngẫu nhiên mà ta có được niềm tin trong bạn bè, hay doanh nghiệp này có uy tín với doanh nghiệp kia. Chữ Tín được bắt đầu từ những cam kết giữa các doanh nghiệp với nhau, hoặc với khách hàng cho dù khó khăn cản trở nhưng vẫn làm đúng những gì đã hứa. Giữa các doanh nghiệp, cam kết chính là hợp đồng kinh tế, bao gồm nhiều điều khoản mà quan trọng nhất (với doanh nghiệp thực hiện) là giá cả, số lượng, chất lượng và thời hạn giao hàng.

Chữ “Tâm” trong kinh doanh, tâm trong sáng là một phương diện đạo đức trong kinh doanh. Khi có tâm, doanh nghiệp sẽ biết tôn trọng luật pháp, không dùng thủ đoạn thấp kém để qua mặt hoặc tiêu diệt đối thủ kinh doanh. Bản chất của kinh doanh là làm giàu, làm giàu hợp pháp và hợp đạo đức. Đó là nguyên lý để doanh nghiệp tồn tại và phát triển thịnh vượng.

Chữ “Tài”  trong kinh doanh của doanh nghiệp là sự cố gắng, kiên trì và chịu khó học hỏi, trau dồi kiến thức thực tế của những người lãnh đạo doanh nghiệp và của từng nhân viên trong doanh nghiệp, nhằm đưa doanh nghiệp “vượt khó khăn” vươn lên, sớm khẳng định vị thế trên thương trường.

5. Kết luận

Tóm lại, việc xây dựng văn bản triết lý kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, cần phải có một đội ngũ nhân lực bao gồm: các chuyên gia vừa có tâm, vừa có tầm am hiểu cả về lý luận và thực tiễn, đã từng trải nghiệm qua môi trường doanh nghiệp, kết hợp với bản thân các nhà lãnh đạo, nhà quản trị doanh nghiệp, nhân viên kinh doanh lâu năm trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng văn bản triết lý kinh doanh đòi hỏi phải tuân thủ các nguyên tắc nền tảng trong xây dựng văn bản triết lý kinh doanh. Văn bản triết lý kinh doanh sau khi xây dựng và thông qua phải đảm bảo được tính dân chủ, tính khoa học, tính thực tiễn, tính khách quan, tính đạo lý, tính pháp lý và tính phổ quát; nghĩa là văn bản triết lý kinh doanh phải được dịch ra bằng nhiều ngôn ngữ quốc tế thông dụng và cần được quảng bá rộng rãi trên thị trường, để các doanh nghiệp và khách hàng nhận biết và ủng hộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] Phạm Xuân Nam (Chủ biên) (2005). Triết lý phát triển ở Việt Nam - Mấy vấn đề cốt yếu, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[2,3] Nguyễn Tài (2016). Triết lý kinh doanh là gì? <http://www.nguyenduongtai.com/2016/04/triet-ly-kinh-doanh-la-gi.html>

[4] Vai trò của triết lý kinh doanh trong quản lý, phát triển doanh nghiệp. <https://camnangceo.com/vai-tro-cua-triet-ly-kinh-doanh-trong-quan-ly-phat-trien-doanh-nghiep/>

[5] Tập đoàn Trung Nguyên Legend: 16 năm một Tầm nhìn - Sứ mạng phụng sự. <https://trungnguyenlegend.com/tap-doan-trung-nguyen-legend-16-nam-mot-tam-nhin-su-mang-phung-su/>

[6] Trần Văn Hồng (2012). 8 giá trị cốt lỗi của Viettel. <https://123doc.net/document/1553619-8-gia-tri-cot-loi-cua-viettel-pptx.htm>

[7] Hệ thống giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. <http://www.inhonghac.com/2018/03/he-thong-gia-tri-cot-loi-cua-doanh-nghiep.html>

 

BASIC PRINCIPLES OF BUSINESS PHILOSOPHY DEVELOPMENT

IN THE CONTEXT OF GLOBALIZATION

Ph.D NGO MINH THUAN 1

Ph.D student, Master. DO THE DUONG 1

1 Academy of Policy and Development

ABSTRACT:

A business success depends upond many objective and subjective factors. A company should pay attention to develop its business philosophy to support its business activities. The development of business philosophies help companies clearly define their goals and mottos in order to achieve successes and contribute to the sustainable development of society. This paper analyzes the basic principles of business philosophy development in the context of globalization.

Keywords: philosophy, business philosophy, globalization.