TÓM TẮT:
Lập hội là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật của nhiều quốc gia cũng như trong các văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người. Hầu hết các nước trên thế giới phần lớn đều quy định quyền này trong Hiến pháp và pháp luật của nước mình. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tìm hiểu khái quát pháp luật về hội của Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, từ đó đưa ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.
Từ khóa: Hội, tự do hiệp hội, quyền lập hội, pháp luật.
1. Đặt vấn đề
Quyền tự do hiệp hội còn được gọi là quyền lập hội, được ghi nhận trong Tuyên ngôn Quốc tế về quyền con người năm 1948, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, là một quyền cơ bản của con người có ý nghĩa quan trọng trong một xã hội tự do, dân chủ, văn minh. Quyền tự do hiệp hội được ghi nhận trong hầu hết Hiến pháp của các quốc gia trên thế giới như một quyền cơ bản, quan trọng. Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ trình bày khái quát pháp luật về hội của Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Qua việc tìm hiểu pháp luật về hội của các quốc gia này, tác giả sẽ đưa ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật về hội ở nước ta hiện nay.
2. Nội dung
2.1. Khái quát pháp luật về hội của Cộng hòa liên bang Đức
Cộng hòa Liên bang Đức là một trong những quốc gia sớm có hệ thống pháp luật về tự do hiệp hội. Hành lang pháp lý thông thoáng giúp phát triển đa dạng các loại hình hiệp hội tại Đức cả về số lượng và hình thức tổ chức. Các luật của Cộng hòa liên bang Đức liên quan tới tự do hiệp hội, như: Hiến pháp năm 1949 sửa đổi năm 2010; Luật về Hội năm 1964 sửa đổi các năm 2007, 2015; Bộ luật Dân sự; Luật về đối xử công bằng; luật về các thỏa ước tập thể,…
Theo quy định tại Điều 9 Đạo luật cơ bản của Đức thì tất cả các người Đức đều có quyền thành lập các công ty và các hội khác; các hội có mục đích hoặc trái với pháp luật hình sự hoặc nhằm chống lại thể chế hiến định hoặc chống lại tư tưởng hiểu biết quốc tế lẫn nhau đều bị cấm. Tại Đức, quyền tự do liên kết được quy định tại Điều 9 khoản 3 đạo luật cơ bản như sau: Quyền thành lập các hội nhằm đảm bảo và cải thiện các điều kiện lao động và kinh tế được bảo đảm cho mọi cá nhân và mọi nghề nghiệp hoặc ngành nghề. Các thỏa thuận nhằm hạn chế hoặc tìm cách cản trở quyền này là vô hiệu; các biện pháp nhằm mục đích này là trái luật. Có thể khái quát một số quy định về quyền lập hội ở Đức ở một số nội dung sau:
Về phạm vi các tổ chức thuộc sự điều chỉnh pháp luật về Hội rất rộng, bao gồm cả các hội tôn giáo và các đảng chính trị.
Về thủ tục thành lập và năng lực pháp lý của hội: Tại Đức, sổ đăng bạ tại các tòa án cấp cơ sở bao gồm các hội có đăng kí và hội không đăng kí, tuy nhiên luật không quy định nghĩa vụ của các hội phải đăng kí hoạt động. Các hội có đăng kí với tư cách là pháp nhân có năng lực pháp lý (Điều 21 BLDS) và năng lực tranh chấp pháp lý (Điều 50 BLTTDS) có thể khởi kiện và có thể bị kiện ra tòa. Các hội không đăng kí cũng có khả năng tranh chấp pháp lý (Điều 50 khoản 2 BLTTDS).
Về vấn đề điều chỉnh về hội thì ở Đức cả pháp luật tư và pháp luật công đều điều chỉnh về hội.
Về vấn đề cấm hội, tại điều 3 khoản 1 luật về Hội quy định: Một hội chỉ bị cấm bằng một quyết định của cơ quan có thẩm quyền, trong đó xác định rằng mục đích hoặc hoạt động của hội vi phạm pháp luật hình sự hoặc chống lại thể chế do hiến pháp quy định hoặc chống lại tư tưởng hiểu biết lẫn nhau trong quan hệ quốc tế.
Như vậy, có thể thấy, những quy định của pháp luật về hội của Đức rất thông thoáng, tạo điều kiện cho công dân có thể thuận lợi thực hiện được quyền này.
2.2. Khái quát pháp luật về hội của Cộng hòa Pháp
Tự do hiệp hội ở Pháp quy định chủ yếu trong Luật về hội ngày 1/7/1901, nhìn chung mặc dù tồn tại những giới hạn nhất định đối với những hội, những lĩnh vực hoặc vùng lãnh thổ đặc thù nhưng có thể thấy pháp luật về Hội của Pháp thể hiện tinh thần bao trùm là sự tôn trọng tự do hiệp hội. Tinh thần này không chỉ được ghi nhận trong luật mà còn được bảo vệ mạnh mẽ bằng hoạt động tư pháp: các án lệ của tòa án hành chính, dân sự hay tòa án hiến pháp đều thống nhất cao trong việc đề cao tự do hiệp hội. Quyền lập hội của Pháp được quy định ở những nội dung chính sau:
Về thủ tục thành lập hội ở Pháp rất đơn giản: Hội có thể thành lập thông qua khai báo hoặc không khai báo. Việc quản lý khai báo thành lập hội không thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương mà là thẩm quyền của nhà nước trung ương. Luật về hội của Pháp thừa nhận cả những hội không khai báo. Các hội này có thể thành lập một cách tự do không cần có giấy phép hoặc khai báo trước. So với hội khai báo thì hội không khai báo không có tư cách pháp nhân nhưng điều ấy không cản trở hội không khai báo thực thi các quyền năng pháp lý của mình. Việc thừa nhận năng lực pháp lý của hội không khai báo thể hiện quyền lập hội đã được tôn trọng tuyệt đối. Hội thực sự là ý chí tự nguyện của cá nhân, việc tồn tại hội không phụ thuộc vào ý chí của chính quyền.
Luật về hội của Pháp không điều chỉnh nhiều về các hoạt động nội bộ của hội. Trong luật về hội, nội dung quản lý nhà nước đối với các hội chỉ bao gồm quy định về các hoạt động chia tách, sáp nhập hội và điều chỉnh về vốn - tài chính của hội.
Các cơ quan hành chính không có thẩm quyền trong giải tán hội. Do bản chất là một quan hệ dân sự nên việc giải tán hội thuộc thẩm quyền của tòa dân sự.
2.3. Khái quát pháp luật về hội của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
Ở Trung Quốc hiện nay, ngoài Hiến pháp thì chưa có một đạo luật cụ thể quy định về quyền tự do hiệp hội. Các quy định trực tiếp liên quan đến hội được điều chỉnh bởi các quyết định của Quốc vụ viện. Những quy định này được khái quát ở những nội dung chủ yếu sau đây:
Về phạm vi điều chỉnh: Tổ chức xã hội là các tổ chức phi lợi nhuận tự nguyện, có tư cách pháp nhân, do công dân lập nên. Tất cả các nhóm, ngoại trừ cơ quan nhà nước đều có thể tham gia vào các tổ chức xã hội như thành viên tổ chức
Về điều kiện thành lập: Các tổ chức xã hội, doanh nghiệp phi chính phủ, phi thương mại cần phải có sự chấp thuận và thẩm tra của một tổ chức bảo đảm và đăng kí theo các quy định để được thành lập. Các tổ chức xã hội được thành lập phải có số lượng thành viên lớn hơn 50 nếu thành viên là các cá nhân hoặc lớn hơn 30 nếu thành viên là các tổ chức.
Về cơ quan, thủ tục đăng kí thành lập: Các cơ quan đăng kí và quản lý việc thành lập các tổ chức xã hội, doanh nghiệp phi chính phủ, phi thương mại là Bộ Nội vụ và các cơ quan nội vụ từ cấp huyện trở lên. Cơ quan đăng ký và quản lý cấp Bộ chịu trách nhiệm cho việc đăng ký và quản lý các tổ chức xã hội cấp quốc gia, cơ quan đăng lý và quản lý cấp địa phương chịu trách nhiệm cho việc đăng ký các tổ chức xã hội cấp địa phương.
Về giám sát, xử lý vi phạm: Cơ quan đăng kí và quản lý sẽ thực hiện các nhiệm vụ để giám sát, cũng như các cơ quan bảo trợ cùng tham gia vào quá trình này.
Về chấm dứt hoạt động: Một tổ chức xã hội sau khi được cơ quan bảo trợ thẩm tra và chấp thuận sẽ nộp đơn đến cơ quan đăng kí và quản lý để xin xóa bỏ đăng ký/ chấm dứt hoạt động.
Trên là một số nội dung về chính sách, pháp luật về hội, nhìn chung các nước đều xem quyền lập hội là một quyền cơ bản nhưng có thể thấy ở Pháp cũng như Đức thông thoáng hơn, Trung Quốc thì thủ tục thành lập, quản lý hội khắt khe hơn.
3. Một số kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật về hội
Ở Việt Nam, nhu cầu của con người về hội họp, chia sẻ và liên kết thành lập hội là tự nhiên và là một quyền con người đã được thừa nhận, nhưng vấn đề quan trọng phải được bảo vệ và đảm bảo thực hiện. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã quy định rõ quyền này ở Điều 25 “Công dân có quyền tự do lập hội”.
Việc xây dựng Luật về Hội vừa là nhu cầu cấp bách để thực hiện Hiến pháp, vừa là để tôn vinh giá trị quyền con người, phát huy nhân tố con người như một động lực cơ bản phát triển xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Từ một số kinh nghiệm pháp luật về hội của các quốc gia trên thế giới và điển hình là ở Đức, Pháp, tác giả xin đưa ra một số đóng góp khi xây dựng Luật về Hội của Việt Nam như sau:
Một là, thành lập hội là quyền đương nhiên của con người và công dân mà Nhà nước cần có trách nhiệm tôn trọng, thực thi và bảo vệ. Cho nên khi xây dựng Luật về Hội, cần xác định đây là đạo luật để bảo vệ và bảo đảm thực thi quyền tự do hiệp hội chứ không phải là đạo luật đơn thuần chỉ để quản lý hội. Cần xác định các cơ quan nhà nước đều có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền này của mọi cá nhân, tổ chức phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã kí kết và tham gia. Cơ quan nhà nước không nên can thiêp sâu vào hoạt động cụ thể của hội như phê duyệt điều lệ, công nhận hay bãi nhiệm người đại diện theo pháp luật. Nếu làm ngược lại sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của hội. Việc lựa chọn người đại diện theo pháp luật của hội là kết quả ý chí của hội viên và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của hội viên nên không thể có sự can thiệp hay phê chuẩn của chính quyền.
Hai là, về phạm vi điều chỉnh của luật.
Từ kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức, việc quy định đối tượng áp dụng của hội chỉ là “công dân, tổ chức Việt Nam” là không phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các cá nhân và giữa các hội, cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của luật tới mọi tổ chức xã hội, trong đó xác định rõ các loại hội không cần đăng kí và có loại hội cần đăng kí. Việc quy định công dân chỉ có thể thực hiện quyền lập hội, hội họp khi thành lập một nhóm, một tổ chức nhất định và phải được công nhận là có tư cách pháp nhân là không phù hợp.
Ba là, về quyền của các hội.
Các quyền quan trọng nhất của hội là quyền về tài chính, tài sản và về tổ chức, nhâ sự. Hội là tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, tuy nhiên luật có thể cho phép hội hoạt động kinh doanh để có nguồn thu và lợi nhuận nhằm triển khai các hoạt động để đạt được mục đích mà hội đề ra.
Bốn là, về cơ quan giám sát, xử lý vi phạm chỉ nên quy định một cơ quan đầu mối quản lý việc thành lập và hoạt động của các hội. Các quy định cần phải cụ thể, rõ ràg và nghĩa vụ công khai, cung cấp thông tin và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của mình.
Bên cạnh việc thiết lập khuôn khổ pháp lý riêng cho các hội cần có thủ tục giám sát việc thực thi quyền lập hội.
Năm là, về việc chấm dứt hoạt động của hội. Các hội có thể chủ động chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan nhà nước chấm dứt hoạt động. Tuyên bố giải thể được thực hiện sau khi thanh toán các nghĩa vụ về tài sản, thanh lý tài sản và các nghĩa vụ khác của hội. Đặc biệt với tư cách là một quyền cơ bản thì giải tán hội chỉ có thể xuất phát từ yêu cầu của chính hội viên.
4. Kết luận
Trên cơ sở tìm hiểu khái quát pháp luật về hội của Đức, Pháp và Trung Quốc, tác giả đưa ra một số đóng góp cho việc xây dựng và hoàn thiện luật về hội của Việt Nam theo hướng tiếp cận với quy định của các nước có pháp luật tiên tiến về tự do hiệp hội, cũng như tương thích với các quy chuẩn quốc tế mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Vũ Công Giao (2016). “Bảo đảm quyền tự do lập hội theo Hiến pháp năm 2013”, NXB Hồng Đức.
- Nguyễn Hoàng Anh chủ biên (2015). “Pháp luật về quyền tự do hiệp hội, hội họp hòa bình trên thế giới và của Việt Nam”, NXB Hồng Đức.
- Lã Khánh Tùng, Nghiêm Hoa, Vũ Công Giao (2015). “Hội và tự do hiệp hội”, NXB Hồng Đức.
- Trịnh Quốc Toản, Vũ Công Giao đồng chủ biên (2015). “Các quyền hiến định trong Hiến pháp năm 2013”, NXB Hồng Đức.
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ((2016), Viện Nghiên cứu Lập pháp, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Cơ chế bảo đảm thực hiện quyền lập hội của công dân. Lý luận và thực tiễn, Hà nội.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2016), Viện Nghiên cứu Lập pháp, Tài liệu Hội thảo: Góp ý hoàn thiện dự thảo luật về Hội, Thành phố Huế.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2016), Viện Nghiên cứu Lập pháp, Tài liệu Hội thảo: Góp ý hoàn thiện dự thảo luật về Hội, Quảng Ninh
LAWS OF THE FEDERAL REPUBLIC OF GERMANY,
THE FRENCH REPUBLIC AND THE PEOPLE'S REPUBLIC OF CHINA
ON THE RIGHT TO FREEDOM OF ASSOCIATION: SOME LESSONS FOR VIETNAM
Master. NGUYEN THI NU
School of Law, University of Hue
ABSTRACT:
The right to freedom of association is one of the most basic human rights and it is ecognized and protected by many countries’ laws and important international documents about the human rights. The right to freedom of association is guaranteed in almost all countries’ constitutions and laws. In the scope of this article, laws of the Federal Republic of Germany, the French Republic and the People's Republic of China on the right to freedom of association are presented to provide some lessons for Vietnam.
Keywords: Association, freedom of association, the right to form association, law.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 20, tháng 8 năm 2020]