Phát triển kinh doanh chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại di động trên địa bàn Thành phố Hà Nội

VŨ VĂN VIỆT (Nhà Xuất bản Hà Nội)

TÓM TẮT:

Ngày nay, sự phát triển của thương mại bán lẻ theo hướng hiện đại đã cung cấp các sản phẩm phong phú, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Sau hơn 25 năm thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới của Đảng và Nhà nước, cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, kinh tế của các thành phố lớn cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng. Trong đó, phát triển kinh doanh theo chuỗi cửa hàng bán lẻ (CHBL) trên địa bàn thành phố không phải là trường hợp ngoài lệ. Thông qua nghiên cứu dữ liệu sơ cấp và thứ cấp, bài viết đã đề xuất một số giải pháp phát triển thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) cần quan tâm các yếu tố về tình thế thị trường, hành vi người tiêu dùng, lựa chọn và phát triển thị trường, cấu trúc công nghệ…

Từ khóa: Chuỗi cửa hàng di dộng, mô hình kinh doanh, thị trường, điện thoại di động, Thành phố Hà Nội.

I. Sự cần thiết của việc phát triển kinh doanh chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại di động trên địa bàn TP. Hà Nội

Thứ nhất, mô hình kinh doanh chuỗi CHBL ĐTDĐ đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Từ học thuyết “Bánh xe bán lẻ” của giáo sư Malcolm P. McNair (1958) cho đến lý thuyết “Vòng đời bán lẻ” của giáo sư Marc Dupuis đều đưa ra quan điểm về sự suy thoái của mô hình cửa hàng bách hóa ở quy mô lớn và được thay thế bằng sự nổi lên của mô hình chuỗi CHBL tập trung vào các loại hàng hóa chuyên sâu.

Thứ hai, dịch vụ của các chuỗi CHBL ĐTDĐ ngày càng được đa dạng hóa. Chuỗi CHBL ĐTDĐ là một ngành thương mại rất đặc thù vì đây là sự kết hợp giữa sản phẩm công nghệ cao có tính chất thay đổi liên tục và dịch vụ hiện đại đáp ứng nhu cầu trên quy mô lớn. Hàng hóa tại các chuỗi CHBL ĐTDĐ đều được nhập từ cùng các đơn vị cung ứng. Các chuỗi CHBL ĐTDĐ hiện nay hầu hết đều có sản phẩm giống nhau. Do đó, sự khác nhau giữa các chuỗi CHBL ĐTDĐ không phải ở sản phẩm mà là ở dịch vụ.

Thứ ba, Hà Nội là một trong những thành phố đi đầu về kinh doanh bán lẻ mặt hàng ĐTDĐ. Trên địa bàn Hà Nội, có nhiều doanh nghiệp đã phát triển kinh doanh theo chuỗi cửa hàng bán lẻ thành công như: Thế giới di động, Viettel, Viễn thông A, FPT Shop…

II. Thực trạng phát triển kinh doanh chuỗi bán lẻ cửa hàng điện thoại di động

1. Thực trạng thị trường ngành điện thoại di động

Theo kết quả khảo sát phân tích tình thế thị trường ĐTDĐ, phương án nghiên cứu thị trường đang được đa số các chuỗi CHBL ĐTDĐ hiện nay triển khai là tiến hành nghiên cứu khái quát thị trường song song với nghiên cứu chi tiết thị trường, chiếm tỷ trọng hơn 28% các chuỗi CHBL ĐTDĐ tham gia khảo sát.

Một thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp là đánh giá hoạt động nghiên cứu thị trường của doanh nghiệp mình so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Qua phân tích khảo sát, có đến gần 27% các chuỗi CHBL ĐTDĐ đang đánh giá hoạt động nghiên cứu thị trường của mình là rất kém so với các doanh nghiệp khác.

Trong việc lựa chọn sản phẩm ĐTDĐ mà doanh nghiệp phân phối tại địa bàn Hà Nội, tất cả các chuỗi CHBL ĐTDĐ đều có bán các sản phẩm lợi ích cốt lõi (chỉ gọi điện liên lạc); 90% chuỗi CHBL ĐTDĐ bán các sản phẩm chung (thêm các chức năng hỗ trợ thuận tiện liên lạc); 85% chuỗi CHBL ĐTDĐ bán các sản phẩm mong đợi (thêm các chức năng bổ sung mà khách hàng mong đợi như lướt web, nghe nhạc...); 73% chuỗi CHBL ĐTDĐ bán các sản phẩm hoàn thiện (thêm các dịch vụ hỗ trợ sử dụng) và chỉ có 57% chuỗi CHBL ĐTDĐ bán các sản phẩm tiềm ẩn (thêm các chức năng mới, hiện đại theo xu thế công nghệ).

Hiện nay, các chuỗi cửa hàng cạnh tranh với nhau để được làm đại lý đặc quyền cho các công ty nước ngoài. Cũng tồn tại một số trường hợp thực hiện quan hệ liên kết đặc quyền kinh tế hay cấp giấy phép cho việc sử dụng công nghệ, nhãn hiệu, thương hiệu, kinh nghiệm kinh doanh của các công ty nước ngoài. Hình thức này đã áp dụng khá thành công cho các chuỗi bán lẻ chuyên doanh kinh doanh hàng điện máy, ĐTDĐ của Sony, Samsung… trên địa bàn Hà Nội.

2. Thực trạng các nhà cung cấp và các nhà mạng viễn thông

- Các nhà cung cấp:

Thị phần trên địa bàn Hà Nội hiện nay đa phần thuộc về các hãng có thương hiệu lớn, như: Nokia (nay là Microsoft), Apple, Samsung, Sony Ericsson, HTC… Theo dự báo của IDC, thị trường ĐTDĐ nói chung mà đặc biệt là điện thoại smartphone đạt CAGR 23,4% trong giai đoạn 2015 - 2018, với doanh số được ước lượng tăng từ 16,9 triệu năm 2015 và đạt 26,9 triệu năm 2018.

Hình 1: Thực trạng nhà cung ứng

- Các mạng viễn thông:

Kể từ năm 1997, trên thị trường có 2 mạng di động nhưng phần lớn các dịch vụ mới, các chính sách mới, các công nghệ mới… đều được xuất phát từ MobiFone. Trước đây, do MobiFone và VinaPhone đều trực thuộc VNPT nên các dịch vụ, chính sách mới đều phải được thực hiện đồng thời vào một thời điểm. Hiện nay, tuy MobiFone đã tách ra, nhưng 2 công ty vẫn có nhiều điểm giống nhau về cung cấp dịch vụ.

Cuối năm 2004, Viettel Mobile - mạng di động GSM thứ ba cũng chính thức đi vào hoạt động. Kể từ thời điểm này, Viettel Mobile được đánh giá là một hiện tượng trên thị trường thông tin di động với giá cước rẻ, đầu tư nhanh. g chế.

3. Thực trạng chuỗi CHBL ĐTDĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội

Như đã đề cập ở trên, kinh doanh chuỗi cửa hàng ĐTDĐ là một hệ thống các cửa hàng thành viên có sự liên kết với nhau kinh doanh theo một mô hình, công thức và tiêu chuẩn thống nhất. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đã có sự phát triển chuỗi CHBL của các doanh nghiệp.

3.1. Các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi CHBL ĐTDĐ trên địa bàn Hà Nội

Đối với mô hình tổ chức kinh doanh chuỗi CHBL ĐTDĐ trên địa bàn Hà Nội có chuỗi CHBL như: Thế giới di động, FPT, Viettel, Viễn Thông A, Hoàng Hà Mobile, Nhật Cường Mobile, Bình Minh Mobile… với hàng chục cửa hàng thành viên và đang phát triển hết sức mạnh mẽ dần thay thế các CHBL ĐTDĐ truyền thống trong những năm qua.

Các chuỗi CHBL ĐTDĐ hiện nay trên địa bàn Hà Nội chia làm 3 nhóm có đặc thù khác biệt. Một nhóm là các chuỗi CHBL ĐTDĐ kinh doanh với quy mô lớn, CHBL của họ không chỉ kinh doanh các mặt hàng điện thoại, linh phụ kiện điện tử, mà còn kinh doanh thiết bị gia dụng, máy tính,… Những cái tên đáng chú ý trong phân khúc này là: Nguyễn Kim, HC, PICO, Mediamart, VinPro… Nhóm thứ hai đi theo mô hình các cửa hàng quy mô vừa nhỏ, chủ yếu kinh doanh các sản phẩm chính là ĐTDĐ, các linh phụ kiện ĐTDĐ; ngoài ra có kinh doanh thêm laptop, máy tính bảng. Những cái tên lớn nhất trong nhóm này là: FPT Shop, Viễn Thông A, Viettel Store, Trần Anh, Phúc Anh... Nhóm thứ ba là nhóm chỉ kinh doanh ĐTDĐ và các linh phụ kiện, như: Thế giới di động, Nhật Cường Mobile, Hoàng Hà Mobile, Bình Minh Mobile,…

Qua điều tra của tác giả, đến hết năm 2016, số lượng CHBL trên địa bàn Hà Nội các doanh nghiệp kinh doanh theo chuỗi gồm có: Thế giới di động với 150 CHBL, FPT Shop có 52 CHBL, Viettel Store có 26 CHBL, Trần Anh có 14 CHBL, Nhật Cường Mobile có 11 CHBL, Hoàng Hà Mobile có 6 CHBL. 6 doanh nghiệp này là các doanh nghiệp lớn nhất kinh doanh theo chuỗi trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, còn có các chuỗi ít CHBL hơn, như: Pico có 4 CHBL, Phúc Anh có 3 CHBL, Bình Minh mobile có 2 CHBL, Viễn Thông A có 2 CHBL. 10 doanh nghiệp lớn nhất kinh doanh theo mô hình chuỗi CHBL này luôn có mức độ tăng trưởng doanh thu cao và luôn đi đầu trong phong trào phát triển kinh doanh theo chuỗi CHBL ĐTDĐ trên địa bàn Hà Nội. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều dạng kinh doanh theo chuỗi CHBL đang phát triển nhanh chóng trên địa bàn Hà Nội như Mediamart, HC, Nguyễn Kim,… nhưng các chuỗi này chủ yếu kinh doanh chính các mặt hàng điện máy, đồ gia dụng.

3.2. Mức độ cạnh tranh trên địa bàn Hà Nội

Môi trường kinh doanh của mảng bán lẻ đồ điện tử và công nghệ nói chung và kinh doanh bán lẻ ĐTDĐ nói riêng có tính cạnh tranh khá phân mảnh. Thời điểm hiện tại, các chuỗi CHBL ĐTDĐ vừa phải cạnh tranh lẫn nhau, vừa phải cạnh tranh với các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ (cửa hàng “mom&pop”). Các cửa hàng mom&pop này thường có quy mô rất nhỏ (diện tích chỉ từ 20 m2 đến 100 m2 ) và khá hạn chế về danh mục sản phẩm. Tuy vậy, trên các quận và đô thị lớn các chuỗi CHBL ĐTDĐ đã dần thay thế loại hình cửa hàng này. Hiện nay, các cửa hàng mom&pop tập trung nhiều các vùng nông thôn và một số ít địa điểm tại các thành thị mới, như: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm...

Theo thống kê của GfK Temax Việt Nam, nhóm cửa hàng mom&pop chiếm lĩnh hơn 70% thị phần nông thôn trong phân khúc bán lẻ ĐTDĐ tại Hà Nội trong năm 2014.

Các chuỗi CHBL ĐTDĐ cạnh tranh với rất nhiều các doanh nghiệp kinh doanh theo các hình thức bán lẻ khác, cụ thể là các cửa hàng nhỏ lẻ hoặc qua các siêu thị, trung tâm thương mại đều kinh doanh ĐTDĐ. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố, các doanh nghiệp kinh doanh theo chuỗi cạnh tranh gay gắt trực tiếp với nhau giữa các doanh nghiệp: Thế giới di động, FPT shop, Viettelstore, Nhật Cường, Hoàng Hà, Trần Anh, Pico, Phúc Anh, Viễn Thông A, Bình Minh mobile,…

4. Thực trạng chính sách phát triển kinh doanh chuỗi CHBL ĐTDĐ trên địa bàn Hà Nội

Thực trạng hoạt động hỗ trợ phát triển chuỗi CHBL ĐTDĐ từ các cơ quan quản lý nhà nước được phản ánh thông qua 03 nội dung là: (i) Chính sách hỗ trợ tài chính (thuế, tiếp cận vốn…); (ii) Chính sách hỗ trợ phi tài chính (nguồn lực trực tiếp và gián tiếp, cơ sợ hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin...) và (iii) Công tác truyền thông thông tin chính sách. Kết quả phân tích bằng thống kê mô tả cho thấy, 33% các chuỗi CHBL ĐTDĐ được hỏi đánh giá chính sách hỗ trợ tài chính và phi tài chính đã được triển khai phù hợp tại địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, tỷ lệ này cũng tương đương với số lượng các chuỗi CHBL ĐTDĐ nhận định các chính sách này chưa được thực hiện hiệu quả. Với công tác truyền thông về thông tin chính sách và quy hoạch mạng lưới phân phối bán lẻ, kết quả phân tích chỉ ra rằng đa phần các doanh nghiệp đã nhận được thông tin cụ thể và rõ ràng, chiếm tỷ trọng đến gần 50%.

Hình 2: Thực trạng hoạt động hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước

5. Thực trạng quản trị vận hành kinh doanh chuỗi CHBL ĐTDĐ trên địa bàn Hà Nội

Về định vị thực hành giá bán lẻ: Kết quả phân tích bằng thống kê mô tả cho thấy, 39% nhà quản lý trong các chuỗi CHBL ĐTDĐ được hỏi không có ý kiến về việc giá bán phải phù hợp với khả năng thanh toán của khách hàng, trong khi chỉ trên 20% là đồng ý với quan điểm này nhưng có đến 40% không đồng ý với nội dung này. Với quan điểm xác định giá bán phù hợp với vị thế cạnh tranh của chuỗi CHBL ĐTDĐ, kết quả phân tích chỉ ra rằng tỷ trọng các nhà quản lý chuỗi CHBL không đồng ý với hoạt động này chiếm đến 48%. Tuy nhiên, hoạt động định giá để đảm bảo sự phát triển ổn định của chuỗi CHBL ĐTDĐ được các doanh nghiệp chú trọng hơn, thể hiện ở tỷ lệ 27% các nhà quản lý đồng ý với quan điểm này. Điều này phù hợp với thực tế hiện nay của các chuỗi CHBL ĐTDĐ trên địa bàn Hà Nội.

Về phát triển kênh phân phối bán lẻ của chuỗi CHBL: Kết quả điều tra ở biểu đồ trên chỉ ra rằng, các chuỗi CHBL ĐTDĐ trên địa bàn Hà Nội phần lớn chưa hài lòng với hoạt động phát triển kênh phân phối bán lẻ của doanh nghiệp. Có đến 42% các chuỗi CHBL ĐTDĐ nhận định rằng kênh phân phối bán lẻ tại địa bàn Hà Nội chưa phát triển theo đúng định hướng và kế hoạch chiến lược của công ty. Chỉ có gần 20% doanh nghiệp tham gia khảo sát cảm thấy hài lòng với việc phát triển kênh phân phối bán lẻ đã đạt kỳ vọng của ban lãnh đạo.

Về phát triển hoạt động điều hành trong chuỗi CHBL: Các chuỗi CHBL ĐTDĐ đều đánh giá rằng trình độ và quy mô của đội ngũ điều hành chưa phù hợp với cấu trúc, phương pháp kinh doanh, quy mô chuỗi và triển vọng phát triển chuỗi của doanh nghiệp, với tỷ trọng là 44%. Chính vì vậy, có đến 48% các chuỗi CHBL ĐTDĐ nhận xét các quyết định điều hành trong chuỗi CHBL nhìn chung chưa đúng đắn và không mang lại hiệu quả kinh doanh cao.

III. Kết luận và một số đề xuất, kiến nghị

Từ kết quả nghiên cứu thực trạng phát triển kinh doanh chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại di động trên địa bàn thành phố, tác giả có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Thứ nhất, các chuỗi CHBL ĐTDĐ cần nhận thức đúng đắn về xu hướng, bối cảnh và tình hình kinh doanh mới để xác định phương hướng phát triển phù hợp. Nhận thức đúng đắn về điều kiện tình hình khách quan giúp các doanh nghiệp đưa ra các chiến lược, kế hoạch phù hợp với nhu cầu thị trường, đảm bảo thành công trong hoạt động kinh doanh. Để giành được lợi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng gay gắt, các chuỗi CHBL ĐTDĐ cần thống nhất trong quản lý, trong hoạt động và tạo dựng hình ảnh của các chuỗi CHBL ĐTDĐ trên thị trường nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng.

Thứ hai, hoàn thiện nghiên cứu nhu cầu cá nhân của khách hàng. Các chuỗi CHBL ĐTDĐ cần có khảo sát thường xuyên về nhu cầu cá nhân của khách hàng khi mua sắm tại các chuỗi CHBL ĐTDĐ. Khảo sát này quyết định việc cung cấp các loại hình dịch vụ cụ thể tại chuỗi CHBL ĐTDĐ liên quan đến việc bán hàng như dịch vụ giao hàng, lắp đặt, bảo hành, bảo trì.

Thứ ba, mở rộng thị trường phục vụ của chuỗi CHBL ĐTDĐ. Hà Nội là một trong những thủ đô có diện tích rộng lớn trên thế giới. Ngoài các quận nội thành trung tâm, còn có nhiều quận huyện, các khu đô thị mới phát triển có nhiều tiềm năng cho kinh doanh CHBL DTDĐ. Mở rộng địa bàn phục vụ cũng đồng nghĩa với mang lại cơ hội mở rộng khách hàng, doanh thu và lợi nhuận cho các chuỗi CHBL.

Thứ tư, chuỗi CHBL ĐTDĐ cần tăng cường giám sát, thanh kiểm tra hoạt động bán lẻ tại các cửa hàng, có chính sách khuyến khích, thi đua bán hàng, đồng thời cần điều chỉnh những hoạt động kém hiệu quả. Ngoài việc thực hiện kiểm tra, chấm điểm các cửa hàng thành viên, các chuỗi CHBLĐTDĐ nên thực hiện chấm điểm thi đua đối với các nhân viên bán hàng. Các doanh nghiệp cần lập ra ban thanh tra để thực hiện công tác chấm điểm thi đua hàng tháng. Việc chấm điểm thi đua cần thực hiện theo địa bàn.

Thứ năm, tiêu chuẩn hóa, đồng bộ hóa trong xây dựng và phát triển các cửa hàng thuộc chuỗi CHBL. Các CHBL kinh doanh theo chuỗi cần bảo đảm chất lượng đồng bộ, đồng đều giữa các cửa hàng thuộc chuỗi. Do đó, tiêu chuẩn hóa các hoạt động phát triển của chuỗi cửa hàng cũng là cách để chất lượng của toàn chuỗi được đồng bộ, khẳng định thương hiệu của chuỗi CHBL. Các tiêu chuẩn cần được áp dụng nghiêm ngặt và kiểm tra thường xuyên nhằm đảm bảo các CHBL tuân thủ các tiêu chuẩn chung. Các tiêu chuẩn hóa cũng giúp cho hoạt động quản lý các CHBL thuận tiện và hiệu quả hơn.

Thứ sáu, các chuỗi CHBL ĐTDĐ cần đa dạng hóa các hình thức bán hàng. Chuỗi CHBL ĐTDĐ cần vận dụng nhiều phương pháp bán hàng khác nhau ở các CHBL: Bán hàng theo truyền thống tại quầy hay phương pháp bán hàng phi cửa hàng. Các chuỗi CHBL ĐTDĐ cần từng bước phát triển các phương pháp bán hàng phi cửa hàng và bán hàng theo hình thức marketing trực tiếp.

Thứ bảy, các chuỗi CHBL ĐTDĐ tăng cường hoạt động quản trị và kết nối trong toàn chuỗi. Quản lý hoạt động của chuỗi CHBL ĐTDĐ cần tập trung vào các hoạt động: phát triển triết lý và định hướng kinh doanh mua sắm, phát triển nguồn cung ứng, phát triển cơ sở dữ liệu, phát triển các tiêu chuẩn hàng hóa, tiêu chuẩn dịch vụ, phát triển quản trị vận hành và kế hoạch nguồn lực của toàn chuỗi. Tuy nhiên, các tác nghiệp hàng ngày, cần được quản lý và thực hiện vừa có tính tập trung vừa có tính phân quyền, với trọng tâm là đưa ra chỉ dẫn và chính sách thực hiện các tác nghiệp.

Thứ tám, các chuỗi CHBL ĐTDĐ cần tăng cường năng lực cạnh tranh và tính cam kết đối với khách hàng. Các chuỗi CHBL cần biết được nhu cầu của khách hàng, cần nắm bắt được khách hàng đang thiếu gì và đang cần gì để đáp ứng kịp thời. Hơn nữa, theo tâm lý thông thường, các khách hàng sẽ yên tâm và tự tin hơn khi lựa chọn sản phẩm của chuỗi nếu như được chuỗi bán lẻ tăng cường cam kết và bảo đảm về chất lượng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Công Thương (2012), Phê duyệt “Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, Quyết định số 6184/QĐ-BCT.

2. Bộ Thương mại (2004), Ban hành Quy chế siêu thị và trung tâm thương mại, Quyết định số 1317/2004/QĐ-BTM.

3. Bộ Thương mại (2004), Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1371/QĐ-BTM ban hành Quy chế Siêu thị - Trung tâm Thương mại, Công văn số 0529 /TM-TTTN.

4. Hans Jrn Juhl, Kai Kristensen, Peder #stergaard (2002), Customer satisfaction in European food retailing, Journal of Retailing and Consumer Services 9, 327-334q Emerald Group Publishing Limited ISSN0960-4529.

5. Hayward WS, White P, Fleek HS, Mac Intyre H (1922). Chain stores: Their management and operation. New York: McGraw-Hill.

6. Jillian C Sweeney, Geoffrey N Soutar, Lester W Johnson (1997), Retail Service Quality and Perceived Value, Journal of Retailing and Consumer Services, Vol 4, No1, pp.39-48.

7. Leonard L. Berry (2013), Chín yếu tố quyết định điểm mười trong kinh doanh, NXB Lao động - Xã hội.

8. Michael Bergdahl (2008), Bài học thương trường từ Sam Walton, NXB Tri Thức.

MOBILE PHONES CHAIN STORES DEVELOPMENT IN HANOI

VU VAN VIET

Hanoi Publishing House

ABSTRACT:

Nowadays, the development of modern retail sector has provided a wide range of products to meet the increasingly diverse needs of consumers. After more than 25 years of implementing the Party and the States policies of opening and integrating into the regional and global economies, the economies of major cities in Vietnam have grown rapidly including the development of chain businesses along with the development of Vietnam. By studying primary and secondary data, this study pointed out a number of factors affecting the development of chain businesses, such as market situation, consumer behavior, selecting and developing market, technological structure. Based on theoretical reasoning and results of the study, the study also proposed some solutions to assit the development of mobile phones chain stores in Hanoi.

Keywords: Mobile phones chain stores, mobile phones chain stores development, business model, chain stores, store.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây