Phát triển sản xuất, chế biến cà phê Việt Nam theo chuỗi giá trị

Hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, ngành cà phê Việt Nam cần phát triển theo chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu.
Phát triển sản xuất, chế biến cà phê Việt Nam theo chuỗi giá trị
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, thời gian tới, ngành cà phê Việt Nam cần phát triển theo chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với thương mại, phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh trong Lễ kỷ niệm Ngày cà phê Việt Nam lần thứ 4 năm 2020 và 30 năm gia nhập Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) và thành lập Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, diễn ra sáng ngày 15/1 tại TP. Hồ Chí Minh.

Cà phê được trồng ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19. Sau khi thống nhất đất nước, với chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, cây cà phê đã được lựa chọn trồng trên đất đỏ Bazan ở nhiều tỉnh Tây Nguyên và Miền núi.

Theo ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), cách đây 30 năm, VICOFA được thành lập theo theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại (nay là Bộ Công Thương). Một năm sau đó, cũng theo đề xuất của Bộ Công Thương, Hiệp hội đã gia nhập và trở thành một thành viên tích cực của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO).

Qua 3 thập kỷ xây dựng và phát triển, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc tập hợp và đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân sản xuất, chế biến, xuất khẩu, nghiên cứu và đào tạo, cung ứng dịch vụ cho ngành cà phê, ca cao trên phạm vi cả nước, hỗ trợ sự tăng trưởng của ngành cà phê Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, cà phê trong những năm gần đây nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam. Đây cũng là cây trồng quan trọng của người dân khu vực Tây Nguyên khi đóng góp khoảng 30% GDP của khu vực này.

Trong thời gian qua hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) phát triển thị trường cho sản phẩm cà phê đã được chú trọng và đẩy mạnh.

xuất khẩu cà phê
Cà phê Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn

Trong khuôn khổ Chương trình XTTM quốc gia, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương có thế mạnh về sản phẩm cà phê, các tổ chức và doanh nghiệp triển khai các hoạt động XTTM hỗ trợ ngành cà phê như Lễ hội Cà phê, Chương trình Ngày Cà phê Việt Nam, Hội nghị đón các nhà nhập khẩu quốc tế tới giao dịch thương mại, tổ chức cho các doanh nghiệp ngành cà phê tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành nông sản, thực phẩm trong và ngoài nước…

“Thông qua các hoạt động xúc tiến quảng bá này, Việt Nam mong muốn người tiêu dùng trên thế giới không chỉ được thưởng thức những sản phẩm cà phê chế biến có chất lượng cao mà còn được trải nghiệm những giá trị văn hóa vùng miền đặc sắc của Việt Nam” Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.

Hiện nay, sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam bình quân đạt 1,5 - 1,8 triệu tấn năm, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng trong những năm qua đạt trên 3 tỷ USD.

Với vị trí thứ hai về giá trị xuất khẩu, cà phê Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như Đức, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý, Bỉ và Anh và các thị trường mới nổi như: Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Thailand…

Thị trường cà phê nội địa phát triển mạnh với sự có mặt của khoảng 300.000 quán cà phê trên cả nước, trong đó nhiều thương hiệu bán lẻ cà phê Việt được người tiêu dùng ưa thích.

Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới tuy nhiên giá trị xuất khẩu cà phê chưa tương xứng với tiềm năng.

Để nâng cao giá trị và hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần phát triển ngành cà phê Việt Nam theo hướng chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, hướng tới xây dựng chuỗi giá trị cà phê bền vững.

PV