TÓM TẮT:
Bài viết phân tích mô hình ứng dụng công nghệ trong công bố thông tin quy hoạch nhằm hướng đến xây dựng đô thị thông minh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mô hình này đem lại hiệu quả cho người dân, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, có thể truy cập thông tin và có kết quả nhanh chóng ở bất cứ nơi nào có kết nối mạng. Không những vậy, mô hình còn gián tiếp nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc, cải tiến hiệu quả chuyên môn và giảm bớt thủ tục hành chính, gia tăng hiệu quả phục vụ đối với người dân và doanh nghiệp. Đây được xem là mô hình phù hợp định hướng xây dựng đô thị thông minh, lấy con người làm trung tâm, góp phần phát huy nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Từ khóa: Cải cách hành chính, thông tin quy hoạch, GIS, APP thông tin quy hoạch TP. Hồ Chí Minh.
1. Đặt vấn đề
“Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị”. Nhằm thực hiện hiệu quả Quyết định số 6179/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Sở Quy hoạch - Kiến trúc triển khai thực hiện đô thị thông minh trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, một trong những nội dung đó là: “Ứng dụng công nghệ thông tin địa lý trong công tác công bố, công khai thông tin quy hoạch” (gọi tắt là Ứng dụng thông tin quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh). Mô hình này đem lại hiệu quả cho người dân, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, có thể truy cập thông tin và có kết quả nhanh chóng ở bất cứ mọi nơi nào có kết nối mạng. Mô hình còn đẩy mạnh tính minh bạch, gián tiếp nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc, cải tiến hiệu quả chuyên môn và giảm bớt thủ tục hành chính, gia tăng hiệu quả phục vụ đối với người dân và doanh nghiệp, thực hiện tốt và hoàn thành Chương trình hành động số 18-CTrHĐ/TU ngày 31/10/2016 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, về chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020. Đây là mô hình phù hợp định hướng xây dựng đô thị thông minh, lấy con người làm trung tâm, góp phần phát huy nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
2. Các bước chuẩn bị
Hiện nay, 100% các chính sách công đều được xây dựng và thực thi đảm bảo mô hình quy trình. Vì vậy, mô hình này cũng không ngoại lệ và bao gồm 6 bước:
- Bước 1: Xác định vấn đề thông qua nhu cầu của người dân và yêu cầu đặt hàng của cơ quan chủ quản - Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, nhằm hoàn thành các chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X nhiệm kỳ 2016-2020.
- Bước 2: Thiết lập chương trình Nghị sự. Tại Sở thành lập một tổ công tác để tiến hành thực hiện, thảo luận và báo cáo. Trong cuộc họp phân công một đồng chí Phó Giám đốc phụ trách và báo cáo Ban Giám đốc để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố chấp nhận.
- Bước 3: Xây dựng dự thảo chính sách, thông qua dự thảo kế hoạch, đề án, dự án.
- Bước 4: Hợp thức hóa chính sách. Để chính sách công mang tính pháp lý, tính hiệu quả, chính sách sau khi được xây dựng, sẽ được đưa vào Nghị quyết của Đảng ủy Sở, thông báo kết luận tại hội nghị giao ban của cơ quan để đảm bảo hiệu quả thực thi.
- Bước 5: Triển khai và thực thi chính sách.
- Bước 6: Đánh giá chính sách. Thông qua phản ảnh của đối tượng thụ hưởng chính sách.
3. Quá trình xây dựng và thực thi chính sách
Quy trình của việc công bố công khai thông tin quy hoạch đô thị được Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và Ban quản lý các khu đô thị thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị và Quyết định số 49/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân thành phố. Hình thức công bố công khai phổ biến là đặt bản sao bản đồ giấy tại bộ phận một cửa và đăng tải bản đồ tại trang thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước. Qua đánh giá, các hình thức này có hiệu quả rất hạn chế, dẫn đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin quy hoạch đô thị. Vì vậy, việc phát triển một giải pháp mới có khả năng công bố công khai, minh bạch thông tin quy hoạch đô thị rộng rãi đến đại bộ phận người dân, tổ chức và doanh nghiệp là vô cùng cần thiết.
Trong thời gian vừa qua, một số địa phương đã bước đầu áp dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) và việc công bố công khai thông tin quy hoạch thông qua hình thức bản đồ số. Mặc dù đã đạt được thành quả tích cực ban đầu, nhưng các ứng dụng cho quận, huyện cung cấp có một số điểm hạn chế sau:
- Ứng dụng cung cấp thông tin của mỗi quận độc lập và cách thức cung cấp cũng khác nhau.
- Cấu trúc cơ sở dữ liệu không thống nhất, dẫn đến khó tích hợp vào một cơ sở dữ liệu dùng chung về sau.
- Chưa cung cấp được các bản đồ có đóng dấu phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố cho người dân.
Đầu năm 2017, tình trạng đầu cơ bất động sản diễn biến phức tạp, dẫn đến nhu cầu cung cấp thông tin quy hoạch nhanh chóng và chính xác cho người dân trở nên vô cùng cấp thiết. Ủy ban nhân dân thành phố và Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo trực tiếp Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu xây dựng ứng dụng cung cấp thông tin quy hoạch sử dụng đất của quy hoạch phân khu cho người dân thông qua trang thông tin điện tử và điện thoại thông minh trong năm 2017.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã đăng ký dự án ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý GIS trong công bố công khai thông tin quy hoạch. Dự án này dự kiến sử dụng công nghệ GIS của Công ty Esri (công ty dẫn đầu thế giới về lĩnh vực GIS) và cần phải có một nguồn lực đầu tư lớn để thực hiện.
Trước các vấn đề nêu trên, thực hiện các chỉ đạo này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã thành lập Tổ thực hiện công khai thông tin quy hoạch sử dụng đất tỷ lệ 1/2000 qua mạng internet và các thiết bị thông minh (gọi tắt là Tổ GIS). bao gồm lãnh đạo Sở, lãnh đạo các phòng chuyên môn và các chuyên gia GIS của Sở để nghiên cứu giải pháp xây dựng các ứng dụng công khai thông tin quy hoạch trên nền tảng trang thông tin điện tử và điện thoại thông minh.
Được sự hỗ trợ Ngân hàng Thế giới (WB) về mặt kỹ thuật, Tổ GIS đã nghiên cứu các giải pháp để đưa thông tin Quy hoạch Sử dụng đất thuộc Đồ án Quy hoạch Phân khu (QHPK) lên nền bản đồ số trực tuyến để cung cấp thông tin cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phối hợp với UBND các quận - huyện để tập hợp các bản đồ QHPK đã được UBND Thành phố phê duyệt và tiến hành sao chụp để tạo cơ sở dữ liệu ban đầu cho việc xây dựng bản đồ quy hoạch trực tuyến. Đồng thời, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành công văn số 4605/SQHKT-QLTHQH-PC ngày 21/9/2017 về việc hướng dẫn cấu trúc cơ sở dữ liệu GIS cho các dự án Bản đồ thông tin quy hoạch trực tuyến trên địa bàn Thành phố để tạo cơ chế phối hợp với các quận - huyện đã xây dựng ứng dụng cung cấp thông tin quy hoạch và tích hợp dữ liệu về cơ sở dữ liệu thống nhất do Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh quản lý.
4. Giai đoạn đánh giá - điều chỉnh chính sách
- Ứng dụng “Thông tin quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh” trên nền tảng trang thông tin điện tử và thiết bị thông minh đã được Ủy ban nhân dân thành phố công bố cho phép vận hành chính thức từ ngày 30/11/2017 (sau 1 tháng thí điểm).
- Sau khi đưa vào sử dụng, ứng dụng đã thay đổi cơ bản phương thức công bố công khai thông tin quy hoạch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiếp cận thông tin quy hoạch của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
- Đến nay, ứng dụng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân, tổ chức và doanh nghiệp, được ghi nhận qua các phản hồi trên báo điện tử, mạng xã hội và phản hồi trực tiếp trên ứng dụng - điểm 3,9/5 trên nền tảng iOS và 4,1/5 trên nền tảng Android.
- Ứng dụng cũng đã bước đầu hỗ trợ tốt hơn cho công tác chuyên môn của Sở, liên quan đến nghiệp vụ xác định thông tin quy hoạch.
- Hiệu quả của ứng dụng được thể hiện rõ nét qua các con số thống kê về hoạt động của ứng dụng kể từ sau khi đưa vào vận hành chính thức (tính từ ngày 30/12/2017 đến ngày 30/11/2019):
Bảng: Thống kê hoạt động của ứng dụng “Thông tin quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh” tính từ ngày 30/12/2017 đến ngày 30/11/2019
Những con số thống kê nêu trên đã cho thấy sự tiện ích của việc thực thi chính sách:
- Sự tiện lợi cho người dân được sử dụng ứng dụng này thông qua thiết bị thông minh của cá nhân.
- Bên cạnh việc cung cấp thông tin quy hoạch đô thị chính xác cho người dân và doanh nghiệp, ứng dụng Thông tin Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn cũng như cải cách các thủ tục hành chính của Sở. Trong năm 2018, sau khi ứng dụng được đưa vào sử dụng, số lượng cấp Chứng chỉ Quy hoạch của Sở trong cả năm đã giảm xuống còn 14 hồ sơ. Điều này chứng tỏ ứng dụng đã trở thành một công cụ tra cứu thông tin quy hoạch đô thị mà người dân tin cậy, từ đó làm giảm số lượng hồ sơ đề nghị cung cấp chứng chỉ quy hoạch và giảm áp lực công việc cho cơ quan quản lý.
5. Giải pháp
Mặc dù ứng dụng “Thông tin quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh” đã đạt được những thành công đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn có nhiều vấn đề cần được giải quyết để ứng dụng đạt được hiệu quả tốt hơn, tiêu biểu là các vấn đề sau:
- Đầu tiên, nhiều người dùng vẫn còn phản ảnh về sự bất tiện khi dữ liệu địa chính của ứng dụng chưa được cập nhật đầy đủ. Việc dữ liệu địa chính (xây dựng từ năm 2003) không được cập nhật đầy đủ khiến người dùng gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm khu đất mà mình cần xem thông tin quy hoạch. Tuy nhiên, do dữ liệu địa chính của ứng dụng được Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp nên Sở Quy hoạch - Kiến trúc không chủ động trong việc cập nhật cơ sở dữ liệu này.
- Vấn đề thứ hai là ứng dụng chưa có phiên bản tiếng Anh, mà thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm tài chính năng động, với rất nhiều nhà đầu tư quốc tế đang hoạt động trên địa bàn nên nhu cầu kiểm tra thông tin quy hoạch đô thị đối với đối tượng là tổ chức hoặc cá nhân người nước ngoài là không nhỏ. Do đó, việc ứng dụng thiếu phiên bản tiếng Anh cũng hạn chế đi sự lan tỏa và hiệu quả của ứng dụng.
- Vấn đề thứ ba là việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Mặc dù ứng dụng “Thông tin quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh” là một trong 5 ứng dụng trên điện thoại thông minh của các cơ quan hành chính nhà nước đang phổ biến nhất hiện nay (theo thống kê của Sở Quy hoạch - Kiến trúc), nhưng số lượng lượt tải xấp xỉ 270.000 lượt (ước tính đến hết tháng 11/2019) sau 2 năm không phải là một con số quá lớn so với dân số của Thành phố Hồ Chí Minh (ước tính 9-10 triệu dân). Vì vậy, vấn đề tuyên truyền, phổ biến ứng dụng cho người dân cần được nghiên cứu cải thiện, nhằm giúp nhiều người biết đến và sử dụng ứng dụng hơn.
- Vấn đề thứ tư là Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ hoàn tất việc xây dựng các cơ sở dữ liệu vector của QHSDD và QHGT thuộc đồ án QHPK để công bố, công khai cho người dân và doanh nghiệp thông qua ứng dụng Thông tin Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Sở sẽ xây dựng thí điểm dữ liệu quy hoạch chi tiết của 3 quận thuộc Khu đô thị Sáng tạo phía Đông thành phố - là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức - và xây dựng lộ trình dài hạn để có cơ sở dữ liệu quy hoạch đầy đủ và tổng thể cho toàn thành phố. Các cơ sở dữ liệu này sẽ được tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của Thành phố, góp phần vào công cuộc phát triển Đô thị thông minh mà Thành phố đang triển khai thực hiện.
6. Kết luận
Mô hình ứng dụng công nghệ trong công bố thông tin quy hoạch nhằm hướng đến xây dựng đô thị thông minh tại Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những mô hình mới, cách làm hay trong công tác cải cách hành chính thành công và được nhân rộng tại văn bản số 865/UBND-KSTT ngày 12 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần vào việc nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân và doanh nghiệp, hướng đến gần hơn mong muốn của Thành phố Hồ Chí Minh là trở thành đô thị thông minh với con người làm trung tâm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (2019), Công văn số 4446/SQHKT-QHC, ngày 24/9/2019 về các dự án thực hiện đề án đô thị thông minh.
- Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (2019), Báo cáo số 4034/BC-SQHKT, ngày 29/8/2019 về công tác cải cách hành chính 9 tháng đầu năm 2019.
- Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (2019), Công văn số 3511/SQHKT-VP, ngày 30/7/2019 về việc báo cáo điển hình về một số mô hình mới, chính sách thí điểm, cách làm hay trong phát triển kinh tế - xã hội.
- Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (2019), Thông báo số 3473/TB-SQHKT, ngày 25/7/2019 về giao nhiệm vụ triển khai chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Đề án đô thị thông minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
- Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (2019), Kế hoạch số 2448/KH-SQHKT, ngày 28/5/2019 về triển khai Đô thị thông minh trong lĩnh vực quy hoạch đô thị năm 2019.
- Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (2019), Công văn số 2447/SQHKT-QHC, ngày28/5/2019 về việc báo cáo Kế hoạch triển khai Đô thị thông minh trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.
- Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2019), Công văn số 865/UBND-KSTT, ngày 12/3/2019 về việc Đẩy mạnh nhân rộng, áp dụng các mô hình sáng kiến, cách làm hay trong công tác cải cách hành chính.
- Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (2019), Kế hoạch số 736/KH-SQHKT, ngày 01/02/2019 về Thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2019.
- Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2017), Quyết định số 6179/QĐ-UBND ngày23/11/2017 về phê duyệt Đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
- Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (2019), Kế hoạch số 6271/KH-SQHKT, ngày 31/12/2016 về Thực hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020.
- Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (2016), Chương trình hành động số 18-CTrHĐ/TU ngày 31/10/2016 về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020.
- Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2016), Quyết định số 6119/QĐ-UBND ngày 22/11/2016 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020.
- Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (2015), Quyết định số 3411/QĐ-SQHKT ngày 23/9/2015 về chỉ định thầu đơn vị thực hiện gói thầu “Tư vấn lập dự án đầu tư” thuộc dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) trong công tác công bố, công khai thông tin quy hoạch” sử dụng nguồn ngân sách tập trung của Thành phố.
- Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2011), Quyết định số 49/2011/QĐ-UBND ngày 12/7/2011 ban hành quy định về công bố công khai và cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh.
- UBND Thành phố Hồ Chí Minh (2019), Phát triển dịch vụ của Thành phố Hồ Chí Minh và định hướng quy hoạch phát triển Hạ tầng dịch vụ của Thành phố giai đoạn 2020-2030, Kỷ yếu Hội thảo.
ANALYSIS OF THE APPLIED TECHNOLOGY MODEL IN ANNOUNCING
PLANNING INFORMATION FOR BUILDING SMART CITY
IN HO CHI MINH CITY
NGUYEN THI CAM THU
Ho Chi Minh City Department of Planning and Architecture
Assoc. Prof. Ph.D MAI NGOC KHUONG
School of Business, International University, Vietnam National University – Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
Analysis of the applied technology model in announcing planning information for building smart city for Ho Chi Minh City is a good policy of Ho Chi Minh City. This effective model helps people save time, cost, access to information and get results quickly via the Internet. This model also indirectly improves the quality of living and working environment, the professional efficiency, reduces administrative procedures, enhances the quality of state administrative services for people and organization.It is an approriate model for developing Ho Chi Minh City towards a smart and human-centered city, contributing to promote resources for the city’s socio-economic development.
Keywords: Administrative reform, planning information, GIS, APP planning information, Ho Chi Minh City.