TÓM TẮT:
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, thương mại điện tử Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh hơn. Tuy nhiên, những trở ngại lớn vẫn không thay đổi, bao gồm: lòng tin của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến còn thấp, thanh toán trực tuyến chưa phổ biến, dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chưa theo kịp nhu cầu. Bên cạnh đó, thương mại điện tử xuyên biên giới và bán hàng đa kênh đang nổi lên nhanh chóng. Đồng thời, sự khác biệt lớn giữa các địa phương về hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, tên miền, thu nhập bình quân đầu người đã góp phần tạo ra khoảng cách rất lớn trong chỉ số thương mại điện tử. Để thu hẹp khoảng cách này, đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực to lớn của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức liên quan tới thương mại, đầu tư, công nghệ thông tin và truyền thông. Bài viết phân tích về sự phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Thương mại điện tử, Việt Nam.
1. Tình hình sử dụng internet ở Việt Nam
Tính đến tháng 1/2017, Việt Nam có 50,05 triệu người dùng internet chiếm 53% dân số, tăng 6% so với năm 2016. Số người dùng internet được xem là ở mức cao trên thế giới, tuy nhiên tỉ lệ người dùng vẫn ở mức trung bình. Việt Nam có đến 46 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 48% dân số.
Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ (TMĐT và CNTT) có 10% số người tham gia khảo sát cho biết, thời lượng sử dụng internet mỗi ngày là dưới 3 giờ. 36% số người tham gia khảo sát sử dụng internet từ 3 - 5 giờ mỗi ngày.
Máy tính xách tay và điện thoại di động tiếp tục là phương tiện phổ biến nhất được người truy cập internet sử dụng, với tỷ lệ tương ứng là 75% và 65%. Số lượng người dân truy cập internet qua các thiết bị khác như máy tính bảng cũng tăng mạnh với 19% từ năm 2014 đến năm 2016. Máy tính để bàn từng là phương tiện phổ biến nhất năm 2010, chiếm 84% lượng người sử dụng; năm 2016 chỉ còn 33% người tham gia khảo sát tiếp cận qua phương tiện này. 90% số người khảo sát cho biết địa điểm truy cập internet thường xuyên là tại nhà. Địa điểm phổ biến thứ hai là nơi làm việc chiếm 48%. Các địa điểm công cộng, trường học, cửa hàng internet chiếm tỷ lệ tương ứng là 22%, 16% và 5%.
Cập nhật thông tin tiếp tục là mục đích sử dụng internet hàng ngày phổ biến nhất, tăng từ 87% năm 2015 và lên 93,5% năm 2016. Đa số người tham gia khảo sát sử dụng internet hàng ngày để tham gia các diễn đàn, mạng xã hội (81,2%), truy cập e-mail (73,8%), xem phim ảnh, nghe nhạc (64,8%) và nghiên cứu học tập (63,9%). Đối với các hoạt động như mua bán cá nhân, phần lớn người khảo sát có tần suất hoạt động hàng tháng (36,2%).
2. Tình hình tham gia thương mại điện tử
Kết quả khảo sát của Cục TMĐT và CNTT với người dân có mua sắm trực tuyến năm 2016 cho thấy, 58% số người truy cập internet đã từng mua hàng trực tuyến. Loại hàng hóa được mua trực tuyến phổ biến là đồ công nghệ và điện tử chiếm 60%, tăng 25% so với năm 2015. Các mặt hàng được người tiêu dùng trực tuyến ưa chuộng khác là quần áo, giày dép, mỹ phẩm (60%), sau đó đến đồ gia dụng (34%), sách và văn phòng phẩm (31%)…
3. Hiệu quả ứng dụng thương mại điện tử
Theo kết quả điều tra khảo sát năm 2016, có 6% người mua hàng trực tuyến trả lời rất hài lòng với phương thức mua hàng này; 41% người mua trả lời hài lòng, tăng đáng kể so với tỷ lệ 29% của năm 2015; 48% người mua cho biết cảm thấy bình thường và chỉ 5% số người được hỏi trả lời không hài lòng.
Giá trị sản phẩm dịch vụ người mua hàng chọn mua nhiều nhất là mức từ 1 đến 3 triệu đồng, chiếm 29%. Theo sau là mức trên 5 triệu đồng với 26% người chọn mua và mức được ít người chọn mua nhất là từ 3 đến 5 triệu đồng với 11%.
Theo kết quả khảo sát, 31% website TMĐT gặp khó khăn do nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển TMĐT, 25% website đánh giá việc khách hàng thiếu tin tưởng vào chất lượng hàng hóa hoặc lo ngại về vấn đề an toàn khi thanh toán trực tuyến gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, 22% website cho rằng chi phí cho dịch vụ vận chuyển giao nhận còn cao. Bên cạnh đó, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cũng gây khó khăn cho 20% website. Các trở ngại khác, như: khách hàng lo ngại về vấn đề thông tin cá nhân bị tiết lộ, mua bán; an ninh mạng chưa đảm bảo; khó khăn trong việc tích hợp thanh toán điện tử gây trở ngại ít hơn, ảnh hưởng tới khoảng 10 - 17% website TMĐT. (Biểu đồ 1). Trong số 38% người tham gia khảo sát chưa tham gia mua sắm trực tuyến và khi được hỏi về nguyên nhân chưa mua sắm trực tuyến, 50% cho biết không tin tưởng đơn vị bán hàng, 37% quan niệm mua tại cửa hàng tiện lợi và rẻ hơn, 26% không có thẻ tín dụng hoặc thẻ thanh toán qua mạng, 25% lo sợ lộ thông tin cá nhân. (Biểu đồ 2). Lý do khiến người dân chưa tham gia mua sắm trực tuyến, bao gồm: khó kiểm định chất lượng hàng hóa (78%), không tin tưởng người bán hàng (57%), không có đủ thông tin để ra quyết định (46%), không có thẻ tín dụng hoặc các loại thẻ thanh toán qua mạng (42%), cảm thấy mua ở cửa hàng dễ dàng và nhanh hơn (38%), cách thức mua hàng trực tuyến quá rắc rối (26%).
4. Tình hình vận hành website thương mại điện tử
Theo cuộc khảo sát được tiến hành hàng năm của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam năm cuối năm 2016, thì tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng webside không thay đổi nhiều so với các năm trước, vẫn ở mức 45%. (Biểu đồ 3). Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp đã chú trọng tới việc cập nhật thông tin thường xuyên lên website, đã có 54% doanh nghiệp cập nhật thông tin lên website hàng ngày so với tỷ lệ 50% năm 2015. (Biểu đồ 4). Các hình thức quảng cáo website TMĐT, mạng xã hội với ưu điểm số lượng người sử dụng cao, chi phí thấp đã trở thành một công cụ hữu hiệu để các doanh nghiệp sử dụng để quảng bá website TMĐT của mình (50%). Tiếp đến là công cụ tìm kiếm (47%) và báo điện tử (35%). Tuy nhiên, khi được hỏi về hiệu quả của việc quảng cáo website TMĐT qua các hình thức, 39% doanh nghiệp đánh giá cao việc quảng cáo qua các công cụ tìm kiếm, tiếp theo là mạng xã hội (28%).
5. Tình hình hoạt động của các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
Các website cung cấp dịch vụ TMĐT tham gia khảo sát bao gồm ba loại hình website: nhóm sàn giao dịch TMĐT với tỷ lệ 88%; nhóm website khuyến mại trực tuyến chiếm 16%; và nhóm
website đấu giá trực tuyến là 2%. 85% website cung cấp dịch vụ TMĐT tham gia khảo sát có nguồn vốn do doanh nghiệp tự đầu tư. Website có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 10%, số website còn lại được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn khác chiếm số lượng ít, tương ứng 5% và 2%.
Phí quảng cáo là nguồn thu chính của đa số website cung cấp dịch vụ TMĐT (70%). 56% website thu phí dựa trên giá trị đơn hàng. Các loại phí khác như phí tin nhắn, phí thành viên, phí tư vấn và phí dịch vụ gia tăng khác chiếm tỷ lệ nhỏ, dao động từ 13 - 27%. 81% các website tham gia khảo sát có cung cấp tiện ích lọc và tìm kiếm sản phẩm trên website. 76% có tích hợp chat yahoo hoặc skype, hỗ trợ trực tuyến đối với người tiêu dùng. Tích hợp mạng xã hội và tin nhắn SMS trên website cũng là tiện ích mới được doanh nghiệp quan tâm trong thời gian gần đây, với tỷ lệ tương ứng 53% và 50%.
Nhóm 5 mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên các website cung cấp dịch vụ TMĐT bao gồm: thời trang (44%); máy tính và mạng (43%); quần áo, giày dép, mỹ phẩm (43%); điện thoại (41%); hàng điện lạnh, thiết bị gia dụng (25%).
Tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô dưới 10 nhân sự chiếm 53% trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát. Số doanh nghiệp có từ 10 - 20 nhân sự và từ 20 - 100 nhân sự có tỷ lệ tương ứng 27% và 16%. Số doanh nghiệp có trên 100 nhân sự đạt khoảng 4%.
Trong số doanh nghiệp sở hữu website cung cấp dịch vụ TMĐT được khảo sát, khoảng 30% website đã hỗ trợ và tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến. 27% chấp nhận thanh toán qua thẻ Visa, Master Card, 25% qua đơn vị thanh toán trung gian và 10% tin nhắn SMS. 45% website hỗ trợ dịch vụ giao hàng và thu tiền sau (Cash on delivery - COD). Hình thức chấp nhận thanh toán khi mua hàng trực tiếp tại công ty là phổ biến, chiếm 75%. Trong khi đó, hình thức thanh toán bằng chuyển khoản vẫn được nhiều doanh nghiệp triển khai với tỷ lệ là 77%.
II. Hệ thống giải pháp phát triển thương mại điện tử nhằm năng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đến năm 2020
1. Đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT
Các giao dịch TMĐT, đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia tin học mạnh, thường xuyên bắt kịp các thành tựu công nghệ thông tin mới phát sinh để phục vụ cho TMĐT và có khả năng thiết kế các phần mềm đáp ứng các nhu cầu của kinh tế số hóa.
Mặt khác, đòi hỏi mỗi người tham gia TMĐT phải có khả năng sử dụng máy tính, có thể trao đổi thông tin một cách thành thạo trên mạng, có những hiểu biết cần thiết về thương mại, luật pháp…, nếu là ngoại thương thì còn phải hiểu luật pháp quốc tế và ngoại ngữ nữa. Bởi vậy, phải đào tạo các chuyên gia tin học và phải phổ cập kiến thức về TMĐT không những cho các doanh nghiệp, các cán bộ quản lý của nhà nước mà cho cả mọi người; đồng thời tuyên truyền về lợi ích của TMĐT để từng bước thay đổi tập quán, tâm lý của người tiêu dùng từ chỗ chỉ quen mua sắm trực tiếp tại các siêu thị, các chợ chuyển sang mua sắm qua mạng.
2. Xây dựng kết cấu hạ tầng cho TMĐT
TMĐT liên quan đến công nghệ thông tin, công nghệ viễn thông, mạng internet; công nghệ điện tử, điện lực cùng với hệ thống đào tạo, tiêu chuẩn công nghệ, nên kết cấu hạ tầng cho TMĐT gắn với kết cấu hạ tầng cho các lĩnh vực nói trên. Kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thông và mạng internet là ba điều kiện tiên quyết bảo đảm các dịch vụ thích hợp để phát triển TMĐT. Đồng thời, cần kết cấu hạ tầng công nghệ điện tử để tạo ra các thiết bị điện tử - tin học - viễn thông và điện lực cung cấp điện năng đầy đủ, ổn định, rộng khắp cho các phương tiện trên hoạt động.
3. Hoàn thiện môi trường pháp lý
Để TMĐT phát triển lành mạnh cần phải hoàn thiện môi trường pháp lý, thông qua việc ban hành và thực thi các đạo luật và các văn kiện dưới luật điều chỉnh các hoạt động thương mại, thích ứng với pháp lý và tập quán quốc tế về giao dịch TMĐT.
4. Phát triển các dịch vụ công phục vụ cho TMĐT
Kiến thức về TMĐT; tạo môi trường pháp lý; xây dựng kết cấu hạ tầng cho TMĐT và quản lý các giao dịch TMĐT để bảo vệ lợi ích của người tham gia mà còn phải phát triển các dịch vụ công nhằm thúc đẩy sự phát triển của TMĐT. Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công như hải quan điện tử; kê khai thuế và nộp thuế, làm các thủ tục xuất, nhập khẩu; đăng ký kinh doanh và các loại giấy phép chuyên ngành liên quan đến thương mại, giải quyết tranh chấp… trên mạng. Các cơ quan nhà nước phải ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm công, đấu thầu; gắn với cải cách hành chính, minh bạch hóa, nâng cao hiệu lực nền hành chính quốc gia, và xây dựng chính phủ điện tử. Ngân hàng Nhà nước cần tích cực triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt và tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến thanh toán điện tử, một khâu rất quan trọng trong hoạt động TMĐT. Theo thống kê của Vụ Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), hiện các website của các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu dùng để giới thiệu sản phẩm và dịch vụ, khoảng trên 20% số website nhận đặt hàng qua mạng internet, song chỉ có 3,2% cho phép thanh toán trực tuyến. Đây là một rào cản lớn nhất đối với phát triển TMĐT. Ti làchỉ có, tăng cường hơn nữa sự hợp tác khu vực và quốc tế trong phát triển TMĐT.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác khu vực và quốc tế này để thực hiện tốt các cam kết quốc tế về TMĐT; xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về trao đổi dữ liệu điện tử trong nước hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo cáo EBI 2017
2. https://www.webico.vn/tong-quan-thuc-trang-tinh-hinh-thuong-mai-dien-tu-o-viet-nam-hien-nay-nam/
3. http://startup.vitv.vn/tin-chu/23-05-2017/thuong-mai-dien-tu-2017-xu-huong-thuc-trang-va-giai-phap/8393
4. https://mona-media.com/tin-tuc/thuc-trang-tinh-hinh-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-2017/
5. http://enternews.vn/thuong-mai-dien-tu-viet-nam-tiem-nang-va-thach-thuc-107099.html
DEVELOPMENT OF E-COMMERCE IN VIETNAM
MA. TRAN THI KIM PHUONG
Faculty of Business Administration, University of Economic and Technical Industries
ABSTRACT:
With the recovery of the economy, e-commerce in Vietnam has grown faster. However, the major obstacles remain unchanged, including: consumer confidence while online shopping is low, online payment is not popular, delivery services and order fulfillment have not kept up with demand. In addition, cross-border e-commerce and multi-channel sales are emerging rapidly. At the same time, the large differences among localities in information and communication infrastructure, domain names and per capita income contribute to the huge gap in the e-commerce index. This narrowing of the gap requires considerable care and effort by state management agencies and organizations involved in trade, investment, information technology and communications. The article analyzes the development of e-commerce in Vietnam today.
Keywords: E-commerce, Vietnam.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây