TÓM TẮT:
Bài viết phân tích thực trạng pháp luật thực định về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp của Việt Nam và một số quốc gia điển hình trên thế giới, từ đó đề xuất một số gợi mở cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp.
Từ khóa: pháp luật, bảo vệ môi trường, hoàn thiện pháp luật, khu công nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế ở Việt Nam ngày càng tăng, đã góp phần làm cho GDP theo bình quân đầu người tăng lên đáng kể. Để đạt được kết quả đó, có thể kể đến vai trò và những đóng góp của mô hình khu công nghiệp (KCN) đã thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư cũng như tạo việc làm cho một lượng lớn lao động. Một kết quả điều tra khác cho thấy, KCN đã thu hút hàng ngàn tỷ đồng đầu tư, tạo công ăn việc làm cho hơn 3,78 triệu lao động trên cả nước[1]. Việc phát triển các KCN trên cả nước là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Nhiệm vụ đặt ra là phát triển KCN phải dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững. Tuy nhiên, do tập trung của nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp cũng như các hoạt động kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt của dân cư, nên hoạt động của các KCN đã tạo ra hàng loạt các chất thải, gây tác động xấu đến tài nguyên đất, nước, khoáng sản, gây tắc nghẽn dòng chảy, làm úng ngập, sạt lở, suy giảm đa dạng sinh học[2]. Bên cạnh những đóng góp tích cực đem lại diện mạo mới về kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương, quá trình phát triển công nghiệp nói chung và hệ thống các KCN nói riêng ở Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo vệ môi trường (BVMT). Do đó, yêu cầu BVMT được đặt ra rất khắt khe, đòi hỏi tính tổ chức cao hơn so với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, bởi vì sự tác động tới môi trường với quy mô rất lớn từ hoạt động của các KCN.
2. Pháp luật vềảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp của một quốc gia điển hình trên thế giới
Thứ nhất, theo pháp luật Nhật Bản. Nhật Bản là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về xây dựng, quản lý và phát triển đặc khu công nghiệp (ĐKCN). Từ tháng 5/2014, Nhật Bản đã thành lập 6 Đặc khu chiến lược quốc gia (National Strategic Special Zones), với 68 dự án đã được phê duyệt, gồm: Đặc khu Tokyo (bao gồm thủ đô Tokyo và tỉnh Kanagawa), Đặc khu Kansai (gồm Osaka và Kyoto), Đặc khu Okinawa, Đặc khu Fukuoka (thuộc vùng Kyushu phía Nam), Đặc khu Niigata và Đặc khu Fukui (hai tỉnh hàng đầu về nông nghiệp). Các ĐKCN chiếm khoảng 2/5 GDP của Nhật Bản, nhằm thực hiện các đột phá về thể chế và cơ chế chính sách; phân cấp quản lý cho các vùng; mỗi đặc khu có chiến lược và cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng riêng phù hợp với tiềm tăng và thế mạnh, lợi thế so sánh của địa phương. Đặc khu Okinawa là đẩy mạnh du lịch do gần với Hàn Quốc và Trung Quốc. Đặc khu thành phố Fukuoka có các dự án nới lỏng hạn chế thị thực với lao động nước ngoài, đây là bước đi quan trọng để giải quyết vấn đề già hóa dân số. Các khu vực trong đặc khu Kansai có mối liên kết với ngành dược phẩm và thiết bị y tế,... Thông qua việc thành lập các Đ KCN, Chính phủ Nhật Bản muốn cắt đứt những nền tảng lợi ích tồn tại lâu đời cũng như nạn quan liêu cản trở đổi mới, từ đó tạo ra các đột phá giúp thay đổi kinh tế, xã hội Nhật Bản khi đang trong tình trạng giảm phát. Trong khi các khu vực đặc biệt thông thường chủ yếu bắt đầu bằng việc bãi bỏ quy định về các yêu cầu của khu vực tư nhân thì các đặc khu chiến lược quốc gia được Thủ tướng Chính phủ Anbe chỉ đạo một cách chiến lược và thực hiện thông qua trao đổi chặt chẽ với các chính quyền địa phương và các khu vực tư nhân.
Chính phủ Nhật Bản thành lập Ủy ban để giải quyết các vấn đề liên quan đến các đặc khu chiến lược quốc gia. Điển hình như tại Đặc khu Chiến lược quốc gia vùng Tokyo, chính quyền đặc khu gồm đại diện của trung ương, đại diện chính quyền địa phương và đại diện doanh nghiệp. Chính quyền đặc khu toàn quyền đề xuất các dự án điều chỉnh quy hoạch thành phố, các dự án mang tính đổi mới và dự án trong lĩnh vực y tế. Thông qua các dự án này, chính quyền đặc khu hiện thực hóa việc xây dựng vùng Tokyo thành trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm khoa học ứng dụng và trong tương lai thành thành phố kinh doanh toàn cầu đứng đầu thế giới.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, Nhật Bản đã xây dựng nhiều chính sách ưu đãi đối với các KCN, như: Xử lý thủ tục hành chính nhanh, gọn (trong vòng một ngày) tại khu vực một cửa (one-stop entry), thành lập Trung tâm phát triển kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp, cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để thúc đẩy đầu tư. Đặc biệt, cùng với các chính sách giúp phát triển kinh tế thì nước này cũng chú trọng đến các hoạt động BVMT trong KCN. Theo đó, kinh nghiệm quản lý chất thải của Nhật Bản cho thấy, trong thập niên 1960, tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh đã làm cho Nhật Bản phải chịu những áp lực lớn từ các vấn đề môi trường. Điều đó buộc các nhà quản lý môi trường Nhật Bản phải sớm tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà vẫn đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân. Theo đó, Nhật Bản đã xây dựng tư duy kiểm soát, sản xuất hợp lý, phát thải ít nhất ngay từ đầu vào, với việc ban hành những quy định pháp luật nghiêm ngặt ngay từ đầu về tiêu chuẩn phát thải chất thải, kiểm soát ô nhiễm nước, không khí và giám sát ô nhiễm chất độc hại. Đặc biệt coi trọng chính sách giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT, khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm môi trường[3]. Để thực hiện các mục tiêu đó, ngay từ năm 1972, Nhật Bản đã cho ban hành Luật Bảo tồn thiên nhiên và hệ thống pháp luật về Môi trường cơ bản được ban hành vào năm 1993. Các văn bản này đã tạo ra hệ thống pháp lý kiểm soát ô nhiễm, bao gồm các chính sách và quy định về hệ thống kiểm soát ô nhiễm không khí, hệ thống kiểm soát ô nhiễm nước, các vấn đề ô nhiễm đất, các tiêu chuẩn quốc gia về chất độc hại; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng môi trường; Những biện pháp kiểm tra và kiểm soát nghiêm ngặt môi trường sản xuất công nghiệp; các quy định về trách nhiệm của cơ sở gây ô nhiễm.
Hơn nữa, tại các KCN, Nhật Bản còn áp dụng chính sách đặc thù. Ví dụ trong trường hợp các công ty thực hiện những dự án thuộc trường hợp ngoại lệ, các công ty có thể được hưởng đãi ngộ đặc biệt, với 20% doanh thu sẽ được khấu trừ vào khoản thu nhập chịu thuế. Tỷ lệ khấu hao, khấu trừ thuế cũng được điều chỉnh theo mức ưu đãi tốt hơn. Tuy nhiên, việc chỉ định giám sát KCN để phát triển năng lực cạnh tranh quốc tế sẽ được giới hạn nghiêm ngặt trong một số lượng nhỏ[4]. Các chính sách đặc thù này đã góp phần cho các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN có điều kiện tài chính để thực hiện các hoạt động BVMT.
Thứ hai, theo pháp luật Hàn Quốc. Mô hình KCN tự do của Hàn Quốc cũng được đánh giá thành công, nhờ kết hợp được với nền kinh tế trong nước. Từ đó, đã củng cố được mối liên kết giữa các công ty trong đặc khu với các doanh nghiệp địa phương. Hàn Quốc hiện có 8 KCN tự do rải rác khắp cả nước để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, gồm: Incheon, Busan-Jinhae, Gwangyang, Hoàng Hải, Daegu-Gyeongbuk, Bờ Đông, Chungbuk và Saemangeum-Gunsan. KCN tự do là bằng chứng cho thấy sự hợp lực giữa các ngành công nghiệp khác nhau tại đây. Nhiều KCN của nước này vẫn còn đang phát triển. Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ các ngành công nghệ cao, kinh tế quốc tế, giải trí và du lịch. Hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng của nước này thường được coi là lợi thế chính giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, rút ngắn thời gian giao hàng và cải thiện dịch vụ khách hàng.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, Chính phủ Hàn Quốc xác định việc thu hút các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài là mục tiêu chính. Do vậy, các NĐT nước ngoài đầu tư vào các KCN tự do được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt. Ngoài vấn đề hỗ trợ về các loại thuế quan, chính phủ Hàn Quốc còn tiến hành hỗ trợ một phần vốn đầu tư hạ tầng cơ bản của các KCN, phần còn lại sẽ do ngân sách của địa phương thực hiện hoặc lựa chọn doanh nghiệp và thỏa thuận với doanh nghiệp các hạng mục đầu tư hạ tầng[5]. Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, giáo dục, bệnh viện đều được chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ đầu tư, cụ thể NĐT nước ngoài đầu tư vào KCN tự do được miễn tối đa 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu, giảm 50% cho 2 năm tiếp theo. Để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên, NĐT cần đầu tư lớn hơn số vốn yêu cầu tối thiểu theo các ngành lĩnh vực (Ví dụ: lĩnh vực sản xuất 30 triệu USD; du lịch 20 triệu USD; logistics: 10 triệu USD và R&D 2 triệu USD). Tại Hàn Quốc, chỉ riêng các KCN đặc biệt mới được ưu đãi thuế, đầu tư ngoài KCN đặc biệt; kể cả đầu tư vào KCN cũng không được hưởng ưu đãi thuế. Đầu tư vào KCN được miễn các loại thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế tài sản…) từ 5 - 7 năm và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo[6]. Hơn nữa, để quản lý hiệu quả các KCN tự do, Hàn Quốc thành lập bộ máy quản lý KCN không chỉ đủ về số lượng nhân lực mà việc tuyển chọn, bổ nhiệm cũng như cơ cấu người quản lý KCN theo một quy trình chặt chẽ và dân chủ cụ thể: Ở cấp trung ương, Chính phủ Hàn Quốc thành lập Ủy ban Phát triển KCN trực thuộc trực tiếp Thủ tướng Chính phủ gồm có các thành viên là lãnh đạo nhiều bộ, ngành của Hàn Quốc và đại diện một số nhà nghiên cứu, nhà kinh tế cao cấp do Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tri thức làm Trưởng ủy ban. Ủy ban có nhiệm vụ xây dựng quy hoạch, chính sách, kế hoạch phát triển các KCN tự do, quyết định những vấn đề lớn ngoài thẩm quyền của chính quyền tỉnh. Ở cấp địa phương, Ban quản lý KCN tự do được thành lập tại các địa phương có KCN tự do, trực thuộc chính quyền cấp tỉnh. Trưởng ban quản lý KCN tự do được tuyển chọn theo một quy trình rất chặt chẽ (không nhất thiết phải là công chức nhà nước mà có thể tuyển chọn từ khu vực tư nhân), là người có kinh nghiệm và trình độ cao trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng, am hiểu về phát triển kinh tế. Ban quản lý KCN là cơ quan thực thi các chính sách về KCN, quản lý đầu tư, xây dựng KCN tự do theo quy hoạch. Một số Ban quản lý KCN có thẩm quyền rộng, được thực hiện các quyền hạn trong phạm vi quyền hạn của chính quyền tỉnh[7].
Đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực BVMT trong KCN, để phát huy hiệu quả môi trường các KCN tự do, Hàn Quốc dựa vào sự hợp lực giữa các ngành công nghiệp khác nhau tại KCN, đồng thời không ngại đổ vào đây hàng tỷ USD nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng như mua sắm trang thiết bị, xây dựng điện, đường để hỗ trợ các ngành công nghệ cao, kinh tế quốc tế, giải trí, du lịch và bảo vệ môi trường[8]. Hơn nữa, tại Hàn Quốc, các KCN tự do cũng được hỗ trợ từ Chính phủ để xây dựng một số công trình hạ tầng kỹ thuật cơ bản. Hàn Quốc chỉ phát triển 6 KCN để tập trung nguồn lực của Nhà nước để phát triển các KCN này, trong đó có phân chia giai đoạn hết sức cụ thể, phù hợp khả năng huy động nguồn lực, trong đó ưu tiên tập trung đầu tư cho 3 KCN thành lập năm 2003, các KCN còn lại sẽ được phát triển trong trong giai đoạn 2020 - 2030. Thực tế nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc và chính quyền địa phương chiếm tỷ lệ chủ yếu trong vốn đầu tư các công trình hạ tầng cơ bản trong KCN[9].
Thứ ba, theo pháp luật của Trung Quốc. Trung Quốc là quốc gia được đánh giá là khá thành công trong việc thực hiện chuyển đổi kinh tế thông qua thúc đẩy phát triển các KCN ven biển. Theo đó, từ tháng 8 năm 1980, Trung Quốc đã thành lập liên tiếp các KCN đặc biệt, lần lượt là Thẩm Quyến, Chu Hải và Sán Đầu, tiếp đến KCN Hạ Môn và Hải Nam được thành lập trong năm 1988. Sau 5 năm thành lập các KCN đặc biệt trên, Trung Quốc tiếp tục thành lập thêm 14 KCN ven biển và có các chính sách tương tự như các KCN thành lập trước đó. Trong đó, nổi lên là các chính sách ưu đãi đầu tư và tự chủ về thể chế. Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, Trung Quốc đã áp dụng chính sách ưu đãi cả về tài chính và phi tài chính, như: cơ chế hành chính thông thoáng, cơ sở hạ tầng thuận lợi, thủ tục thông quan nhanh gọn, ưu đãi về thuế, linh hoạt trong tuyển dụng và sa thải lao động. Những chính sách ưu đãi khác cũng được triển khai trong các KCN như thu hút lao động có tay nghề cao bằng việc cung cấp nơi ăn, ở, tài trợ về nghiên cứu, cung cấp giáo dục. Điển hình KCN Thẩm Quyến còn được áp dụng chính sách miễn nộp thuế nhập khẩu cho chính quyền trung ương và tỉnh trong 10 năm đầu thành lập để tái đầu tư phát triển KCN[10]. Đây là cách Trung Quốc giúp các KCN sớm đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng trong KCN.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc, mục tiêu tăng trưởng GDP luôn được đặt lên hàng đầu. Tăng trưởng của Trung Quốc dựa trên mức độ lao động và công nghệ thấp và nền sản xuất thâm dụng tài nguyên, do vậy một số KCN đã phải đối mặt với những vấn đề về tài nguyên và môi trường nghiêm trọng. Theo một nghiên cứu đã công bố, ước tính chi phí môi trường ở Trung Quốc vào khoảng 8% GDP của cả nước[11]. Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc nhiều năm gần đây đã phải ban hành các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về môi trường và cố gắng sử dụng những chính sách tài chính để buộc các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ xanh trong sản xuất.
Thứ tư, theo pháp luật của Singapore. Singapore có tổng cộng 10 KCN đặc biệt, các KCN này được thành lập gắn với việc phát triển kinh tế cảng biển để thúc đẩy phát triển ngành sản xuất chế tạo và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong số các KCN của Singapore, KCN Jurong là KCN được coi là thành công nhất. KCN này được thành lập cuối những năm 1990 và nằm ở phía Nam của Singapore. Nó được kết nối với cảng biển Jurong với khoảng cách chỉ 5 km thông qua cao tốc Jurong. KCN này được đánh giá là KCN tốt nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương với tổng diện tích khoảng 3.000 ha. Năm 2017, riêng KCN Jurong của Singapore đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp đầu tư và tạo ra hơn 8.000 việc làm với tổng mức đầu tư khoảng 42 tỷ USD[12].
Để tạo nên sự thành công đó, chính phủ Singapore đã áp dụng nhiều chính sách hiệu quả cho KCN như miễn thuế xuất nhập khẩu, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm và sau đó thỏa thuận thuế trong 5 năm hoặc NĐT nước ngoài được mua nhà và đất ở trong khu vực được quy hoạch với thời hạn 99 năm, hay tại một số lĩnh vực được ưu tiên còn có thể được hưởng trợ cấp đầu tư lên đến 50%[13]. Hơn nữa, tại KCN Jurong, Chính phủ Singapore còn áp dụng mô hình “vào và hoạt động ngay” (plug and play). Theo mô hình này, tất cả các cơ sở hạ tầng, nhà xưởng trong KCN đã được xây dựng hoàn chỉnh và doanh nghiệp chỉ cần chuyển vào và có thể hoạt động ngay. Cụ thể, trong KCN, Jurong các nhà xưởng được bố trí sẵn với kích thước 944 m2 đến 4.200 m2, cung cấp bố trí các khu chức năng cho khác nhau của khách hàng; bố trí các nhà xưởng được bố trí tích hợp từ tiếp thị, quản lý, sản xuất cho đến lưu trữ,...
Đặc biệt, một trong những nguyên nhân đóng góp nên thành công của KCN Jurong là chính sách cung cấp hệ thống tích hợp. Theo đó, KCN Jurong đã phát triển hệ thống tích hợp công nghiệp, cho phép tích hợp các ngành giữa các doanh nghiệp đến từ các khâu khác nhau trong chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, còn cung cấp các thông tin về các nhà cung cấp dịch vụ để các doanh nghiệp dễ dàng lựa chọn để thuê ngoài đối với các dịch vụ, như: xử lý nước thải, khí thải từ quá trình hoạt động của mình nhằm đảm bảo an toàn về môi trường trong quá trình hoạt động[14]. Đây là chính sách tiến bộ, giúp doanh nghiệp thuận tiện trong quá trình sản xuất, không phải tốn nhiều chi phí để xây dựng cũng như vận hành các công trình BVMT, nhưng lại rất cơ động và tiện ích, vì các nhà cung cấp dịch vụ sẵn có, chỉ cần các doanh nghiệp cần là có và sau đó phải trả một khoản phí dịch vụ là mọi vấn đề được giải quyết nhanh gọn và hiệu quả.
3. Gợi mở kinh nghiệm cho Việt Nam
Thực tiễn nghiên cứu kinh nghiệm BVMT trong hoạt động của các KCN của các quốc gia nêu trên nhận thấy, không phải hoạt động BVMT của KCN nào cũng thành công mà trong đó có cả thành công lẫn thất bại. Thậm chí, nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ môi trường do hoạt động của các KCN gây ra, điển hình như Trung Quốc hay ở Việt Nam, một số KCN như Vũng Áng cũng đã gây ra sự cố môi trường đáng tiếc[15]. Ngược lại, cũng có nhiều KCN hoạt động rất thành công nhờ xử lý hiệu quả các loại rác thải, nước thải từ hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN. Do đó, để hoạt động BVMT trong KCN đạt hiệu quả, góp phần xây dựng thành công KCN, quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật, Việt Nam cần phải khảo cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới từ một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, cần phải đầu tư hợp lý để hoàn thiện ngay từ đầu các khu chức năng BVMT trong KCN. Hiện tượng ô nhiễm hay suy thoái môi trường tại các KCN là do các quốc gia thường không chú trọng đầu tư ngay từ đầu các thiết bị cho hoạt động BVMT, hoặc đầu tư nhưng không đồng bộ và hiệu quả. Nguyên nhân do việc xây dựng, lắp đặt và vận hành các công trình BVMT thường phải bỏ ra một khoản kinh phí rất lớn, trong khi đó nhiều NĐT chưa chuẩn bị kịp hoặc thiếu sự hỗ trợ từ Nhà nước về vốn, kỹ thuật, nên khó khăn và gián đoạn trong xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung, lắp các hệ thống hỗ trợ quan trắc môi trường trong KCN. Do đó, để khắc phục tình trạng này, kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, quốc gia này xác định việc thu hút các NĐT nước ngoài là mục tiêu chính. Do vậy, các NĐT nước ngoài đầu tư vào các KCN tự do được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt. Ngoài vấn đề hỗ trợ về các loại thuế quan, quốc gia này còn tiến hành hỗ trợ một phần vốn đầu tư hạ tầng cơ bản của các KCN, phần còn lại sẽ do ngân sách của địa phương thực hiện, hoặc lựa chọn doanh nghiệp và thỏa thuận với doanh nghiệp các hạng mục đầu tư hạ tầng. Hay theo kinh nghiệm của Singapore, để đạt được thành công như KCN Jurong, Singapore đã áp dụng nhiều chính sách, trong đó đặc biệt chú ý là chính sách “vào và hoạt động ngay” (plug and play). Theo mô hình này, tất cả các cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, kể cả các khu chức năng xử lý chất thải và quan trắc môi trường đều đã được xây dựng hoàn thiện và sẵn sàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong KCN. Do vậy, thiết nghĩ để thực hiện tốt công tác về BVMT trong hoạt động của các KCN thì ngay từ khâu thiết kế hạ tầng kỹ thuật KCN, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hoặc thu hút nguồn đầu tư để hoàn thiện hệ thống các cảnh báo về môi trường cũng như các khu xử lý chất thải tập trung trong KCN để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh những sai phạm và hệ lụy về môi trường sau này.
Thứ hai, cần phải có chính sách trong lựa chọn và tiếp nhận NĐT vào hoạt động trong KCN. Bài học từ Trung Quốc cho thấy, do chú trọng thu hút đầu tư để phát triển kinh tế, nên tại các KCN của quốc gia này đang tồn tại thực trạng đó là lao động tại các KCN có trình độ thấp, công nghệ lạc hậu, dẫn đến các KCN phải đối mặt với những vấn đề về tài nguyên và môi trường nghiêm trọng. Việt Nam cần phải lấy đó làm bài học kinh nghiệm để trong quá trình thu hút NĐT phải có sự lựa chọn, tránh trường hợp thu hút ồ ạt, cấp phép hoạt động cho NĐT không có năng lực, sử dụng lao động có trình độ thấp, công trình BVMT không đảm bảo, công nghệ sản xuất lạc hậu,… dẫn đến hậu quả: (i) Các công trình xử lý môi trường tập trung tại KCN bị quá tải, vì việc thu hút NĐT không tính toán, dẫn đến các chất thải không được xử lý, xả thẳng trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm và sự cố môi trường; (ii) Do trình độ nhân công và công nghệ lạc hậu nên các NĐT chỉ chú tâm khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên hiện có mà không có khả năng chuyển giao công nghệ hoặc đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao nên nguồn tài nguyên bị khai thác mà không có sự tái tạo, dẫn tới mất cân bằng sinh thái, gây ra các hiện tượng ô nhiễm, suy thoái môi trường tại các KCN.
Thứ ba, kinh nghiêm tổ chức bộ máy điều hành hoạt động trong KCN. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, một trong những yếu tố tạo nên thành công của KCN đó chính là việc tổ chức bộ máy quản lý. Theo đó, quốc gia này đã thành lập bộ máy quản lý KCN không chỉ đủ về số lượng nhân lực mà việc tuyển chọn, bổ nhiệm cũng như cơ cấu người quản lý KCN theo một quy trình chặt chẽ và dân chủ. Ở cấp trung ương, chính phủ Hàn Quốc thành lập Ủy ban Phát triển KCN trực thuộc trực tiếp Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban này có nhiệm vụ xây dựng quy hoạch, chính sách, kế hoạch phát triển các KCN tự do, quyết định những vấn đề lớn ngoài thẩm quyền của chính quyền tỉnh. Ở cấp địa phương, Ban quản lý KCN tự do được thành lập tại các địa phương có KCN tự do, trực thuộc chính quyền cấp tỉnh. Trưởng ban quản lý KCN tự do được tuyển chọn theo một quy trình rất chặt chẽ. Ban quản lý KCN là cơ quan thực thi các chính sách về KCN, quản lý đầu tư, xây dựng KCN tự do theo quy hoạch. Một số Ban quản lý KCN có thẩm quyền rộng, được thực hiện các quyền hạn trong phạm vi quyền hạn của chính quyền tỉnh. Như vậy, khác với Việt Nam, hiện nay, để quản lý KCN, Chính phủ ra quyết định thành lập Ban quản lý KCN, còn quản lý trực tiếp hoạt động của Ban này lại trực thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Cách thức quản lý này đã bộc lộ những điểm nghẽn, không thống nhất trong hoạt động điều hành của cơ quan này trên thực tế. Bởi lẽ, về mặt nhân sự thì Chính phủ là người quyết định bổ nhiệm, nhưng về mặt chức năng nhiệm vụ lại do UBND trực tiếp quản lý điều hành[16]. Do đó, thiết nghĩ để hoạt động quản lý KCN nói chung và hoạt động quản lý về môi trường trong KCN được phát huy tác dụng, trong thời gian tới cần phải hoàn thiện bộ máy quản lý KCN đủ về năng lực và thẩm quyền, đồng thời phải đảm bảo tính độc lập trong hoạt động trên cơ sở khảo cứu kinh nghiệm của Hàn Quốc.
4. Kết luận
Với một đất nước đang tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng và phát triển kinh tế như Việt Nam, việc xây dựng các KCN là cần thiết, để tập trung các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vào một địa bàn nhất định. Tuy nhiên, với việc xây dựng các KCN tập trung cao độ, vấn đề bảo vệ môi trường trở thành một thách thức nghiêm trọng cho các mục tiêu phát triển xã hội của Việt Nam. Chính vì vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật về BVMT trong các KCN là hoàn toàn cần thiết để góp phần hoàn thiện pháp luật Việt Nam, cũng như nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trên thực tiễn.
LỜI CẢM ƠN:
Bài viết này được tài trợ bởi Trường Đại học Thủ Dầu Một trong đề tài mã số DT.21.1-045.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:
[1] Minh Châu (2021). Các khu công nghiệp đã tạo việc làm cho khoảng 3,78 triệu lao động trực tiếp. Truy cập tại: https://baodansinh.vn/cac-khu-cong-nghiep-da-tao-viec-lam-cho-khoang-378-trieu-lao-dong-truc-tiep-20210603162928222.htm.
[2] Phạm Thị Ngoan (2016). Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Số 5(235), 30-31.
[3] Mai Anh (2017). Kinh nghiệm quản lý môi trường của các nước. Truy cập tại: https://moitruong.com.vn/moi-truong-cong-luan/quan-ly-moi-truong/kinh-nghiem-quan-ly-moi-truong-cua-cac-nuoc-17580.htm.
[4] Phạm Hoàng Tú Linh (2019). Kinh nghiệm quản lý môi trường của các quốc gia trên thế giới: Đề xuất biện pháp quản lý môi trường bền vững ở Việt Nam hiện nay. Kỷ yếu tọa đàm khoa học quốc tế: “An ninh môi trường ở Đông Nam Á trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế, sinh thái, xã hội”.
[5] Trần Duy Đông (2011). Kinh nghiệm phát triển các khu kinh tế tự do tại Hàn Quốc. Truy cập tại: http://khucongnghiep.com.vn/nghiencuu/tabid/69/articleType/Article View/articleId/400/Default.aspx.
[6] Dương Viết Dũng (2021). Pháp luật về bảo vệ môi trường trong khu chế xuất theo pháp luật Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
[7] Luyện Thị Thùy Nhung (2013). Pháp luật bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
[8] Hà Thu (2018). Đặc khu kinh tế - Canh bạc của các quốc gia. Truy cập tại: https://vnexpress.net/kinh-doanh/dac-khu-kinh-te-canh-bac-cua-cac-quoc-gia-3741330.html.
[9] Nguyễn Sơn Hà (2019). Hoàn thiện các quy định về bảo vệ môi trường trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng khu kinh tế. Tạp chí Pháp luật và Phát triển, tháng 11+12, 57-60
[10] Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (2019). Báo cáo tổng hợp nghiên cứu phát triển các KKT ven biển theo hướng bền vững: Nghiên cứu các trường hợp KKT ven biển miền Trung. Hà Nội, tháng 9
[11]Bùi Ngọc Lê Dơn (2016). Pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công nghiệp. Luận văn Thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội
[12] Comcec Coordination Office (2017), Special Economic Zones in the OIC Region: Learning from Experience. Available at: http://ebook@comcec.org, ISBN: 978-605-9014-96-6
[13] Phạm Thị Hoài Thu (2020). Một số vấn đề lý luận về thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp. Tạp chí Quản lý nhà nước, Số 11, 58-62
[14] Nguyễn Duy Duyên (2017). Pháp luật bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp ở Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ Luật học, Viện Đại học Mở Hà Nội
[15] Báo Tuổi trẻ (2017). Formosa đứng đầu các vụ gây ô nhiễm năm 2016. Truy cập tại: https://tuoitre.vn/formosa-dung-dau-cac-vu-gay-o-nhiem-nam-2016-1351267.htm
[16] Nguyễn Sơn Hà (2020). Pháp luật về nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý Khu kinh tế trong việc bảo vệ môi trường tại Khu kinh tế ở Việt Nam. Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, 7, 47-53.
Provisions of protecting the environment in industrial zones of some countries and recommendations for Vietnam
Assoc.Prof.Ph.D Banh Quoc Tuan1
Ph.D Nguyen Son Ha2
1Institute of Postgraduate Studies, Thu Dau Mot University
2School of Law, Hue University
Abstract:
This paper analyzes the current provisions of protecting the environment in industrial zones of Vietnam and some countries. Based on the paper’s findings, some suggestions are made to strengthen Vietnam’s provisions of protecting the environment in industrial zones.
Keywords: law, environmental protection, strengthening laws, industrial parks.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7 tháng 3 năm 2023]