Phân tích những tác động của các FTA thế hệ mới

THS. NGUYỄN THỊ KIM THOA (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Hiện nay, sự gia tăng mạnh các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và khu vực, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, đang trở thành một xu thế quan trọng trong quan hệ kinh tế quốc tế từ đầu thế kỷ XXI. Đối với Việt Nam, nếu đứng ngoài hoặc chậm chân với xu thế này, sẽ phải chịu sự phân biệt đối xử và nguy cơ đối mặt với hiệu ứng “chệch hướng thương mại”, khiến các ngành xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh không phát huy được hiệu quả. Do đó, bài viết tập trung tìm hiểu những vấn đề lý luận của FTA thế hệ mới, bao gồm: khái niệm, nội dung, tác động của các FTA thế hệ mới. 

Từ khóa: FTA, FTA thế hệ mới, kinh tế, tự do hóa thương mại.

1. FTA thế hệ mới

FTA có thể mang nhiều tên gọi khác nhau, ví dụ: Hiệp định Đối tác kinh tế (Economic Partnership Agreement); Hiệp định Thương mại khu vực (Regional Trade Agreement)… nhưng bản chất đều là các thỏa thuận hướng tới tự do hóa thương mại giữa các thành viên. Thành viên của các FTA có thể là các quốc gia (ví dụ: Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ…); hoặc các khu vực thuế quan độc lập (ví dụ: Liên minh châu Âu, Hong Kong Trung Quốc…). Vì vậy, thông thường khi nói tới thành viên FTA, người ta hay dùng từ chung là “nền kinh tế”. Phạm vi “thương mại” trong các FTA được hiểu theo nghĩa rộng, có thể bao gồm tất cả các hoạt động kinh doanh sinh lời, trong đó có thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và cả các vấn đề khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới thương mại (sở hữu trí tuệ, mua sắm công, lao động, môi trường…).

Các FTA thế hệ mới là các FTA có phạm vi toàn diện, vượt ra ngoài khuôn khổ tự do hóa thương mại hàng hóa, như: FTA Việt Nam-EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định Đối tác thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (T-TIP);các hiệp định thành lập EU; FTA Bắc Mỹ (NAFTA); Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR); các FTA ASEAN+1; FTA Australia-Hoa Kỳ (AUSFTA);…

2. Những tác động của FTA thế hệ mới

2.1. FTA thế hệ mới mở ra các cánh cửa ưu đãi thuế quan cho các nước thành viên

FTA thế hệ mới mở ra các cánh cửa ưu đãi thuế quan cho các nước thành viên theo các nguyên tắc sau:

- Đối xử quốc gia và mở cửa thị trường đối với hàng hóa. Theo nguyên tắc đối xử quốc gia, một nhà nước cấp quyền lợi ích đặc biệt hoặc đặc quyền cho công dân của mình, cũng phải cấp những lợi thế đó cho công dân quốc gia khác khi quốc gia khác đó có ký kết thỏa thuận. Theo nguyên tắc đối xử quốc gia, các hàng hóa nhập khẩu và sản xuất trong nước phải được đối xử bình đẳng.

- Theo đó các rào cản thuế quan dần dần được gỡ bỏ, mỗi nước sẽ có một biểu thuế quan  riêng áp dụng cho từng đối tác hoặc tất cả các đối tác. FTAs cam kết dành ưu đãi thuế quan được thực hiện theo 3 hình thức:

+ Cam kết loại bỏ thuế quan ngay khi hiệp định chính thức có hiệu lực: Trường hợp này, thuế quan sẽ là 0% vào thời điểm các FTAs có hiệu lực.

+ Cam kết loại bỏ thuế quan theo lộ trình: Thuế quan sẽ được đưa về 0% nhưng không phải ngay khi hiệp định có hiệu lực mà sau một thời gian nhất định.

+ Cam kết hạn ngạch thuế quan: Đối với trường hợp này thì thuế quan chỉ giảm hoặc loại bỏ với một số lượng, khối lượng hàng hóa nhất định, ra khỏi mức hạn ngạch thì thuế quan sẽ không được hưởng ưu đãi theo hiệp định. Như vậy, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam vào mỗi nước khác trong hiệp định sẽ được hưởng ưu đãi cho từng loại hàng và với những mức ưu đãi khác nhau.

Việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan sẽ giúp cho hàng hóa xuất nhập khẩu rẻ hơn, người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội mua sắm hàng nhập khẩu với giá rẻ hơn. Doanh nghiệp sản xuất trong nước tăng cơ hội tìm kiếm thị trường nước ngoài, thúc đẩy sản xuất. Ví dụ, chỉ riêng CPTPP được ký kết sẽ giúp xuất khẩu tăng thêm 4,2%; nhập khẩu tăng thêm 5,3% và sẽ tăng cao hơn lần lượt ở các mức 6,9% và 7,6%.

Bên cạnh đó, nhu cầu về thị trường lao động sẽ tăng cao. Do thị trường nước ngoài sẽ được mở cửa, dẫn đến doanh nghiệp trong nước càng dễ tiếp cận đến thị trường nước ngoài, kéo theo thúc đẩy sản xuất. Ngành sản xuất phát triển, sẽ kéo theo một loạt các ngành nghề khác phát triển theo ví dụ như: tài chính, tín dụng, ngân hàng, xuất nhập khẩu… và do đó thị trường lao động được mở rộng, người lao động trẻ càng có cơ hội kiếm việc. Lao động phổ thông sẽ dần bị đào thải.

Dỡ bỏ rào cản thị trường, hàng ngoại tràn vào thị trường trong nước cạnh tranh mạnh mẽ với hàng nội. Để cạnh tranh, doanh nghiệp nội phải cải tiến công nghệ, chuyên môn hóa lao động sản xuất kéo theo nhu cầu về lao động có chất lượng cao càng nhiều, bên cạnh đó lao động phổ thông sẽ dần bị đào thải.

2.2. FTA thế hệ mới điều chỉnh một số lĩnh vực dịch vụ qua biên giới

Thông thường FTA ghi nhận một số lĩnh vực dịch vụ qua biên giới sẽ bị điều chỉnh. Cung cấp dịch vụ qua biên giới là việc cung cấp dịch vụ từ lãnh thổ nước này sang lãnh thổ của nước khác ví dụ như: dịch vụ chăm sóc khách hàng từ xa, khám bệnh từ xa, bệnh nhân và bác sĩ ngồi ở hai nước khác nhau. Theo thông lệ, các FTA thế hệ mới thường đặt ra 4 nguyên tắc chung về dịch vụ xuyên biên giới mà Việt Nam phải dành cho các nhà cung cấp dịch vụ từ các nước thành viên khác, bao gồm:

- Nguyên tắc đối xử quốc gia: Theo nguyên tắc này, các thành viên hiệp định cam kết sẽ dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của các nước thành viên khác sự đổi xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ trong nước trong hoàn cảnh tương tự.

- Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc: Nguyên tắc này đòi hỏi các nước thành viên phải dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của một nước thành viên khác sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho các dịch vụ nhà cung cấp của các nước khác trong Hiệp định trong hoàn cảnh tương tự.

- Nguyên tắc này yêu cầu các nước thành viên không áp đặt các hạn chế về số lượng dịch vụ (ví dụ như hạn chế về số lượng các nhà cung cấp dịch vụ hay số lượng các giao dịch được thực hiện) hoặc yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải thành lập một hình thức pháp lý nhất định để thực hiện dịch vụ.

- Nguyên tắc hiện diện thương mại: Không thành viên nào được yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ của nước thành viên khác phải thiết lập văn phòng đại diện, hoặc bất kỳ hình thức doanh nghiệp nào trên lãnh thổ của mình, hoặc phải cư trú trên lãnh thổ mình để cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Nhờ đó mà người tiêu dùng, các nhà sản xuất trong nước sẽ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc khách hàng, dịch vụ cung cấp trực tiếp từ nước ngoài, nghĩa là thị trường Việt Nam sẽ mở cửa cho các nhà cung cấp của nước ngoài, cung tăng thì giá dịch vụ sẽ giảm. Người mua dịch vụ trong nước càng có cơ hội tiếp cận dịch vụ quốc tế với giá rẻ.

2.3. FTA thế hệ mới đặt ra nguyên tắc chung trong đối xử với nhà đầu tư đến từ các nước khác trong Hiệp định mà các nước thành viên buộc phải tuân thủ

Theo thông lệ, chương đầu tư của các FTA thế hệ mới đặt ra các nguyên tắc chung trong đối xử với nhà đầu tư đến từ các nước khác trong Hiệp định mà các nước thành viên buộc phải tuân thủ. Các nguyên tắc này có thể được xếp thành 2 nhóm:

Nhóm các nguyên tắc mở cửa thị trường xóa bỏ rào cản đầu tư. Nhóm này bao gồm các nguyên tắc cơ bản sau:

- Các nguyên tắc không phân biệt đối xử (nguyên tắc đối xử như công dân và nguyên tắc tối huệ quốc): Các nguyên tắc này đòi hỏi nhà nước nơi nhận đầu tư phải đối xử với các nhà đầu tư từ các nước trong Hiệp định ít nhất là bằng đối xử với nhà đầu tư nội địa của mình (đối xử quốc gia) và không kém hơn đối xử với bất kỳ nước nào khác (đối xử tối huệ quốc). Tuy nhiên, Hiệp định cho phép các nước được đặt ra các thủ tục/quy định riêng cho nhà đầu tư nước ngoài, miễn là các thủ tục này không làm ảnh hưởng đang kể tới mức độ bảo hộ nhà đầu tư theo các nguyên tắc của Hiệp định. Ví dụ, nước ta vẫn có thể duy trì các quy định trong Luật Đầu tư 2014 với các thủ tục đăng ký đầu tư riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài.

- Nguyên tắc liên quan tới “Các yêu cầu về hoạt động”. Nguyên tắc này cấm nhà nước nơi nhận đầu tư đặt ra các yêu cầu bắt buộc liên quan tới: Việc thành lập, mua lại, mở rộng, quản lý, hoạt động/vận hành của khoản đầu tư (kiểu như phải xuất khẩu một tỷ lệ nhất định sản phẩm xuất ra; phải đạt được một tỷ lệ nội địa hóa nhất định; phải mua, sử dụng sản phẩm cho một chủ thể nào đó được chỉ định; phải đảm bảo tỷ lệ nhất định giữa kim ngạch/giá trị xuất khẩu với khoản ngoại tệ được chuyển; phải chuyển giao công nghệ, quy trình hoặc kiến thức cụ thể nào đó cho một chủ thể nội địa).

Nhóm các nguyên tắc nhằm đảm bảo quyền tự chủ của nhà đầu tư. Nhóm này bao gồm 4 nguyên tắc nhằm hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư, bao gồm:

- Nguyên tắc chuẩn đối xử tối thiểu: Được hiểu theo nghĩa thông dụng là đối xử
công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn, đầy đủ theo tập quán quốc tế.

-  Nguyên tắc bảo vệ tài sản của nhà đầu tư trước các biện pháp cưỡng chế, quốc hữu hóa.

- Nguyên tắc bảo đảm việc chuyển vốn tự do.

- Nguyên tắc liên quan đến nhận sự quản lý cao cấp và ban lãnh đạo: Nguyên tắc này cấm Nhà nước nơi nhận đầu tư đặt ra các yêu cầu về quốc tịch bắt buộc của nhân sự cao cấp hay ban lãnh đạo. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn có quyền yêu cầu đa số các thành viên của Ban lãnh đạo doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải có quốc tịch của một nước hoặc phải cư trú trên lãnh thổ của mình.

Việc dỡ bỏ rào cản đầu tư rõ ràng sẽ thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam, mở mang xí nghiệp, mang lại công nghệ và tiêu chuẩn nước ngoài vào Việt Nam. Điều này sẽ giúp tạo công ăn việc làm mới, giúp người lao động trong nước học hỏi kinh nghiệm quản lý tiên tiến của nước ngoài, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế Việt Nam tiếp nhận khoa học công nghệ, kỹ thuật từ nước ngoài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/12396-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-fta-la-gi

2. http://tapchicongthuong.vn/nhung-loi-the-cua-viet-nam-trong-thu-hut-von-dau-tutruc-tiep-nuoc-ngoai-tu-cac-nuoc-cptpp-20180705114938954p0c488.htm

3. http://www.trungtamwto.vn/thong-ke/12065-tong-hop-cac-fta-cua-viet-nam tinhden-thang-112018

4.http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/nr091019080134/nr091019085342/nr0910 19084401/ns091029135559

5.http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/nr091019080134/nr091019085342/nr0910 19084401/ns091029135559

 

Analyzing impacts of new-generation FTAs

Master. Nguyen Thi Kim Thoa

Faculty of Finance and Banking, University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The sharp increase in bilateral and regional free trade agreements (FTAs), especially new-generation FTAs, has become an important trend in international economic relations since the beginning of the 21th century. For Vietnam, if the country does not catch up with this trend, it will face the risk of "trade diversion" effect and the country’s export industries will lose their competitive advantages. Therefore, this article focuses on presenting theoretical issues of new-generation FTAs including the concepts, content and impacts of new generation FTAs.

Keywords: FTA, new-generation FTA, economy, trade liberalization.