Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với du lịch tỉnh Kiên Giang

TS. NGUYỄN VĂN TUYÊN (Trưởng Bộ môn Kinh tế học - Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Lao động Xã hội (Cơ sở 2), Tp. Hồ Chí Minh).
TÓM TẮT:
Kiên Giang là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long với điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên phong phú, rất thuận lợi trong việc phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Kiên Giang có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng và nhiều di tích lịch sử đã từng đi vào thi ca. Với những lợi thế về các tiềm năng này, trong những năm gần đây, tỉnh Kiên Giang đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch, xem du lịch là một trong những ngành kinh tế động lực của tỉnh. Bài viết này phân tích, đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngành du lịch tại tỉnh Kiên Giang.
Từ khóa: Kiên Giang, du lịch, nhân lực, chất lượng cao.

1. Đặt vấn đề
Kiên Giang được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng, là một trong số ít tỉnh tại đồng bằng sông Cửu Long có cả đồng bằng, rừng, núi, biển và các hải đảo với nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản... Không chỉ vậy, Kiên Giang còn được biết đến là một trung tâm du lịch nổi tiếng với nhiều danh lam, thắng cảnh như "Non nước Hà Tiên", "Biển trời Phú Quốc"… với nhiều núi non, hang động, chùa chiền, lăng mộ, đảo gần xa và nhiều di tích lịch sử như rừng U Minh, Hòn Đất, Hà Tiên, Phú Quốc...
Trong giai đoạn hiện nay, cùng với các ngành nghề khác, ngành Du lịch Kiên Giang đã và đang phát triển, chiếm tỷ trọng cao trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đem lại nguồn thu nhập lớn cho tỉnh, tạo công ăn, việc làm cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng; du lịch còn đóng vai trò quan trọng kéo theo sự phát triển các ngành dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật; là nhân tố thúc đẩy hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa; tạo ra diện mạo, hình ảnh đẹp, ấn tượng của một vùng đất, con người Kiên Giang. Để du lịch phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế động lực, kéo theo sự phát triển của các ngành nghề khác trong tỉnh, thì việc đầu tư, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu cho sự phát triển ngành Du lịch tại tỉnh Kiên Giang là rất quan trọng và cần thiết.
2. Tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch tại tỉnh Kiên Giang
2.1. Tiềm năng phát triển du lịch
Kiên Giang được thiên nhiên ưu đãi, nhiều tiềm năng, lợi thế vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên: đồng bằng, rừng, biển, đảo để phát triển một nền kinh tế toàn diện cả về nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ mà đặc biệt là du lịch.
Kiên Giang có bờ biển dài hơn 200 km, với trữ lượng hải sản dồi dào và đa dạng, có nhiều hòn đảo thơ mộng và hoang sơ như Kiên Hải, Phú Quốc và Thổ Chu, với nhiều bãi tắm đẹp; danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử hấp dẫn, như: Hòn Chông, Hòn Trẹm, Hòn Phụ Tử, Chùa Hang, Núi Moso, Mũi Nai, Thạch Động, Lăng Mạc Cửu, Đông Hồ ở Hà Tiên, Bãi Dương, Dinh Cậu ở Phú Quốc… Theo quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam, Kiên Giang thuộc vùng du lịch IV, với tiềm năng du lịch đặc trưng là phong cảnh biển đẹp và sông nước hữu tình; sinh thái rừng ngập U Minh Thượng; sinh thái sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long… có thể tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng.
Kiên Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch lịch sử với nhiều vùng là căn cứ cách mạng như rừng U Minh, Hòn Đất, Hà Tiên, Phú Quốc… với những anh hùng như Nguyễn Trung Trực, Chị Sứ… trong các thời kỳ đấu tranh và xây dựng đất nước. Kiên Giang cũng có tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, lễ hội truyền thống, tâm linh của cộng đồng các dân tộc. Đặc biệt, nền văn hóa Óc Eo của người Việt cổ và nền văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer và Hoa đã tạo ra nét văn hóa Việt - Khmer - Hoa đặc trưng vùng phía Tây Nam của Tổ quốc.
2.2. Thực trạng phát triển du lịch
Trong những năm vừa qua, ngành Du lịch Kiên Giang đã có những bước đột phá. Cụ thể là bên cạnh việc đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường kinh doanh, ngành Du lịch đã nỗ lực trong việc đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ thu hút khách du lịch và phát triển bền vững trong tương lai. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 200 tài nguyên du lịch được đưa vào khai thác phục vụ du lịch, với 52 di tích được công nhận. Trong đó, 01 di tích được công nhận cấp quốc gia đặc biệt, 21 di tích được công nhận cấp quốc gia và 30 di tích thuộc cấp tỉnh. Các khu, điểm đến du lịch đã được đầu tư tích cực về cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí cho khách du lịch.
Trong giai đoạn 2012 - 2017, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đã tích cực khảo sát, xây dựng và triển khai nhiều loại hình du lịch phong phú và đa dạng, chủ động liên kết với các doanh nghiệp ở một số địa phương trong cả nước để mở rộng thị trường, khai thác nguồn khách; tổ chức nhiều chương trình du lịch trong và ngoài nước cho người dân địa phương; hoạt động vận tải hành khách có nhiều cải tiến, các tuyến vận tải hành khách cố định, xe hợp đồng, taxi, xe buýt đã tích cực đầu tư trang thiết bị, phương tiện đảm bảo phục vụ khách du lịch. Phương tiện vận tải thủy đưa khách từ đất liền ra các đảo được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư tăng về số lượng và công năng. Bên cạnh những sản phẩm du lịch mang thế mạnh như tham quan, nghỉ dưỡng biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, lịch sử, du lịch lễ hội, du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo…, ngành Du lịch tỉnh đã và đang bước đầu xây dựng, đầu tư phát triển nhiều loại sản phẩm du lịch mới, độc đáo nhằm thu hút hơn nữa khách du lịch.
Cũng trong giai đoạn này (2012 - 2017), tỉnh Kiên Giang cũng đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội, các giải thể thao, hội nghị, hội thảo mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, góp phần thu hút khách đến với Kiên Giang. Đặc biệt năm 2016, Kiên Giang đăng cai tổ chức thành công “Năm du lịch quốc gia” với 65 hoạt động. Trong đó, 9 hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức; 19 hoạt động do tỉnh Kiên Giang chủ trì tổ chức và 37 hoạt động do 06 tỉnh, thành phố liên kết, hưởng ứng tổ chức.
Nhờ sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú và đặc trưng, lượng khách du lịch đến với Kiên Giang có xu hướng tăng, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 12,2%. Trong đó, lượng khách du lịch tăng đột biến từ năm 2016 - năm Kiên Giang đăng cai tổ chức: “Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long”, với chủ đề “Khám phá đất phương Nam”. Nếu năm 2016, Du lịch Kiên Giang đón trên 5,6 triệu lượt khách, trong đó 309.700 lượt khách quốc tế, thì năm 2017, Kiên Giang đón 6.079.179 lượt khách đến tham quan du lịch (tăng 7,8% so với cùng kỳ, vượt 4,5% so với kế hoạch năm), trong đó khách quốc tế là 368.207 lượt (tăng 18,9% so với cùng kỳ, vượt 2,3% so với kế hoạch năm), khách tham quan các khu, điểm du lịch là 3.165.053 lượt (tăng 7,1% so với cùng kỳ, vượt 5,5% so với kế hoạch năm), khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 2.914.126 lượt (tăng 8,6% so với cùng kỳ, vượt 3,3% so với kế hoạch năm). Nhìn chung, trong giai đoạn 2012 - 2017, tỉnh Kiên Giang đã đón tiếp và phục vụ cho 27.001.537 lượt khách, trong đó có 1.403.126 lượt khách quốc tế.Năm 2018, hoạt động du lịch tỉnh Kiên Giang có nhiều khởi sắc. Trong 06 tháng đầu năm 2018, Kiên Giang đón trên 3,529 triệu lượt khách, tăng 18,7% so cùng kỳ. Trong đó, có 2.215.019 lượt khách tham quan các khu, điểm du lịch, tăng 24% so với cùng kỳ; khách lưu trú đạt 1.535.727 lượt, tăng 17% so cùng kỳ; doanh thu đạt trên 3.023 tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2017. Theo kế hoạch năm 2018, Kiên Giang dự kiến đón 495.000 lượt khách quốc tế đến tham quan du lịch, tăng 34,4% so với năm trước. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, ngành Du lịch Kiên Giang sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra (Trần Linh, 2018). Khách du lịch quốc tế đến Kiên Giang đến từ khắp nơi trên thế giới mà nhiều nhất là từ Mỹ (chiếm hơn 17% tổng lượng khách quốc tế), còn lại lần lượt đến từ các nước: Đức, Pháp, Úc, Trung Quốc, Thụy Điển, Hàn Quốc, Anh, Canada, Nga, Nhật Bản, Campuchia, Đan Mạch.
Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, hệ thống các cơ sở lưu trú cũng được các địa phương trong tỉnh quan tâm đầu tư phát triển với tốc độ nhanh: Nếu tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 506 cơ sở lưu trú với 14.739 phòng, trong đó khách sạn từ 3 - 5 sao có 3.455 phòng thì đến nay (06 tháng đầu năm 2018), Kiên Giang tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa các dự án nghỉ dưỡng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng của khách du lịch, nâng tổng số 520 cơ sở lưu trú với 16.538 phòng. Nhìn chung, hầu hết cơ sở lưu trú trong tỉnh có chất lượng khá tốt, đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch ngay trong mùa cao điểm hoặc những ngày diễn ra các sự kiện lớn vào các năm. Ngày lưu trú bình quân đạt 1,7 ngày...
Hoạt động lữ hành, có bước phát triển, tính đến nay có 97 cơ sở kinh doanh lữ hành hiện, trong đó có 12 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Các đơn vị kinh doanh lữ hành trong tỉnh đã tổ chức và phát triển nhiều tuyến du lịch du lịch mới đến các quần đảo Nam Du, Hải Tặc, Bà Lụa.
Về đầu tư du lịch, đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 286 dự án đầu tư du lịch tại 04 vùng du lịch trọng điểm với tổng diện tích trên 9.500 hecta, tổng vốn đầu tư là 332.600 tỷ đồng. Riêng Phú Quốc đã thu hút 233 dự án, với diện tích 8.439 hecta, tổng vốn đầu tư trên 323.000 tỷ đồng.
Về giao thông, tỉnh Kiên Giang có hệ thống giao thông phong phú, bao gồm đường bộ, hệ thống đường thủy và đường hàng không thuận tiện trong việc phục khách du lịch. Rạch Giá - trung tâm hành chính tỉnh Kiên Giang, cách Cần Thơ 116 km, cách Mỹ Tho 182km và cách Tp. Hồ Chí Minh 250km. Hiện tỉnh hiện có 3 sân bay là Rạch Giá, Phú Quốc và Hà Tiên với 09 chuyến bay/ tuần từ Tp. Hồ Chí Minh tới sân bay Rạch Giá và 34 chuyến bay/ tuần tới sân bay Phú Quốc. Đặc biệt, trên địa bàn của tỉnh Kiên Giang có 03 Cửa khẩu quốc tế: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cửa khẩu quốc tế đường biển: Cảng An Thới - Phú Quốc và Cửa khẩu quốc tế đường bộ Hà Tiên. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Kiên Giang mở rộng phát triển du lịch quốc tế.
Ngoài ra, nhiều công trình đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển du lịch được hoàn thành và đã đưa vào khai thác như hệ thống cấp nước, khu xử lý rác thải, nước thải,...; các công trình đầu tư kết cấu hạ tầng tại các khu, điểm du lịch đã và đang triển khai đầu tư như đường vào hang Tiền (huyện Kiên Lương); đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu di tích lịch sử thắng cảnh núi Mo So và hồ Hoa Mai; cải thiện vệ sinh môi truờng khu du lịch Chùa Hang - Phụ Tử; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch Nũi Nai và khu du lịch Thạch Động, Đá Dựng thị xã Hà Tiên,...
Hiệu quả kinh tế của du lịch, tổng doanh thu xã hội từ du lịch của Kiên Giang cả giai đoạn năm 2012 - 2017 đạt 14.257,174 tỷ đồng, trong đó phần lớn là doanh thu từ các dịch vụ phục vụ hoặc những dịch vụ kéo theo từ du lịch chiếm tới 95,05% và doanh thu của các điểm đến, các khu du lịch chỉ chiếm 4,95% tổng doanh thu xã hội hóa từ du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng doanh thu xã hội hóa từ du lịch hàng năm là 43,6%. Theo thống kê doanh thu xã hội từ du lịch giai đoạn 2012 - 2017 cho thấy, tổng doanh thu tăng nhanh vào các năm 2015, năm 2016 và đặc biệt là 2017, do vào các năm này, du lịch Kiên Giang đã có những thay đổi lớn về diện mạo, các công trình được xây dựng mới, nâng cấp khang trang hơn, doanh thu du lịch năm 2015 tăng hơn gấp 1,6 lần so với năm 2014. Đặc biệt, trong năm 2016, doanh thu đạt đến 3.671,047 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần so với năm 2015. Năm 2017, tổng doanh thu đạt trên 4.582 tỷ đồng (tăng 24,8% so với cùng kỳ, vượt 20,6% so với kế hoạch năm). Theo Sở Du lịch Kiên Giang (2018), riêng 06 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu xã hội từ du lịch đã đạt trên 3.023 tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ, đạt 51,2% kế hoạch năm. Để ngành Du lịch tỉnh Kiên Giang thật sự mạnh và bền vững trong tương lai, nhằm khai thác triệt để tiềm năng, đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của tỉnh, thì ngành cần có một định hướng chiến lược lâu dài.
Về phát triển nguồn nhân lực, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số3266/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 về việc phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đề án đề ra giải pháp và lộ trình thực hiện các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực, nguồn nhân lực du lịch tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tập trung đào tạo đội ngũ quản lý nhà nước, giáo viên đào tạo du lịch, lao động của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư sinh sống trong và ngoài các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đảm bảo về số lượng và chất lượng. Mục tiêu cụ thể của đề án cũng đã đề ra đến năm 2020, cả tỉnh có từ 22.000 - 25.000 lao động; năm 2030 có khoảng 33.000 - 35.000 lao động. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành Du lịch đạt khoảng 50 - 55% (khoảng 11.000 –13.750 lao động) vào năm 2020 và 75 - 85% (khoảng 24.500 - 29.750 lao động) vào năm 2030.
Trong những năm gần đây, tỉnh Kiên Giang đã chú trọng vào công tác đào tạo nghề, xây dựng phát triển hệ thống các trường đào tạo nghề theo quy hoạch đáp ứng nhu cầu học nghề trên địa bàn tỉnh với 3 cấp trình độ là cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề gắn với dạy nghề dưới 3 tháng. Đến nay, toàn tỉnh có 27 cơ sở tham gia đào tạo nghề, bao gồm, 04 Trường Cao đẳng, 06 Trường Trung cấp, 04 Trung tâm dạy nghề và 13 cơ sở khác tham gia dạy nghề của tỉnh. Ngoài ra, đặc biệt phải kể đến Đại học Kiên Giang, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, Cao đẳng Nghề, Cao đẳng Cộng đồng là 04 trường có đào tạo chuyên ngành Du lịch. Nhờ vậy, trong thời gian qua, các trường đã cung cấp 4.334 lao động cho ngành Du lịch của tỉnh, bao gồm 1.279 lao động được các doanh nghiệp như Vinpearl, Sài Gòn - PQ, Ngọc Nhân, Thiên Thanh đặt hàng. Phần lớn các cơ sở đào tạo du lịch trên địa bàn tỉnh đã xây dựng chương trình giảng dạy đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, một số trường nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy đạt tiêu chuẩn và hiện đại.
Tính từ năm 2012 đến hết tháng 05/2017, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 144.185 lao động, bao gồm 1.589 lao động được đào tạo ở trình độ cao đẳng; 3.661 lao động ở trình độ trung cấp; 27.980 lao động sơ cấp và số lao động được đào tạo nghề dưới 03 tháng là 110.955. Các cơ sở dạy nghề này đã đào tạo chuyên ngành phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh cho 11.534 lao động, gồm các nghề: phục vụ buồng, phục vụ bàn, lễ tân, nấu ăn, trong các nhà hàng, khách sạn; hướng dẫn viên du lịch, sửa chữa điện, nước, thuyền trưởng, máy trưởng...
Ngành Du lịch phát triển đã góp phần thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 8.100 lao động trực tiếp phục vụ ngành Du lịch, bao gồm: lĩnh vực lưu trú, lữ hành khoảng 7.512 lao động,lĩnh vực khu, điểm du lịch 588 lao động và khoảng 16.500 lao động gián tiếp. Trong đó, có khoảng 65% số lao động trực tiếp (khoảng 5.250 lao động) đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ. Đối với đội ngũ công chức, viên chức chuyên trách quản lý nhà nước về du lịch, hiện nay, toàn tỉnh có 26 công chức, viên chức đang công tác tại Sở Du lịch và 35 công chức, viên chức đang công tác tại các huyện, thị, thành phố. Trong đó, 80% công chức, viên chức đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về Du lịch.
Như vậy, để đạt được mục tiêu của “Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030” đã đặt ra thì đến năm 2020, ngành Du lịch Kiên Giang cần khoảng 5.750 -8.500 lao động trực tiếp và con số này sẽ khoảng 19.250 - 24.500 lao động chuyên ngành phục vụ trực tiếp ngành Du lịch đến năm 2030. Đây là một trong những thách thức rất lớn đối với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và ngành Du lịch Kiên Giang.
3. Đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với Du lịch tỉnh Kiên Giang
Trong những năm gần đây, ngành Du lịch Kiên Giang đã có nhiều bước đột phá và đạt được những thành tựu rất đáng được ghi nhận. Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa không ngừng tăng cao. Sự đầu tư lớn mạnh vào cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch đã làm thay đổi căn bản diện mạo ngành Du lịch tỉnh Kiên Giang. Để du lịch phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong những nhân tố không thể thiếu trong sự góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh Kiên Giang.
Thứ nhất, chất lượng dịch vụ du lịch nói riêng và các lĩnh vực dịch vụ nói chung phụ thuộc phần lớn vào con người; không có nhân tố con người thì dịch vụ không thể thực hiện. Vì vậy, các chủ thể kinh doanh du lịch cần xác định nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng quyết định kết quả kinh doanh, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ du lịch có tính đặc thù so với các ngành khác. Dịch vụ du lịch chỉ có thể hoàn thiện khi có sự tham gia trực tiếp của đội ngũ nhân viên. Hơn nữa, dịch vụ du lịch bao gồm nhiều khâu và những khâu này khó có thể áp dụng những máy móc, công nghệ nhằm tự động hóa, mà cần có sự hiện diện trực tiếp của nhân viên. Thời gian lao động phụ thuộc vào đặc điểm và thời điểm tiêu dùng của khách du lịch. Do đó, đòi hỏi nhân viên phải thường xuyên có mặt để giải quyết những nhu cầu cho khách bất cứ thời điểm nào. Nhân viên được bố trí theo mức độ chuyên môn hóa cao và tổ chức theo từng bộ phận chức năng riêng biệt, do vậy dịch vụ du lịchmang tính kỹ thuật cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Ngoài việc thỏa mãn những nhu cầu một cách nhanh chóng, các nhân viên phải đảm bảo về yêu cầu chất lượng cao. Sự chênh lệch về trình độ chuyên môn của nhân viên giữa các bộ phận rất lớn: các nhân viên thuộc bộ phận văn phòng, lễ tân… thường có trình độ cao hơn các bộ phận lao động trực tiếp như bảo vệ, vệ sinh…
Mặt khác, nhân viên đòi hỏi phải chịu được áp lực lớn từ môi trường công việc. Làm việc trong ngành du lịch, nhân viên thường phải tiếp xúc với nhiều đối tượng với những tính cách và hành vi tiêu dùng khác nhau. Do đó, khi tiếp xúc với khách, đòi hỏi nhân viên phục vụ phải có nhiều cách giao tiếp khác nhau để phù hợp với từng đối tượng khách du lịch. Kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch đòi hỏi phải có nguồn nhân lực với những đặc trưng rất cao và đóng vai trò rất quan trọng. Các điểm đến, các khu du lịch phải phân công nhân viên túc trực 24/24 để phục vụ khách mọi lúc, mọi nơi khi cần, phân công nhân viên một cách hợp lý, khoa học đảm bảo đúng chuyên môn, nghiệp vụ và luôn luôn phải có chế độ chăm sóc sức khỏe thường xuyên.
Thứ hai, đối với ban ngành quản lý các cấp, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, chính sách nhà nước đối với sự phát triển nguồn nhân lực cho ngành Du lịch: hoàn thiện và quản lý bằng hệ thống cơ sở dữ liệu để có thể dễ dàng thống kê chính xác nhằm dự báo xu hướng phát triển về nguồn nhân lực của ngành. Các ban, ngành thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực của Đảng và Nhà nước, tạo hành lang pháp lý cho công tác phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng mục tiêu, chiến lược đào tạo cụ thể phát triển nguồn nhân lực cho ngành Du lịch, từ đó, quy hoạch và xây dựng mạng lưới đào tạo hiện đại, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao thông qua việc nâng cấp các cơ sở đào tạo, tăng cường và hỗ trợ về cơ sở vật chất và năng lực cho các cơ sở đào tạo; Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ngành Du lịch và vai trò của nguồn nhân lực đối với ngành, cũng như vai trò của ngành đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Thứ ba, đối với các cơ sở đào tạo, việc nghiên cứu và nắm bắt chiến lược, chương trình phát triển du lịch là rất cần thiết trong việc đưa ra chiến lược, mục tiêu và chương trình đào tạo cho phù hợp. Thường xuyên nghiên cứu nhu cầu lao động của các doanh nghiệp để xây dựng chiến lược đào tạo cụ thể, xác định quy mô, cơ cấu ngành để đào tạo cho phù hợp; Tích cực cập nhật, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại phù hợp với nhu cầu thực tế xã hội, tăng cường các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng “mềm”, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ, tin học cho học viên đáp ứng nhu cầu về hội nhập quốc tế. Các cơ sở đào tạo cần liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, tạo điều kiện để học viên có nhiều cơ hội thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp đó. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh hơn nữa việc mở rộng liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường, cơ sở hay các tổ chức quốc tế. Tranh thủ sự tài trợ, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành.
Thứ tư, với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đội ngũ nhân viên, liên quan đến con người trong công việc và các quan hệ của họ với khách du lịch, nên sở hữu được một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng trong sự thành công của doanh nghiệp. Để có được đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, trước hết, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần phải xác định các quy chế, chính sách về tuyển dụng và sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế của mình, đảm bảo tuyển dụng được đội ngũ lao động có trình độ, kinh nghiệm, ngoại ngữ, sức khỏe, độ tuổi và hình thức phù hợp với từng vị trí công việc. Để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, các doanh nghiệp cần nâng cao các chế độ ưu đãi về vật chất lẫn tinh thần, tạo môi trường làm việc tốt, các cơ hội thăng tiến… cho nhân viên.
Mặt khác, để nâng cao chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực du lịch bằng cách cung cấp cho khách du lịch một giá trị cao nhằm thu hút khách thì các doanh nghiệp nên xem nhân viên là nguồn lực quan trọng hàng đầu cần chú trọng đầu tư và phát triển mạnh. Doanh nghiệp nên tập trung mạnh đầu tư vào lĩnh vực này vì sự đầu tư này rất ít tốn kém, nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc nâng chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách hàng. Ngoài việc đào tạo, hướng dẫn, tập huấn, các doanh nghiệp nên thường xuyên tổ chức cho nhân viên du lịch, tham quan, một mặt tạo ra sự gắn bó, đoàn kết nội bộ đồng thời nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên, mặt khác, khi đóng vai trò là một khách du lịch, nhân viên mới hiểu hết những tâm tư, tình cảm, nắm bắt được những nguyện vọng, nhu cầu của khách, từ đó biết cách tôn trọng và dành cho khách những tình cảm ưu ái đặc biệt.
Thứ năm, đối với bản thân nhân viên phải nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của mình trong công việc để thường xuyên trau dồi, học hỏi các kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và nhất là các kỹ năng giao tiếp với khách, phải nắm bắt được nhu cầu để đáp ứng cho họ. Nhân viên phải có trách nhiệm xem công việc chung như là công việc của cá nhân, phải tận tụy trong công việc được giao và giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp trong mọi công việc. Ngoài ra, nhân viên cần phải thật sự yêu nghề, đam mê công việc vì chỉ có đam mê thì con người mới có động lực tìm tòi, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm để bổ sung nâng cao kiến thức nghề nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Trần Linh (2017), “Khách quốc tế đến Phú Quốc tăng hơn 25%”, Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Du lịch, ngày 25/09/2017.
2. Trần Linh (2018), “6 tháng đầu năm 2018: khách quốc tế đến Kiên Giang tăng mạnh”, Thông tin của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang, đăng ngày 12/07/2018.
3. Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang (2013), “Kế hoạch Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2020”, Số: 43/KH-UBND ngày 24/04/2013.
4. Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang (2015), “Quyết định về việc phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030”,Số 3266/QĐ-UBND, ngày 30/12/2015.
5. Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang (2017), Dự thảo: “Báo cáo Sơ kết thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 27/02/2013 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2020”.
6. http://kitra.com.vn/index.php?option=com_k2&view=item&id=4026:6-thang-dau-nam-2018-khach-quoc-te-den-kien-giang-tang-manh&Itemid=178&lang=vi
7. https://sodulich.kiengiang.gov.vn/Trang/TrangChu.aspx
8. http://vanphong.kiengiang.gov.vn/index2.jsp?menuId=370&articleId=33681
9.http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/24916

DEVELOPING HIGH QUALITY HUMAN RESOURCES FOR THE TOURISM DEVELOPMENT OF KIEN GIANG PROVINCE

Ph.D Nguyen Van Tuyen
Head of Department of Economics, Faculty of Business Management
University of Labour and Social Affairs

Abstract:
The Mekong Delta province of Kien Giang has a variety of favourable natural conditions and resources for economic development. In addition, the province also has a lot of famous tourist attractions and historical sites that have been mentioned in many songs and poems. Thanks to its potential advantages, Kien Giang Province has been boosting its tourism development. Kien Giang Province considers the tourism sector as the provincial economic driving force. This paper is to analyze and evaluate the potential and the current tourism development of Kien Giang Province. Based on analyses, the paper proposes some feasible solutions to improve the quality of Kien Giang Provinces human resources to aid the provincial tourism development.
Keywords: Kien Giang Province, tourism, human resources, high quality.