Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhằm khai thác tiềm năng của tỉnh Nghệ An trong giai đoạn mới

Trần Văn Hào (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Kinh tế, Trường Đại học Vinh)

Tóm tắt:

Mặc dù là một tỉnh lớn có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, tuy nhiên Nghệ An vẫn là một tỉnh có nền nông nghiệp có trình độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Trong thời gian tới, Nghệ An cần có những giải pháp để nâng cao giá trị ngành nông nghiệp bằng tổng hợp nhiều giải pháp, trong đó ngành nông nghiệp của tỉnh cần tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhằm khai thác những tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

Từ khóa: nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

1. Tiềm năng cho phát triển ngành nông nghiệp Nghệ An

Tài nguyên đất: diện tích đất nông nghiệp năm 2020 của Nghệ An là 1.485.455,77 ha, chiếm 90,1% diện tích tự nhiên, trong đó: đất trồng lúa 108.141,86 ha; đất trồng cây hàng năm khác 89.816,36 ha; đất trồng cây lâu năm 94.738,44 ha; đất rừng phòng hộ 374.736,84 ha; đất rừng đặc dụng 171.973,53 ha; đất rừng sản xuất 633.344,89 ha; đất nuôi trồng thủy sản 10.343,21 ha; đất làm muối 832,2 ha; đất nông nghiệp khác 1.528,44 ha.

Tài nguyên nước: Nghệ An có mật độ sông suối tương đối lớn, có 6 con sông trực tiếp đổ ra biển, lớn nhất là sông Cả với tổng diện tích lưu vực là 27.200 km2. Nhìn chung, hệ thống thủy văn cung cấp nguồn nước mặt tương đối dồi dào, là nguồn nước quan trọng cho sự phát triển của thảm thực vật và cũng chính là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến vi khí hậu, là một trong những nguồn nước chính cung cấp cho nước sinh hoạt và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp trong tỉnh.

Tài nguyên rừng: tài nguyên rừng ở Nghệ An phong phú và đa dạng, giá trị tài nguyên rừng đang là nguồn cung cấp nguyên liệu tiềm năng cho các ngành sản xuất các loại hàng hoá từ lâm sản và các dịch vụ môi trường trên địa bàn; có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời cũng là tư liệu sản xuất tiềm năng cho ngành nông nghiệp. Tổng diện tích lâm nghiệp toàn tỉnh năm 2020 là 1.180.055,27 ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên. Với 964.474,27 ha đất có rừng, trong đó đất có rừng tự nhiên 786.550,3 ha; đất có rừng trồng 177.923,97 ha; đất chưa có rừng 271.250,21 ha. Trữ lượng gỗ trên địa bàn tỉnh hiện có 91.003.287 m3 (bao gồm gỗ rừng tự nhiên 81.349.105 m3; gỗ rừng trồng 9.654.183 m3; cây cao su, cây đặc sản 110.353m3); trên 505.501.000 cây tre nứa các loại và hàng nghìn cây dược liệu.

Tài nguyên biển: Nghệ An có 82 km chiều dài bờ biển với diện tích 4.230 hải lý vuông mặt nước; dọc bờ biển có 6 cửa lạch, có trên 3.000 ha diện tích mặt nước mặn lợ; 12.000 ha ao hồ nước ngọt, lợ có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản. Trữ lượng thủy sản biển trên 100.000 tấn, có nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao, như: các loại cá, tôm, cua, mực…

Lực lượng lao động: năm 2020 dân số nông thôn là 2.843.592 người, chiếm 84,5%; lực lượng lao động toàn tỉnh năm 2020 là 1.926.964 người, chiếm 57,3% dân số của tỉnh, trong đó, lao động nông thôn là 1.690.904 người, chiếm 87,7%.

Cơ sở hạ tầng thủy lợi: Toàn tỉnh hiện có 2.605 công trình cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó 1.243 hồ chứa, 427 đập dâng, 702 trạm bơm, 350 km kênh tưới tự chảy của hệ thống Bắc và 6.414 km kênh mương được kiên cố hóa; cấp nước tưới cho 125.400 ha diện tích đất canh tác các loại (trong đó, tưới lúa cho 85.000 ha; tưới cho cây trồng khác và cấp nước phục vụ nuôi trồng thủy sản 40.400 ha).

Công nghiệp chế biến nông sản: Tính đến nay, toàn ngành chế biến nông, lâm, thủy sản có tổng số 14.829 cơ sở quy mô khác nhau, giải quyết cho bình quân 29.000 - 30.000 lao động thường xuyên. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản tăng từ 9.554 tỷ đồng trong năm 2015 lên 15.200 tỷ đồng năm 2020, tăng trưởng bình quân đạt 9,73%/năm, tỷ trọng đóng góp chiếm 20,82% giá trị công nghiệp toàn tỉnh. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để phát triển ngành Nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.

2. Thực trạng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Nghệ An

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt trên 4,79%/năm, riêng năm 2021 là 5,59%, cao nhất vùng Bắc Trung bộ.

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế của ngành lâm nghiệp và thủy sản, năm 2021: nông nghiệp thuần 77,52% (so với năm 2015, lâm nghiệp đạt 6,17%, ngư nghiệp đạt 16,31%. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp ước đạt 47,94%.

Giai đoạn 2015 – 2020, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất bán sang thị trường nước ngoài trên 20 mặt hàng, nhóm mặt hàng các loại. Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng đều qua các năm trong năm 2015 đạt 226 triệu USD, năm 2019 đạt 319 triệu USD và năm 2020 đạt 261 triệu USD. Năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu của ngành giảm. Tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm, thủy sản giai đoạn 2015 - 2020 đạt 2,9%/năm, một số mặt hàng nông, lâm thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn như: Gỗ, sản phẩm gỗ và dăm gỗ (năm 2020 đạt 143,9 triệu USD), sắn và tinh bột sắn (năm 2020 đạt 19 triệu USD, hoa quả tươi và các sản phẩm chế biến từ hoa quả (năm 2020 đạt 42,8 triệu USD, thủy hải sản (năm 2020 đạt 28,1 triệu USD), chè (năm 2020 đạt 4,67 triệu USD).

Sản phẩm của ngành nông nghiệp Nghệ An tương đối đa dạng. Nghệ An cũng xác định 7 sản phẩm và nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh, gồm: lúa gạo, cây nguyên liệu phục vụ chế biến (mía, chè), sản phẩm trái cây (cam, dứa), thịt các loại (thịt lợn, thịt gia cầm), sữa tươi, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thuỷ sản (tôm, cá).

Về nhóm sản phẩm lúa gạo:

Năm 2015, diện tích gieo cấy đạt 186.551 ha, năng suất 52,47 tạ/ha, sản lượng 978.862 tấn; năm 2020 diện tích gieo cấy 180.214 ha, sản lượng 974.366 tấn. Diện tích, sản lượng lúa có xu hướng giảm, giai đoạn 2015 - 2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm bình quân giảm 0,09%/năm. Tuy nhiên, năm 2021, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp bình quân vào tổng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 14,2%, lúa gạo là sản phẩm có tỷ trọng giá trị sản phẩm cao nhất ngành.

Về nhóm sản phẩm cây nguyên liệu chế biến:

Cây mía mặc dù giai đoạn 2015 - 2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm mía giảm bình quân 4,98%/năm, tỷ trọng đóng góp vào tổng ngành đạt 2,7%, là sản phẩm có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong nhóm sản phẩm cây công nghiệp ngắn ngày. Đối với cây chè, giai đoạn 2015 - 2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm chè tăng bình quân 4,65%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp vào tổng ngành đạt 0,8%, là sản phẩm có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong nhóm sản phẩm cây công nghiệp lâu năm.

Về nhóm sản phẩm trái cây:

Cam là sản phẩm quan trọng nhất của tỉnh Nghệ An, đã xây dựng mô hình trồng cam theo vietGAP, mô hình cam được tưới, cho năng suất, chất lượng cao, gắn với chỉ dẫn địa lý “Cam Vinh” và các nhãn hiệu tập thể. Giai đoạn 2015 - 2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm cây cam tăng bình quân 15,72%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp vào tổng ngành đạt 1,5%, là sản phẩm có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong nhóm sản phẩm trái cây. Ngoài cam, dứa cũng là một sản phẩm trái cây chủ lực của tỉnh, đến năm 2020 có diện tích 1.374 ha, sản lượng đạt 27.005 tấn. Diện tích này được phân bổ chủ yếu tại huyện Quỳnh Lưu và Yên Thành. Đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Dứa Quỳnh Lưu”. Thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là sản phẩm tươi thông qua thương lái bán trong nước, sản lượng liên kết nhập nhà máy chế biến xuất khẩu không nhiều khoảng 250 - 300 tấn/năm. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm cây dứa tăng bình quân 12,17%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp vào tổng ngành đạt 0,2%.

Về nhóm sản phẩm thịt:

Sản phẩm chủ lực của Nghệ An trong nhóm sản phẩm thịt là lợn và gia cầm. Giai đoạn 2015 - 2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm thịt lợn tăng bình quân 1,40%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp vào tổng ngành đạt 11,9%. Sản phẩm thịt lợn là sản phẩm có tỷ trọng đóng góp vào tổng ngành đứng thứ 2 sau sản phẩm lúa gạo; tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm thịt gia cầm tăng bình quân 12,96%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp vào tổng ngành đạt 10,8% (đứng thứ 3 sau lúa gạo, thịt lợn).

Về sản phẩm sữa:

Chăn nuôi bò sữa phát triển nhanh: năm 2015, tổng đàn đạt 45.500 con, sản lượng sữa đạt 191.899 tấn; năm 2020 đạt 69.062 con, sản lượng sữa đạt 241.868 tấn. Nghệ An hiện có các dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô lớn của Công ty CP Thực phẩm sữa TH và Vinamilk. Giai đoạn 2015 - 2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm sữa tươi tăng bình quân 4,74%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp vào tổng ngành đạt 5,6%.

Về nhóm sản phẩm từ gỗ:

Diện tích rừng nguyên liệu hàng năm trồng đạt từ 15.000 - 17.000 ha. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng tăng bình quân 14,30%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp vào tổng ngành đạt 4,2%.

Về thủy sản: đến năm 2021 đạt 243.190 tấn (nuôi trồng 57.842 tấn, khai thác 185.348 tấn). Trong đó, giai đoạn 2015 - 2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm cá tăng bình quân 10,33%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp vào tổng ngành đạt 10,1%, là sản phẩm có tỷ trọng đóng góp vào tổng ngành đứng thứ 4 sau (lúa gạo, thịt lợn và thịt gia cầm); tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm tôm tăng bình quân 7,54%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp vào tổng ngành đạt 1,9%.

3. Những hạn chế và khó khăn đối với phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Nghệ An

- Chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp của Nghệ An định vị được thương hiệu trên phạm vi cả nước và quốc tế, một số sản phẩm đã xây dựng thương hiệu (cam, sữa), nhưng phạm vi ảnh hưởng còn hạn chế, sản lượng và giá trị còn thấp.

- Quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; vùng sản xuất còn phân tán; liên kết vùng yếu; phần lớn các doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế về năng lực sản xuất, thiếu vốn, cơ sở vật chất công nghệ.

- Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với tỷ trọng giá trị sản xuất, tiềm năng sẵn có của ngành, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Nghệ An.

- Công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu chưa được quan tâm đúng mức. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nội địa chưa được khai thác tốt, chưa có định hướng lâu dài, số sản phẩm có nhãn hiệu, thương hiệu được quảng bá trên thị trường còn ít.

4. Giải pháp phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Nghệ An trong những năm tiếp theo

Xuất phát từ thực trạng, những hạn chế và khó khăn cũng như những tiềm năng sẵn có, trong thời gian tới, Nghệ An cần tập trung vào một số giải pháp sau:

- Cần hoàn thiện chiến lược cụ thể cho từng sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh về mục tiêu phát triển, quy hoạch vùng sản xuất, thị trường, công nghệ và cơ chế chính sách đặc thù… Đặc biệt, cần có chiến lược xây dựng về phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của tỉnh có năng lực cạnh tranh lành mạnh trong nước và thế giới.

- Nâng cao năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất và chế biến nông sản. Cụ thể, hoàn thiện mô hình HTX sản xuất nông nghiệp; phát triển mạnh kinh tế trang trại; tăng cường tham gia liên kết vùng, chuỗi cung ứng; phát triển công nghiệp chế biến nông sản; thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước vào lĩnh vực nông nghiệp để tạo động lực phát triển cho toàn ngành.

- Nâng cao hiệu quả công tác phát triển thị trường cho nông sản chủ lực của Nghệ An. Tập trung vào công tác tìm hiểu, dự báo nhu cầu; hoạt động xúc tiến thương mại; xúc tiến đầu tư, nhất là thị trường nước ngoài.

- Hoàn thiện cơ chế chính sách gồm chính sách đất đai, thủ tục hành chính, quy hoạch, thu hút đầu tư, khoa học công nghệ, lao động và nhất là các chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của ngành nông nghiệp và kinh tế của tỉnh Nghệ An.

Tài liệu tham khảo:

  1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An (2020), Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
  2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An (2021), Báo cáo tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2021, triển khai nhiệm vụ giải pháp năm 2022 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An.
  3. UBND tỉnh Nghệ An (2021), Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

DEVELOPING KEY AGRICULTURAL PRODUCTS TO EXPLOIT THE POTENTIAL AND STRENGTHS OF NGHE AN PROVINCE IN THE NEW DEVELOPMENT PHASE

Tran Van Hao

Faculty of Business Management, School of Economics,

Vinh University

Abstract:

Although Nghe An is a large province in Vietnam with a lot of potential for agricultural development, the current agricultural development of Nghe An province is not commensurate with its potential. In the coming time, it is essential for Nghe An province to seek solutions for improving the value of its agricultural industry. In which, the province’s agricultural sector needs to focus on developing key agricultural products based on the provincial potential and strengths.

Keywords: agriculture, agricultural products, key agricultural products, development of key agricultural products.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11  năm 2022]