Số liệu của Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh tăng 11,35% so với cùng kỳ năm trước.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu giữ vững đà tăng trưởng
Chỉ số IIP toàn tỉnh tháng 7 ước tính tăng 17,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành khai khoáng tăng 7,90%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,36%; sản xuất và phân phối điện giảm 9,36%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,85%.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cùng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu khác góp phần tích cực vào mức tăng chung của toàn ngành, cụ thể: Đá các loại đạt 2,4 triệu m3, tăng 16,1%; ngô ngọt đóng hộp đạt 2,0 nghìn tấn, tăng 8,7%; giày dép các loại đạt 37,3 triệu đôi, tăng 15,7%; phân NPK đạt 74,6 nghìn tấn, tăng 53,2%; phân lân nung chảy đạt 0,1 triệu tấn, tăng 57,1%; thép cán đạt 0,2 triệu tấn, tăng 34,8%; xe ô tô chở hàng đạt 4,7 nghìn chiếc, tăng 9,1%; điện sản xuất đạt 0,5 tỷ Kwh, tăng 49,1%; điện thương phẩm đạt 1,6 tỷ Kwh, tăng 19,4%…
Tuy nhiên, một số sản phẩm lại có mức sản xuất giảm như: Thức ăn gia súc đạt 16,9 nghìn tấn, giảm 12,1%; hàng thêu 0,6 triệu m2, giảm 43,4%; quần áo các loại đạt 31,5 triệu cái, giảm 11,4%; xi măng và clanke đạt 3,7 triệu tấn, giảm 2,3%...
Tất cả các nhóm hàng hóa có doanh thu bán lẻ tăng
Theo Cục Thống kê Ninh Bình, doanh thu bán lẻ hàng hoá 7 tháng đầu năm toàn tỉnh đạt trên 46.054,6 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tất cả 12/12 nhóm hàng hóa có doanh thu bán lẻ tăng, trong đó một số nhóm đạt mức tăng cao như: Lương thực, thực phẩm ước đạt 17.290,0 tỷ đồng, tăng 30,1%; hàng may mặc 2.330,1 tỷ đồng, tăng 34,3%; vật phẩm văn hóa giáo dục 261,2 tỷ đồng, tăng 42,4%; xăng, dầu các loại 4.387,0 tỷ đồng, tăng 31,1%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) 409,3 tỷ đồng, tăng 37,2%; hàng hóa khác 641,6 tỷ đồng, tăng 41,0%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 2.175,8 tỷ đồng, tăng 36,3%.
Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống thực hiện trên toàn tỉnh Ninh Bình ước đạt gần 5.393,8 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt trên 69,2 tỷ đồng, gấp 2,1 lần; doanh thu một số ngành dịch vụ khác ước đạt trên 3.569,1 tỷ đồng, tăng 13,5%.
Về hoạt động xuất, nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 7 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ước đạt 3.740 triệu USD, cụ thể tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.932,9 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Giày dép các loại 542,8 triệu USD; camera và linh kiện ước đạt 406,6 triệu USD; xi măng và clanke 357,0 triệu USD; quần áo các loại 182,8 triệu USD; linh kiện điện tử 82,2 triệu USD, linh kiện phụ tùng ô tô các loại 76,9 triệu USD...
Tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa toàn tỉnh Ninh Bình ước đạt gần 1.807,1 triệu USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá các nhóm mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn là: Linh kiện điện tử 519,2 triệu USD; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 518,0 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày, dép 378,0 triệu USD; vải may mặc các loại 94,0 triệu USD; ô tô 29,2 triệu USD.