Phân tích thực trạng và giải pháp giải quyết khiếu nại về đất đai tại tỉnh Gia Lai

NGÔ SỸ TRUNG (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội) và TRẦN THỊ MAI (Phân viện khu vực Tây Nguyên, Học viện Hành chính Quốc gia)

TÓM TẮT:

Bài viết tập trung phân tích thực trạng khiếu nại và giải quyết khiếu nại về đất đai tại tỉnh Gia Lai những năm gần đây. Nhóm tác giả hy vọng kết quả nghiên cứu của bài viết này góp phần làm sáng tỏ tình hình thực tế và cung cấp thông tin khoa học đối với các nhà quản lý địa phương để có những điều chỉnh chính sách một cách phù hợp trong thời gian tới.

Từ khóa: Giải quyết khiếu nại, đất đai, tỉnh Gia Lai.

1. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại về đất đai

1.1. Khiếu nại về đất đai

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Luật Khiếu nại năm 2011). Trong lĩnh vực quản lý đất đai, Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định việc khiếu nại, theo đó “người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai”.

Như vậy, từ những quy định pháp luật nêu trên, có thể hiểu khiếu nại về đất đai là việc người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước trong quản lý đất đai khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trên thực tế, hiện đang tồn tại nhiều dạng khiếu nại về đất đai như: Khiếu nại về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư; khiếu nại về việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm chế độ quản lý, sử dụng đất đai; khiếu nại việc giải quyết các tranh chấp về đất đai của các cơ quan nhà nước; khiếu nại đòi lại đất trước đây đưa vào hợp tác xã nông nghiệp hay tập đoàn sản xuất nông nghiệp.

1.2. Giải quyết khiếu nại về đất đai

Luật Khiếu nại năm 2011 quy định, giải quyết khiếu nại là việc thụ lý, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại; thẩm quyền giải quyết khiếu nại là cơ quan hành chính nhà nước hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, xét trong lĩnh vực quản lý đất đai, có thể nhận thấy, giải quyết khiếu nại về đất đai là việc cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước xem xét, đánh giá tính hợp pháp và tính hợp lý của quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu nại thuộc thẩm quyền của mình, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Theo cách hiểu trên, giải quyết khiếu nại về đất đai có những đặc điểm cơ bản sau:

- Chủ thể giải quyết khiếu nại về đất đai là cơ quan hành chính nhà nước hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước.

- Nội dung giải quyết khiếu nại về đất đai bao gồm việc xem xét, đánh giá tính hợp pháp và tính hợp lý của quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu nại.

- Mục đích của giải quyết khiếu nại về đất đai là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại (người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất).

2. Thực trạng khiếu nại và giải quyết khiếu nại về đất đai tại tỉnh Gia Lai

2.1. Thực trạng khiếu nại về đất đai

Trong những năm gần đây, tình hình khiếu nại của công dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai có xu hướng tăng nhanh cả về quy mô, số lượng và tính chất phức tạp, trong đó khiếu nại về đất đai có nhiều điểm đặc biệt hơn so với các khiếu nại khác; tình trạng khiếu nại đông người, khiếu nại kéo dài có chiều hướng gia tăng. Các đoàn khiếu nại với đông người tham gia tập trung chủ yếu ở một số địa phương như các huyện: Kbang, Chư Prông, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Sê, Đăk Đoa, thành phố Pleiku... có đoàn lên đến cả trăm người thực hiện hành vi khiếu nại dưới nhiều hình thức phức tạp (đeo băng rôn, khẩu hiệu, lợi dụng, lôi kéo những người khác tập trung trước trụ sở cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, hoặc đến nhà riêng các đồng chí lãnh đạo tỉnh để đưa đơn).

Từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực đến năm 2011, toàn tỉnh đã tiếp nhận 2.766 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, được thống kê trong Bảng 1:

Bảng 1 cho thấy, giai đoạn 2004 - 2011, tình hình khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến phức tạp, bình quân trên 300 đơn/năm. Đã có 2357 đơn thuộc thẩm quyền được giải quyết (đạt tỷ lệ 100%). Kết quả giải quyết được đánh giá khách quan, theo đó, về cơ bản không có hiện tượng tiếp tục khiếu nại vượt ra khỏi thẩm quyền của địa phương. Số đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết (409 đơn), đã được xử lý theo hướng: Lưu; trả, hướng dẫn đương sự; chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Giai đoạn 2004 - 2011, đã có 981 đơn được giải quyết ở cấp tỉnh, bình quân 122,5 đơn/năm. Theo số liệu thống kê của Thanh tra Nhà nước tỉnh Gia Lai, từ năm 2011 đến năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp nhận 319 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đất đai, bình quân 80 đơn/năm, giảm 35%/năm so với giai đoạn 2004-2011. Đây cũng là dấu hiệu tích cực trong công tác quản lý về đất đai của địa phương miền Cao Nguyên này trong giai đoạn hiện nay.

Việc có nhiều khiếu nại về đất đai tại Gia Lai thời gian qua là do Gia Lai có diện tích tự nhiên rộng (5.495,7 km2, lớn thứ hai cả nước), dân số hơn 1,3 triệu người, trong đó có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (34 dân tộc, chiếm 44% dân số của tỉnh); tình trạng dân di cư tự do diễn biến nhanh và phức tạp, chủ yếu là các hộ sản xuất nông nghiệp, dẫn đến việc lấn chiếm đất đai, phá rừng làm nương rẫy, mua bán đất đai trái phép cùng với xu hướng phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hồi đất để đầu tư xây dựng các dự án, công trình công cộng ngày càng tăng, là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng khiếu nại, tranh chấp đất đai diễn ra thường xuyên.

Mặc dù có nhiều vụ việc khiếu nại về đất đai, song nhìn chung, công tác giải quyết khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: 100% đơn thư khiếu nại thuộc thẩm quyền được giải quyết một cách khách quan; về cơ bản không có hiện tượng tiếp tục khiếu nại vượt ra khỏi thẩm quyền của địa phương. Số đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết (409 đơn), đã được xử lý theo hướng: Lưu; trả, hướng dẫn đương sự; chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật. Trong công tác chỉ đạo giải quyết khiếu nại về đất đai, các cấp ủy đảng và chính quyền cấp tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, có sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan nội chính và các cấp, các ngành nên đã có chuyển biến tích cực, là điều kiện thuận lợi để tỉnh Gia Lai tập trung nguồn lực, trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản góp phần giải quyết dứt điểm các khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, qua tìm hiểu thực tiễn, tác giả bài viết nhận thấy, công tác giải quyết khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn bộc lộ hạn chế, theo đó: Việc giải quyết đơn thư khiếu nại còn mang nặng về mệnh lệnh hành chính; việc thực hiện các quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật chưa kiên quyết, dẫn đến nhiều vụ việc khiếu nại kéo dài. Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong tỉnh chưa kịp thời ban hành các văn bản để triển khai Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành; chưa nắm chắc những đổi mới, quy định mới của pháp luật về đất đai nên vẫn còn áp dụng những quy định cũ đã bị hủy bỏ hoặc thay thế, áp dụng sai quy định; chưa đầu tư kinh phí thỏa đáng để xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, bảo đảm quản lý chặt chẽ đối với từng thửa đất; chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, dẫn tới tùy tiện trong giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Tiếp đến là công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm và trong một số trường hợp không chính xác; công tác quy hoạch, chỉnh lý biến động đất đai không được theo dõi, cập nhật thường xuyên dẫn đến việc tham mưu chưa đầy đủ, thiếu chính xác trong việc quy hoạch, thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.

Những hạn chế nêu trên đã có tác động ảnh hưởng không tốt đến công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh. Điều này cũng đang đặt ra vấn đề quản lý đối với các nhà lãnh đạo tỉnh và cần sớm có giải pháp khắc phục để thực sự tạo được sự ổn định để phát triển địa phương trong thời gian tới.

3. Giải pháp bảo đảm giải quyết khiếu nại về đất đai tại tỉnh Gia Lai trong thời gian tới

Để tiếp tục phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế trong giải quyết khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh Gia Lai như đã nêu trên, tác giả bài viết gợi ý một số giải pháp sau đây:

- Một là, tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Đây là giải pháp mang tính gián tiếp, theo đó, nó có tác động vào ý thức nhằm không ngừng nâng cao nhận thức về đất đai của mọi cơ quan, tổ chức và công dân thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với sự đa dạng các hình thức, như: Các buổi nói chuyện chuyên đề, hỏi - đáp pháp luật đất đai, khiếu nại về đất đai, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về đất đai, khiếu nại về đất đai, v.v. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật phải đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với đặc điểm và trình độ dân trí, tình hình thực tế ở Gia Lai; sử dụng triệt để các phương tiện thông tin đại chúng vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, pháp luật về khiếu nại, thông qua các phương tiện truyền thanh, truyền hình, các bài báo, ấn phẩm, trên panô, áp phích cơ động; mở các chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài, bản tin nội bộ, thông qua đội ngũ báo cáo viên,… tất cả là để tạo điều kiện cho người tham gia khiếu nại có sự hiểu biết cơ bản và hiểu biết sâu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

- Hai là, tăng cường hoạt động tư vấn, dịch vụ pháp lý - một yếu tố quan trọng góp phần tạo môi trường pháp lý an toàn, tin cậy cho hoạt động của đời sống - xã hội. Đây là giải pháp mang tính chất hỗ trợ cộng đồng, theo đó cần có sự mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tư vấn pháp luật như: Trung tâm trợ giúp pháp lý, văn phòng luật sư,... trong đó quan tâm đến nội dung tư vấn pháp luật về đất đai, giải quyết khiếu nại về đất đai. Tuy nhiên, hiện nay, các hoạt động này ở Gia Lai còn ít phổ biến và chưa thực sự được quan tâm, đặc biệt là ở tuyến huyện - nơi có nhiều đối tượng cần đến dịch vụ trợ giúp, tư vấn pháp lý. Để giảm bớt số vụ khiếu nại sai, việc quan tâm phát triển các hoạt động tư vấn pháp lý là rất cần thiết, bởi vì dân cư của tỉnh Gia Lai có sự đa dạng về dân tộc (34 dân tộc thiểu số, chiếm 44% dân số của tỉnh) với mặt bằng trình độ dân trí còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của cả nước; tình trạng dân di cư tự do vẫn còn diễn biến phức tạp, chủ yếu là các hộ sản xuất nông nghiệp, dẫn đến việc lấn chiếm đất đai, phá rừng làm nương rẫy, mua bán đất đai trái phép đã làm cho tình trạng khiếu nại, tranh chấp đất đai diễn ra thường xuyên với nhiều vụ việc không đáng để xảy ra nghiêm trọng hoặc kéo dài do thiếu hiểu biết.

- Ba là, tăng cường đầu tư khoa học công nghệ, điều kiện vật chất cho công tác quản lý đất đai, trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại của công dân. Nội dung giải pháp này là việc từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai bằng công nghệ tin học trên cơ sở xây dựng hệ thống dữ liệu địa chính quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận thông tin về quản lý đất đai, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và giải quyết khiếu nại về đất đai của người dân. Bên cạnh đó, công tác thông tin, báo cáo, xây dựng hồ sơ giải quyết khiếu nại cũng cần được cập nhật thông qua mạng giao dịch điện tử. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết, văn bản pháp quy liên quan đến khiếu nại, giải quyết khiếu nại của các cấp chính quyền cũng cần được công khai để người dân được biết.

- Bốn là, tỉnh Gia Lai cần tập trung nghiên cứu để hoàn thiện thể chế quản lý đất đai và giải quyết khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh. Đây là vấn đề liên quan đến công cụ quản lý, theo đó địa phương cần cụ thể hóa các văn bản pháp luật của trung ương về quản lý đất đai theo hướng phù hợp với đặc điểm của tỉnh, làm cơ sở pháp lý thống nhất và công cụ quản lý cho các địa phương của tỉnh trong quá trình thực hiện hoạt động quản lý đất đai cũng như giải quyết các khiếu nại của công dân liên quan đến đất đai.

Qua phân tích thực trạng giải quyết khiếu nại về đất đai tại tỉnh Gia Lai, có thể nhận thấy, địa phương này tuy đã quan tâm thực hiện, giải quyết có kết quả nhiều đơn thư khiếu nại trong thời gian qua. Nhưng nhìn chung, khiếu nại về đất đai vẫn là một vấn đề nóng, nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới và linh hoạt trong cách giải quyết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật Khiếu nại năm 2011 và Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Khiếu nại.

2. Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

3. Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIII (2014), Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính Nhà nước.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai (2012), Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các Quyết định hành chính về đất đai.

5. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai (2014), Về kết quả kiểm tra, rà soát, lập danh sách các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo Kế hoạch số 2100/KH-TTCP và báo cáo kết quả giải quyết các vụ việc theo Kế hoạch số 1130/KH-TTCP, Báo cáo theo công văn số 168/TTCP-C.II của Thủ tướng Chính phủ.

6. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai (2016), Báo cáo về kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016.

ANALYZING THE SITUATION OF SOLVING LAND COMPLAINTS

IN GIA LAI PROVINCE

● NGO SY TRUNG

Hanoi University of Home Affairs

● TRAN THI MAI

National Academy of Public Administration, Center highland campus

ABSTRACT:

The paper focuses on the current status of complaints and resolution of land claims in Gia Lai province in recent years. The authors hope that the results of this paper will help to clarify the situation and provide scientific information to local managers to make appropriate policy adjustments in the future.

Keywords: Resolving complaints, land, Gia Lai province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 11 tháng 10/2017 tại đây