NSMO: Thủy điện nước về nhiều, sản lượng sẽ cao hơn 5 tỷ kWh so với kế hoạch

Trong trạng thái La Nina, tình hình mưa, bão được dự báo sẽ có nhiều phức tạp, làm tăng lượng nước về các hồ thủy điện, giúp tổng sản lượng thủy điện trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12 năm nay đạt 56,8 tỷ kWh, cao hơn 5,2 tỷ kWh so với kế hoạch vận hành năm.
Hệ thống điện quốc gia sẽ có thêm hơn 5 tỷ kWh thủy điện so với kế hoạch vận hành năm
Hệ thống điện quốc gia sẽ có thêm hơn 5 tỷ kWh thủy điện so với kế hoạch vận hành năm

Báo cáo của Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy điện theo nước về trên hệ thống điện Quốc gia đạt khoảng 40,55 tỷ kWh, cao hơn 8,76 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn 11,16 tỷ kWh so với kế hoạch năm.

Sản lượng thủy điện thực hiện đạt 40,896 tỷ kWh, vượt kế hoạch 3,623 tỷ kWh. Trong khi đó, nhiệt điện than và khí giảm so với kế hoạch. Tổng sản lượng huy động từ các nguồn đạt 179,437 tỷ kWh, chỉ giảm 86 triệu kWh so với kế hoạch.

Giá điện năng thị trường (SMP) trung bình 7 tháng đạt 1.091,3 đ/kWh; giá thị trường điện toàn phần (FMP) là 1.423,5 đ/kWh. SMP trung bình bằng 81,6% kế hoạch, chủ yếu do giá trần thị trường giảm và các yếu tố như giá nhiên liệu, phụ tải và điều kiện thủy văn. Giá điện toàn phần bình quân cũng giảm khoảng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Về sản lượng và chi phí trên thị trường giao ngay, tổng sản lượng điện giao nhận đạt 78,1 tỷ kWh, cao hơn 36% so với sản lượng hợp đồng. Sản lượng phát cao hơn chủ yếu ở các nhà máy nhiệt điện do tỷ lệ thanh toán theo giá hợp đồng alpha thấp. Tổng chi phí phát điện trên toàn thị trường là 124 nghìn tỷ đồng, thấp hơn khoảng 800 tỷ đồng so với giá hợp đồng, trong đó chi phí trên thị trường giao ngay ước tính khoảng 115,6 nghìn tỷ đồng.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2024, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 65-75%, có thể kéo dài đến cuối năm. Trong trạng thái La Nina, Bắc Bộ sẽ phải đối mặt với nhiều đợt mưa lớn, trong khi  tình hình mưa, bão ở Trung bộ khả năng diễn biến sẽ có nhiều phức tạp.

Đặc biệt, nguy cơ lượng mưa nhiều, lớn hơn bình thường ở ven biển Trung bộ, làm tăng nguy cơ lũ lụt, và ngập lụt đô thị. Với lượng mưa gia tăng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng, đặc biệt ở các vùng núi cao nơi có tính chất đất không ổn định.

“Điều này dự báo sẽ tăng lượng nước về các hồ thủy điện, giúp tổng sản lượng thủy điện trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12 năm nay đạt 56,8 tỷ kWh, cao hơn 5,2 tỷ kWh so với kế hoạch vận hành năm”, lãnh đạo NSMO cho biết.

Về phụ tải, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu trong năm 2024 dự kiến đạt khoảng 309,8 tỷ kWh, tăng 10,11% so với năm 2023. Trong các tháng còn lại, phụ tải dự kiến không cao hơn so với thực tế 7 tháng đầu năm.

Để đảm bảo an ninh cung ứng điện và tối ưu hóa việc huy động các nguồn điện, NSMO cho biết đảm bảo cung ứng điện trong các tháng còn lại năm 2024 là mục tiêu hàng đầu để định hướng các chiến lược vận hành bên cạnh mục tiêu tối ưu chi phí.

Đồng thời, tăng khai thác các hồ thủy điện có nước về tốt, đặc biệt là các nhà máy thủy điện đa mục tiêu có giới hạn về mức nước cao nhất trong thời kỳ mùa lũ nhằm tránh gia tăng dòng chảy đột biến về hạ du. Các nhà máy điện được huy động theo kết quả của bài toán tối ưu đồng thời thủy - nhiệt điện. Định hướng đưa mức nước các hồ về mức nước dâng bình thường vào cuối năm.

NSMO cũng cho hay sẽ giảm huy động một số nguồn nhiệt điện để tăng khai thác thủy điện, tuy nhiên vẫn cần duy trì cấu hình tối thiểu các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo các tiêu chuẩn vận hành lưới điện (đảm bảo các tiêu chí an toàn về kỹ thuật như mức mang tải, giới hạn điện áp, giới hạn truyền tải…) và khả dụng hệ thống điện, nhất là cho khu vực miền Bắc. Bên cạnh đó, một số nhà máy cũng cần được huy động để đảm bảo an toàn trong thời gian thi công đường dây 500kV mạch 3.

Bên cạnh đó, NSMO sẽ linh hoạt điều chỉnh chiến lược vận hành chi tiết các nguồn thủy điện, nhiệt điện than, khí tự nhiên, và khí LNG để phù hợp với tình hình thực tế về phụ tải, thủy văn, thời tiết, và độ khả dụng của các nguồn điện, cũng như các yếu tố bất định khác.

NSMO cũng đề nghị các đơn vị phát điện và các Tổng công ty phát điện điện phối hợp chặt chẽ để cập nhật, đánh giá nhu cầu huy động nhằm đảm bảo kế hoạch nhập than phù hợp, tối ưu hóa chi phí, và điều chỉnh lịch sửa chữa phù hợp với thực tế vận hành.

Thy Thảo