Ngày 20/7/2023, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 524/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Theo Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Ninh Bình sẽ tận dụng có hiệu quả các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp. Ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình sẽ phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó phát triển công nghiệp theo chiều sâu là chủ đạo.
Ninh Bình phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đề ra (bình quân giai đoạn 2020-2025 đạt 13,4%/năm). Đến năm 2030 phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường và phát triển bền vững; đến năm 2035, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
Để có định hướng quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030 làm cơ sở thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo mặt bằng sạch thu hút nhà đầu tư thứ cấp, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh, giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh sẽ rút 07 CCN ra khỏi quy hoạch phát triển CCN tỉnh do có diện tích nhỏ lẻ, không hiệu quả, không phù hợp với định hướng phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ thương mại của vùng huyện và định hướng quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và bổ sung 05 CCN mới vào Phương án tổng thể phát triển các cụm công nghiệp của tỉnh.
Theo đó, tỉnh điều chỉnh giảm diện tích cụm công nghiệp Ninh Phong từ 45,35 ha xuống còn 13 ha trong Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời rút ra khỏi Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đối với cụm công nghiệp Mai Sơn, huyện Yên Mô, diện tích 44,98 ha.
Ninh Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp của Tỉnh chiếm trên 37,0% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo đạt từ 15%-20%; tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá 2010) giai đoạn 2021-2025 đạt 12,0%/năm; tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 13,4%/năm.
Với các khu cụm công nghiệp, tỉnh đặt mục tiêu lấp đầy 100% diện tích của 05 KCN đã xây dựng và đang hoạt động; hoàn thiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với khu công nghiệp Tam Điệp II (giai đoạn 1- diện tích 126.37ha), KCN Gián Khẩu II (giai đoạn 1- diện tích 51.38ha) và KCN Phú Long (diện tích 485ha); mở rộng diện tích KCN Gián Khẩu (diện tích 33,12ha).
Ninh Bình sẽ phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động và thu hút lấp đầy 100% diện tích của các CCN đã được thành lập trước năm 2021; mở rộng 06 CCN đã có trong quy hoạch giai đoạn 2021-2025 gồm các CCN Khánh Thượng (diện tích mở rộng 21,25ha), CCN Đồng hướng (diện tích mở rộng 37,41ha), CCN Gia Lập (diện tích mở rộng 25ha), CCN Gia Phú (diện tích mở rộng 25ha), CCN Văn Phong (diện tích mở rộng 25ha), CCN Khánh Hải II (diện tích mở rộng 30ha).
Đồng thời tỉnh thành lập mới 08 CCN trên địa bàn các huyện, thành phố gồm: CCN Khánh Hải 1 (diện tích 36,31ha), CCN Khánh Lợi (diện tích 63ha), CCN Khánh Lợi II (diện tích 55ha), CCN Trung Sơn (45ha), CCN Ninh Vân (diện tích 75ha), CCN Gia phú - Liên Sơn (diện tích 40ha), CCN Yên Lâm (diện tích 50ha), CCN Chất Bình (diện tích 75ha).
Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình tập trung vào theo 03 trụ cột chính:
Một là: Phát triển các ngành/lĩnh vực công nghiệp chủ lực: Tập chung phát triển các ngành/lĩnh vực (Ngành cơ khí, chế tạo tập trung phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị phục vụ các ngành kinh tế; ngành thiết bị điện, điện tử, tin học tập trung phát triển sản xuất điện tử, điện gia dụng và sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao).
Hai là: Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ các nhóm ngành cơ khí, chế tạo (bao gồm: sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô, gia công cơ khí, phụ tùng cho máy móc thiết bị, ...); công nghiệp hỗ trợ ngành thiết bị điện, điện tử, tin học (bao gồm nhóm sản phẩm: linh kiện điện tử, thiết bị điện, sản phẩm công nghệ cao, ...); công nghiệp hỗ trợ ngành ngành chế biến nông lâm thuỷ sản, thực phẩm và đồ uống; dệt may và da giầy (bao gồm nhóm sản phẩm: bao bì, vỏ lon/hộp, khóa, chỉ may, chỉ khâu, bông tấm, dệt, mex dệt, mex không dệt, đế giầy, mũ giầy, ...).
Ba là: Phân bố lại không gian phát triển công nghiệp theo hướng tập trung vào các khu vực tập trung công nghiệp có thuận lợi về hạ tầng giao thông, logictics và lưu thông hàng hóa và bảo đảm hài hòa với phát triển du lịch.