Nhiều nỗ lực trong quá trình chuyển đổi
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhấn mạnh, việc tách A0 từ EVN, chuyển đổi thành mô hình Công ty TNHH MTV là bước đi quan trọng để tái cơ cấu toàn diện ngành điện Việt Nam, hiện thực hóa chủ trương tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
NSMO giữ vai trò quan trọng trong vận hành hệ thống điện và thị trường điện an toàn, ổn định, tin cậy, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, an toàn cung cấp điện giữa bối cảnh ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng đối diện nhiều thách thức mới.
Ông Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên NSMO cho biết, hiện NSMO đang phụ trách các mảng công việc chính như: Vận hành hệ thống điện quốc gia theo thời gian thực với mục tiêu an toàn, ổn định, tin cậy và điều hành giao dịch thị trường điện đảm bảo công bằng, minh bạch; Quản lý, vận hành, bảo trì và bảo dưỡng hạ tầng hệ thống viễn thông công nghệ thông tin chuyên ngành phục vụ vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện và năng lượng tái tạo...
Tính đến ngày 31/7/2024, NSMO có tổng cộng 457 người lao động (cơ quan NSMO: 164 người; A1: 100 người; A2: 104 người; A3: 89 người). Trong đó, có Chủ tịch HĐTV, Ban Lãnh đạo, 5 phòng sản xuất, 4 phòng quản trị và 3 chi nhánh.
Trong bối cảnh chuyển đổi cơ cấu tổ chức còn mới, ông Nguyễn Đức Cường cho biết NSMO đã nỗ lực không ngừng nghỉ để thích ứng, cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của Bộ Công Thương, UBQLVNN, EVN.
Song, cần nhìn nhận thực tế phía trước vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục. Chủ tịch HĐTV NSMO nhấn mạnh, với những hướng dẫn chỉ đạo, kiểm tra giám sát của lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như các đơn vị thuộc Bộ, Công ty sẽ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Bộ giao.
Vận hành hệ thống điện an toàn tin cậy, đảm bảo cung ứng đủ điện
Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) - nay là NSMO - đã triển khi quyết liệt nhiều giải pháp và đạt được hiệu quả nhất định trong vận hành hệ thống điện an toàn tin cậy, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước và nhu cầu của nhân dân dù công tác vận hành hệ thống điện đã phải đối mặt với nhiều thách thức như phụ tải điện tăng trưởng cao đột biến, vượt các giá trị lịch sử, nước về các hồ thủy điện trong các tháng đầu năm thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm.
Tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống đạt 179,4 tỷ kWh, tăng khoảng 10,54% so với cùng kỳ năm 2023. Công suất cực đại của hệ thống đạt 48.880 MW, tăng 7,87% so với cùng kỳ.
Trong một số tháng đầu năm 2024, lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm, đặc biệt ở khu vực miền Bắc. So với kế hoạch vận hành năm 2024, tổng sản lượng thủy điện theo nước về 4 tháng đầu năm toàn quốc tăng khoảng 597 triệu kWh so với kế hoạch năm, trong đó sản lượng theo nước về các hồ miền Trung tăng khoảng 1,2 tỷ kWh. Tuy nhiên, sản lượng thủy điện theo nước về các hồ miền Bắc/miền Nam trong 4 tháng đầu năm thấp hơn khoảng 497/129 triệu kWh so với kế hoạch vận hành năm 2024. Tình hình nước về các hồ miền Bắc chỉ được cải thiện trong giai đoạn tháng 5 - 7 khi tổng sản lượng theo nước về các hồ thủy điện trên toàn quốc trong hai tháng này cao hơn so với kế hoạch vận hành năm khoảng 10,6 tỷ kWh.
Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy điện theo nước về trên hệ thống điện Quốc gia đạt khoảng 40,55 tỷ kWh, cao hơn 8,76 tỷ.kWh so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn 11,16 tỷ kWh so với KH năm.
Sản lượng thủy điện thực hiện đạt 40,896 tỷ kWh, vượt kế hoạch 3,623 tỷ kWh. Trong khi đó, nhiệt điện than và khí giảm so với kế hoạch. Tổng sản lượng huy động từ các nguồn đạt 179,437 tỷ kWh, chỉ giảm 86 triệu kWh so với kế hoạch.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, giá điện năng thị trường (SMP) trung bình đạt 1.091,3 đ/kWh và giá thị trường điện toàn phần (FMP) là 1.423,5 đ/kWh. SMP trung bình bằng 81,6% kế hoạch, chủ yếu do giá trần thị trường giảm và các yếu tố như giá nhiên liệu, phụ tải và điều kiện thủy văn. Giá điện toàn phần bình quân cũng giảm khoảng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Về sản lượng và chi phí trên thị trường giao ngay, tổng sản lượng điện giao nhận đạt 78,1 tỷ kWh, cao hơn 36% so với sản lượng hợp đồng. Sản lượng phát cao hơn chủ yếu ở các nhà máy nhiệt điện do tỷ lệ thanh toán theo giá hợp đồng alpha thấp. Tổng chi phí phát điện trên toàn thị trường là 124 nghìn tỷ đồng, thấp hơn khoảng 800 tỷ đồng so với giá hợp đồng, trong đó chi phí trên thị trường giao ngay ước tính khoảng 115,6 nghìn tỷ đồng.
Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương trao đổi với NSMO về các đề xuất, kiến nghị của Công ty
Tập trung nguồn lực để ổn định tổ chức, hoàn thành kế hoạch công tác
Theo Quyền Tổng giám đốc NSMO Nguyễn Đức Ninh, từ nay đến hết năm 2024, dự báo thời tiết mưa bão diễn biến phức tạp, lưu lượng nước về các hồ thủy điện lớn, sản lượng khai thác từ thủy điện dự kiến tăng khoảng 5-6 tỷ kWh so với kế hoạch, trong khi phụ tải giảm so với kế hoạch năm khoảng 1-2 tỷ kWh, do đó sẽ giảm khai thác nhiệt điện than khoảng 7-8 tỷ kWh trong các tháng cuối năm. Trong khi đó, dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối dự kiến sẽ đóng điện trong tháng 8/2024, góp phần tăng cường năng lực truyền tải điện trên trục đường dây 500 kV Bắc - Trung.
Bước sang năm 2025, một số vấn đề đặt ra trong công tác vận hành bao gồm: Đảm bảo cung ứng điện miền Bắc; Vận hành đường dây 500kV mạch 3 đảm bảo nâng công suất truyền tải từ 2.200-2.300MW lên mức 4.000-5.000MW song song với giữ ổn định hệ thống điện miền Bắc; Đảm bảo huy động nhiên liệu khí LNG cho các tổ máy nhiệt điện khí.
Đối với công tác trong thời gian tới, lãnh đạo NSMO cho biết còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc huy động vốn đầu tư cho các dự án cấp bách cần triển khai giai đoạn từ nay đến 2030; việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo, cơ cấu tổ chức xuyên suốt trong toàn Công ty; việc xử lý các vấn đề liên quan đến pháp chế, quản trị doanh nghiệp, quản lý dự án…
Do đó, NSMO sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành kế hoạch công tác các tháng còn lại năm 2024 và năm 2025, trong đó chú trọng đảm bảo an ninh cung ứng điện và tối ưu hóa việc huy động các nguồn điện, đặt mục tiêu đảm bảo cung ứng điện trong các tháng còn lại năm 2024 là mục tiêu hàng đầu để định hướng các chiến lược vận hành bên cạnh mục tiêu tối ưu chi phí.
Đồng thời, kiện toàn công tác tổ chức, cán bộ nhằm đảm bảo cho NSMO đi vào hoạt động ổn định, thuận lợi theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương. Xây dựng hệ thống Quy chế quản lý nội bộ của NSMO trong tất các lĩnh vực của công tác quản trị. Xây dựng kế hoạch chi phí liên quan đến công tác lao động tiền lương của NSMO, trình Bộ Công Thương phê duyệt theo quy định.
NSMO cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm xem xét chỉ đạo, hướng dẫn một số vấn đề làm cơ sở cho NSMO nhanh chóng ổn định tổ chức, triển khai hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đánh giá cao những nỗ lực của các bên trong thời gian qua; đồng thời đề nghị NSMO tập trung nguồn lực, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu hoạt động là lập phương thức và chỉ huy vận hành hệ thống điện quốc gia một cách an toàn, tin cậy, ổn định và kinh tế; điều hành giao dịch thị trường điện theo nguyên tắc công bằng, minh bạch, góp phần đảm bảo cung cấp điện liên tục và ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, và quốc phòng.
Thứ trưởng cũng giao các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục chủ động rà soát, nắm chắc tình hình để phối hợp, hỗ trợ NSMO hoàn thành tốt nhiệm vụ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện đảm bảo an toàn, tin cậy, minh bạch, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước và nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là đảm bảo an ninh cung cấp điện cho các tháng cuối năm 2024 và xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống điện và thị trường điện năm 2025 an toàn, ổn định, và kinh tế.