Tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,…
Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 20 nhà máy thủy điện đang vận hành, phát điện thương mại với tổng công suất lắp đặt khoảng 833MW; 1 dự án thủy điện công suất 8,6MW đang triển khai thủ tục đầu tư xây dựng.
Tỉnh có 10 dự án điện mặt trời đã đưa vào vận hành với tổng công suất 1.024MWp; 3 dự án có tổng công suất 480MWp đang triển khai thủ tục đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, có 2 dự án điện gió đã đưa vào vận hành phát điện thương mại với tổng công suất 428,8MW; 4 dự án có tổng công suất 200MW đang triển khai thi công; 5 dự án có tổng công suất 142MW đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, Đắk Lắk có hạ tầng truyền tải điện tốt, với 3 mạch đường dây 500kV trục Bắc - Nam đi qua và 2 trạm biến áp 500kV; 9 đường dây 220kV và 2 trạm biến áp 220kV với tổng công suất 500MVA; 20 đường dây 110kV và 15 trạm biến áp 110kV đang vận hành.
Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang triển khai các thủ tục đầu tư trạm biến áp 500kV Cư M’gar (Krông Búk) công suất 3x300MVA dự kiến đóng điện vận hành vào quý IV/2024.
“Theo tính toán của Sở Công Thương Đắk Lắk và EVN, với lưới điện quy hoạch như thế này có thể truyền tải khoảng 6.500MW điện năng lượng tái tạo”, ông Nguyễn Tuấn Hà cho hay.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk khẳng định, trong những năm qua, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các huyện biên giới Ea Súp, Buôn Đôn, khu vực giáp với tỉnh Munđulkiri (Campuchia) đã góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, đồng thời tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững, từng bước tự chủ về kinh tế.
“Với những tiềm năng, lợi thế của Đắk Lắk, tỉnh xác định năng lượng tái tạo là một trong những động lực lớn và quan trọng đối với phát triển kinh tế địa phương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi có tham vọng xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm năng lượng của khu vực Tây Nguyên”, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung chia sẻ.
Do vậy, lãnh đạo địa phương đề nghị Bộ Công Thương quan tâm hơn nữa, ưu tiên bổ sung nguồn năng lượng tái tạo của tỉnh Đắk Lắk thay thế cho các dự án nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VIII; đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét, thống nhất chủ trương không tiết giảm công suất đối với các nhà máy điện mặt trời và các loại hình nguồn điện mặt trời khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
Liên quan đến dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Đắk Lắk đến nay đã đầu tư xây dựng, thực hiện cấp điện cho 52/250 thôn, buôn trên địa bàn 15 huyện, thị xã và thành phố. Qua rà soát hiện còn 207 thôn, buôn cấp điện cho 18.264 hộ dân thuộc 79 xã trên địa bàn tỉnh cần được đầu tư xây dựng với khối lượng là: 213 km đường dây trung áp, 479 km đường dây hạ áp, 199 trạm biến áp, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 687 tỷ đồng.
Lãnh đạo Đắk Lắk đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 và Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng điện năng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất của người dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Phối hợp tháo gỡ vướng mắc cho địa phương
Đánh giá cao việc tỉnh Đắk Lắk chủ động đặt ra những vấn đề còn đang vướng mắc để các Bộ, ngành cùng phối hợp tháo gỡ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định đây là cách làm cần thiết, sáng tạo và mang lại hiệu quả. Đặc biệt, các vấn đề mà tỉnh đặt ra xuất phát từ tiềm năng, lợi thế và đi thẳng vào các lĩnh vực mà Bộ Công Thương phụ trách, “rất trúng và rất đúng”.
Dù đối diện với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng năm 2021 công nghiệp - thương mại tỉnh Đắk Lắk đã đạt mức tăng trưởng cao, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 23,8%, với ưu thế về lĩnh vực năng lượng, nông sản,…
Song, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ còn rất lớn, nếu có thể kịp thời tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quy hoạch, cơ chế chính sách,… Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk:
Thứ nhất, quan tâm chỉ đạo ngành Công Thương địa phương sớm xây dựng và trình chiến lược phát triển công nghiệp thương mại tỉnh, từ đó khẩn trương tích hợp vào trong quy hoạch tỉnh.
Thứ hai, khi xây dựng chiến lược cần dựa vào tiềm năng đặc thù, phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, trong đó tập trung vào công nghiệp năng lượng, bên cạnh đó là các ngành công nghiệp chế biến chế tạo các sản phẩm nông sản, công nghiệp khai khoáng và chế biến sâu khoáng sản, công nghiệp vật liệu,…
“Xác định mục tiêu đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm năng lượng tái tạo khu vực Tây Nguyên là hoàn toàn xác đáng, đây là một trong những hướng đi quan trọng của tỉnh”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đề xuất tỉnh xem xét phát triển thêm các lĩnh vực công nghiệp năng lượng mới, sản xuất nguyên liệu xanh từ năng lượng tái tạo.
Thứ ba, từ vị trí địa kinh tế đặc thù, đề nghị Đắk Lắk quan tâm xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển thương mại - dịch vụ trên địa bàn như kinh tế du lịch, kinh tế ban đêm,…
Thứ tư, tỉnh cần quan tâm phát triển mạnh hơn thương mại dịch vụ tại khu vực nông thôn, xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ tại các vùng sâu, vùng xa.
Thứ năm, Đắk Lắk là địa phương có nhiều sản phẩm nông sản, lâm sản, nên cần giữ đối thoại thường xuyên với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất xuất nhập khẩu để khai thác, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Bộ Công Thương sẵn sàng cử các đơn vị chức năng giúp tỉnh xây dựng, quảng bá thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Liên quan đến kiến nghị của địa phương về phát triển năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Bộ ghi nhận và ủng hộ quan điểm của tỉnh, phát triển năng lượng tái tạo cũng là xu thế tất yếu của Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên, việc đưa các dự án vào Quy hoạch điện VIII cần căn cứ vào nhiều yếu tố như nhu cầu phụ tải, cân đối vùng miền, đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện,… Bộ trưởng đề xuất, bên cạnh kiến nghị về nguồn điện, Đắk Lắk có thể cân nhắc, tính toán các phương án nâng phụ tải tại chỗ, phát triển các ngành công nghiệp năng lượng sạch như điều chế hydrogen, amoniac xanh, pin năng lượng sạch,…
Đối với kiến nghị về giải tỏa công suất điện mặt trời, Bộ trưởng Bộ Công Thương ghi nhận và cho biết sẽ yêu cầu EVN, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) quan tâm hơn trong quá trình vận hành hệ thống điện đối với các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Thời gian tới, cả nước đi vào triển khai Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng năng lượng tăng lên so với giai đoạn dịch bệnh cũng sẽ góp phần giải quyết khó khăn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.
Về cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, Bộ Công Thương đã rất tích cực tham mưu và Chính phủ sẽ sớm phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn mới, trong đó huy động nguồn đầu tư công và nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế. Mới đây nhất, cuối năm 2021, Bộ Công Thương đã trao đổi với EU về khoản vốn hỗ trợ khoảng 142 triệu Euro, trong đó bao gồm vốn cho các dự án thuộc Chương trình để cấp điện cho các thôn, bản, cụm dân cư chưa có điện thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Với những nỗ lực này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ hơn nữa với địa phương để “cùng nhau hành động, biến mong muốn của tỉnh sớm trở thành hiện thực trong tương lai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk”.