Quản lý nhà nước về du lịch ở tỉnh Đắk Lắk

TS. DƯƠNG THỊ ÁI NHI (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Tây Nguyên) và ĐỖ ĐÌNH HUY (Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Trường Đại học Tây Nguyên)

TÓM TẮT:

Du lịch ngày càng có vai trò quan trọng và đang trở thành “ngành kinh tế mũi nhọn” đối với sự phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Tỉnh Đắk Lắk có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để phát triển du lịch ngày càng phong phú, đa dạng và bền vững. Tuy nhiên, ngành Du lịch của Tỉnh cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, trong đó có công tác quản lý nhà nước về du lịch. Trên cơ sở khái quát thực trạng công tác quản lý nhà nước về du lịch ở tỉnh Đắk Lắk, xác định những các yếu tố ảnh hưởng, hạn chế, bài viết đề xuất một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về du lịch ở tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới.

Từ khóa: du lịch, tỉnh Đắk Lắk, quản lý nhà nước.

1. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về du lịch ở tỉnh Đắk Lắk

Công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được thể hiện qua 6 nội dung cơ bản sau:

1.1. Ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng

Trong những năm qua, để thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đầu tư của Trung ương cho hoạt động du lịch; triển khai chính sách đất đai, tài nguyên liên quan hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, Tỉnh còn ban hành và triển khai chính sách đặc thù về hoạt động du lịch của tỉnh Đắk Lắk, bao gồm: chính sách đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, chính sách hỗ trợ đầu tư cho sơ sở lưu trú, chính sách đối với cơ sở kinh doanh du lịch và chính sách phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng cho Tỉnh.

1.2. Quản lý tài nguyên du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch và hướng dẫn du lịch

- Quản lý công tác xây dựng sản phẩm du lịch

Loại hình du lịch Đắk Lắk chủ yếu là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch homestay và các lễ hội (Biểu đồ 1). Các tài nguyên du lịch này đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên đang có dấu hiệu bị suy giảm, như: hệ thống rừng với các loại gỗ quý bị khai thác, biến đổi khí hậu dẫn đến các loại động vật, đặc biệt là đàn voi của tỉnh Đắk Lắk cũng đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hơn thế nữa, các tài nguyên du lịch này chưa được bảo vệ nghiêm ngặt, dẫn đến tình trạng bị khai thác trái phép.

Biểu đồ 1: Cơ cấu các sản phẩm du lịch tỉnh Đắk Lắk

co-cau-cac-san-pham-du-lich-tinh-dak-lak

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch

 Trong giai đoạn 2018 - 2020, Tỉnh đã tổ chức được 29 lớp đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho ngành Du lịch với 1.346 lượt học viên tham dự, tổng kinh phí 904,475 triệu đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là 724,705 triệu đồng; xã hội hóa là 179,770 triệu đồng. Số lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch của tỉnh Đắk Lắk là 3.000 người.

1.3. Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn thực phẩm tại khu du lịch, điểm du lịch

Về công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, môi trường. Trong giai đoạn 2018 - 2020, Tỉnh đã thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất đối với 160 tổ chức, cá nhân trong chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ, du lịch. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, đa phần các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có 8 trường hợp chấp hành chưa nghiêm, đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính. 

Bảng 1. Ý kiến đánh giá về một số nội dung quản lý nhà nước về du lịch ở Đắk Lắk

ĐVT: % số ý kiến lựa chọn

y-kien-danh-gia-ve-mot-so-noi-dung-quan-ly-nha-nuoc-ve-du-lich-o-dak-lak

Nguồn: Kết quả khảo sát cơ sở kinh doanh du lịch lữ hành, 2020

1.4. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để bảo đảm môi trường du lịch thân thiện, lành mạnh và văn minh

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để bảo đảm môi trường du lịch thân thiện, lành mạnh và văn minh. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến và liên kết hợp tác phát triển du lịch cũng được chú trọng triển khai thực hiện. Kinh phí thực hiện xúc tiến, quảng bá du lịch giai đoạn 2018 - 2020 bị tác động của đại dịch Covid-19. Riêng Hội chợ triển lãm du lịch trong và ngoài nước bị tác động mạnh do giãn cách xã hội, nên so sánh các năm tuy có giảm nhưng không đáng kể, tốc độ phát triển bình quân đạt 85.8%/năm.

1.5. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm, dịch vụ du lịch và số lượng các tổ chức, các nhân kinh doanh du lịch tỉnh Đắk Lắk

Trong giai đoạn 2018 - 2020, thực hiện Dự án đầu tư phát triển du lịch bằng nguồn xã hội hóa, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch gồm 6 dự án đã đi vào hoạt động có hiệu quả, với tổng vốn đầu tư khoảng 423.5 tỷ đồng cho 4 khu và điểm du lịch, 2 cơ sở lưu trú du lịch. Tỉnh Đắk Lắk cũng đã đầu tư bảo tồn, phát huy các giá trị di tích văn hóa, lịch sử. Bên cạnh đó, có 10 dự án đầu tư du lịch đang trong quá trình thực hiện, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.123,81 tỷ đồng. 

Bảng 2. Dự án đầu tư phát triển du lịch bằng nguồn xã hội hóa

giai đoạn 2018 – 2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Đơn vị: tỷ đồng

du-an-dau-tu-phat-trien-du-lich-bang-nguon-xa-hoi-hoa Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, 2018 - 2020

1.6. Tổ chức tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của khách du lịch

Thanh tra, kiểm tra là hoạt động thường xuyên của quá trình quản lý nhà nước đối với mọi lĩnh vực, nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã không ngừng hoàn thiện các văn bản pháp luật về thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, Tỉnh đã có văn bản quy định rõ về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp của các cơ quan liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra. 

Bảng 3. Ý kiến đánh giá về một số nội dung kiểm tra, kiểm soát

hoạt động du lịch ở Đắk Lắk

ĐVT: % số ý kiến lựa chọn

kiem-tra-kiem-soat-hoat-dong-du-lich-o-dak-lakNguồn: Kết quả khảo sát các cơ sở kinh doanh du lịch tỉnh Đắk Lắk, 2020

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Công tác quản lý nhà nước về du lịch ở tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua chịu tác động của nhóm khách quan, bao gồm yếu tố về điều kiện tự nhiên và ảnh hưởng bởi các yếu tố về điều kiện tự nhiên; đặc biệt là tác động của dịch Covid-19. Qua kết quả khảo sát các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành cho thấy, dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh đến 70,6% doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch, trong đó 29,4% doanh nghiệp đã phải đóng cửa và dừng hoạt động.

Công tác quảng bá, thu hút đầu tư; điều kiện kinh tế hạ tầng; điều kiện an ninh- kinh tế cũng ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về du lịch. Kết quả khảo sát khách du lịch về cơ sở vật chất tại các điểm du lịch cho thấy phần lớn khách du lịch hài lòng về cơ sở vật chất tại các điểm du lịch (trên 80%). Tuy nhiên, cũng cần chú ý đến việc nâng cấp, hoàn thiện chất lượng cơ sở vật chất và điều kiện hạ tầng.

3. Một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

3.1. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch và các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển du lịch

Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước về du lịch rất quan trọng nhằm tạo ra hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về du lịch được thực hiện thông suốt, thống nhất trong cả nước. Vì vậy, trong thời gian tới, cần rà soát, điều chỉnh và lập mới quy hoạch du lịch các địa phương và các khu du lịch quốc gia phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển du lịch toàn vùng.

Việc ban hành các chính sách khuyến khích phát triển du lịch cần lưu ý trong từng chính sách có quy định rõ trách nhiệm và mức xử phạt mạnh đủ sức răn đe vi phạm trong hoạt động du lịch và trong quản lý nhà nước về du lịch; xây dựng chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng để huy động nguồn lực đầu tư tại các khu du lịch, điểm du lịch

3.2. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch

Để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù thu hút du lịch, cũng như tăng cường liên kết vùng để quảng bá du lịch vùng Tây Nguyên phát triển bền vững; cần chú trọng đến việc đầu tư vào hạ tầng giao thông để rút ngắn khoảng thời gian và lộ trình của du khách khi đến với tỉnh Đắk Lắk. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cần được đầu tư, nâng cấp, xây mới. Hệ thống giao thông của các tỉnh, thành phố với các tuyến trục giao thông quốc gia cần phải được kết nối.

3.3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch là một việc rất quan trọng. Do vậy, cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch của Tỉnh cho từng giai đoạn, nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo. Đồng thời, đa dạng hình thức đào tạo; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho đội ngũ hướng dẫn viên, hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

3.4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

Thanh tra, kiểm tra là hoạt động thường xuyên của quá trình quản lý nhà nước đối với mọi lĩnh vực. Du lịch là một loại hoạt động gắn với mọi người dân và có tính phức tạp riêng của nó. Do vậy, chính quyền các cấp ở Đắk Lắk cần tăng cường thanh tra, kiểm tra. Muốn vậy, cần hoàn thiện các văn bản pháp luật về thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, cần có những quy định rõ về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp của các cơ quan liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra.

3.5. Tiếp tục phát huy những tiềm năng vốn có của tự nhiên, đa dạng các sản phẩm du lịch địa phương

Nhờ có cấu trúc địa hình đặc biệt, nên các tài nguyên du lịch tự nhiên tỉnh Đắk Lắk vô cùng đa dạng và phong phú. Vì vậy, cần chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc của 49 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đặc sắc, độc đáo của đồng bào Tây Nguyên. Bên cạnh đó, ưu tiên tập trung phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch homestay, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch thể thao, mạo hiểm.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh Đắk Lắk (2018, 2019, 2020). Báo cáo Tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển du lịch năm 2018, 2019, 2020 và kế hoạch năm 2019, 2020, 2021.
  2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk (2020). Báo cáo đánh giá thực trạng và dự báo nguồn nhân lực du lịch của tỉnh Đắk lắk.
  3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh Đắk Lắk (2020). Quy hoạch tổng thế phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
  4. Tổng cục Du lịch Việt Nam (2019, 2020, 2021). Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam năm 2018, 2019, 2020, NXB Thông tấn, Hà Nội.
  5. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk (2020). Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

 

STATE MANAGEMENT OF TOURISM IN DAK LAK PROVINCE

Ph.D DUONG THI AI NHI 1

DO DINH HUY 2

1 Faculty of Economic, Tay Nguyen University

2 Center for National Defense Education, Tay Nguyen University

ABSTRACT:

Tourism plays an increasing important role and becomes a key economic sector for the economic development of many countries all over the world. Dak Lak Province has great potential and strengths for developing tourism. As the tourism sector is identified as the provincial spearhead economic industry, Dak Lak Province has issued many important policies to sustainably develop and diverse tourism activities. However, the provincial tourism sector still faces some difficulties and challenges including the state management of tourism. By analyzing the current state management of tourism in Dak Lak Province, this paper determines the factors affecting the state management of tourism and points out shortcomings. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to improve Dak Lak Province’s state management of tourism in the coming time.

Keywords: tourism, Dak Lak Province, state management.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 23, tháng 10 năm 2021]