Phát triển tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội

PGS.TS. ĐOÀN MINH HUẤN (Tạp chí Cộng sản), TS. HOÀNG ĐÌNH MINH ( Học viện Chính trị khu vực I)

TÓM TẮT:

Dịch vụ xã hội (DVXH) có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Hà Nội. Nhu cầu về chất lượng và số lượng DVXH cần được cung cấp của người dân thủ đô cũng rất khác biệt so với các địa phương khác. Chính vì thế việc đa dạng hóa thành phần cung ứng DVXH trên địa bàn Hà Nội là một giải pháp cần được nghiên cứu và triển khai. Bài viết sẽ tập trung phân tích thực trạng các tổ chức phi lợi nhuận cung ứng DVXH và từ đó đưa ra các khuyến nghị thúc đẩy phát triển loại hình này tại Hà Nội.

Từ khóa: Phi lợi nhuận, dịch vụ xã hội, thành phố Hà Nội.

  1. Khái quát về tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ xã hội

Dịch vụ xã hội là những dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cộng đồng và cá nhân nhằm phát triển xã hội, có vai trò đảm bảo phúc lợi và công bằng xã hội, đề cao giá trị đạo lý, nhân văn, vì con người, là hoạt động mang bản chất kinh tế - xã hội, do nhà nước, thị trường hoặc xã hội dân sự cung ứng, tùy theo tính chất thuần công, không thuần công hay tư của từng loại hình dịch vụ, bao gồm các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao và các trợ giúp xã hội khác.

Dịch vụ xã hội do bị chi phối bởi yếu tố đạo lý, nhân văn - những giá trị phổ quát của nhân loại cho nên phát triển dịch vụ xã hội ngày càng được quan tâm trên cấp độ toàn cầu với sự can dự của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ xuyên quốc gia. Phát triển dịch vụ xã hội cũng vì thế liên quan trực tiếp đến đảm bảo các quyền con người cơ bản về học hành, chữa bệnh, bình đẳng giới, đảm bảo an sinh và an ninh.

Nhà nước thông qua bộ máy từ trung ương xuống đến địa phương để chịu trách nhiệm đảm bảo DVXH cho người dân. Song khi đề cập đến chủ thể trực tiếp cung ứng DVXH là nói đến các tổ chức tham gia cung ứng trong cả ba khu vực: khu vực công; khu vực tư nhân; khu vực thứ ba (các tổ chức phi lợi nhuận).

Khu vực thứ ba hay khu vực tự nguyện, hay còn gọi là khu vực phi lợi nhuận, phi chính phủ. Hoạt động của khu vực này mang tính “phục vụ”. Tuy nhiên, cách hiểu phi lợi nhuận và bản chất của hoạt động phi lợi nhuận trên thực tế còn nhiều vấn đề cần bàn. Các tổ chức thuộc khu vực này thường cung cấp các DVXH cho một số đối tượng nhất định không phải toàn bộ. Đa phần các DVXH được cung ứng bởi các tổ chức này là miễn phí. Trong một số trường hợp thì các tổ chức này có nguồn lực tài chính và nhân sự lớn hơn các tổ chức tư nhân và nhà nước. Ví dụ như tư vấn về sức khỏe cộng đồng, đánh giá và tư vấn phòng dịch bệnh, tư vấn về bảo vệ môi trường, tư vấn hoạch định chính sách phát triển bền vững.

Phi lợi nhuận (non-for-profit hay not-for-profit, hoặc viết ngắn gọn là non-profit) được hiểu là toàn bộ lợi nhuận thu được được sử dụng cho mục tiêu của tổ chức. Tất cả mục tiêu và hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận (NPO) đều không vì lợi nhuận cho dù một NPO có thể tham gia vào các hoạt động/công việc sinh lợi, nhưng lợi nhuận thu được từ các hoạt động đó được dùng cho các mục đích của tổ chức chứ không dành để chia cho thành viên của tổ chức. Tất cả các nguồn lực được phân cho chương trình và/hoặc dịch vụ đã hướng tới, tuyệt đối tập trung vào nhu cầu và lợi ích của người hưởng lợi. 

Hoạt động “Phi lợi nhuận” không có nghĩa là hoạt động không có lợi nhuận hay không thu phí. Trên thực tế có nhiều tổ chức phi lợi nhuận, nhưng lợi nhuận hàng năm thu được rất lớn, tuy nhiên tất cả lợi nhuận thu được đều được dùng cho các mục đích của tổ chức chứ không chia cho thành viên của tổ chức. Do đó, một tổ chức có được xác định là tổ chức phi lợi nhuận hay không phụ thuộc vào cách họ sử dụng số lợi nhuận thu được, chứ không phải tổ chức đó có tạo ra lợi nhuận hay không.

Tại các nước phát triển, các lĩnh vực hoạt động của các NPO rất đa dạng, cụ thể, hướng tới các đối tượng khác nhau trong xã hội. Quy mô hoạt động cũng khác nhau: khác về các nguồn lực, về tiềm năng, về doanh thu và địa bàn hoạt động. Chẳng hạn, bên cạnh những NPO không có nhiều danh tiếng, nguồn vốn hoạt động hạn chế, nguồn thu nhỏ, không đều,… là những NPO tên tuổi, có lịch sử hàng trăm năm, có thương hiệu và cung cấp dịch vụ với mức phí rất cao. Trên thế giới, không ít tổ chức đang hoạt động dưới hình thức này, trong đó nhiều mô hình giáo dục, y tế phi lợi nhuận nổi tiếng, như Đại học Harvard, Yale, Stanford ở Mỹ… Nguồn vốn hoạt động của các NPO đến từ 3 nguồn là: từ chính quyền các cấp; gây quỹ; bán dịch vụ hay sản phẩm, trong đó từ việc đóng góp gây quỹ là phần chủ yếu.

Tại Việt Nam, khái niệm “không vì lợi nhuận” được định nghĩa tại 02 văn bản pháp luật, Thứ nhất: Theo Khoản 5 Điều 3 Luật về hoạt động của hội năm 2016 ghi rõ “Không lợi nhuận là không có mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, nếu có lợi nhuận thì không chia cho hội viên mà để sử dụng cho các hoạt động của hội theo điều lệ hội”; Thứ hai: tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 30/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/4/2012 về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện: “không vì lợi nhuận là không tìm kiếm lợi nhuận để phân chia, lợi nhuận có được trong quá trình hoạt động được dành cho các hoạt động của quỹ theo điều lệ đã được công nhận”.

  1. Thực trạng cung ứng dịch vụ xã hội của các tổ chức phi lợi nhuận tại Hà Nội

Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008 có diện tích khoảng 3.348,5 km2 gồm 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện ngoại thành, đứng thứ 2 về dân số và đứng đầu cả nước về diện tích đồng thời nằm trong số 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.

Tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ giáo dục 

Từ những năm 90 của thế kỷ XX, tại Hà Nội, đã xuất hiện những cơ sở đào tạo nghề từ thiện dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn, các lớp học tình thương đã được các cá nhân mở ra để giúp các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt vẫn được đi học. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ cùng với Đại học Thăng Long là hai mô hình đào tạo đại học phi lợi nhuận được thành lập sớm nhất ở Hà Nội, hai mô hình này đã tạo ra thêm được nhiều chỗ học tập cho sinh viên, hỗ trợ một phần cho hệ thống công lập. Gần đây nhất, VinUni cũng đã tuyên bố trở thành một đại học phi lợi nhuận hướng đến mục tiêu phục vụ cộng đồng.

Ở các bậc giáo dục khác, số lượng các tổ chức phi lợi nhuận đã tham gia tích cực trong những năm gần đây. Tập đoàn Vingroup đã chuyển đổi toàn bộ hệ thống Vinschool thành mô hình giáo dục đa cấp phi lợi nhuận, tiếp sau Vingroup thì Tập đoàn TH truemilk cũng đưa trường TH School vào mô hình giáo dục phi lợi nhuận. Sau 3 năm phát triển Vinschool đã trở thành hệ thống giáo dục lớn nhất cả nước với 13.000 học sinh.

Ở lĩnh vực đào tạo nghề, các tổ chức phị lợi nhuận quốc tế tham gia từ rất sớm, những tổ chức này quan tâm đến những cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt như: trẻ em đường phố, phụ nữ có hoàn cảnh khó khắn, người khuyết tật. Các tổ chức này hướng đến việc đảm bảo sinh kế cho những cá nhân này thông qua việc đào tạo nghề cho họ. Một số trung tâm đào tạo nghề phi lợi nhuận phải kể đến như:

- Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa thuộc Tổ chức Hỗ trợ - Giáo dục trẻ em thiệt thòi (OSEDC) Việt Nam, để thực hiện nhiệm vụ dạy nghề, hướng nghiệp và tạo việc làm cho Người thiệt thòi. Từ năm 2010, cơ sở đã đưa nghề thủ công giấy cuộn vào nghề chính trong chương trình dạy nghề và sản xuất. Người khuyết tật rất yêu nghề và họ đã làm ra sản phẩm, các sản phẩm đã được khách hàng trong và ngoài nước mến mộ, yêu thích. Cơ sở Quỳnh Hoa gặp rất nhiều khó khăn, như thiếu thốn vật chất, khó khăn về tìm kiếm việc làm làm sao để có nghề phù hợp với người khuyết tật, khó khăn khi làm ra sản phẩm rồi lại lo sao bán được hàng để trang trải cuộc sống.

- Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh1 có trụ sở tại quận Ba Đình là nơi đào tạo nghề cho những trẻ em không nơi nương tựa hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức này đã nhận được tài trợ từ nhiều tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp.

Điển hình như Trung tâm REACH2 - một tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và hỗ trợ việc làm cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình "Sáng kiến thanh niên lập nghiệp" (YCI) của tổ chức này đã đào tạo 37 khóa học nghề tại các lĩnh vực nấu ăn, lễ tân, hướng dẫn viên.

Tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ y tế

Lĩnh vực y tế được sự quan tâm đặc biệt của công đồng dân cư, trước đây các tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ y tế chủ yếu là những cơ sở đông y làm từ thiện, hoặc các tổ chức y tế quốc tế (Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế, Tổ chức Bác sĩ không biên giới, Tổ chức Y tế thế giới) cung cấp các trang thiết bị và những đợt khám chữa bệnh tình nguyện. Dịch vụ y tế đòi hỏi một quy mô đầu tư lớn và những cá nhân có chuyên môn đặc thù trong từng lĩnh vực. Trước đây, tiềm lực kinh tế Việt Nam còn chưa mạnh, nên không có nhiều cá nhân có thể đảm nhận trách nhiệm cung ứng dịch vụ y tế cho cộng đồng. Những năm gần đây, đã có những mô hình y tế phi lợi nhuận ra đời trên địa bàn Hà Nội như:

- Bệnh viện Hòe Nhai, Bệnh viện Tim Hà Nội đây là hai bệnh viện công lập chuyển đổi sang thành bệnh viện tự chủ tài chính và phi lợi nhuận. Sau khi chuyển đổi sang mô hình phi lợi nhuận, quyền tự chủ đã cho phép bệnh viện sử dụng nguồn tài chính tái đầu tư vào các trang thiết bị hiện đại nhanh hơn, qua đó nâng cao chất lượng khám bệnh và chữa bệnh.

- Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội: đã khám, chữa bệnh, cho hàng chục nghìn lượt người bệnh với hàng trăm ca mổ mỗi tháng. Nhiều người bệnh được sử dụng dịch vụ y tế ngang tầm thế giới với sự thăm khám của các chuyên gia hàng đầu cũng như các trang, thiết bị hiện đại… và được điều trị bởi những phương pháp do chính các chuyên gia nước ngoài làm việc tại đây nghiên cứu và phát triển thành công. Các quy trình kỹ thuật này đã và đang được các chuyên gia nước ngoài đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các cán bộ y tế của trung tâm cũng như các bệnh viện thuộc ngành y tế Hà Nội. Sự ra đời và đi vào hoạt động của trung tâm đã giúp rất nhiều người bệnh không phải ra nước ngoài chữa bệnh, nhất là với các bệnh lý: ung thư đường tiêu hóa, bệnh lý về tiết niệu, cơ xương khớp…

- Hệ thống bệnh viện Vinmec: sau 4 năm đi vào hoạt động, Vinmec đã vươn lên thành hình mẫu phát triển của khu vực y tế ngoài công lập với đội ngũ y bác sỹ giỏi, tận tâm; dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế và luôn đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ điều trị mới nhất về Việt Nam. Đến nay, hệ thống y tế Vinmec đã có 5 cơ sở tại Hà Nội, TP. HCM, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long và 01 cơ sở đang xây dựng tại Đà Nẵng, tiến tới quy mô 10 bệnh viện và 1 trường Đại học Y trên toàn quốc vào năm 2020.

Tổ chức phi lợi nhuân cung ứng các dịch vụ an sinh xã hội

Khi ý thức của người dân được nâng cao, vấn đề bảo vệ môi trường, chăm sóc cộng đồng dân cư xung quanh mình sẽ được quan tâm hơn. Các chương trình từ thiện, các hoạt động an sinh xã hội mà các doanh nghiệp lớn tổ chức không chỉ để lại ấn tượng tốt đẹp với những người được trao tặng, mà qua đó, chính các nhân viên trong doanh nghiệp cũng cảm nhận được ý nghĩa, mục tiêu trong công việc của bản thân. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ tạo nên những văn hóa tốt đẹp, các nhân viên có ý thức chung tay xây dựng và giữ gìn văn hóa đó.

Trong những năm qua, số lượng các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, môi trường, phát triển cộng đồng được thành lập tương đối nhiều trên địa bàn Hà Nội như: Mgreen; S-House Project; Youth Sustainable Development (YSD); Dự án khơi nguồn tinh hoa văn hóa Việt; Sworld Việt Nam; Tổ chức HĐXH Hành trình xanh Hà Nội; Quỹ Hy vọng. Những tổ chức này đã đưa ra nhiều ý tưởng mới trong lĩnh vực bảo vệ thiên nhiên, phát triển cộng đồng. Một bộ phần cộng đồng yếu thế tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đã được hưởng lợi từ các chương trình được cung cấp từ các tổ chức phi lợi nhuận này.

Từ những phân tích trên có thể thấy, hiện nay các tổ chức phi lợi nhuận tham gia cung ứng DVXH đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của một bộ phận dân cư trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, các tổ chức này vẫn còn có nhiều hạn chế như: quy mô của các tổ chức còn nhỏ; các chính sách về phi lợi nhuận đến này còn chưa đồng bộ làm cho nhiều cá nhân chưa muốn đầu tư thêm vào các tổ chức này; đội ngũ nhân lực tại các tổ chức này còn yếu; đã xuất hiện những tình huống lợi dụng danh nghĩa phi lợi nhuận để trốn thuế và các nghĩa vụ khác; chất lượng của một số trường đại học phi lợi nhuận chưa được đảm bảo tốt liên tục.

  1. Một số giải pháp phát triển các tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội

Hà Nội đã đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 2016- 2020 đạt 9%/năm và khoảng 8%/năm thời kỳ 2021-2030. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người của Hà Nội đạt khoảng 5.300 USD và năm 2030 đạt 11.000 USD. Vào năm 2030, Hà Nội sẽ là một thủ đô văn minh, với tổ chức xã hội phù hợp với trình độ tiên tiến về kinh tế tri thức và công nghệ thông tin, có những hệ thống công trình văn hóa tiêu biểu của cả nước. Hà Nội sẽ là thủ đô có không gian xanh, sạch, đẹp, hiện đại, có kiến trúc đô thị mang dấu ấn của một Thủ đô ngàn năm văn hiến và mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.

Để đạt được những mục tiêu trên thì Hà Nội sẽ cần huy động nguồn lực từ các chủ thể khác nhau. Các tổ chức phi lợi nhuận tích cực tham gia cung ứng DVXH sẽ giúp giảm bớt được gánh nặng về ngân sách cho thành phố. Người dân có thêm sự lựa chọn khi sử dụng các DVXH cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, tạo ra sự cạnh tranh về cung ứng DVXH giữa các tổ chức công lập và các tổ chức ngoài công lập. Để có thể phát triển các tổ chức phi lợi nhuận cung ứng, DVXH cần thống nhất các quan điểm về xây dựng và hoàn thiện cơ chế hoạt động như sau:

- Thứ nhất: không nên có sự phân biệt giữa tổ chức công và các tổ chức phi lợi nhuận khi cùng cung ứng một loại DVXH, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Nhà nước cần đối xử bình đẳng bằng cách tạo lập môi trường pháp lý minh bạch, đồng bộ và nhất quán cho tất cả các tổ chức tham gia cung ứng DVXH. Nhà nước nên tách các đơn vị sự nghiệp công ra khỏi hành chính, các đơn vị này sau khi tách ra phải hoạt động theo quy định của pháp luật, với các cơ chế chính sách, những tiêu chuẩn định mức, dịch vụ do Nhà nước ban hành.

- Thứ hai: có nhận thức đúng đắn về cơ chế phi lợi nhuận trong hoạt động của các đơn vị cung ứng DVXH. Khẳng định lợi nhuận có được trong quá trình hoạt động của các tổ chức này không dùng để chia cho các cổ đông, nhà đầu tư mà quay lại phục vụ việc tái đầu tư, mở rộng hoạt động và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính các tổ chức này. Mọi hình thức biến thể của việc chia lợi nhuận cũng như lợi dụng chính sách ưu đãi từ phi lợi nhuận để hoạt động lợi nhuận cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

- Thứ ba: hoàn thiện cơ chế tài chính đối với các tổ chức phi lợi nhuận cung ứng DVXH, đảm bảo hoạt động của các đơn vị này công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, nhà hảo tâm trong xã hội, đáp ứng được mục tiêu của các tổ chức này khi thành lập là hoạt động vì cộng đồng, xã hội, không vì lợi nhuận. Hoạt động của tất cả các tổ chức nào nếu đã đăng ký là phi lợi nhuận thì phải được công khai, kiểm toán định kỳ. Chênh lệch thu chi phải được dùng để đầu tư phát triển cơ sở và các hoạt động của tổ chức.

Bài viết thuộc đề tài của Thành phố Hà Nội

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1https://www.bluedragon.org/

2http://www.hocnghemienphi.edu.vn/ www.reach.org.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đánh giá thực trạng dịch vụ xã hội cơ bản đối với người lao động và nhóm yếu thế trong khung chính sách về an sinh xã hội, Nguyễn Thị Lan Hương.
  2. Hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập đứng trước thời cơ và thách thức, Cao Văn Phường, 2014.
  3. Già hóa dân số và nhu cầu dịch vụ xã hội cho người cao tuổi ở Việt Nam, Lưu Bích Ngọc, ĐH Kinh tế quốc dân, 2016.4. Đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Đỗ Thị Hải Hà, ĐH Kinh tế quốc dân, 2016.
  4. Public Services Provision in European Countries from Public/Municipal to Private Sector – and back to municipal, Hellmut Vollmann, 2012.
  5. Evidence in public social services: An overview from practice and applied research, Alfonso Lara Montero - European Social Network, 2015.
  6. More effective social services Report 2015, The New Zealand Productivity Commission, 2015. 
  7. More effective social services Report 2015, The New Zealand Productivity Commission, 2015.

PROMOTING THE SOCIAL SERVICES PROVISIONS OF NON-PROFIT ORGANIZATIONS IN HANOI

Assoc.Prof. PhD DOAN MINH HUAN

Communist Review

Ph.D HOANG DINH MINH

Academy of Politics Region I

ABSTRACT:

Social services are very important for improving the quality of life of people living in Hanoi. The demand for quality and quantity of social services which are provided for people living in Hanoi is very different from other localities. Therefore, it is important to research and implement the diversification of social service provision in Hanoi. This article is to analyze the status of non-profit organizations in providing social services, thereby proposing recommendations to promote the social services provisions of non-profit organizations in Hanoi.

Keywords: Non-profit, social services, Hanoi.