TÓM TẮT:
Du lịch Việt Nam những năm gần đây có sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng khách quốc tế. Tuy nhiên, phần lớn khách quốc tế đến bằng đường hàng không tăng, còn tỉ lệ khách đến bằng đường bộ lại có xu hướng giảm. Đặc biệt là lượng khách Trung Quốc sau một thời gian tăng ồ ạt, đã có dấu hiệu chững lại qua các cửa khẩu đường biên. Bài viết đi sâu phân tích những nguyên nhân chủ quan làm suy giảm dòng khách này, từ đó, đưa ra các giải pháp cho cả ngành Du lịch và ngành Giao thông trong việc thúc đẩy phát triển du lịch đường bộ bằng ô tô qua các cặp cửa khẩu giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.
Từ khóa: Du lịch đường bộ Việt Nam - Trung Quốc, du lịch biên giới, vận tải đường bộ.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường bộ chiếm 10-15% tổng lượng khách, trong đó Trung Quốc là một thị trường du lịch rộng lớn, kết nối với Việt Nam rất thuận lợi qua các cửa khẩu. Tuy nhiên, mức tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng và tiềm năng lợi thế sẵn có. Do vậy, để phát triển du lịch đường bộ Việt Nam - Trung Quốc qua các cửa khẩu, cần đầu tư xây dựng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho khách du lịch đường bộ, cũng như có các giải pháp quản lý, khai thác dòng khách này. Đồng thời, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông cho các đoàn khách du lịch bằng đường bộ khi tới Việt Nam.
2. Thực trạng hoạt động du lịch đường bộ qua đường biên cửa khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc
Trung Quốc là một trong ba nước láng giềng giáp biên giới của Việt Nam, với diện tích 9.630.960 km2 và dân số khoảng 1,4 tỷ người chiếm 20% dân số thế giới. Nền kinh tế Trung Quốc lớn thứ 2 trên thế giới. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Quan hệ kinh tế, thương mại và du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua luôn phát triển theo hướng tích cực, đạt nhiều tiến triển mới, trong đó có hợp tác về du lịch đường bộ.
Đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc dài hơn 1.400km, tiếp giáp giữa 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc. Đường biên giới giữa 2 nước được hoạch định và phân giới, cắm mốc lần đầu tiên trong lịch sử bằng Công ước hoạch định biên giới ngày 26/6/1887 và Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới ngày 20/6/1895 ký kết giữa Pháp và nhà Thanh (Trung Quốc). Từ đó đến nay, Việt Nam và Trung Quốc luôn nỗ lực đàm phán để ký kết sửa đổi Hiệp định Vận tải đường bộ Việt - Trung nhằm tạo điều kiện cho phương tiện vận tải đường bộ giữa hai nước được qua lại lẫn nhau theo các tuyến đường quy định. Ngày 11/10/2011, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hai nước đã ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ, theo đó phương tiện vận tải của hai nước được phép qua lại 7 cặp cửa khẩu và bổ sung 9 tuyến vận tải hàng hóa và hành khách vào sâu trong lãnh thổ của 2 quốc gia. (Bảng 1).
Bảng 1. Các cặp cửa khẩu phục vụ tổ chức hoạt động vận tải Việt Nam - Trung Quốc
Trong bối cảnh giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch ngày càng cải thiện, tài nguyên du lịch phong phú, hấp dẫn đã “kích cầu” lượng khách du lịch đến Việt Nam bằng đường bộ tăng dần. Năm 2013, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường bộ là 1.399.000 lượt, đến năm 2018 đã tăng lên 2.797.498 lượt. Khách du lịch đường bộ hiện đang là nguồn khách cơ bản của một số đơn vị lữ hành, trong đó lượng khách du lịch Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn. Hiện nay, khách Trung Quốc nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới đất liền thông qua 4 hình thức: Khách sử dụng giấy thông hành biên giới nhập cảnh tham quan du lịch trong ngày tại các huyện, thị biên giới của Việt Nam; Khách nhập cảnh bằng hộ chiếu và nhận thị thực tại cửa khẩu; Khách sử dụng giấy thông hành du lịch biên giới và khách du lịch theo hình thức ô tô du lịch tự lái. Tuy nhiên, do sức hấp dẫn của các điểm du lịch và những quy định về vận tải ô tô quốc tế nên hình thức khách du lịch Trung Quốc sử dụng giấy thông hành tham quan các huyện, thị biên giới của Việt Nam vẫn là chủ yếu. Trong các cửa khẩu phục vụ tổ chức vận tải ô tô thì hiện nay lượng khách du lịch thông quan vào Việt Nam chủ yếu qua 3 cửa khẩu Lào Cai (Lào Cai), Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh). Đặc biệt, do vịnh Hạ Long luôn là điểm đến yêu thích của khách Trung Quốc nên vào mùa cao điểm, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, trung bình mỗi ngày cửa khẩu quốc tế Móng Cái đón khoảng hơn 10.000 khách Trung Quốc.
Mặc dù có sự tăng trưởng nhưng du lịch đường bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn chưa đạt như kỳ vọng và tiềm năng lợi thế sẵn có. Nhìn vào thực tế, ở nhiều nơi các tuyến quốc lộ kết nối đến các điểm, khu, tuyến du lịch vẫn chưa hoàn chỉnh, khiến việc tiếp cận còn khó khăn, đặc biệt là các điểm du lịch ở vùng cao. Chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phục vụ khách còn hạn chế, như chưa có chỗ ăn nghỉ hợp lý khi vận chuyển đường dài; hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ cao cấp, cơ sở hạ tầng ở các tỉnh vùng biên còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch theo loại hình du lịch xe tự lái caravan. Việc kết nối mạng kiểm soát, thống kê xuất nhập cảnh giữa các cửa khẩu và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh còn chưa đồng bộ, liên thông. Các tour, tuyến du lịch thường đi theo lối mòn, đơn điệu, loại hình dịch vụ kém phong phú, thời gian lưu trú ngắn, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp.
Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp dẫn đến việc một số doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam và Trung Quốc thông đồng hạ chất lượng dịch vụ, ép khách đến các điểm mua sắm với giá cao, thu lợi bất chính, gây bức xúc đối với khách du lịch, làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam. Một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam có dấu hiệu hợp pháp hóa các chứng từ kế toán, hồ sơ đoàn khách để chống chế với cơ quan chức năng, không thông qua hệ thống ngân hàng dẫn đến khó kiểm soát các vấn đề về tài chính, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp của 2 bên.
Trong đó phải kể đến tình trạng “giá tour không đồng” đang là vấn đề nhức nhối trong hoạt động lữ hành thời gian qua. Cùng với đó là chất lượng của hướng dẫn viên còn hạn chế, đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi và tâm lý của khách du lịch.
3. Các đề xuất nhằm phát triển du lịch đường bộ Việt Nam - Trung Quốc
Để thúc đẩy tăng trưởng du lịch đường bộ Việt - Trung, trước mắt ngành Du lịch cần có những ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch chung đặc sắc 1 điểm đến 2 quốc gia. Xây dựng các tour du lịch đỏ với điểm đến là các địa danh liên quan đến cách mạng của hai nước. Để tour du lịch này hấp dẫn, việc đầu tư, bổ sung tài liệu, hiện vật, hình thức thể hiện, thuyết minh cần đi vào chiều sâu, sinh động. Hai bên cần tạo tuyến đường du lịch chung, phát triển mạnh hơn loại hình du lịch xe tự lái và mở rộng biên độ tham quan cho khách du lịch vào Việt Nam bằng giấy thông hành. Ngành Du lịch cần kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các chính sách ưu tiên khuyến khích phát triển loại hình du lịch caravan, trước mắt cần sớm ban hành các văn bản pháp quy về tổ chức và quản lý phương tiện cơ giới đường bộ của khách quốc tế đưa vào Việt Nam du lịch. Sớm đưa các cửa khẩu chính đủ điều kiện và có khả năng đón khách thành cửa khẩu quốc tế, qua đó nối thêm lộ trình và tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách vào.
Đối với nguồn nhân lực du lịch, phải nâng cao năng lực của đội ngũ làm du lịch, trong đó công tác đào tạo cần chuyên sâu để đội ngũ làm du lịch, hướng dẫn viên hiểu sâu văn hóa truyền thống và lịch sử của mỗi nước.
Về công tác quảng bá, tiếp thị và nghiên cứu thị trường khách quốc tế đường bộ, ngành du lịch nên có kế hoạch xúc tiến đồng bộ đối tượng khách quốc tế nói chung và khách Trung Quốc nói riêng; xây dựng và giới thiệu sản phẩm cho phù hợp thị trường khách; đẩy mạnh quảng bá bằng các tài liệu, ấn phẩm sử dụng ngôn ngữ của địa phương tiếp giáp đường biên để những thông tin đến được khách hàng tiềm năng cũng như đẩy mạnh ứng dụng internet giới thiệu du lịch đường bộ Việt Nam. Để phát huy những tiềm năng, thế mạnh của du lịch biên giới, các địa phương vùng biên cần xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền, quảng bá chung về tiềm năng, thế mạnh của cả vùng tại các thị trường du lịch trọng điểm. Các hãng lữ hành cùng nhau xây dựng tour, tuyến, chương trình du lịch chung để quảng bá, chào bán tại hội nghị, hội thảo, hội chợ du lịch Việt - Trung. Ngoài ra, cần nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng một hệ thống sản phẩm du lịch bản địa đặc trưng theo thế mạnh của từng địa phương.
Một trong các yếu tố góp phần đẩy mạnh hoạt động du lịch đường bộ là sự phối hợp liên ngành, hoàn thiện chính sách và hành lang pháp lý. Trong đó, các cơ quan quản lý du lịch ở các địa phương có cửa khẩu đón khách quốc tế cần nghiên cứu, đề xuất giảm và thống nhất các khoản phí, mức phí tại cửa khẩu quốc tế nhằm giảm giá tour du lịch và thúc đẩy lượng khách xuất nhập cảnh. Ngành Du lịch và các bộ, ngành liên quan sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định về tổ chức và quản lý phương tiện cơ giới đường bộ của người nước ngoài mang vào Việt Nam du lịch. Nghị định này sau khi ban hành sẽ tạo bước đột phá trong phát triển loại hình du lịch xe tự lái caravan. Đồng thời cần sớm ban hành Thông tư liên tịch để triển khai việc cấp biển, hiệu cho phương tiện vận chuyển du khách và đào tạo đội ngũ lái xe. Ngành Du lịch cũng nên chú trọng việc đa dạng hóa, các phương tiện vận chuyển khách du lịch đường bộ, chú ý đầu tư vào sản xuất và bố trí bán hàng phù hợp loại hình du lịch đường bộ. Các tỉnh biên giới Việt Nam cần xây dựng những khu nghỉ dưỡng, giải trí văn minh. Công tác thực thi pháp luật cũng cần được tăng cường, tìm hiểu, giám sát của các đoàn du lịch để thông báo cho nhau, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm. Hệ thống thông tin liên lạc giữa hai bên cần được kết nối thông suốt, một dạng như “đường dây nóng” để giải quyết những vấn đề phát sinh.
Để có được những bước phát triển về du lịch biên giới, công tác phối hợp quản lý lữ hành của cả 2 phía Việt Nam - Trung Quốc cũng cần được quan tâm. Hai bên cần thường xuyên tổ chức các cuộc hội đàm nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trên lĩnh vực du lịch cũng như bàn giải pháp phát triển sản phẩm du lịch. Hàng năm tổ chức các hoạt động Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung nhằm thu hút khách du lịch.
Về giao thông vận tải, bên cạnh việc tiếp tục nâng cấp các tuyến quốc lộ đúng cấp kỹ thuật theo quy hoạch, đồng bộ với mạng lưới đường với nước bạn như những thỏa thuận đã ký kết, chính quyền địa phương và bộ, ngành liên quan cần xây dựng mới hoặc hoàn thiện các đoạn đường nối từ quốc lộ đến các khu, điểm du lịch. Tại những tuyến đường giao thông có lưu lượng khách quốc tế thường qua lại, nên khẩn trương lắp đặt hệ thống biển báo, hướng dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế bằng hai hoặc ba thứ tiếng; tăng cường nâng cao chất lượng và điều kiện an toàn của phương tiện vận chuyển. Để tạo thuận lợi trong việc tăng thời gian tham quan, mua sắm của khách, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu điều chỉnh cho phép tăng thêm tiêu chuẩn tốc độ ô tô tại một số đoạn đường đã nâng cấp hoàn chỉnh từ cửa khẩu đến các trung tâm du lịch. Trên các tuyến quốc lộ lớn, cần có chính sách, cơ chế thông thoáng hơn mời gọi đầu tư xây dựng và kinh doanh các điểm dừng chân, phục vụ khách nghỉ ngơi, ăn uống để đáp ứng yêu cầu vận tải trong nước và quốc tế.
Trong thời gian tới, để ngành Du lịch Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục phát triển bền vững, các cơ quan quản lý du lịch và công ty lữ hành của hai nước tiếp tục khắc phục những khó khăn, hạn chế những tồn tại, hệ lụy không hay như vừa qua. Hai bên cần nghiêm túc tuân thủ pháp luật của cả hai nước và hợp tác toàn diện trên các cấp độ như giữa Nhà nước, địa phương và giữa các doanh nghiệp lữ hành. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của khách 2 bên, cần đi vào chiều sâu và có hiệu quả hơn nữa. Cùng với đó, cơ quan quản lý du lịch hai nước hợp tác chặt chẽ quản lý tour giá rẻ, đảm bảo chất lượng phục vụ tốt nhất cho du khách, đồng thời kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi phạm với mục tiêu giữ gìn môi trường du lịch của Trung Quốc và Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp và bền vững hơn nữa.
4. Kết luận
Du lịch đường bộ là yếu tố tạo nên sự ổn định về nguồn khách và nhiều tiềm năng để du lịch Việt Nam khai thác và phát triển. Việc có những chính sách ưu tiên khuyến khích cho loại hình xe du lịch tự lái caravan cùng với việc sớm ban hành văn bản pháp quy về tổ chức và quản lý phương tiện cơ giới đường bộ của khách quốc tế vào du lịch nước ta, quan tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến giao thông chính, tăng cường phối hợp với Trung Quốc tạo thông thoáng về chủ trương, chính sách thủ tục sẽ đáp ứng nhu cầu du khách quốc tế, tạo điều kiện cho các hãng lữ hành tổ chức đón khách, góp phần đẩy nhanh sự phát triển của du lịch đường bộ Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới, góp phần phát triển ngành Du lịch Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2008), Luật Giao thông đường bộ.
- Bộ Giao thông vận tải (2012), Thông tư số 23/2012/TT-BGTVT ngày 29/6/2012 hướng dẫn thực hiện Hiệp định, Nghị định thư về vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa.
- Bộ Giao thông vận tải (2011), Đề án tổ chức hoạt động vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc (Văn bản số 4961/BGTVT-HTQT ngày 17/8/2011.
- Trần Thị Lan Hương (2008), Nhập môn Tổ chức vận tải ôtô, NXB Giao thông vận tải, Hà Nội.
VIETNAM - CHINA ROAD TOURISM DEVELOPMENT
MBA. TRINH THANH THUY
Lecturer of Section Of Tourism and Transportation Economics, University Of Transportation and Communication
ABSTRACT:
Vietnam tourism in recent years has attracted a large number of international visitors. However, most international visitors arrived by air, while the proportion of arrivals by land tended to decrease. Especially, the number of Chinese tourists shows signs of dropping significantly after a period of mass increase through border gates. Therefore, this article analyzes the subjective causes of this decline in visitors, thus, providing solutions for both tourism and transport in promoting the development of road tourism by car through border gates between Vietnam and China.
Keywords: Vietnam - China road tourism, border tourism, road transport.