Những yêu cầu đặt ra cho người làm công tác kế toán trong bối cảnh mới

NGUYỄN VĂN HÒA (Đại học Kinh Bắc)

TÓM TẮT:

Tác động của những thành tựu của công nghệ số nói chung và cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 nói riêng sẽ tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực kế toán nói chung và nghề kế toán nói riêng. Trong bối cảnh mới, đòi hỏi người làm công tác kế toán không chỉ tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, tinh thông nghiệp vụ mà còn phải thường xuyên tự cập nhật các kiến thức để hỗ trợ tốt hơn cho công việc. Bài nghiên cứu đề cập đến vấn đề những yêu cầu đặt ra cho người làm công tác kế toán trong bối cảnh mới.

Từ khóa: công tác kế toán, kế toán viên, chuẩn mực kế toán, cách mạng công nghiệp 4.0.

1. Giới thiệu

Trước những thành tựu mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, cơ hội nghề nghiệp được mở rộng với những người có năng lực chuyên môn và am hiểu chế độ kế toán. Cùng đó, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, công việc kế toán - kiểm toán được xử lý bằng máy tính đã và đang đặt ra những yêu cầu cao hơn trong kế toán - kiểm toán như: xử lý và phân tích dữ liệu bằng mạng máy tính, bảo mật thông tin… khiến cho yêu cầu chất lượng kế toán có bước thay đổi so với trước kia.

Bên cạnh đó, công việc kế toán - kiểm toán không còn phụ thuộc vào vị trí địa lý. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc, công việc, thu nhập của họ đang bị đe dọa bởi những kế toán, kiểm toán viên khác trên toàn thế giới.

Tác động của công nghệ số cũng sẽ tác động đến các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người làm công tác kế toán. Những chuẩn mực kế toán đối với kế toán viên sẽ được vận dụng như thế nào để có thể đảm bảo yêu cầu tốt của nhiệm vụ được giao.

2. Yêu cầu đối với người làm công tác kế toán

2.1. Quy định về người làm công tác kế toán

2.1.1. Về tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của người làm kế toán

Theo Điều 51, Luật Kế toán 2015, người làm kế toán phải có các tiêu chuẩn sau đây: có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán. Người làm kế toán có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.

Bên cạnh đó, người làm kế toán có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán, thực hiện các công việc được phân công và chịu trách nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Khi thay đổi người làm kế toán, người làm kế toán cũ có trách nhiệm bàn giao công việc kế toán và tài liệu kế toán cho người làm kế toán mới. Người làm kế toán cũ phải chịu trách nhiệm về công việc kế toán trong thời gian mình làm kế toán.

2.1.2. Về quy định những người không được làm công tác kế toán

Theo Điều 19, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 20/11/2015 quy định chi tiết một số Điều của Luật Kế toán, những người thuộc đối tượng sau đây sẽ không được làm kế toán, cụ thể:

Một là, các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 Điều 52 Luật Kế toán. Cụ thể: Người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.

Hai là, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, người đứng đầu,giám đốc hoặc tổng giám đốc và cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính - kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, ngoại trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ba là, người đang làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, ngoại trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2.2. Yêu cầu về đạo đức đối với người làm công tác kế toán

Theo Điều 7, Luật Kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán gồm những quy định và hướng dẫn về nguyên tắc, nội dung áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm kế toán, kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp và hộ kinh doanh dịch vụ kế toán. Người làm công tác kế toán phải đảm bảo và đáp ứng được những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. (Bảng 1)

Bảng 1. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán theo

quy định hiện hành

STT

Nguyên tắc

Ý nghĩa

1

Tính chính trực

Phải thẳng thắn, trung thực trong tất cả các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh.

2

Tính khách quan

Không cho phép sự thiên vị, xung đột lợi ích hoặc bất cứ ảnh hưởng không hợp lý nào chi phối các xét đoán chuyên môn và kinh doanh của mình.

3

Năng lực chuyên môn và tính thận trọng

Thể hiện, duy trì sự hiểu biết và kỹ năng chuyên môn cần thiết nhằm đảm bảo rằng khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ chuyên môn có chất lượng.

4

Tính bảo mật

Phải bảo mật thông tin có được từ các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh

5

Tư cách nghề nghiệp

Phải tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan, tránh bất kỳ hành động nào làm giảm uy tín nghề nghiệp của mình.

Nguồn: Thông tư số 70/2015/TT-BTC

Ngày 08/5/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 70/2015/TT-BTC ban hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Cụ thể, kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản sau:

- Tính chính trực: phải thẳng thắn, trung thực trong tất cả các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh.

- Tính khách quan: không cho phép sự thiên vị, xung đột lợi ích hoặc bất cứ ảnh hưởng không hợp lý nào chi phối các xét đoán chuyên môn và kinh doanh của mình.

- Năng lực chuyên môn và tính thận trọng: thể hiện, duy trì sự hiểu biết và kỹ năng chuyên môn cần thiết nhằm đảm bảo rằng khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ chuyên môn có chất lượng dựa trên những kiến thức mới nhất về chuyên môn, pháp luật và kỹ thuật; đồng thời hành động một cách thận trọng và phù hợp với các chuẩn mực nghề nghiệp và kỹ thuật được áp dụng.

- Tính bảo mật: phải bảo mật thông tin có được từ các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh. Vì vậy, không được tiết lộ bất cứ thông tin nào cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của bên có thẩm quyền, trừ khi có quyền hoặc nghĩa vụ phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của pháp luật hoặc cơ quan quản lý hoặc tổ chức nghề nghiệp. Và cũng như không được sử dụng thông tin vì lợi ích cá nhân của kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp hoặc của bên thứ ba.

- Tư cách nghề nghiệp: phải tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan, tránh bất kỳ hành động nào làm giảm uy tín nghề nghiệp của mình.

2.3. Yêu cầu mới đối với người làm công tác kế toán trong bối cảnh CMCN 4.0

CMCN 4.0 dự báo sẽ có những tác động rất lớn đến lĩnh vực kế toán. Theo James Evangelidis (2018) - tác giả của nhiều cuốn sách và chương trình phát thanh “Mong muốn thực sự của khách hàng” cho rằng, trong bối cảnh CMCN 4.0, các ứng dụng blockchain có thể giúp kế toán viên giảm bớt gánh nặng nghiệp vụ tuân thủ dù không thể thay thế được vai trò của kế toán viên. Cùng với đó, công nghệ chuỗi khối sẽ loại bỏ một số nghiệp vụ, đồng thời tạo ra những công việc mới, hoặc nghiệp vụ mới. Công nghệ AI cũng có thể thay thế những công việc thủ công của kế toán như thu thập, xử lý, tính toán số liệu... Trí tuệ nhân tạo dù không thay thế được con người nhưng nó đang làm thay đổi môi trường, hoàn cảnh làm việc của kế toán. Trong khi đó, công nghệ đám mây và dữ liệu lớn lại mang đến những lợi ích to lớn cho lĩnh vực kế toán nhờ khả năng lưu trữ, đảm bảo an ninh mạng...

Trước bối cảnh đó, người làm công tác kế toán phải thay đổi rất nhiều. Cần hiểu rằng, các quy trình kế toán có thể sẽ thay đổi khiến các nghiệp vụ cũng sẽ khác. Người làm công tác kế toán, ngoài kiến thức chuyên môn, trình độ công nghệ thông tin, còn cần có nhiều kiến thức tổng hợp khác.

3. Một số vấn đề đáng lưu ý

Có thể nói từ những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh công nghệ số, người làm công tác kế toán cũng cần quan tâm đến một số vấn đề đáng lưu ý sau trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của mình trong thời gian tới, cụ thể:

Một là, cần nắm rõ các tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của người làm kế toán theo quy định của pháp luật. Đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về những người không được làm công tác kế toán.

Hai là, cần thực hiện nghiêm các chuẩn mực đạo đức đối với người làm công tác kế toán, trong đó cần nắm rõ và thực hiện các nguyên tắc đạo đức cơ bản sau: Tính chính trực, Tính khách quan, Năng lực chuyên môn và tính thận trọng, Tính bảo mật, Tư cách nghề nghiệp. Bên cạnh đó, người làm công tác kế toán cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp của chính mình. Theo các chuyên gia kế toán, khi mọi công việc có thể xử lý bằng công nghệ thì đạo đức nghề nghiệp trở thành yếu tố cần thiết hơn bao giờ hết, có như vậy mới có thể xây dựng và xác định hình ảnh chân thực của doanh nghiệp.

Ba là, người làm công tác kế toán phải thường xuyên cập nhật những kiến thức chuyên môn mới nhằm không bị lạc hậu về chuyên môn, xử lý công việc theo chế độ kế toán, chuẩn mực chuyên môn quy định hiện hành. Mỗi kế toán viên cần cập nhật kiến thức, trình độ để tiếp cận với các thành tựu của CMCN 4.0. Ngoài ra, kế toán phải ghi nhớ vai trò giải quyết những thắc mắc và mối lo ngại của khách hàng, cung cấp cho họ những hiểu biết trong kinh doanh. Để làm được điều này, kế toán viên cần trang bị kỹ năng về truyền thông xã hội để thu hút sự chú ý, phát triển các mối quan hệ, khiến khách hàng muốn được hợp tác với bạn và biến họ trở thành những khách hàng tiềm năng.

Bốn là, yêu cầu đối với người làm công tác kế toán trong bối cảnh công nghệ số cao hơn, đòi hỏi cần nhiều kỹ năng hơn. Theo đó, những người làm nghề kế toán cần phải cải thiện năng lực cũng như điều kiện của bản thân để đáp ứng điều kiện hành nghề quốc tế, nâng cao vị thế bản thân và mở rộng phạm vi hành nghề. Chẳng hạn, trong bối cảnh CMCN 4.0, người làm công tác kế toán quản trị đóng vai trò như một nhà quản lý trong tổ chức, tiếp xúc với các nhà quản trị doanh nghiệp để cung cấp, tư vấn, tham mưu về chiến lược. Ngoài ra, nhân viên kế toán quản trị cần “trực quan hóa” dữ liệu để cung cấp cho quản trị. Họ có thể sử dụng bảng thông tin dữ liệu và đồ họa thông tin để tóm tắt bản chất câu chuyện và trình bày với nhà quản trị, thay thế cho việc truyền tải thông điệp khô khan qua các con số và bảng biểu. Vai trò của họ đã được chuyển đổi từ người chuyên xử lý các con số thành “người kể chuyện” với những hiểu biết sâu sắc về các dữ liệu, góp phần đưa ra các quyết định trong kinh doanh. Trước đây, những người làm kế toán quản trị thường ít tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao và công việc chính của họ chỉ là tìm kiếm và truyền tải các số liệu, nhằm hỗ trợ những người khác phiên dịch và xử lý các số liệu này. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ số, các công cụ phân tích dữ liệu, dự báo và trực quan như bảng thông tin dữ liệu đã giúp xác định lại vai trò của kế toán quản trị trở nên chiến lược hơn và gắn kết như là một phần của bộ máy lãnh đạo...

Năm là, những người làm công tác kế toán không nên lo lắng bởi chính công nghệ đang khiến cho công việc này trở nên dễ dàng hơn. Thực tế hiện nay, các kế toán viên cũng thực sự mong muốn được cắt giảm khối lượng nghiệp vụ tuân thủ do áp lực công việc ngày càng tăng. Xu hướng số hóa, quy trình tự động hóa và AI, bởi các thành tựu công nghệ này không những không tước đi cơ hội nghề nghiệp của kế toán viên mà còn giúp kế toán viên hoàn thành những công việc nhàm chán như nhập dữ liệu. Trí tuệ nhân tạo mặc dù là công cụ thông minh nhưng không thể thay thế sự giám sát và đánh giá của con người. Ngoài ra, dù công nghệ có thể thay thế hay làm những phần việc khó khăn nhưng những công đoạn như: phân tích, tìm nguyên nhân đưa ra giải pháp cho từng tình huống cụ thể, thậm chí những tình huống chưa từng xảy ra… phải có sự tham gia của con người.

4. Kết luận

CMCN 4.0 đã, đang tạo ra những thay đổi quan trọng đối với lĩnh vực kế toán và người làm công tác kế toán. Trong tương lai, các doanh nghiệp cần các chuyên gia kế toán nhiều hơn là các kế toán viên, vì thế các kế toán phải là người có trình độ chuyên môn kế toán cao, có khả năng làm việc độc lập, có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng. Bên cạnh những yếu tố đó, người làm công tác kế toán cũng cần phải thường xuyên đảm bảo các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Bởi suy cho cùng, dù máy móc có thể thay thế người thực hiện nhiều công việc, nghiệp vụ kế toán, song con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Con người vẫn là đối tượng chủ động lập trình và vận hành đối với máy móc công nghệ. Bên cạnh đó, cần thường xuyên nâng cao trình độ quản trị, hiểu biết công nghệ... Khi đáp ứng được các điều kiện này, người làm công tác kế toán không còn phải lo lắng nhiều về tương lai của mình, bởi kế toán viên đang có những đóng góp rất lớn cho doanh nghiệp. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2016). Thông tư số 70/2015/TT-BTC ngày 08/5/2015 ban hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.
  2. Chính phủ (2015). Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 20/11/2015 quy định chi tiết một số Điều của Luật Kế toán.
  3. Đức Việt (2020). Nghề kế toán, kiểm toán trước những thách thức đổi mới. Truy cập từ link: https://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/nghe-ke-toan-kiem-toan-truoc-nhung-thach-thuc-doi-moi-318706.html.
  4. Quốc hội (2015). Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015.
  5. ThS. Lê Thị Oanh (2019). Cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động đến nghề kế toán viên. Truy cập từ link: https://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/cach-mang-cong-nghiep-40-va-nhung-tac-dong-den-nghe-ke-toan-vien-305965.html.

New professional requirements for accountants during the new development era

Ph.D Nguyen Van Hoa

Kinh Bac University

ABSTRACT:

Achievements of digital technology in general and of the industrial revolution 4.0 in particular have had strong impacts the accounting sector and also the accounting profession. In the new development era, accountants are required to not only comply with their professional ethical standards but also regularly update their knowledge. This paper presents professional requirements for accountants during the new development era.

Keywords: accounting work, accountant, accounting standards, industrial revolution 4.0.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]