TÓM TẮT:
Sau hơn 25 năm thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới của Đảng và Nhà nước, cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, kinh tế của các thành phố lớn cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng. Nổi bật là sự phát triển các cách thức kinh doanh hiện đại, trong đó phải kể đến kinh doanh theo chuỗi cửa hàng bán lẻ (CHBL), điển hình là mô hình kinh doanh chuỗi CHBL điện thoại di động (ĐTDĐ)
Hơn 10 năm trở lại đây, kinh doanh chuỗi CHBL ĐTDĐ là yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của thị trường ĐTDĐ ở Việt Nam. Hà Nội là một trong những thành phố đi đầu về kinh doanh bán lẻ mặt hàng ĐTDĐ với những tên tuổi nổi tiếng như: Thế giới Di động, Viettel, Viễn thông A, FPT Shop…
Từ khóa: Điện thoại di động, chuỗi cửa hàng bán lẻ, kinh doanh, TP. Hà Nội.
I. Phát triển kinh doanh chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại di động trên địa bàn TP. Hà Nội
1. Khái niệm
1.1. Khái niệm về bán lẻ
Trong hệ thống phân phối sản phẩm hay dịch vụ từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, mặc dù người bán lẻ thuộc một trong ba kênh phân phối, gồm: Kênh ngắn, kênh trung bình và kênh dài, thì nhiệm vụ của người bán lẻ vẫn là mang hàng hóa và dịch vụ đến người tiêu dùng cuối cùng.
Philip Kotler (2003) cho rằng, bán lẻ bao gồm tất cả những hoạt động liên quan đến việc bán hàng hóa hay dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng để họ sử dụng vào mục đích cá nhân, không kinh doanh. Những người bán lẻ hay còn gọi là các trung gian bán lẻ, bao gồm các doanh nghiệp và cá nhân bán hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng cá nhân hoặc hộ gia đình.
Theo từ điển American Heritage, bán lẻ là bán hàng cho người tiêu dùng, thường là với khối lượng nhỏ và không bán lại. Hoạt động bán lẻ được xác định là bước cuối cùng trong quá trình phân phối hàng hóa.
1.2. Chuỗi cửa hàng bán lẻ
Theo Jan Gullberg (1996), chuỗi là một thuật ngữ xuất phát từ toán học với nghĩa là một tập hợp của các phần tử có tương quan bổ trợ lẫn nhau, cùng hướng tới thực hiện một hay nhiều mục tiêu chung. Dựa trên ý niệm này, Hayward và cộng sự (1922) đã định nghĩa chuỗi cửa hàng bán lẻ (Retail store chain) là hệ thống các cửa hàng bán lẻ thực hiện nhiệm vụ bán hàng theo cùng một tiêu chuẩn thống nhất và được tập trung điều hành bởi doanh nghiệp mẹ với các chức năng quản lý chiến lược, chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng hóa, quyết định chính sách bán hàng, giá cả... Như vậy, chuỗi cửa hàng bán lẻ được hiểu là một phương thức tổ chức vận hành và quản lý các hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ theo hệ thống dây chuyền. Trong đó, các thành viên cũng như các chức năng hoạt động trong hệ thống được chuyên môn hóa, tiêu chuẩn hóa và liên kết một cách chặt chẽ.
1.3. Vai trò và đặc điểm của kinh doanh chuỗi cửa hàng bán lẻ
Cũng giống như các loại hình bán lẻ khác, kinh doanh chuỗi CHBL là một loại hình bán lẻ để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ kèm theo đến người tiêu dùng cuối cùng. Vai trò của kinh doanh chuỗi CHBL có thể khái quát như sau:
Thứ nhất, chuỗi CHBL đa dạng hóa các kênh phân phối trong kinh doanh bán lẻ hiện đại; giúp cho các doanh nghiệp học hỏi được cách thức quản lý hiện đại theo dạng mô hình chuỗi và nâng cao được kỹ năng bán hàng của nhân viên.
Chuỗi CHBL giảm chi phí sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động xã hội. Chuỗi CHBL góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo điều kiện phát triển cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác. Mô hình kinh doanh chuỗi CHBL giúp tăng khả năng lưu thông hàng hóa, kích thích các ngành sản xuất phát triển và đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của quốc gia.
2. Đặc điểm thị trường và kinh doanh bán lẻ điện thoại di động
2.1. Đặc điểm sản phẩm và thị trường điện thoại di động
- Sản phẩm điện thoại di động:
Paul Levinson (2004) đã định nghĩa ĐTDĐ là thiết bị viễn thông liên lạc sử dụng sóng của nhà cung cấp dịch vụ để truyền thông tin từ người gửi sang người nhận qua không gian rộng. Sản phẩm ĐTDĐ có các đặc điểm sau:
ĐTDĐ là một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống ngày nay. ĐTDĐ giúp con người có thể liên lạc ở bất kỳ nơi đâu và vào mọi thời điểm. ĐTDĐ phục vụ người tiêu dùng thuộc mọi giới tính và lứa tuổi. Chính từ sự đa dạng của nhu cầu và thị hiếu, các hãng ĐTDĐ lớn không ngừng đưa ra nhiều mẫu máy với các đặc điểm phù hợp với từng phân khúc khách hàng riêng.
Ví dụ, Samsung Galaxy E7 là sản phẩm dành cho giới trẻ với thiết kế hiện đại, nhiều tiện ích độc đáo và có giá chưa đến 6 triệu đồng. Trong khi đó, Samsung Galaxy Note 7 lại là mẫu ĐTDĐ dành cho doanh nhân với thiết kế sang trọng, nhiều ứng dụng văn phòng hữu ích và các tính năng bảo mật tiên tiến nhất. Ngoài ra, những mẫu điện thoại Iphone đã được bổ sung thêm rất nhiều màu sắc đẹp và bắt mắt như hồng, vàng, trắng... nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của phái nữ.
ĐTDĐ không chỉ là công cụ liên lạc mà còn trở thành biểu tượng thời trang. Ngoài việc trang bị các tính năng hữu ích, các nhà sản xuất còn đầu tư vào thiết kế của những chiếc ĐTDĐ. Ngày càng nhiều các mẫu ĐTDĐ có kiểu dáng tinh tế, bắt mắt, đi theo xu hướng thời trang của từng thời kỳ
- Thị trường điện thoại di động:
Giá rẻ: Đây là phân đoạn thị trường dành cho những người có thu nhập thấp như tầng lớp lao động, sinh viên, công nhân...
Giá tầm trung: Đây là phân đoạn thị trường dành cho những người có thu nhập khá, điển hình là những người trẻ tuổi đã có công việc ổn định. Những chiếc điện thoại ở phân khúc này có nhiều tính năng như quay phim, chụp ảnh, nghe nhạc...
Giá cao: Khách hàng thuộc phân đoạn thị trường này là những người có thu nhập cao, có mong muốn sở hữu những chiếc điện thoại có đầy đủ các tính năng tiên tiến, có hình thức đẹp và được sản xuất bởi các hãng có thương hiệu.
Giá rất cao: Đây là đoạn thị trường hướng tới các khách hàng không chỉ có thu nhập cao mà còn có mong muốn khẳng định đẳng cấp của mình bằng những sản phẩm chất lượng nhất và độc đáo nhất.
II. Thực trạng phát triển kinh doanh chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại di động trên địa bàn Hà Nội
Hoạt động kinh doanh chuỗi cửa hàng của các doanh nghiệp bán lẻ ĐTDĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội chịu sự ảnh hưởng rất lớn bởi các nhân tố thuộc môi trường kinh tế. Đây là những yếu tố chi phối sức mua của người tiêu dùng và cách thức sử dụng sản phẩm ĐTDĐ. Tốc độ tăng trưởng, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và gia tăng vốn đầu tư trên địa bàn cũng là những đặc điểm tác động mạnh mẽ tới hoạt động phát triển kinh doanh chuỗi cửa hàng của doanh nghiệp bán lẻ ĐTDĐ.
Thị trường ĐTDĐ Việt Nam trong những năm qua đã phát triển vô cùng sôi động và đang đặt tiếp cận trên 80 triệu khách hàng. Theo nghiên cứu của GfK, ĐTDĐ chiếm đến 43% trong tỷ trọng doanh số mặt hàng điện tử, đứng trên cả mặt hàng công nghệ thông tin như máy tính xách tay, máy tính bảng... ĐTDĐ luôn là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong nhóm đồ điện tử với mức tăng doanh số trung bình trên 30% từ năm 2013, đặc biệt tốc độ tăng trưởng ở Hà Nội đạt gần 50%/năm.
Thị trường ĐTDĐ, đặc biệt là điện thoại thông minh đã tăng trưởng mạnh và nhu cầu tiêu thụ dòng sản phẩm này ngày một cao. Các chuỗi CHBL đã đa dạng hóa thị trường ĐTDĐ không chỉ phân khúc thị trường dành cho khách hàng có thu nhập cao mà phân khúc dành cho đối tượng có thu nhập trung bình và thấp ngày càng mở rộng mạnh mẽ. Đó là các dòng sản phẩm của những thương hiệu như Nokia, Samsung, Apple... So với các sản phẩm điện tử khác, ĐTDĐ có ưu điểm là hàng hóa có giá trị không quá lớn và khách hàng luôn có nhu cầu thay mới liên tục, nên sức mua của mặt hàng này rất lớn.
Đối với mô hình tổ chức kinh doanh chuỗi CHBL ĐTDĐ trên địa bàn Hà Nội có chuỗi CHBL như: Thế giới di động, FPT, Viettel, Viễn Thông A, Hoàng Hà Mobile, Nhật Cường Mobile, Bình Minh Mobile… với hàng chục cửa hàng thành viên và đang phát triển hết sức mạnh mẽ dần thay thế các CHBL ĐTDĐ truyền thống trong những năm qua. Các chuỗi CHBL ĐTDĐ này gần như đã có mặt hầu hết trên địa bàn các quận nội thành địa bàn thành phố. Gần như toàn bộ các chuỗi CHBL ĐTDĐ trên địa bàn Hà Nội hoạt động theo mô hình cửa hàng thông thường, tức là do một chủ sở hữu điều khiển chuỗi.
Các chuỗi CHBL ĐTDĐ hiện nay trên địa bàn Hà Nội chia làm 2 nhóm có đặc thù khác biệt. Một nhóm là các chuỗi CHBL ĐTDĐ kinh doanh với quy mô lớn, CHBL của họ không chỉ kinh doanh các mặt hàng điện thoại, linh phụ kiện điện tử mà còn kinh doanh thiết bị gia dụng, máy tính,… Những cái tên đáng chú ý trong phân khúc này là Nguyễn Kim, HC, PICO, Mediamart, VinPro…
Nhóm thứ hai đi theo mô hình các cửa hàng quy mô vừa nhỏ, chủ yếu kinh doanh các sản phẩm chính là ĐTDĐ, các linh phụ kiện ĐTDĐ. Những cái tên lớn nhất trong nhóm này là FPT Shop, Viễn Thông A, Viettel Store, Trần Anh, Phúc Anh...
Nhóm thứ ba là nhóm chỉ kinh doanh ĐTDĐ và các linh phụ kiện, như: Thế giới di động, Nhật Cường Mobile, Hoàng Hà Mobile, Bình Minh Mobile,…
III. Xu hướng phát triển thị trường kinh doanh cửa hàng bán lẻ điện thoại di động trên địa bàn tp. hà Nội đến năm 2030
1. Xu hướng phát triển thị trường trên địa bàn Hà Nội giai đoạn đến năm 2020 và năm 2030
Thị trường ĐTDĐ Hà Nội trong những năm tới tiếp tục phát triển năng động, cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Thị trường ĐTDĐ của Hà Nội sẽ mở rộng hơn về quy mô tiêu dùng, phát triển mạnh mẽ hơn về không gian thị trường. Dự kiến đến năm 2020, dân số Hà Nội sẽ đạt khoảng 15 triệu người, và đến năm 2050 khoảng 18 triệu người. Trong đó, dân số đô thị sẽ đạt 9,2 triệu người vào năm 2020 và 15,4 triệu người vào năm 2050. Quy mô dân số lớn, có mức sống cao là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển thị trường ĐTDĐ.
Bên cạnh đó, Hà Nội đến năm 2020 có tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 62,5% và đến năm 2050 là 85%, hứa hẹn có tác động tích cực đến phát triển kinh doanh ĐTDĐ. Dân số đô thị với mức thu nhập cao sẽ dẫn đến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ĐTDĐ cũng tăng theo, thúc đẩy quy mô tiêu dùng tăng cao. Với quy mô dân số và tỷ lệ đô thị hóa ngày càng cao, quy mô thị trường ĐTDĐ của Hà Nội năm 2020 sẽ lớn hơn nhiều so với hiện nay.
Thị trường ĐTDĐ không những tăng về quy mô, mà không gian phân bổ cũng có những thay đổi đáng kể. Trong định hướng phát triển đến năm 2020, định hướng 2050, Hà Nội tập trung phát triển hệ thống dịch vụ thương mại, đặc biệt chú trọng xây dựng các trung tâm thương mại đầu mối, điều hòa phân phân phối hàng hóa ở khu vực Hòa Lạc và các khu vực lân cận như Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Yên.
Sự phát triển của công nghệ thông tin và ứng dụng của nó đã hỗ trợ tích cực cho các hoạt động giao tiếp, đời sống sinh hoạt hàng ngày và hoạt động kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp. Mạng lưới viễn thông, thông tin ngày càng hiện đại, giúp phát huy tối đa lợi ích khai thác từ ĐTDĐ. Trước những bước phát triển này, nhận thức về lợi ích và cách thức khai thác tối đa lợi ích từ điện thoại ngày càng cao, làm gia tăng nhu cầu sử dụng ĐTDĐ.
Trước yêu cầu của thị trường, các hoạt động tổ chức và quản lý chuỗi CHBLĐTDĐ cũng sẽ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Các thông tin về giá cả, chất lượng, tình trạng hàng hóa, khuyến mãi, ưu đãi... luôn được cập nhật nhanh chóng đến khách hàng. Nắm bắt nhu cầu thị trường, đặc biệt là nhu cầu khách hàng sẽ được các doanh nghiệp quan tâm hơn. Phục vụ văn minh hiện đại, mang lại cho khách hàng những giá trị tiện nghi nhất trở thành xu hướng phố biến, đòi hỏi các doanh nghiệp cung ứng CHBLĐTDĐ tuân theo.
2. Dự báo xu hướng phát triển kinh doanh ĐTDĐ trên địa bàn Hà Nội
Trong thời gian tới, cạnh tranh giữa hệ thống dịch vụ phân phối truyền thống và hiện đại sẽ trở nên quyết liệt hơn. Hội nhập kinh tế quốc tế trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng thu nhập cho đất nước và người dân, làm gia tăng mức sống của người dân. Cùng với kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu thụ hưởng chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng tăng lên. Người dân có đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tiếp cận và thụ hưởng hàng hóa và các loại hình phân phối văn minh hiện đại hơn.
Do đó, yêu cầu đối với chất lượng hàng hóa và chất lượng dịch vụ ngày càng cao hơn. Bên cạnh nhữn yêu cầu cơ bản về chất lượng tổng thể và giá cả, người tiêu dùng còn yêu cầu thêm những tiêu chuẩn khác đối với ĐTDĐ, như: kiểu dáng, chủng loại, các tính năng vượt trội, dịch vụ hậu mãi...
Trong những năm tới, người tiêu dùng Hà Nội sẽ ít mua sắm ở các cửa hàng nhỏ lẻ mà chuyển đến các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn, hiện đại. Các cửa hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn, mặc dù không hoàn toàn biến mất. Bởi những cửa hàng này nằm ở các vị trí kinh doanh tốt, các khu dân cư đông đúc. Tuy nhiên, cần liên kết, cải tiến cách thức bán hàng, không nên bán theo kiểu chụp giật và cần có chế độ hậu mãi tốt, quan trọng nhất vẫn là chất lượng hàng hóa.
3. Định hướng phát triển kinh doanh chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại di động trên địa bàn TP. Hà Nội
- Định hướng quản lý nhà nước đối với phát triển kinh doanh chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại di động trên địa bàn TP. Hà Nội
Hoạt động quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh chuỗi CHBLĐTDĐ theo nguyên tắc kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và với điều kiện thực tế của Hà Nội. Việt Nam đã là một thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và nhiều tổ chức thương mại đa phương khác, do đó, các hoạt động kinh tế dù ở cấp quốc gia hay mỗi địa phương đều phải tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường, phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế và thông lệ thế giới.
Hơn nữa, các hoạt động quản lý chuỗi CHBLĐTDĐ trên địa bàn Hà Nội còn cần phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, luật thủ đô, quy hoạch vùng thủ đô, chiến lược phát triển của Hà Nội và các quy định quản lý ngành. Các hoạt động quản lý chuỗi CHBLĐTDĐ không phân biệt đối xử đối với các đối tượng tham gia thị trường, dù là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài. Hoạt động quản lý góp phần tạo dựng, thiết lập một thị trường kinh doanh ngày càng tự do, ít rào cản và các chính sách ổn định, minh bạch.
- Định hướng phát triển kinh doanh chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại di động của doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội.
Thứ nhất, các chuỗi CHBLĐTDĐ phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển bán lẻ hiện đại của Thủ đô. Phát triển kinh doanhh chuỗi CHBLĐTDĐ phải dựa trên với điều kiện thực tế và nhu cầu thị trường. Các điều kiện về nguồn lực tài chính, nhân sự, năng lực quản trị cũng như nhu cầu tiêu dùng là những yếu tố quan trọng để xây dựng các kế hoạch phát triển chuỗi CHBLĐTDĐ. Phát triển dựa trên điều kiện thực tế giúp giảm thiểu rủi ro, đảm bảo phát triển hoạt động kinh doanh thành công.
Đặc biệt, phát triển kinh doanh chuỗi CHBLĐTDĐ trên địa bàn Thành phố cần thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia, bao gồm các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhằm tăng cường năng lực đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong xu thế hội nhập và mở cửa hiện nay, nhiều thành phần tham gia kinh doanh chuỗi CHBLĐTDĐ không những làm cho thị trường bán lẻ hiện đại của Hà Nội thêm sôi động, mà còn tạo ra sự cạnh tranh theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Những nhà đầu tư lớn của nước ngoài thường có kinh nghiệm, năng lực về tài chính và nhân sự là nhân tố góp phần thúc đẩy thị trường bán lẻ ĐTDĐ của Thành phố phát triển.
IV. Giải pháp phát triển kinh doanh chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại di động trên địa bàn Hà Nội năm 2025, định hướng đến năm 2030
1. Giải pháp về hoàn thiện môi trường kinh doanh
Hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật về quản lý và phát triển kinh doanh chuỗi CHBLĐTDĐ. Đối với mỗi một nền kinh tế hay một thị trường thì hệ thống pháp luật là nền tảng cơ sở quan trọng đầu tiên để doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm hoạt động kinh doanh.
Đẩy mạnh cải cách hành chính và đơn giản hóa các thủ tục trong kinh doanh CHBLĐTDĐ. Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Nhà nước cần tiếp tục cải cách hơn nữa thủ tục hành chính đối với hoạt động kinh doanh chuỗi CHBLĐTDĐ.
Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cần tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho chuỗi các CHBLĐTDĐ trên địa bàn thành phố phát triển, như: Xây dựng kết cấu hạ tầng (đường giao thông, điện nước, thông tin liên lạc, các trung tâm thương mại....) tạo điều kiện cho thị trường và thương mại thành phố phát triển.
2. Giải pháp từ phía doanh nghiệp
Các chuỗi CHBLĐTDĐ cần nhận thức đúng đắn về xu hướng, bối cảnh và tình hình kinh doanh mới để xác định phương hướng phát triển phù hợp. Nhận thức đúng đắn về điều kiện tình hình khách quan giúp các doanh nghiệp đưa ra các chiến lược, kế hoạch phù hợp với nhu cầu thị trường, đảm bảo thành công trong hoạt động kinh doanh.
Với khu vực dân cư Hà Nội có trình độ dân trí và sức mua tương đối cao, chuỗi CHBLĐTDĐ cần đặt ra mục tiêu là tạo ra sự hài lòng của khách hàng thông qua việc bán sản phẩm ĐTDĐ và các linh phụ kiện với giá cả hợp lý và cố gắng giảm giá sản phẩm, với những sản phẩm có mức chất lượng phù hợp với nhu cầu khách hàng và tạo ra cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm thú vị.
Ngoài các quận nội thành trung tâm, khu vực nông thôn có mật độ dân số ít hơn, tuy nhiên, đây là thị trường tiềm năng cao với các mặt hàng thiết bị công nghệ, viễn thông. Tại thị trường TP. Hà Nội, các chuỗi CHBLĐTDĐ đã tiến hành mở rộng mạng lưới các cửa hàng siêu thị về khắp các huyện ngoại thành.
Trong đó, các chuỗi cần thường xuyên cải thiện và nâng cao tinh thần, thái độ làm việc của nhân viên. Tinh thần, thái độ phục vụ là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến mức độ hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ của cửa hàng. Cải thiện thái độ phục vụ giúp cải thiện và rút ngắn khoảng cách tương tác giữa nhân viên và khách hàng, giúp giải quyết hiệu quả các khiếu nại của khách hàng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Công Thương (2012), Phê duyệt “Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Quyết định số6184/QĐ-BCT.
2. Bộ Thương mại (2004), Ban hành Quy chế siêu thị và trung tâm thương mại, Quyết định số1317/2004/QĐ-BTM.
3. Bộ Thương mại (2004), Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1371/QĐ-BTM ban hành Quy chế Siêu thị.
4. Cục Thống kê (2010), Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 10 năm 2001 - 2010, Nhà Xuất bản Thống kê.
5. Đặng Đình Đào (2004), Kinh tế và quản lý ngành thương mại dịch vụ, Nhà xuất bản Thống kê.
6.Hoàng Đức Thân (2005), Báo cáo phát triển siêu thị Hà Nội đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
DEVELOPING CHAIN MOBILE STORES IN HANOI
VU VAN VIET
Hanoi Publishing House
ABSTRACT:
After more than 25 years of implementing the Party and the State policy of integrating economy with the region and the world, together with the development of the national economy, the economies of big cities have increased drastically. The most prominent is the development of modern business practices, including the retail chains, typically the mobile retail chains.
For the past 10 years, running the chain store business is important factor contributing to the development of the mobile phone market in Vietnam. Hanoi is one of the leading cities in retailing mobile phones with famous names such as: The gioi Di dong, Viettel, Telecom A, FPT Shop, etc.
Keywords: Cell phone, retail chain, business, Hanoi.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây