TÓM TẮT:
Bài báo nghiên cứu các vấn đề về đổi mới mô hình kinh doanh xanh, phân tích một số mô hình kinh doanh xanh trong thực tế, các vấn đề triển khai và các rào cản hạn chế việc triển khai rộng rãi các mô hình kinh doanh xanh này trong thực tế. Bài báo xác định các rào cản quan trọng kìm hãm việc triển khai các mô hình kinh doanh xanh đó là: vốn đầu tư, thiếu hụt công nghệ, sự phối hợp giữa các đối tác, sự khẳng định về các lợi ích thu được, sự phức tạp trong quản lý hệ thống và vấn đề chia sẻ thông tin trong hệ thống các đối tác. Bài báo cũng đưa ra các đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy việc triển khai các mô hình kinh doanh xanh trong thực tế tại Việt Nam.
Từ khóa: Mô hình kinh doanh xanh, đổi mới, rào cản.
1. Một số vấn đề về phát triển xanh
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành ngày 15/9/2012. Trọng tâm của tăng trưởng xanh là hướng tới một nền kinh tế các-bon thấp và hướng tới phát triển bền vững. Với các trọng tâm phát triển này, nền kinh tế của Việt Nam cần hướng tới các mục tiêu sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát triển các công nghệ sạch và phát triển hạ tầng xanh. Để đạt được các mục tiêu này, một trong các nhiệm vụ quan trọng là cần xanh hóa sản xuất thông qua việc giảm phát thải, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thông qua áp dụng đổi mới hướng sinh thái trong các hệ thống sản xuất hay đổi mới mô hình kinh doanh đang được áp dụng theo hướng xanh hóa. Đây là hai xu hướng xanh hóa chính cần được đổi mới và ứng dụng trong thời gian tới.
Trong các vấn đề về phát triển xanh, vấn đề đổi mới mô hình kinh doanh xanh có vai trò rất quan trọng, đã được nghiên cứu tại một số nước trên thế giới đặc biệt là các nước Bắc Âu, tuy nhiên lại chưa được chú trọng tại Việt Nam. Do đó, nghiên cứu này tổng kết các khái niệm về mô hình kinh doanh xanh và các vấn đề thực tiễn về triển khai mô hình kinh doanh xanh tại một số nước phát triển trên thế giới, đồng thời đánh giá một số vấn đề triển khai mô hình kinh doanh xanh tại Việt Nam. Từ các kết quả tổng kết hoạt động triển khai mô hình kinh doanh xanh trên thế giới và Việt Nam, bài báo tổng hợp các rào cản triển khai mô hình kinh doanh xanh và rút ra các kinh nghiệm triển khai mô hình kinh doanh xanh trong thực tế tại Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
2. Tổng quan về mô hình kinh doanh xanh
2.1. Mô hình kinh doanh
(Osterwalder, Pigneur and Smith (2010)) đã đưa ra mô hình kinh doanh khung cơ sở của các doanh nghiệp dựa trên chín khối cơ bản liên quan tới bốn lĩnh vực: khách hàng, sản phẩm dịch vụ, cơ sở hạ tầng và khả năng tài chính. Mô hình mở rộng được đưa thêm hai khối chiến lược so sánh và chiến lược tăng trưởng (Hình 1). Mô hình kinh doanh khung là công cụ giúp cho các công ty hiểu rõ hơn phương thức tạo ra giá trị trong các doanh nghiệp. Trong mô hình này, các bộ phận cấu thành cơ bản có sự ảnh hưởng tương tác lẫn nhau, do vậy thay đổi một bộ phận cấu thành sẽ ảnh hưởng đến các bộ phân khác cũng như ảnh hưởng tới chiến lược tăng trưởng và cạnh tranh của doanh nghiệp. Mô hình khung kinh doanh là công cụ quan trọng để phân tích các vấn đề trong đổi mới mô hình kinh doanh trong đó có đổi mới mô hình kinh doanh xanh. (Xem hình 1)
2.2. Đổi mới mô hình kinh doanh và mô hình kinh doanh xanh (green business models)
Các ngành công nghiệp và thị trường liên tục thay đổi dẫn đến việc các công ty cũng phải thay đổi sản phẩm, các quá trình sản xuất và cả mô hình kinh doanh để thích ứng thông qua việc thay đổi phương thức tạo giá trị cho khách hàng, tìm kiếm các thị trường mới, xây dựng các mối quan hệ đối tác mới, tái cơ cấu các nguồn lực, các hoạt động và các mối quan hệ. (Osterwalder, Pigneur and Smith (2010)) đưa ra năm dạng đổi mới mô hình kinh doanh chính:
- Đổi mới nguồn lực: Đổi mới cơ sở hạ tầng, các đối tác chính và các nguồn lực chính của công ty.
- Đổi mới phương thức tạo ra giá trị: Mang đến cho khách hàng các mệnh đề giá trị ảnh hưởng tới các bộ phận cấu thành khác của mô hình kinh doanh.
- Đổi mới theo khách hàng: Dựa trên sự thay đổi nhu cầu khách hàng, tăng khả năng tiếp cận hay sự thuận tiện.
- Đổi mới tài chính: Tìm kiếm các dòng thu nhập, các cơ chế giá thành mới hay giảm các cấu trúc chi phí.
- Đổi mới với nhiều tâm điểm: Đổi mới triển khai đồng thời tại một số bộ phần cấu thành của mô hình.
Thông qua việc áp dụng năm dạng đổi mới chính (Osterwalder, Pigneur and Smith (2010)) hướng tới mục tiêu sinh thái và môi trường, các dạng mô hình kinh doanh xanh mới được hình thành. Dưới đây là hai lớp mô hình kinh doanh xanh chính đã được triển khai áp dụng thực tế ((Bisgaard and Henriksen (2012)), (Henricksen, Bjerre, Almasi and Damgaard-Grann (2012)):
- Mô hình dịch vụ (Incentive models-thu nhập của công ty được trả thông qua thực hiện các dịch vụ về tiết kiệm).
- Mô hình vòng đời (Life-cycle models-thu nhập của công ty nhận được thông qua quản lý tốt hơn vòng đời của sản phẩm dịch vụ).
Các mô hình kinh doanh xanh thuộc hai lớp mô hình kinh doanh xanh này đều có thể được mô tả thông qua mô hình kinh doanh khung đề xuất bởi (Osterwalder, Pigneur and Smith (2010)).
3. Một số vấn đề về triển khai và rào cản trong triển khai mô hình kinh doanh xanh
3.1. Một số vấn đề về triển khai mô hình kinh doanh xanh trên thế giới và tại Việt Nam
Việc phát triển và áp dụng các mô hình kinh doanh xuất phát từ nhu cầu thực tế của việc triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, để có thể đẩy mạnh việc triển khai các mô hình kinh doanh xanh rất cần có các chính sách thúc đẩy đặc thù.
Đối với các mô hình dịch vụ, trong khi mô hình dịch vụ chức năng được thực hiện chủ yếu do nhu cầu thực tế và không có các chính sách hỗ trợ rõ ràng từ các chính phủ, các mô hình dịch vụ tiết kiệm năng lượng và dịch vụ hóa chất được hỗ trợ mạnh mẽ bởi chính sách tại các nước phát triển. Mô hình công dịch vụ tiết kiệm năng lượng ESCO nhận được sự hỗ trợ về chính sách lớn nhất từ nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam đây có thể coi là mô hình kinh doanh duy nhất nhận được sự hỗ trợ triển khai chính thức từ một chương trình mục tiêu quốc gia (về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả).
Mô hình công ty dịch vụ hóa chất sẽ phát triển mạnh hơn trong điều kiện luật bảo vệ môi trường được siết chặt và việc xử lý các chất thải chiếm tỷ trọng chi phí lớn đối với các công ty. Châu Âu với chương trình giám sát sử dụng hóa chất và cấm các hóa chất độc hại đã đi tiên phong trong việc đẩy mạnh loại hình kinh doanh xanh này.
Mô hình dịch vụ chức năng phát triển trong điều kiện các công ty dịch vụ có khả năng chuyên nghiệp hóa và tối ưu hóa chi phí phục vụ các khách hàng. Một số loại hình dịch vụ điển hình có thể thấy trong thực tế đó là dịch vụ vận tải hay dịch vụ cho thuê máy tính. Mô hình DBFO chủ yếu được áp dụng phổ biến trong lĩnh vực giao thông.
Đối với mô hình vòng đời, việc xác định các chính sách thúc đẩy cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Mô hình sử dụng toàn bộ được phát triển ở châu Âu thông qua việc đẩy mạnh việc phát triển các mạng lưới tái chế sản phẩm và xây dựng các chương trình quản lý chất thải quốc gia. Các chương trình này xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ tái chế cho các doanh nghiệp và phát triển các công nghệ ứng dụng về tái chế chất thải.
Việc đẩy mạnh mô hình quản lý chuỗi cung ứng chủ yếu xuất phát từ các nỗ lực cắt giảm chi phí và phát thải trong bản thân các doanh nghiệp hơn là từ các chính sách từ bên ngoài. Mô hình cộng sinh công nghiệp đòi hỏi phải có sự hỗ sự mạnh của các chương trình quốc gia cũng như các địa phương thiết lập ra các khu cộng sinh công nghiệp của các doanh nghiệp trong chuỗi sản phẩm.
Hiện nay, việc triển khai các mô hình kinh doanh xanh tại Việt Nam còn hết sức hạn chế. Hiện tại chỉ có mô hình Công ty Dịch vụ năng lượng (ESCO) đang được đẩy mạnh triển khai (điển hình là hai công ty VietESCO và SolarBK), tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản để triển khai thành công mô hình này.
3.2. Một số rào cản đối với triển khai các mô hình kinh doanh xanh
Bảng 1 đưa ra một số rào cản chính trong việc triển khai các mô hình kinh doanh xanh dạng dịch vụ trong thực tế. Các khó khăn chính có thể nhận thấy đó là vấn đề vốn đầu tư, phức tạp trong phối hợp giữa các đối tác, khó khăn và không chắc chắn trong xác định lượng tiết kiệm và nhận thức về các mô hình kinh doanh mới đối với lãnh đạo các doanh nghiệp.
Bảng 2 đưa ra các rào cản chính đối với mô hình vòng đời. Các khó khăn chính liên quan đến việc triển khai các mô hình này là các vấn đề về nguồn lực triển khai, sự khẳng định về các lợi ích thu được, sự phức tạp trong quản lý hệ thống và vấn đề chia sẻ thông tin trong hệ thống các đối tác.
Hiện nay ở Việt Nam, việc triển khai các mô hình kinh doanh như mô hình ESCO, mặc dù có được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Các rào cản chính trong triển khai mô hình ESCO là các ràng buộc pháp lý trong thực hiện mô hình và việc xác định chính xác lượng tiết kiệm có được sự đồng thuận của các bên. Vấn đề thiếu vốn và kinh nghiệm triển khai cũng là các rào cản quan trọng của việc triển khai mô hình
4. Một số chính sách đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh doanh xanh cần được áp dụng tại Việt Nam
Trong giai đoạn tới, để đẩy mạnh việc triển khai các mô hình kinh doanh xanh tại Việt Nam, Nhà nước cần xiết chặt hơn nữa luật môi trường, luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát huy tối đa hiệu quả của các chương trình mục tiêu về sản xuất sạch hơn cũng như về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Sự phát triển của các công ty dịch năng lượng và dịch vụ quản lý hóa chất sẽ được thúc đẩy nhờ kết quả của các chương trình này.
Nhà nước cũng cần có những chính sách cụ thể để triển khai linh hoạt các hợp đồng dài hạn trong khu vực công. Việc sử dụng các hợp đồng dài hạn chính là nền tảng quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh doanh xanh dịch vụ. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng các tiêu chuẩn trong kinh doanh làm nền tảng cho việc triển khai các mô hình kinh doanh xanh. Các tiêu chuẩn cần được triển khai cho việc quản lý và sử dụng hóa chất đối với các mô hình CMS hay cho việc đo lường và xác nhận năng lượng tiết kiệm trong các mô hình ESCO.
Các cơ sở quan trọng nhất để triển khai các mô hình vòng đời là phát triển các cơ sở hạ tầng cho hoạt động tái chế. Để tái chế và tái sử dụng các sản phẩm và nguyên vật liệu thành công, cần phải tạo ra một thị trường cho các sản phẩm và vật liệu sử dụng và tái chế. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các công ty lấy lại sản phẩm lỗi thời và cũ của họ để tạo ra vật liệu có thể tái sử dụng trong sản xuất của mình hoặc bán trên thị trường.
Cần đẩy mạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn và các nhãn sinh thái nhằm thúc đẩy việc triển khai các mô hình vòng đời. Sản phẩm có thể được dán nhãn với một biểu tượng tái chế để người tiêu dùng biết sản phẩm có thể được gửi trả để tái chế và loại tái chế là khả thi (ví dụ như nhựa, giấy, kim loại). Chương trình dán nhãn sinh thái tự nguyện cũng có thể được triển khai như đã được thực hiện ở Mỹ và một số nước Bắc Âu.
Chính phủ cũng cần có các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, vật liệu và hóa chất mới phục vụ cho tăng trưởng xanh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa do các chương trình phát triển sản phẩm, vật liệu mới thường đòi hỏi chi phí lớn trong khi lại chứa đựng nhiều rủi ro tiềm tàng. Hỗ trợ phát triển vật liệu và hóa chất mới sẽ có lợi nhất đối với các mô hình kinh doanh vòng đời và đặc biệt là mô hình GSCM và C2C.
Chính phủ cần có các chính sách thúc đẩy các mạng lưới các đối tác phát triển xanh. Kinh nghiệm cho thấy rằng các công ty tham gia vào mạng lưới đổi mới có cơ hội phát triển sản phẩm mới cao hơn và tăng doanh số bán hàng của họ, đặc biệt là các công ty nhỏ và vừa. Mạng lưới tập trung đẩy mạnh việc sử dụng đổi mới mô hình kinh doanh xanh và chia sẻ thực hành tốt nhất sẽ không chỉ có lợi cho các công ty tham gia vào mạng lưới, mà cả các công ty khác.
5. Kết luận
Áp dụng mô hình kinh doanh xanh hiện đang là một yêu cầu quan trọng hướng tới tăng trưởng xanh quốc gia. Bài báo đã phân tích các rào cản quan trọng kìm hãm việc triển khai các mô hình kinh doanh xanh đó là: vốn đầu tư, thiếu hụt công nghệ, sự phối hợp giữa các đối tác, sự khẳng định về các lợi ích thu được, sự phức tạp trong quản lý hệ thống và vấn đề chia sẻ thông tin trong hệ thống các đối tác.
Để đẩy mạnh triển khai các mô hình kinh doanh xanh, Nhà nước cần đề ra các chính sách vượt qua các rào cản hạn chế việc áp dụng các mô hình. Các chính sách quan trọng nhất cần đổi mới tư duy về tăng trưởng xanh, xây dựng được các tiêu chuẩn cho kinh doanh xanh, xây dựng các cơ sở hạ tầng tái chế, đưa ra các chính sách hỗ trợ phát triển vật liệu và sản phẩm mới và phát triển mạng lưới các đối tác phát triển xanh. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải xiết chặt hơn nữa các chính sách về môi trường nhằm nâng cao động lực cho tăng trưởng xanh trong các doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bisgaard, T., and K.H. Henriksen, 2012, Green business model innovation: Conceptualisation, next practice and policy, Nordic Innovation Publication.
2. FORA, 2010, Green business models in the nordic region: A key to promote sustainable growth, Green paper for the Nordic Council of Ministers.
3. Henricksen, K., M. Bjerre, A.M. Almasi, and E. Damgaard-Grann, 2012, Green business model innovation: Conceptualization report, Green Paper: Nordic Innovation Publication.
4. Jing, H., and B.S. Jiang, 2013, The framework of green business model for eco-innovation, Journal of Supply Chain and Operations Management 11, 33-45.
5. Osterwalder, A., Y. Pigneur, and A. Smith, 2010. Business model generation (Wiley & Sons, Inc.).
GREEN BUSINESS MODELS AND IMPLEMENTATION IN VIETNAM
Assoc.Prof. PhD. LE ANH TUAN
MA. NGUYEN NGOC THIA
Faculty of Mangement, Electric Power University
ABSTRACT:
This paper studies issues on green business model innovation, their pracrices, problems on implemetation and barriers preventing these green business models from widely deployment in reality. This paper identifies important barriers preventing the implementation of green business models such as investment, lack of technology, coordination, confirmation of benefits, complexity in management and lack of information sharing among partners. This paper also proposes several policies aiming at depoloying the implementation of green business models in practice in Vietnam.
Keywords: Innovation, Green business model, Barrier.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây