Giải pháp thúc đẩy quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh

THS. NGÔ BẢO NGỌC (Giảng viên, Khoa Quản lý đô thị  Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội)

TÓM TẮT:

Sự phát triển không ngừng và nhanh chóng về kinh tế đã giúp nâng cao, cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, các quốc gia trên thế giới lại đang phải đối mặt với sự tác động không nhỏ của biến đổi khí hậu, đối mặt giữa áp lực phát triển kinh tế và đảm bảo môi trường sống cho con người. Chính vì vậy, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần tìm hướng phát triển bền vững vấn đề này. 

Trong số các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh được coi là xu thế tất yếu. Bài báo đề cập tới xu thế và tác động của tăng trưởng xanh với kinh tế nói chung và đô thị nói riêng. Với một hệ thống đô thị khá lớn của Việt Nam, việc áp dụng tăng trưởng xanh trong quản lý và phát triển đô thị có thể giải quyết các vấn đề đang tồn tại, đồng thời xây dựng một môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng.

Từ khóa: Tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, quản lý đô thị, phát triển đô thị, cơ chế chính sách.

1. Đặt vấn đề

Theo thống kê đến tháng 5/2019, Việt Nam có 833 đô thị, bao gồm: 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 20 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV và 652 đô thị loại V. Hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh - 19,6% năm 2009, 36,6% năm 2016, 38,4% năm 2017, cuối năm 2019 đạt khoảng 40%.

Tốc độ đô thị hóa nhanh có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế của cả nước, tuy nhiên các đô thị cũng phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra và ngày càng có xu hướng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống con người.

Đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu đối với đời sống con người và đô thị. Trong đó, quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh được coi là yếu tố then chốt để phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh tập trung vào những yếu tố cụ thể, như: giảm phát thải, sử dụng nguồn nguyên vật liệu xanh, thay đổi lối sống con người theo hướng xanh,…

2. Khái niệm tăng trưởng xanh

Ở cấp độ toàn cầu, nền kinh tế xanh đã được Hội nghị Liên hiệp quốc về môi trường và phát triển (UNCED), tổ chức năm 2012 tại Rio de Janeiro hay còn gọi là Hội nghị Thượng đỉnh Rio+ 20, kêu gọi các quốc gia thực hiện. Năm 2005, Châu Á và Thái Bình Dương đã đi tiên phong về khái niệm tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh được coi là điều kiện tiên quyết để xây dựng nền kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo.

Lần đầu tiên khái niệm tăng trưởng xanh được đưa vào thảo luận liên chính phủ tại Hội nghị Bộ trưởng về môi trường và phát triển (MCED) lần thứ 5 của châu Á - Thái Bình Dương, được tổ chức năm 2005 tại Seoul - Hàn Quốc. Cuộc họp đã ban hành tuyên bố cấp Bộ về môi trường và phát triển, lấy tăng trưởng xanh là chiến lược nhằm đạt được sự phát triển bền vững.

Theo tuyên bố cấp Bộ MCED5, tăng trưởng xanh hay tăng trường kinh tế bền vững với môi trường được định nghĩa là chiến lược duy trì tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cần thiết để giảm nghèo trước những hạn chế về tài nguyên và khủng hoảng khí hậu. Bên cạnh khái niệm mà MCED đưa ra, khái niệm tăng trưởng xanh cũng được các tổ chức trên thế giới đề cập đến. Theo tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo các tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường.

Tóm lại, tăng trưởng xanh là nhân tố quan trọng cho quá trình phát triển bền vững, nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường trong quá trình phát triển quốc gia nói chung và trong bối cảnh phát triển đô thị nói riêng.

3. Chính sách tăng trưởng xanh của Việt Nam

Hướng đến sự phát triển bền vững cho quốc gia, Việt Nam đã triển khai thực hiện Chương trình tăng trưởng xanh và đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/9/2012, Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”; Quyết định 403/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020”.

Nội dung kế hoạch bao gồm 4 chủ đề chính: Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện xanh hóa sản xuất; Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Sau 5 năm thực hiện, chiến lược tăng trưởng xanh đã đạt được một số kết quả: Xây dựng thể chế, xây dựng kế hoạch tại địa phương, nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực của Nhà nước và tư nhân. Thành tựu nổi bật và quan trọng nhất là bước đầu đã xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để triển khai chiến lược, cụ thể:

Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ban hành ngày 03/06/2013, về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; sửa đổi và bổ sung một số luật liên quan như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Luật Phòng chống thiên tai,…

Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng kế hoạch nhằm thúc đẩy các hoạt động có liên quan tới tăng trưởng xanh, như: Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050; Khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất và đời sống; Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất xi măng đến năm 2020 và định hướng đến 2030; Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; Quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh,…

Tính đến năm 2018, 7 Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Đến 2019, với sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với các Bộ, ban ngành và các nhà tài trợ đã có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh, thành phố. Để phát triển đô thị theo chiến lược tăng trưởng xanh, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 84/QĐ-TTg, ngày 19/01/2019, phê duyệt Kế hoạch Phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030.

Tính đến quý I/2019 đã có 24/59 đô thị ban hành các văn bản chỉ đạo, 15 đô thị đã xây dựng kế hoạch phát triển và 6 đô thị đã có chương trình thực hiện. Trong đó Sapa và Sóc Trăng đã ban hành chiến lược tăng trưởng xanh và một số đô thị khác (Đà Nẵng, Tam Kỳ, Bắc Ninh,...) đang nghiên cứu xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu.  

4. Quản lý phát triển đô thị hiện nay

4.1. Quản lý phát triển đô thị tại Việt Nam

Từ sau năm 1986, cùng với sự phát triển về kinh tế, hệ thống đô thị Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ. Đô thị không những thay đổi đáng kể về diện mạo, mà còn đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hệ thống hạ tầng đô thị luôn được đầu tư và nâng cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của sự phát triển đô thị nhanh chóng, thực trạng đô thị tại Việt Nam vẫn tồn tại một số bất cập như: Các đô thị phát triển không đồng đều, không đồng bộ về hạ tầng, kiến trúc đô thị chưa được chú ý về mặt tổng thể; Quỹ đất phát triển về nhà ở nhiều hơn dành cho công cộng; Quản lý xây dựng chưa đủ chế tài răn đe nên dẫn đến nhiều công trình sai phạm; Không gian xanh ngày càng bị thu hẹp; Thị trường bất động sản không có kiểm soát,...

Nguyên nhân có thể kể đến là do quá trình đô thị hóa diễn ra khi nền công nghiệp của Việt Nam chưa phát triển, quy hoạch đô thị thiếu tính định hướng và tính liên kết giữa các đô thị. Quá trình đô thị hóa phát triển tự phát, thiếu kiểm soát do chỉ tập trung đáp ứng nhu cầu trước mắt là phát triển dự án nhằm phát triển kinh tế hơn là tuân thủ theo quy hoạch. Bên cạnh đó, năng lực quản lý hạn chế không theo kịp với tốc độ phát triển đô thị dẫn đến các chính sách và quy định thường không phù hợp và gây khó khăn cho việc quản lý.

Hệ thống đô thị Việt Nam hiện nay được quản lý dựa trên các công cụ: Văn bản quy phạm pháp luật (các bộ luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn,…), các chương trình, chính sách phát triển theo giai đoạn. Hệ thống quy hoạch bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết là cơ sở định hướng phát triển đô thị cũng như triển khai các dự án đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, các công cụ hiện nay mới chỉ kiểm soát được các nội dung mang tính chất cụ thể mà chưa có mối liên hệ chặt chẽ mang tính tổng thể. Điều này dẫn đến tình trạng các nhà quản lý khó kiểm soát được vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển đô thị. Bên cạnh đó, các công cụ còn chồng chéo dẫn đến việc quản lý không hiệu quả. Để quản lý phát triển đô thị cần có đầy đủ nội dung từ tổng thể đến cụ thể về các vấn đề, như: quản lý xây dựng, quản lý môi trường, quản lý đất đai, quản lý tài chính, quản lý tài nguyên,…, từ đó làm cơ sở cho các dự án đầu tư phát triển đô thị.

4.2. Quản lý phát triển đô thị xanh ở Singapore

Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia trên thế giới và trong khu vực có chiến lược quản lý môi trường nghiêm ngặt. Chiến lược phát triển của Singapore hướng đến sự bền vững, đó là phát triển hài hòa và kết hợp giữa 3 yếu tố cơ bản là: kinh tế, xã hội và môi trường.

Quy hoạch tổng thể tuân thủ theo định hướng dài hạn từ 30 đến 50 năm, quy hoạch chi tiết từ 5 đến 10 năm. Quy hoạch các khu chức năng rõ ràng và riêng biệt như khu dân cư, khu thương mại, khu công nghiệp,… và mỗi khu chức năng đều có khu vực có quy mô xử lý tương ứng với lượng chất thải.

Những khu công nghiệp và những công trình gây ô nhiễm được quy hoạch tập trung nhằm giúp cho quá trình xử lý rác thải và ô nhiễm được hiệu quả, công tác quản lý và kiểm tra dễ dàng được thực hiện liên tục và chặt chẽ. Trong quy hoạch phát triển đô thị, Singapore rất chú trọng đến cảnh quan, nhất là cây xanh dọc các tuyến phố, các chung cư và tại những nơi công cộng.

Do diện tích đất có hạn, Singapore chú trọng chiến lược phát triển đô thị với “vườn trong phố”, “vườn trên mái nhà”, “vườn trong nhà”, “vườn thẳng đứng”,… nhằm giảm thiểu tác hại do khói bụi từ các phương tiện giao thông. Chính vì vậy, Singapore quy định rất chặt chẽ khi cấp phép xây dựng cho các công trình, yêu cầu phải có không gian dành cho cây xanh mới được cấp phép xây dựng.

Ngoài ra, các công trình còn cần phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật xây dựng và xử lý chất thải. Kế hoạch xây dựng và bản vẽ thiết kế công trình sẽ phải nộp cho Ban kiểm tra xây dựng và quy trình, trang thiết bị xử lý chất thải nộp cho cơ quan kiểm soát ô nhiễm. Quá trình khảo sát và đánh giá mức độ ô nhiễm sẽ do cơ quan kiểm soát ô nhiễm thực hiện. Mức độ ô nhiễm nằm trong giới hạn cho phép thì công trình mới được cấp phép xây dựng, và trong quá trình thực hiện, dự án có thể bị rút giấy phép nếu dự án không tuân thủ đúng theo quy định.

Đối với xử lý rác thải và nước thải, Singapore cũng có những chiến lược đem lại hiệu quả cao. Chiến lược nước sạch đã xử lý nước thải sinh hoạt thành nước sạch có khả năng uống được. Là một quốc gia không có nguồn nước ngọt tự nhiên và phải nhập khẩu nước ngọt từ Malaysia, thành công của chiến lược đã đem lại những lợi ích về mặt kinh tế, xã hội và môi trường cho Singapore.

Chiến lược xử lý rác thải hướng đến mục đích quốc gia “không rác thải”. Mục tiêu của chiến lược là 90% rác thải chuyển hóa thành điện và tro. Đến nay, Singpore mới chỉ tái chế được 60%, chính vì vậy Singapore hướng đến mục tiêu giảm rác thải ngay từ đầu, nhằm giảm sức ép cho hệ thống xử lý rác.   

Bên cạnh những chiến lược về môi trường hợp lý, Singapore còn có các quy định, chế tài xử phạt nghiêm khắc, đồng thời tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân về bảo vệ môi trường dưới nhiều hình thức. Đối với những người xả rác nơi công cộng sẽ bị phạt tối đa 1.000 đôla Singapore, nếu tái phạm sẽ bị tăng lên mức từ 2.000 - 5.000 đôla Singapore và phạt lao động công ích, người bị phạt sẽ phải làm sạch nơi công cộng trong vòng vài giờ.   

5. Quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh

Tăng trưởng xanh là một xu hướng và đồng thời là vấn đề cần thiết thực hiện trong giai đoạn sắp tới. Hệ thống các đô thị hiện nay đóng góp vai trò lớn đối với nền kinh tế của quốc gia. Chính vì vậy, việc đảm bảo phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh cũng là một trong những ưu tiên cần phải thực hiện.

5.1. Nguyên tắc

Nguyên tắc giảm thiểu ô nhiễm trong khu vực đô thị hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, cần phải thực hiện:

(i) ưu tiên hiệu quả sử dụng đất trong phát triển đô thị theo hình thức thiết kế đô thị nhỏ gọn, hiệu quả, hỗn hợp và cân bằng chức năng;

(ii) phát triển hệ thống giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân đi bộ và đi xe đạp, xây dựng mạng lưới các trạm giao thông công cộng hiệu quả;

(iii) kiến tạo và duy trì không gian công cộng chất lượng, dễ tiếp cận, đa chức năng và thân thiện với môi trường;

(iv) tạo sự cân bằng trong quá trình quản lý và nâng cấp giữa nguồn tài nguyên và hiệu quả;

(v) năng lượng và hiệu suất môi trường của hoạt động xây dựng được chú ý khi thúc đẩy hiệu quả năng lượng xây dựng và công trình xanh;

(vi) rác thải đô thị được xem như là một tài nguyên để tái chế và thực hiện cơ chế giảm thiểu rác thải;

(vii­) chuyển đổi hình thức từ “quản lý thành phố” sang “quản trị thành phố”, nhằm nhấn mạnh vai trò cộng đồng trong việc giảm khí phát thải thông qua hình thức quản trị với thông tin minh bạch, có sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan;

(viii) thiết lập các cơ chế đánh giá cho đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị và tài chính cho hỗ trợ sự phát triển xanh.

5.2. Đề xuất một số giải pháp quản lý thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh

Với những mô hình đô thị khác nhau cần có sự nghiên cứu cụ thể để đảm bảo tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có. Để thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh cũng như góp phần thúc đẩy quản lý phát triển đô thị, cần phải thực hiện một số nội dung sau:

Một là, xây dựng và hoàn thiện bộ chỉ tiêu đo lường và tiêu chí tăng trưởng xanh cấp quốc gia, cần chuẩn bị nội dung cụ thể để có thể áp dụng trong giai đoạn 2021 - 2025, từ đó có thể giúp cho các nhà quản lý đánh giá được các dự án tăng trưởng xanh.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện khung chính sách tài chính tăng trưởng xanh, trong việc phân bổ và quản lý ngân sách quốc gia, phục vụ tăng trưởng xanh cho từng ngành, từng địa phương; Xây dựng cơ chế hỗ trợ khu vực tư nhân trong việc thực hiện các dự án tăng trưởng xanh (thuế, phí, trợ giá,...).

Ba là, xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật về tăng trưởng xanh theo từng ngành. Các ngành và địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tăng trưởng xanh theo từng giai đoạn cụ thể.

Bốn là, thiết lập khung quản lý phát triển đô thị theo từng giai đoạn: xây dựng chính sách, vận hành đô thị, bảo trì và nâng cấp đô thị. Để từ đó làm cơ sở xây dựng các quy định thực hiện tăng trưởng xanh trong quy hoạch, xây dựng công trình và quản lý công trình. Quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng tích hợp, khuyến khích và dần bắt buộc các công trình xây dựng đạt tiêu chuẩn xanh (mức độ ô nhiễm xả thải, cây xanh bao phủ,…) mới được cấp phép xây dựng.

Năm là, chuyển dần hình thức từ “quản lý đô thị” sang “quản trị đô thị” nhằm nâng cấp công tác quản lý đô thị; đồng thời nâng cao năng lực quản lý của chính quyền đô thị; hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu cơ sở về quy hoạch, đất đai, công trình để thuận lợi cho quá trình quản lý ở các cấp.  

Sáu là, tuyên truyền đến cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về “Chiến lược tăng trưởng xanh” cũng như kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà doanh nghiệp và đầu tư cho các dự án tăng trưởng xanh của quốc gia và địa phương; đẩy mạnh vai trò tham gia của cộng đồng trong quản lý phát triển đô thị.

6. Kết luận

Để phát huy hiệu quả “Chiến lược tăng trưởng xanh”, cần có sự thay đổi cũng như có các chính sách cụ thể trong từng lĩnh vực. Phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh không chỉ là nhiệm vụ đáp ứng chiến lược mà còn là một nhu cầu bức thiết đối với người dân đô thị. Chính vì vậy, để có thể xây dựng được đô thị theo hướng tăng trưởng xanh cần có các chính sách hiệu quả, hình thức quản lý phù hợp với từng khu vực. Hơn hết, việc áp dụng các mô hình cần được nghiên cứu và có dự án tái thiết đô thị phù hợp dựa trên các yếu tố phát triển của khu vực đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Ngân hàng Thế giới (2016). Báo cáo tổng quan: Việt Nam 2035 hướng tới Thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.
  4. Bùi Quang Tuấn, Hà Huy Ngọc (2017). Chính sách quốc gia về tăng trưởng xanh. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, 10, 44-52.
  5. China Urban Sustainability Coalition (2015), ten key principles of low carbon urbanization supporting China’s new type of urbanization, https://www.nrdc.org/sites/default/files/10-key-principles-of-low-carbon-urbanization-1126.pdf
  6. UN-HABITAT (2014). A new strategy of sustainable neighbourhood planning: Five Principles.
  7. Daniel Bongardt, Manfred Breithaupt and Felix Creutzig (2010), Beyond the Fossil City: Towards low Carbon Transport and Green Growth, GTZ
  8. OECD, 2011a (2011). Responding to a call from its member countries, in 2011 the OECD developed a green growth strategy, Towards Green Growth
  9. OECD, 2011b (2011). Cities and Green Growth: A conceptual Framework, https://unhabitat.org/a-new-strategy-of-sustainable-neighbourhood-planning-five-principles

 Solution for promoting urban development management

towards green growth

Master. Ngo Bao Ngoc

Lecturer, Faculty of Urban Management

Hanoi Architectural University

ABSTRACT:

The continuous and rapid economic development of countries around the world has brought benefits to people's lives as well as improved people’s living standards. However, all countries are facing with the impact of climate change and the pressures of economic development while ensuring human environment. Therefore, the world community in general and Vietnam in particular need to find more sustainable development ways. Among solutions to climate change, green growth is considered an inevitable trend. This article presents the green growth trend, impacts of the green growth on economy growth in general and urban development in particular. With a sizeable urban system in Vietnam, applying green growth in urban management and development could solve existing problems and build a good living environment for the community.

Keywords: Green growth, climate change, urban management, urban development, mechanisms and policies