TÓM TẮT:
Sau hơn 2 năm (từ tháng 10/2017) ngành Thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) áp thẻ vàng cảnh cáo bởi các hành vi khai thác đánh bắt bất hợp pháp IUU, đến nay Việt Nam vẫn chưa được EC thu hồi thẻ vàng và còn có nguy cơ bị áp thẻ đỏ. Việc bị EC áp thẻ vàng đã gây thiệt hại lớn cho hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU, kéo theo đó là tác động dây truyền đến các hoạt động khai thác đánh bắt của ngư dân trên biển và các hoạt động dịch vụ nghề cá, dịch vụ chế biến. Bài viết phân tích những tác động của thẻ vàng IUU đối với Việt Nam, từ đó đề xuất một số kiến nghị giải pháp để gỡ thẻ vàng IUU đối với ngành Thủy sản Việt Nam.
Từ khóa: Thẻ vàng IUU, ngành Thủy sản, gỡ thẻ vàng IUU, xuất khẩu, hải sản, Ủy ban châu Âu (EC).
1. Bối cảnh nguyên nhân EC áp dụng thẻ vàng IUU đối với ngành Thủy sản Việt Nam
Trong các ngày 13 - 19/5/2017, đoàn công tác của EU vào Việt Nam kiểm tra hoạt động tuân thủ các quy định của EU về Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU)[1]. Sau quá trình điều tra, thu thập thông tin và đánh giá tình hình hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam trên biển, đoàn công tác đã gửi kết quả thu thập được và báo cáo kiến nghị lên Ủy ban châu Âu. Trên cơ sở báo cáo đánh giá đó, ngày 23/10/2017, EC đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Trước khi đi đến quyết định ngày 23/10/2017, EC đã nhiều lần kiểm tra hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam và EU, qua đó đã có những nhắc nhở và cảnh báo về nguồn gốc của các loại hải sản này. Bên cạnh đó, EC còn tiếp nhận nhiều thông tin và bằng chứng về hoạt động khai thác bất hợp pháp - đánh bắt trộm của tàu cá Việt Nam ở nước ngoài và đều có cảnh báo đối với các hoạt động không được phép này. Sau đó, EC đã cử phái đoàn sang Việt Nam làm việc trực tiếp trước khi đưa ra quyết định rút thẻ vàng đối với ngành Thủy sản Việt Nam.
Nguyên nhân dẫn tới việc EC rút thẻ vàng IUU đối với ngành Hải sản Việt Nam, đó là:
- Việt Nam còn thiếu một hệ thống các thể chế, quy định đầy đủ, hoàn thiện và thống nhất để quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trên biển hiện nay.
- Đội tàu khai thác trên biển của Việt Nam chưa phù hợp với các tiêu chuẩn, đảm bảo điều kiện tham gia khai thác trên biển như sự không phù hợp giữa kích cỡ tàu với nguồn lợi thực tế trên biển khai thác.
- Hệ thống kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác trên biển đối với các tàu cá còn thiếu quá nhiều và hoạt động chưa hiệu quả.
- Thiếu hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy hải sản khai thác trên biển, dẫn tới đa số hải sản do ngư dân khai thác được là không rõ nguồn gốc.
- Còn xảy ra tình trạng ngư dân Việt Nam khai thác và đánh bắt trộm hải sản trên các vùng biển của quốc gia khác..
2. Những tác động của thẻ vàng IUU đối với ngành Thủy sản Việt Nam
Việc EC rút thẻ vàng vì các hoạt động vi phạm IUU đã gây ra nhiều tổn thất và hệ lụy cho không chỉ đối với ngành Hải sản Việt Nam, mà còn gây ra những thiệt hại và tổn thất khác khó đo đếm bằng giá trị vật chất.
Thứ nhất, thiệt hại về xuất khẩu và tài chính.
Hoạt động xuất khẩu hải sản là lĩnh vực bị tác động trực tiếp và gần như lập tức từ thẻ vàng của IUU. Cho dù đến thời điểm này, hoạt động xuất hải sản của Việt Nam vào EU chưa bị dừng hẳn, nhưng đang có dấu hiệu giảm khá rõ. Trước khi thẻ vàng IUU được áp dụng, EU là thị trường xuất khẩu hải sản lớn thứ hai của Việt Nam với giá trị nhập khẩu khoảng 450 triệu USD. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm EC áp dụng thẻ vàng, kim ngạch xuất khẩu cũng liên tiếp giảm theo. Hiện nay, mỗi năm, chúng ta chỉ xuất được khoảng 300 đến 350 triệu USD hải sản vào EU, và EU chỉ còn là thị trường đứng thứ 5 trong các thị trường xuất khẩu hải sản của Việt Nam[2]. Và nếu thẻ vàng không được gỡ, giá trị xuất khẩu có nguy cơ còn giảm tiếp, do các biện pháp kiểm tra ngày càng nghiêm ngặt hơn. Cùng với đó là việc các nhà nhập khẩu EU cũng không muốn tiếp tục nhập khẩu hàng từ Việt Nam do lo ngại về uy tín, cũng như các rắc rối pháp lý có thể vướng phải từ hàng nhập khẩu có nguồn gốc ở Việt Nam. Còn nếu trong tình huống xấu nhất vào tháng 6/2020 mà EC áp dụng thẻ đỏ, mọi hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU sẽ bị cấm và thị trường EU sẽ đóng cửa với hàng hải sản Việt Nam.
Thứ hai, ảnh hưởng tới hoạt động khai thác của ngư dân.
Hoạt động xuất khẩu hải sản giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác và đánh bắt của các đội tàu, nhất là các đội tàu đánh bắt xa bờ, vì sản phẩm từ hoạt động này chủ yếu là xuất khẩu, trong đó có thị trường EU. Tính đến năm 2017, tổng số tàu cá trên toàn quốc là 110.950 tàu; trong đó tàu khai thác có 108.619 chiếc (chiếm 97,89%), tàu dịch vụ hậu cần 2.331 (chiếm 2,11%); có 30.500 tàu đánh bắt xa bờ (trong tổng số 96.600 tàu đánh bắt), đạt sản lượng 3,6 triệu tấn, mang lại giá trị xuất khẩu 2,5 tỷ USD[3]. Cùng với đó là hàng trăm nghàn lao động chính thức và phi chính thức tham gia các hoạt động khai thác, chế biến hải sản. Do hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, nên đời sống kinh tế của ngư dân và các lao động phụ thuộc cũng gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba, ảnh hưởng đến hoạt động chiến lược đảm bảo và thực thi chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang có những mâu thuẫn tranh chấp chủ quyền trên biển với các quốc gia khác. Để thực thi yêu sách và cụ thể hóa tuyên bố về chủ quyền của quốc gia đối với các vùng biển, nhất là các vùng biển xa bờ, vai trò của ngư dân là vô cùng quan trọng. Các hoạt động khai thác đánh bắt của ngư dân Việt Nam trên các vùng biển chính là minh chứng cho hoạt động thực thi yêu sách và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Nếu vì hải sản xuất khẩu không được, ngư dân sẽ không vươn khơi đánh bắt nữa, sẽ tác động không tốt tới chiến lược của quốc gia trong vấn đề thực thi chính sách về biển.
3. Tích cực thực hiện các biện pháp về khai thác trên biển để EC gỡ thẻ vàng đối với Việt Nam
Sau hơn 2 năm bị áp dụng thẻ vàng, chính phủ Việt Nam và các địa phương đã và đang tích cực hành động một cách quyết liệt về khai thác thủy sản trên cơ sở các khuyến cáo của EC, nhằm đạt yêu cầu của EC, qua đó mong muốn EC gỡ thẻ vàng với Việt Nam.
Về mặt pháp lý, Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản năm 2017 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó chú trọng đến các quy định về hoạt động khai thác trên biển của ngư dân.
Về lắp đặt các thiết bị giám sát tàu cá (MCS), tất cả các địa phương (28 tỉnh và thành phố) đã tiến hành rà soát và lắp đặt các thiết bị giám sát tàu cá. Tuy nhiên, theo báo cáo và thực tế kiểm tra thì tốc độ lắp đặt ở các địa phương là không đồng đều, có nhiều địa phương chưa hoàn thành theo quy định.
Về hoạt động đánh bắt trái phép (đánh bắt trộm) trên vùng biển của quốc gia khác đã giảm một cách đáng kể theo thống kê, tuy nhiên vẫn còn. Cụ thể năm 2019, số lượng tàu của Việt Nam bị bắt giữ hoặc ghi nhận đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài là 200 tàu.
Về hoạt động kê khai xác định nguồn gốc hải sản đánh bắt, Việt Nam đã triển khai ở tất cả các địa phương để tiến hành hoạt động kê khai và truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt. Tuy nhiên vẫn còn vướng mắc trọng hoạt động này, như: các mẫu kê khai chưa phù hợp với quy định của EU, thực tế giám sát và kê khai có những nơi còn làm hình thức,…
Sau lần kiểm tra năm 2018 và lần kiểm tra từ ngày 5 đến 14/11/2019, Đoàn thanh tra của EC tại Việt Nam kết luận rằng, Việt Nam đã có thiện chí và thực hiện nghiêm túc nhiều giải pháp nhằm chống lại các hành vi IUU. Thẻ vàng sẽ được EU gia hạn thêm và đoàn sẽ quay lại kiểm tra vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm 2020.
4. Một số kiến nghị, đề xuất
Sau 2 lần kiểm tra không đạt, đợt kiểm tra tiếp theo EC sẽ thực hiện tới đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam có thể chứng minh cho EC thấy thiện chí của mình.
Thứ nhất, đối với các giải pháp pháp lý, mặc dù Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, theo đánh giá của tác giả thì mức xử phạt hành chính với các hành vi vi phạm trong Nghị định vẫn còn nhẹ so với các nước trong khu vực cũng như so với hướng dẫn của EC về các biện pháp chống IUU. Do vậy, chúng ta cần phải nâng mức xử phạt lên cho phù hợp với quy định của EC.
Thứ hai, đối với họat động lắp đặt thiết bị giám sát (MCS), thiết bị này có giá thành tương đối cao (khoảng hơn 1000 USD một bộ). Đây là khoản đầu tư lớn đối với nhiều ngư dân. Vì vậy, Chính phủ có thể tạm ứng chi phí cho ngư dân để lắp đặt cho các tàu đánh bắt trên biển, rồi sau đó ngư dân có thể hoàn trả sau. Cùng với lắp đặt thiết bị giám sát, chúng ta cần thành lập trung tâm giám sát các hoạt động của tàu cá chung trên biển. Tất cả tàu cá ra khơi đánh bắt ở đâu trung tâm này đều nắm bắt và giám sát được. Nếu như các các tàu cá nào có biểu hiện đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, thông qua thiết bị liên lạc hoặc điện thoại thông minh để đưa ra cảnh báo và nhắc nhở tàu cá. Việc quản lý tàu cá không giao cho các địa phương như hiện nay nữa vì hiệu quả chưa cao.
Thứ ba, đối với hoạt động chống đánh bắt trái phép, đây là vi phạm chính trong các vi phạm IUU và là lý do cơ bản để EC gỡ hay không gỡ thẻ vàng với. Do vậy, một mặt Việt Nam cần phải tăng cường tuyên truyền và phổ biến cho ngư dân biết về hậu quả của hành vi đánh bắt thủy sản trái phép để ngư dân không vi phạm. Bên cạnh đó, chúng ta phải có chế tài mạnh hơn đối với các hoạt động này, thậm chí là áp dụng các biện pháp hình sự đối với những người vi phạm để đảm bảo không còn hoạt động đánh bắt trái phép nữa.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tham vấn, đối thoại với các phái đoàn kiểm tra, giám sát,… của EC, qua đó tiếp nhận lời khuyên, đóng góp ý kiến từ phía họ để Việt Nam có giải pháp kịp thời và phù hợp.
Thứ năm, Việt Nam có 28 tỉnh và thành phố giáp biển và có hoạt động khai thác trên biển hiện nay. Mặc dù mỗi lần kiểm tra, phái đoàn của EC chỉ kiểm tra 1 vài địa phương nhất định chứ không thể kiểm tra hết được hoạt động tại 28 địa phương nhưng tất cả các địa phương đều phải nghiêm túc thực hiện tránh tình trạng chủ quan.
Trên đây là một số đề xuất và giải pháp nhằm góp phần cùng ngành Thủy sản Việt Nam gỡ thẻ vàng IUU của EC trong thời gian tới.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Lê Khắc Đại (2019). Công ước về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có khai báo và không được quản lý (IUU) của liên mình châu Âu và những tác động tới Việt Nam. Tạp chí Công Thương, Số 6 tháng 4/ 2019.
[2] Tổng cục Thủy sản Việt Nam (2020), Báo cáo tháng 2/2020.
[3] Thiên Tú (2017). Cả nước có gần 111.000 tàu đánh cá. <http://kinhtedothi.vn/ca-nuoc-co-gan-111000-tau-danh-ca-290660.html>
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Thị Kim Ngân, (2018), “Đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được kiểm soát và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”, , Nghiên cứu Lập pháp, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207019 .
- Hạ Vũ, (2019), Khuyến nghị của EC để gỡ “thẻ vàng” thủy sản sau 10 ngày kiểm tra tại Việt Nam. <https://theleader.vn/khuyen-nghi-cua-ec-de-go-the-vang-thuy-san-sau-10-ngay-kiem-tra-tai-viet-nam-1573732906621.htm>
- Minh Đức (2019), Kinh nghiệm của Thái-lan về gỡ “thẻ vàng” thủy sản, <https://nhandan.com.vn/thegioi/item/42333302-kinh-nghiem-cua-thai-lan-ve-go-%E2%80%9Cthe-vang%E2%80%9D-thuy-san.html>
- Đăng Quang (2019), <http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/go-the-vang-thuy-san-cap-bach-thuc-hien-307621.html>
- Phương Anh (2019), <https://baodautu.vn/viet-nam-lai-tuot-co-hoi-go-the-vang-iuu-d112845.html>
IMPACTS OF THE YELLOW CARD ON IUU FISHING ONVIETNAM’S SEAFOOD INDUSTRY AND SOME SOLUTIONS TO
REMOVE THE YELLOW CARD ON IUU FISHING
LE KHAC DAI
University of Law - Hue University
ABSTRACT:
It has been two years since Vietnam has received the European Commision (EC)'s yellow card on IUU fishing in October 2017 and the country is facing the risk of being penalized by the EC with red card on IUU fishing. The EC’s yellow card on IUU fishing has negatively affected Vietnam’s seafood exports to the EU, resulting in many impacts on fishing activities and other fish processing services. This article analyzes impacts of the EC’s yellow card on IUU fishing on Vietnam’s seafood industry, thereby proposing solutions to remove the yellow card on IUU fishing.Keywords: Yellow card on IUU fishing, seafood industry, remove the yellow card on IUU fishing, export, seafood, Europoean Commission.