Những thuận lợi và khó khăn trong quản lý nhà nước về hải quan đối với nhập khẩu ô tô trên địa bàn Hà Nội

TS. Ngô Thu Giang (Viện Quản lý kinh tế - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội); Phan Thị Hồng Diệp (Học viên thạc sỹ Viện Quản lý kinh tế - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)

Tóm tắt:

Bài viết này nêu lên những mặt khó khăn và thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với nhập khẩu xe ô tô trên địa bàn Hà Nội, dựa trên quy trình nhập khẩu xe ô tô từ khâu tiếp nhận, thông quan hàng hóa cho tới ký xác nhận tờ khai nguồn gốc xe ô tô nhập khẩu - một loại giấy tờ cần thiết khi đi đăng ký xe tại Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), giúp người đọc có thể hiểu được một cách tổng quát và cơ bản nhất các công việc cần làm để nhập khẩu một lô hàng xe ô tô từ các nước vào thị trường Việt Nam.

Từ khóa: Quản lý nhà nước về hải quan, nhập khẩu xe ô tô, Hà Nội.

 1. Đặt vấn đề

Quản lý nhà nước về hải quan là sự tác động của các chủ thể mang quyền lực nhà nước (ở đây là hải quan) chủ yếu bằng pháp luật đến các đối tượng quản lý (là hàng hóa, phương tiện xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh), nhằm thực hiện chức năng đối nội, đối ngoại của Nhà nước.

Mặt khác, về thực tiễn, chính sách nhập khẩu ô tô hiện nay có các quy định mới như các doanh nghiệp nhập khẩu phải nộp giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường của kiểu loại ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp được quy định tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017, quy định về thử nghiệm khí thải và an toàn cho từng lô hàng ô tô nhập khẩu, quy định mới về đường chạy thử ô tô dành cho các nhà sản xuất trong nước được quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT ngày 10/1/2018 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT)… đang kiềm chế sự phát triển của thị trường ô tô nhập khẩu.

Chính vì vậy, bài viết này muốn nêu nên những mặt khó khăn và thuận lợi trong công tác quản lý về hải quan đối với nhập khẩu xe ô tô, dựa trên quy trình nhập khẩu xe ô tô từ khâu tiếp nhận, thông quan hàng hóa cho tới ký xác nhận tờ khai nguồn gốc xe ô tô nhập khẩu - một loại giấy tờ cần thiết khi đi đăng ký xe tại Phòng Cảnh sát giao thông, giúp người đọc có thể hiểu được một cách tổng quát và cơ bản nhất các công việc cần làm để nhập khẩu một lô hàng xe ô tô từ các nước vào thị trường Việt Nam.

2. Thực trạng quản lý nhà nước về nhập khẩu ô tô

2.1. Các qui định hiện hành đối với việc nhập khẩu xe ô tô hiện nay

Hàng năm, có rất nhiều chính sách được ban hành liên quan đến ngành Công nghiệp Ô tô nói chung và liên quan đến các doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu, sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam nói riêng. Các chính sách được ban hành ra là Nghị định, là Thông tư hướng dẫn của Chính phủ, của các Bộ ban ngành liên quan đến ngành nghề ô tô như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải.

Có những chính sách được ban hành ra nhận được sự ủng hộ tích cực của các tổ chức, DN hoạt động liên quan đến lĩnh vực kinh doanh ô tô, vì các chính sách đó tạo ra cơ hội mới, định hướng mới cho sự phát  triển  của  các  DN nhưng cũng có những chính sách ban hành ra gây khó khăn cho rất nhiều DN.

Một trong những chính sách ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thị trường ô tô trong những năm gần đây là: Thông tư số 20/2011/TT-BCT ngày 12/5/2011 của Bộ Công Thương; Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ, Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT ngày 10/1/2018 của Bộ GTVT, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ.

2.2. Qui trình nhập khẩu ô tô

Ô tô nhập khẩu về Việt Nam được các DN nhập khẩu chủ yếu theo 2 hình thức: (1) Nhập kinh doanh thương mại và (2) Nhập phi mậu dịch (dưới dạng quà biếu tặng).

Quy trình quản lý Nhà nước của 2 hình thức nhập khẩu ô tô trên như sau:

2.2.1. Nhập khẩu ô tô theo hình thức nhập kinh doanh thương mại (Hình 1)

Hình 1: Quy trình thủ tục hải quan nhập ô tô theo hình thức kinh doanh thương mại 

hinh 1Nguồn: Tác giả tổng hợp, 2019

Theo qui định, chỉ có các DN được cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô mới được nhập khẩu theo loại hình nhập kinh doanh. Với các điều kiện phải đáp ứng: (1) Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP; và (2) Có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh DN được quyền thay mặt DN sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam. Bộ Công Thương là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô. Hình thức nhập khẩu này cần tuân thủ hồ sơ Hải quan theo quy định tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Bước 1: Doanh nghiệp  khai và truyền tờ khai điện tử trên hệ thống.

Bước 2: Hệ thống sẽ tự động phân luồng cho tờ khai: Luồng xanh, vàng hay đỏ.

Bước 3: Trình và Tiếp nhận hồ sơ. Cán bộ Hải quan tiếp nhận tờ khai và kiểm tra thông tin doanh nghiệp khai báo trên tờ khai điện tử với hồ sơ Doanh nghiệp xuất trình: số BL, số công, số chì, tên tàu, số Invoice, số C/O, tên loại xe, dung tích xe, xuất xứ, năm sản xuất, model xe... Các dữ liệu trên phải cùng thống nhất trên tất cả các chứng từ. Nếu việc khai báo của doanh nghiệp đúng theo quy định thì cán bộ hải quan chấp nhận tờ khai và tờ khai sẽ được trình lên lãnh đạo Chi cục duyệt trên hệ thống: (1) Trường hợp tờ khai luồng vàng thì sẽ duyệt cho DN mang hàng về bảo quản và chờ kết quả của Cục Đăng kiểm. (2) Trường hợp tờ khai luồng đỏ thì sẽ cho hàng về địa điểm kiểm tra để kiểm tra thực tế hàng hóa.

Bước 4: Cán bộ kiểm hóa sẽ kiểm tra thực tế chi tiết hàng hóa: Tên hiệu xe, dung tích, số khung, số máy, màu sắc, nguồn gốc xuất xứ trên xe... Sau đó sẽ ghi kết qủa kiểm hóa trên hệ thống VNACCS (mẫu 06). Hàng kiểm tra đúng khai báo sẽ được đưa về kho bảo quản chờ kết quả của Cục đăng kiểm về việc đạt/không đạt chất lượng an toàn xe cơ giới nhập khẩu. Thời gian chờ kết quả của Cục Đăng kiểm: 1-2 tuần. (1) Trường hợp lô hàng xe ô tô nhập khẩu được Cục Đăng kiểm cấp Giấy Chứng nhận đạt chất lượng an toàn xe cơ giới nhập khẩu sẽ được Chi cục làm các thủ tục tiếp theo để thông quan lô hàng. (2) Trường hợp lô hàng không được Cục Đăng kiểm cấp Giấy chứng nhận đạt chất lượng an toàn xe cơ giới nhập khẩu sẽ phải làm thủ tục tái xuất.

Bước 5: Sau khi nhận được Giấy Chứng nhận từ Cục Đăng kiểm, cán bộ tiếp nhận sẽ căn cứ vào kết quả trên Giấy chứng nhận đối chiếu với khai báo của Người khai hải quan về các thông tin: Tên hiệu xe, năm sản xuất, số khung, số máy... nếu không khớp thì sẽ yêu cầu DN giải trình, xử phạt (nếu có) truyền sửa tờ khai. Trường hợp đúng sẽ cập nhật kết quả đăng kiểm và tính thuế.

Việc kiểm tra thuế sẽ căn cứ vào Trị giá khai báo mà DN khai báo với biểu giá trên danh mục QLRR. Trường hợp giá khai báo của DN đúng với dữ liệu trên hệ thống thì sẽ cho thông quan lô hàng. Doanh nghiệp sẽ làm các thủ tục tiếp theo tại bước 6.

 Trường hợp có nghi vấn về trị giá khai báo thì sẽ yêu cầu tham vấn. Công ty sẽ phải chuẩn bị bộ hồ sơ tham vấn giá để chứng minh và cam kết việc trị giá khai báo trên là đúng.

Hồ sơ tham vấn giá mà doanh nghiệp xuất trình gồm: Hợp đồng, hóa đơn, packing list, chứng từ thanh toán qua ngân hàng, giấy ủy quyền người đại diện của doanh nghiệp làm tham vấn giá (trong trường hợp không phải giám đốc làm thủ tục tham vấn giá) và giấy tờ khác...

Cơ quan hải quan sẽ căn cứ vào hồ sơ do doanh nghiệp cung cấp, đồng thời căn cứ vào các nghiệp vụ tra soát trên các hệ thống của hải quan, các trang web theo quy định để đối chiếu. Trong quá trình tham vấn giá sẽ có biên bản tham vấn giá thể hiện phần hỏi - đáp giữa cán bộ hải quan và đại diện doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện bộ hồ sơ không hợp lệ, sẽ bác bỏ trị giá khai báo và ra quyết định áp giá tính thuế khác (thường là tăng so với trị giá mà DN khai báo). Doanh nghiệp nếu chấp nhận trị giá do cơ quan hải quan ấn định thì nộp thuế bổ sung và lô hàng sẽ được thông quan.

Trường hợp DN không chấp nhận trị giá do cơ quan hải quan ấn định thì sẽ làm công văn không chấp nhận và khiếu nại...

Bước 6: Sau khi lô hàng được thông quan, DN nhập khẩu sẽ được mua tờ khai nguồn gốc (TKNG) xe ô tô nhập khẩu. Mỗi 1 xe ô tô nhập khẩu sẽ có 1 tờ khai nguồn gốc và được sử dụng khi đi đăng ký biển số xe tại Phòng Cảnh sát giao thông.

 Đến thời điểm này việc quản lý, theo dõi, giám sát lô hàng nhập khẩu xe ô tô theo hình thức nhâp kinh doanh mới được hoàn tất. Hồ sơ lô hàng sẽ chuyển từ đội nghiệp vụ sang đội tổng hợp để lưu trữ.

2.2.2. Nhập khẩu ô tô theo hình thức quà biếu - quà tặng

Căn cứ theo Mục 3 Điều 3 của Thông tư số 143/2015/TT-BTC ngày 11/09/20155, mỗi DN/tổ chức mỗi năm được phép nhập khẩu theo hình thức quà biếu quà tặng 01 xe ô tô. Qua đó chúng ta có thể nhận thấy sự bất bình thường của nhập khẩu xe theo loại hình trên. Vì thực tế rất ít có đơn vị, tổ chức nước ngoài nào tặng cho các DN, tổ chức tại Việt Nam những chiếc xe ô tô trị giá hàng chục đến hàng trăm ngàn đô la Mỹ nhưng theo thống kê của Tổng cục Hải quan trong 6 tháng đầu năm 2016 ngay trước thời điểm thuế TTĐB của Thông tư số 195/2015/TT-BTC có hiệu lực (1/7/2016) có hàng nghìn chiếc xe được nhập về Việt Nam theo hình thức quà biếu quà tặng - như vậy tương đương với hàng nghìn DN được tặng xe (vì theo quy định mỗi 1 xe phải do một doanh nghiệp đứng ra nhập khẩu).

Về nhập khẩu theo hình thức quà biếu quà tặng chỉ có luồng đỏ và quy trình như sau (Hình 2):

 Hình 2 : Quy trình thủ tục hải quan nhập khẩu ô tô theo dạng quà biếu tặng   

hinh 2

Bước 1: Doanh nghiệp nộp đơn xin cấp phép nhập khẩu xe theo hình thức quà biếu quà tặng (phi mậu dịch) tại Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố nơi DN đăng ký trên giấy chứng nhận ĐKKD. Hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu xe theo hình thức phi mậu dịch được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 143/2015/TT-BTC.

Bước 2: Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép của DN, công chức tiếp nhận hồ sơ sẽ kiểm tra hồ sơ: Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì sẽ nhận hồ sơ và hẹn DN trong vòng 07 ngày sẽ trả kết quả. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ sẽ trả DN và yêu cầu bổ sung để hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Trong thời gian thụ lý hồ sơ, Cục Hải quan sẽ tiến hành kiểm tra và đối chiếu hồ sơ theo các quy định hiện hành.

Bước 3: Sau khi doanh nghiệp nhận được Giấy phép nhập khẩu xe sẽ đăng ký với Cục Đăng kiểm. Sau đó sẽ khai và truyền tờ khai hải quan đến Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu xe. Xe nhập khẩu theo hình thức sẽ có đuôi tờ khai H11.

Bước 4: Được thực hiện giống Bước 2 của nhập khẩu xe theo hình thức kinh doanh thương mại cho đến khi được thông quan lô hàng.

Lô hàng xe ô tô nhập theo hình thức quà biếu sau khi được thông quan sẽ được Lãnh đạo Chi cục Hải quan tại cửa khẩu nhập xác nhận vào mặt sau của Giấy phép nhập khẩu. Chi cục sẽ lưu 01 bản Giấy phép và giao cho DN 01 bản để đi đăng ký biển số xe. Không có tờ khai nguồn gốc xe ô tô nhập khẩu như hình thức nhập xe thương mại.

Đến thời điểm này việc quản lý, theo dõi, giám sát lô hàng nhập khẩu xe ô tô theo hình thức quà biếu - quà tặng được hoàn tất.

2.3. Kết quả nhập khẩu ô tô trên địa bàn Hà Nội

2.3.1. Thị trường ô tô

Như chúng ta đã biết, chiếc ô tô từ rất lâu đã không còn được coi chỉ là phương tiện đi lại đơn thuần, các nhà chế tạo không ngừng trang bị cho nó vô số tiện ích khác khiến cho ô tô giờ đây như một mái nhà di động, một biểu tượng của sự giàu có, thịnh vượng. Nhập khẩu đề bù đắp những mặt hàng còn thiếu mà nền sản xuất trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất nhưng không đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước - ô tô là mặt hàng như thế.

Bảng 1. Số liệu nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại vào Việt Nam trong giai đoạn 2011 -2018 và quý I/2019

bang 1

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Bảng dữ liệu trên cho chúng ta thấy, ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam trong những năm qua chủ yếu là ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi và ô tô tải. Tính bình quân giai đoạn 2011-2018, tỷ trọng nhập khẩu 2 loại xe ô tô này chiếm tới 86% trong tổng lượng ô tô nguyên chiếc các loại; còn lại 14% là ô tô chuyên dụng và ô tô trên 9 chỗ ngồi.

2.3.2. Các kết quả QLNN về nhập khẩu ô tô trên địa bàn Hà Nội (Chi cục HQ Bắc Hà Nội)

  • Công tác giám sát quản lý:

Chỉ đạo và quán triệt thực hiện tốt nội dung Luật Hải quan, duy trì triển khai tốt Nghị định số 59/2018/NĐ-CP, Thông tư số 38/2015/TT-BTC, Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan và kiểm tra giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu…

Triển khai rà soát kho bãi, địa điểm kiểm tra kho, bãi ICD, kho hàng không ALS, TNT, kho hàng miễn thuế…

Bảng 2. Số liệu về công tác giám sát quản lý tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội 5 năm gần nhất (từ năm 2014 đến quý II/2019)

bang 2

Nguồn: Báo cáo hàng năm của Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội

Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng trong và ngoài ngành (các đội kiểm soát hải quan, Công an, Đội 1- Cục điều tra chống buôn lậu, C47, Văn phòng 389TW và PA84…) thực hiện công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại... đã lập và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan: vi phạm về quy định lưu trữ hồ sơ hải quan, khai và nộp hồ sơ hải quan không đúng thời hạn quy định, khai sai số lượng hàng nhập khẩu, hàng không có giấy phép chuyên ngành…

Bảng 3. Số liệu về xử phạt, vi phạm hành chính tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội 5 năm gần nhất (Từ năm 2014 đến quý II/2019)

bang 3

Nguồn: Báo cáo hàng năm của Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội

  • Công tác quản lý thuế:

Việc xây dựng kế hoạch thu nộp thuế ngân sách và các khoản thu khác theo chỉ tiêu giao hàngnăm được thực hiện nghiêm túc, sát với kết quả thực tế. Số thuế thu nộp ngân sách của Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội ngày càng tăng. Việc theo dõi các khoản thu ngân sách nhà nước được thực hiện trên hệ thống quản lý kế toán của toàn ngành.

Bảng 4. Số liệu thu ngân sách của Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội giai đoạn 2014-2019

bang 4 Nguồn: Báo cáo hàng năm của Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội

  •  Lượng DN nhập khẩu xe ô tô làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội 5 năm gần nhất (2014-2018):

Ô tô là một trong những mặt hàng chịu thuế cao. Tuy nhiên, nhập khẩu ô tô chịu sự ảnh hưởng của nhiều chính sách nên việc nhập khẩu không được ổn định qua các năm.

Bảng 5.  Lượng DN kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu ô tô làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội giai đoạn 2014-2018 và 6 tháng năm 2019

bang 5

Nguồn: Báo cáo hàng năm tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội

Bảng 6. Thu NSNN từ thuế nhập khẩu xe ô tô tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội

Đơn vị tính: VNĐ     bang 6    Nguồn: Báo cáo hàng năm của Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội

Tỷ trọng thu NSNN của hoạt động nhập khẩu xe ô tô trên tổng số thu NSNN của Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội trong 5 năm gần nhất từ năm 2014-2018 được thể hiện ở Bảng 7.

Bảng 7. Tỷ trọng thu NSNN của hoạt động nhập khẩu xe ô tô từ năm 2014-2018

bang 7

Nguồn: Báo cáo hàng năm của Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội

Đối với hoạt động nhập khẩu xe ô tô, các hình thức gian lận thuế diễn ra dưới nhiều hình thức mà điển hình nhất là gian lận về trị giá khai báo của DN nhập khẩu. Hầu hết các DN khai báo thấp hơn giá trị thực tế, điều đó gây thất thu cho NSNN. Mặc dù, nhiều công chức hải quan cũng phát hiện ra, nhưng lực bất tòng tâm nên cũng bỏ qua không truy xét đến cùng.

Bảng 8. Số vụ vi phạm về hoạt động nhập khẩu xe ô tô tại Chi cục Hải quan

 Bắc Hà Nội 05 năm 2014-2018

Bang 8Nguồn: Báo cáo hàng năm tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội

3. Những vấn đề tồn tại trong nhập khẩu ô tô

3.1. Những tồn tại về quản lý mặt hàng và xác định chủng loại

Ô tô là mặt hàng đặc thù và việc quản lý xe ô tô được phân loại theo từng chủng loại, nhãn hiệu, model xe như (Toyota, Honda, Ford, Huyndai…) theo số khung, số máy… nên việc quản lý giám sát trong quy trình nhập hàng tại cơ quan hải quan đòi hỏi sự chính xác, rõ ràng. Ô tô là mặt hàng phải đăng ký và chịu sự kiểm tra chất lượng an toàn của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

- Việc kiểm tra và đưa ra kết quả để xác định về chủng loại, đời xe, nhãn hiệu xe sẽ do Cục Đăng kiểm chịu trách nhiệm. Cơ quan Hải quan sẽ bị động vì chỉ căn cứ vào các kết quả chuyên ngành của Cục Đăng kiểm, để từ đó làm các khâu tiếp theo để xác định giá tính thuế và thông quan lô hàng.

- Xe ô tô được phân loại dựa vào nhãn hiệu xe, năm sản xuất, đời xe… còn được phân loại theo option xe. Có rất nhiều loại option khác nhau mà bản thân những người đi xe cũng không thể hiểu hết, chính vì vậy gây khó khăn cho công chức hải quan trong việc định giá chiếc xe. Vì trong danh mục QLRR của cơ quan hải quan chỉ phân loại xe theo nhãn hiệu, đời xe… không phân loại theo option xe nên đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc khai báo và gian lận thuế.

Thực tế với với các loại option, model khác nhau thì giá của chiếc xe đã không tương đồng nhưng trên danh mục QLRR của cơ quan hải quan lại không có sự phân biệt trên và chỉ áp chung 1 loại xe.

- Đối với nhập khẩu xe ô tô đã qua sử dụng, theo quy định thì xe nhập khẩu phải đi được tối thiểu 10.000km nhưng thực tế có nhiều chiếc xe đi chỉ được vài trăm đến vài nghìn km nhưng các DN đã thao tác và can thiệp tua công tơ met xe cho đủ 10.000 km thậm chí cao hơn 10.000 km để đạt tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định đối với xe nhập khẩu đã qua sử dụng. Đã có một số trường hợp khi hàng về đến cảng Việt Nam đã không kịp thao tác xử lý trước khi cán bộ hải quan kiểm hóa nên bị lập biên bản và yêu cầu tái xuất.

- Đối với nhập khẩu xe theo hình thức quà biếu - quà tặng. Giấy tờ duy nhất để chứng minh chiếc xe trên được tặng đó là thư tặng. Có những DN đã tự sáng tác ra các thư tặng đó và thậm chí nhiều thư tặng được sao chép giống nhau với nội dung sơ sài hoặc 1 DN nước ngoài có thể tặng cho một số đến hàng chục doanh nghiệp Việt Nam nhưng công chức hải quan khi đối chiếu trên giấy tờ thấy vẫn hợp lệ theo quy định hiện hành hoặc vì một vài lý do tế nhị khác thì vẫn cấp giấy phép.

3.2. Những tồn tại từ các qui định, văn bản pháp qui

Với Thông tư số 20/2011/TT-BCT ngày 12/5/2011 của Bộ Công Thương quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người từ 9 chỗ người trở xuống: Thương nhân nhập khẩu ô tô khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung những giấy tờ sau cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: (i) Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó. (ii) Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.

Với 2 quy định trên thì với các DN vừa và nhỏ chỉ có thể đáp ứng điều kiện (ii) - bằng việc đầu tư nhà xưởng, cơ sở bảo hành theo đúng quy định mà Bộ GTVT đề ra. Nhưng với điều kiện (i) thì không một DN kinh doanh thương mại nào có thể xin được Giấy ủy quyền từ các Hãng - công ty mẹ của các hãng xe trong nước.

Sau khi Thông tư trên được ban hành các DN đã tìm cách và tìm được hướng đi mới trong việc nhập khẩu xe ô tô đó là chuyển hướng sang nhập khẩu xe đã qua sử dụng (xe lướt) vì trong Thông tư 20 ở trên chỉ quy định với xe nhập khẩu mới 100%. Và để nhập khẩu được xe đã qua sử dụng thì phải thực hiện các quy định về xe đã qua sử dụng như (xe được sản xuất không quá 5 năm kể từ ngày sản xuất đến ngày cập cảng Việt Nam, xe phải đi được tối thiểu 10.000 km và đã đăng ký đủ 6 tháng tại nước sở tại) mới được nhập khẩu về Việt Nam.

Với Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô do Chính phủ quy định và giao cho Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải thực hiện và giám sát.

Về mục tiêu và nguyên tắc của Nghị định 116 có nhiều yếu tố phù hợp với mục tiêu mà Chính phủ và người tiêu dùng mong muốn: đó là nhằm hỗ trợ tốt hơn ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động và quản lý chặt chẽ hơn việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc để tránh tình trạng nhập siêu không thất thu đột biến về thuế và không tăng quá mạnh đến mức mất kiểm soát về nhu cầu thị trường khi cơ sở hạ tầng hiện tại chưa sẵn sàng.

Với Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 bổ sung 1 số điều của Nghị định số122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi... miễn toàn bộ thuế nhập khẩu cho linh kiện lắp ráp xe trong nước.

Điểm đặc biệt trong Nghị định 125 là bổ sung quy định về Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô giai đoạn 2018 - 2022.

Về qui trình nhập khẩu ô tô, thực tế cho thấy còn tồn tại rất nhiều bất cập trong việc tổ chức thực hiện quy trình QLNN về hải quan đối với hoạt động nhập khẩu xe ô tô như chính sách còn thiếu tính thực tế, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ... Cụ thể như sau:

- Danh mục QLRR ban hành ngày 31/12/2018 không cập nhật các năm sản xuất gần nhất của loại xe mới 100% mà chỉ đề cập năm sản xuất 2016, trong khi danh mục áp dụng từ ngày 1/1/2019 thì với các trường hợp nhập khẩu xe mới 100% DN cũng phải nhập xe có năm sản xuất là 2018-2019, điều này gây khó khăn cho việc xác định giá xe ô tô cho các lô hàng nhập khẩu…

- Việc cấp giấy phép xe quà biếu quà tặng: Chưa có sự thống nhất giữa các Cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố về việc có phải xác nhận lãnh sự quán vào thư tặng mà đối tác nước ngoài tặng cho DN Việt Nam hay không. Thực tế có Cục yêu cầu và có Cục không yêu cầu gây khó khăn cho không chỉ cán bộ hải quan tiếp nhận hồ sơ và cho cả DN nhập khẩu.

Một số loại xe nhập khẩu với điều kiện nhập khẩu về Việt Nam nằm giữa việc phân định xe mới 100% và xe đã qua sử dụng (đạt đủ 2 tiêu chí: đi được tối thiểu 10.000km, đăng ký đủ 6 tháng tại nước sở tại). Cụ thể: Một số xe nhập về đến cảng Việt Nam với đồng hồ contomet đạt khoảng 5000km chưa đủ 10.000 km, đăng ký chưa đủ 6 tháng tại nước xuất khẩu… thì chưa có sự thống nhất về văn bản chính sách định nghĩa với loại xe trên sẽ ra kết quả là xe gì? tính thuế theo xe mới 100% hay xe đã qua sử dụng (áp thêm thuế tuyệt đối) ? gây khó khăn cho cơ quan hải quan trong việc tính thuế vì kết quả của Cục Đăng kiểm không ghi rõ là xe mới và cũng không ghi xe đã qua sử dụng… Điều đó sẽ gây thất thoát cho NSNN nếu áp thuế theo xe mới 100%, nhưng đã có một vài trường hợp đã được áp là xe mới.

Như vậy, Thông tư số 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương đóng sập “cửa” nhập khẩu ô tô của nhiều DN trong nước. Khi “cửa” này bị đóng, các DN nhập khẩu xe ngoài việc “lách” bằng nhiều “cửa: khác như: Nhập khẩu xe cũ, xe kiều hồi hương thì có thêm 1 “cửa” là nhập khẩu xe ô tô không nhằm mục đích thương mại, hay còn gọi là xe quà biếu - quà tặng của Thông tư số 143/2015/TT-BTC ngày 11/09/2015.

4. Giải pháp

Thứ nhất là, để công nghiệp ô tô là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần được khuyến khích phát triển bằng những chính sách ổn định, khả thi nhất quán và dài hạn trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư đồng thời giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, nhờ vậy có thể giảm giá xe và người dân có nhiều cơ hội sở hữu ô tô.

Thứ hai là, nghiên cứu thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ô tô nhập khẩu. Có nhiều cơ quan nhà nước cùng tham gia hoạch định chính sách cho ngành Ô tô Việt Nam, tuy nhiên các cơ quan này đôi khi thiếu thống nhất về phương hướng phát triển. Cần có một cơ quan thống nhất để phát triển ngành Ô tô.

Thứ ba là, khuyến khích sự tương tác giữa DN nhập khẩu và cơ quan hải quan cấp cơ sở để cùng trao đổi và thảm khảo ý kiến một cách chân thật về các đề xuất nhằm điều chỉnh, sửa đổi luật, quy định và thủ tục hải quan, tránh những cuộc họp tổng kết rút kinh nghiệm cuối năm theo tính hình thức.

Thứ tư là, để hạn chế việc gian lận giá trong khai báo của DN nhập khẩu xe ô tô, cơ quan hải quan cần có đội ngũ am hiểu và năng lực chuyên môn về các chủng loại xe và có sự trao đổi với hải quan các nước để nắm bắt được giá sản phẩm cùng loại tại nước xuất khẩu nhằm xây dựng danh mục QLRR sát với giá giao dịch thực tế.

Thứ năm là, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải (Cục Đăng kiểm VN) và Bộ Công an (trong việc đăng ký xe) và có các quy chế rõ ràng để tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở về sự không thống nhất giữa các bên để gian lận về khai báo đời xe, chủng loại xe… thực tế mức độ, quy mô vi phạm của doanh nghiệp đến mức nào là điều không thể biết, tuy nhiên có thể nhận thấy việc ngăn ngừa và phát hiện vi phạm còn rất nhiều hạn chế… Có những quy định thưởng/phạt chặt chẽ hơn tại khâu kiểm tra sau thông quan khi phát hiện vi phạm.

Thứ sáu là, ô tô là một mặt hàng có giá trị cao, do vậy phần thuế thu được từ hoạt động quản lý nhập khẩu ô tô sẽ đóng một vai trò quan trọng, phục vụ cho các mục tiêu khác của Chính phủ. Mặt khác, việc đánh thuế vào ô tô nhập khẩu sẽ giúp cho các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ôtô trong nước có ưu thế về giá hơn so với các đối thủ cạnh tranh ngoại nhập trên thị trường. Việc thuế nhập khẩu xe ô tô 0% theo quy định đối với xe nhập từ ASEAN là không thể thay đổi, nhưng việc điều chỉnh thuế TTĐB là có thể. Đó cũng là một trong những giải pháp mà các nhà hoạch định chính sách hướng đến.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

 Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 38/2015/TT-BTC ban hành ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

  1. Bộ Tài chính (2018), Thông tư số 39/2018/TT-BTC ban hành ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ xung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
  2. Chính phủ (2017), Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
  3. Chính phủ (2016), Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 09 năm 2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
  4. Chính phủ (2017), Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ xung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
  5. Bộ Công Thương (2011), Thông tư số 20/2011/TT-BCT ngày 12 tháng 05 năm 2011 của Bộ Công Thương quy định bổ xung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 09 chỗ ngồi trở xuống.
  6. Bộ Giao thông vận tải (2018), Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT ngày 10 tháng 01 năm 2018 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định số 116.2017/NĐ-CP.
  7. Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội (2014 - 2019), Báo cáo tổng kết, Hà Nội.
  8. Chính phủ (2013), Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế, Hà Nội.
  9. Quốc hội (2006), Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006, Hà Nội.
  10. Quốc hội (2006), Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 ngày 27/6/2005, Hà Nội.
  11. Quốc hội (2012), Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012, Hà Nội.

Difficulties and advantages in the state management of customs for car imports in Hanoi

Ph.D Ngo Thu Giang

School of Economics and Management Hanoi University of Science and Technology

Phan Thi Hong Diep

Postgraduate student, Hanoi University of Science and Technology

Abstract:

This article introduces the difficulties and advantages in the state management of customs for car imports in Hanoi based on the process of importing cars from the receiving stage, customes clearance stage to the issue of Certificate of Origin stage. The Cerfiticate of Origin is a necessary document when car owners register their imported cars at the Traffic Police Department. Hence, readers can understand how to import cars from other countries to Vietnam.

Keywords: State management of Customs, cars import, Hanoi