Quản lý nhà nước đối với nhân lực báo chí địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số tại thành phố Hà Nội

ThS. ĐÀO THANH HOÀN (Báo Kinh tế và Đô thị )

TÓM TẮT:

Phát triển nhân lực báo chí địa phương nằm trong phạm vi hoạt động quản lý nhà nước và là một nhiệm vụ quan trọng, mang ý nghĩa quyết định cho sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và báo chí địa phương nói riêng. Trên cơ sở phân tích những vấn đề đặt ra trong quản lý nhà nước đối với phát triển nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội trong bối cảnh chuyển đổi số, bài viết tiếp cận quản lý nhân lực báo chí địa phương như một công cụ quản lý hữu hiệu nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển báo chí địa phương trong nền kinh tế số.

Từ khóa: quản lý nhà nước, nhân lực báo chí, chuyển đổi số.

1. Phát triển nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà nội

Nhân lực báo chí là đội ngũ những người làm việc trong lĩnh vực báo chí, giúp chuyển tải đến người đọc những thông tin hữu hiệu có giá trị về mặt kiến thức, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, tinh thần,... Nhân lực báo chí bao gồm: Nhân lực trực tiếp (ban biên tập, phóng viên, thư ký tòa soạn, biên tập viên, họa sỹ, morat); Nhân lực gián tiếp (bộ phận văn phòng, truyền thông, phát hành) của các báo, tạp chí, đài phát thanh của Thành phố Hà Nội do Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quản lý.

Phát triển nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội là quá trình thực hiện công tác xây dựng chính sách, tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, bố trí, bổ nhiệm, đánh giá nhằm tạo ra sự biến đổi về số lượng và chất lượng về mặt thể lực, trí lực, kỹ năng, kiến thức, tinh thần của từng cán bộ, công nhân viên, tạo lập một đội ngũ nhân lực báo chí hợp lý vì sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội. Phát triển nhân lực báo chí địa phương bao gồm phát triển chất lượng nhân lực báo chí địa phương với tư cách cá nhân và phát triển sức mạnh của đội ngũ nhân lực báo chí với tư cách tập thể.

Phát triển nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội trong công cuộc chuyển đổi số đòi hỏi phải đảm bảo tinh gọn, xây dựng nguồn nhân lực báo chí có trình độ chuyên môn cao, hợp lý về cơ cấu, có thái độ, động cơ làm việc tích cực, có khả năng tiếp cận và ứng dụng tốt các công nghệ hiện đại để thông tin nhanh, cập nhật kịp thời, định hướng phân phối đến người đọc bằng các hình thức đa phương tiện, hấp dẫn. Nhân lực báo chí phải có thể lực tốt, phát triển toàn diện về trí tuệ, ý chí, năng lực và đạo đức, có năng lực tự học, tự đào tạo, năng động, chủ động, tự lực, sáng tạo, có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng thích ứng và nhanh chóng tạo được thế chủ động trong trong nền kinh tế số.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và thực hiện cải cách hành chính, các cơ quan báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội đã đổi mới cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với chiến lược phát triển trong giai đoạn mới. Hà Nội hiện có 8 cơ quan báo chí; gồm 5 báo, 2 tạp chí và một Đài phát thanh truyền hình với hàng nghìn phóng viên, biên tập viên... Nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội trong những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự chuyển mình từ nội dung đến hình thức, từ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ đến phát triển các loại hình báo chí, hình thành tòa soạn hội tụ. Sự thay đổi ấy đã giúp hệ thống báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội khẳng định vị trí, uy tín, trở thành kênh thông tin hữu hiệu truyền tải đến toàn xã hội và mọi ngành bức thông điệp chính xác, kịp thời góp phần tạo nên sự thành công của quá trình chuyển đổi số quốc gia.

2. Nội dung quản lý nhà nước đối với nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội

2.1. Quy hoạch nguồn nhân lực báo chí

Theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tính đến năm 2022, Thành phố Hà Nội có 5 cơ quan báo, gồm: Báo Kinh tế và Đô thị, Báo Hà Nội mới, Báo Phụ nữ Thủ đô, Báo Lao động Thủ đô, Báo Tuổi trẻ Thủ đô; có 2 tạp chí gồm: Tạp chí chuyên ngành Văn học Nghệ thuật của Thành phố Hà Nội, Tạp chí Khoa học; và Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.

Thực hiện quy hoạch báo chí Thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều nhiệm vụ, không chỉ giảm số lượng báo chí, mà còn phải đưa ra được hành lang pháp lý, chính sách để xây dựng đội ngũ báo chí có đủ về số lượng (số lượng hợp lý) và đặc biệt là nâng cao chất lượng. Quy hoạch nguồn nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội là lập dự án thiết kế xây dựng tổng hợp đội ngũ cán bộ; dự kiến bố trí, sắp xếp tổng thể đội ngũ cán bộ theo một ý đồ rõ rệt, với một trình tự hợp lý, trong một thời gian nhất định. nhằm đạt được mục tiêu phát triển nguồn nhân lực báo chí có cơ cấu phù hợp, đủ số lượng, có chất lượng cao, thực hiện thành công chức năng quản lý nhà nước về báo chí đối với các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội.

Về quan điểm quy hoạch:

Quy hoạch nguồn nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội phải có tầm nhìn, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của Thành phố và phải có những bước đi thích hợp theo yêu cầu phát triển của từng giai đoạn; gắn việc quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo với nhiệm vụ cụ thể theo vị trí việc làm của công chức. Việc quy hoạch nguồn nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội phải gắn với yêu cầu đòi hỏi của chuyển đổi số và cải cách hành chính.

Về mục tiêu quy hoạch:

Quy hoạch nguồn nhân lực báo chí nhằm tạo sự chuyển biến về chất lượng nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội, hình thành đội ngũ nhân lực báo chí chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Hướng tới tăng nhanh tỷ lệ cán bộ công nhân viên báo chí được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn, có kỹ năng chuyên ngành, có đủ trình độ ngoại ngữ để đổi mới phương thức sản xuất và làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng. Nguồn nhân lực phải đảm bảo thông tin nhanh, cập nhật kịp thời, định hướng phân phối đến người đọc theo công nghệ hiện đại, phù hợp với đối tượng người đọc, giới tính, lứa tuổi, sở thích,… và được trình bày bằng các hình thức đa phương tiện, hấp dẫn.

Về yêu cầu xây dựng: 

Tập trung nghiên cứu, đánh giá thực trạng và việc sử dụng nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội, xác định mục tiêu, nhu cầu nhân lực trong cơ quan báo chí, cũng như kiến nghị các giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra. Thực hiện tuyển dụng, bố trí, sử dụng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội.

2.2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển nhân lực báo chí địa phương

Việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội luôn gắn liền với việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước cấp Thành phố. Đây là yếu tố đầu tiên, quyết định đến số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ công nhân viên trong từng giai đoạn. Từ đó cơ quan quản lý báo chí địa phương lập kế hoạch và có chính sách phát triển đội ngũ nhân lực báo chí, bao gồm: tuyển dụng, quy hoạch, bố trí, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm công chức hàng năm và 5 năm.

Về tuyển dụng: Số lượng người làm việc (biên chế) của các Báo được giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế sự nghiệp của Thành phố được cơ quan có thẩm quyền phân bổ hàng năm. Cơ quan báo chí địa phương thực hiện rà soát số lượng viên chức và thực hiện tuyển dụng viên chức để hoàn thiện bộ máy nhân sự. Công tác tuyển dụng của các cơ quan báo chí địa phương chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố về số biên chế được giao và yêu cầu công việc. Thực hiện tuyển dụng đúng người, đúng việc là một trong những yêu cầu, thách thức lớn đối với cơ quan báo chí địa phương, là khâu quan trọng quyết định tới chất lượng nhân lực báo chí trong công cuộc chuyển đổi số. Nếu công tác tuyển dụng được thực hiện tốt sẽ tuyển được những người thật sự có năng lực, phẩm chất tốt bổ sung cho lực lượng công chức viên chức.

Về bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo: Căn cứ vào quy hoạch cán bộ công nhân viên; căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực và uy tín cán bộ công nhân viên theo các quy định của Nhà nước, được cụ thể hóa bằng các quy định của địa phương. Mỗi vị trí cần bổ nhiệm, thông thường được giới thiệu từ 2 ứng viên trở lên. Cũng có những trường hợp, do yêu cầu tăng cường lãnh đạo, hoặc do thực hiện luân chuyển cán bộ trong địa phương, UBND thành phố có thể điều động và bổ nhiệm cán bộ công nhân viên giữ vị trí lãnh đạo từ đơn vị khác.

Đào tạo và phát triển nhân lực báo chí địa phương:

Đây là một nội dung quan trọng của phát triển nguồn nhân lực. Đào tạo gắn liền với phát triển con người một cách toàn diện về nhân tâm, trí tuệ và thể lực. Giữa đào tạo và phát triển có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và đều tập trung vào nhu cầu hiện tại, tương lai của từng cơ quan báo chí. Chính sách phát triển đội ngũ nhân lực báo chí địa phương còn bao gồm việc thực hiện đánh giá cán bộ công nhân viên. Chất lượng cán bộ công nhân viên được đánh giá cao hay thấp cần phải được so sánh với tiêu chuẩn thực hiện công việc ở mỗi vị trí việc làm mà cán bộ công nhân viên đảm nhận và mức độ thực tế kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ công nhân viên, từ đó phát hiện, sử dụng đúng người có đức, có tài. Bên cạnh đó, chính sách phát triển nhân lực báo chí địa phương còn bao gồm các quy định về đào tạo, bồi dưỡng, thi đua - khen thưởng; chế độ lương, thưởng, nhuận bút, bảo hiểm xã hội; chế độ đãi ngộ về chăm sóc sức khỏe và văn hóa tòa soạn và các quy định về thanh tra, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ công nhân viên, nâng cao chất lượng nhân lực báo chí và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về báo chí.

2.3. Thanh tra, kiểm tra, đánh giá nguồn nhân lực báo chí

Thực tế cho thấy những năm gần đây, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tố cáo, khiếu nại của cơ quan quản lý nhà nước về nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội đã được quan tâm hơn trước, nhiều trường hợp xử lý kịp thời có tác động tốt đối với dư luận xã hội. 

Hoạt động thanh tra, kiểm tra tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa thực hiện được thường xuyên, định kỳ dẫn đến thanh tra, kiểm tra chưa đều, chưa chủ động, dẫn đến sai phạm kéo dài, chưa được xử lý. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về báo chí địa phương còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, khó đáp ứng được nhiệm vụ hiện nay. Một số cán bộ, biên tập viên, phóng viên báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội, năng lực chuyên môn chưa được chuyên sâu, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, thiếu hiểu biết kinh nghiệm thực tiễn đời sống xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp, và đặc biệt một số ít còn lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, tiêu cực,... Việc thu hồi thẻ nhà báo của đội ngũ phóng viên báo chí địa phương do vi phạm các quy định về báo chí chưa triệt để. 

Việc đánh giá nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội hiện nay được thực hiện định kỳ ít nhất 1 lần/năm dựa trên phân tích công việc. Đánh giá chất lượng nhân lực báo chí có ý nghĩa quyết định trong công tác nhân sự, là cơ sở để lựa chọn, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công nhân viên chức.

3. Những vấn đề đặt ra trong quản lý nhà nước đối với phát triển nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội trong bối cảnh chuyển đổi số

3.1. Những hạn chế

Chuyển đổi số trong báo chí là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp sản xuất, phân phối nội dung và kinh doanh… nhằm tối ưu mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí; khẳng định vị trí, thương hiệu, đẩy mạnh nguồn thu nhập và tạo lập các giá trị mới. Với việc sử dụng công nghệ số tiếp cận người đọc theo phương thức mới, lấy người đọc làm tiêu chí, người đọc ở đâu, báo chí ở đó, các cơ quan báo chí của Thành phố Hà nội đã chuẩn bị tốt nguồn nhân lực và nền tảng công nghệ cho hành trình chuyển đổi số trong báo chí. Các cơ quan báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội đã đầu tư chi phí lớn cho phát triển nguồn nhân lực; thu hút và đào tạo nhân sự có chất lượng cao; chuyển đổi mô hình tòa soạn hội tụ và xuất bản đa nền tảng để thông tin nhanh, cập nhật kịp thời, định hướng phân phối đến người đọc theo công nghệ hiện đại, phù hợp với đối tượng người đọc, giới tính, lứa tuổi, sở thích,… và trình bày bằng các hình thức đa phương tiện, hấp dẫn. Tuy có sự phát triển nhanh về số lượng, chất lượng, ngoại ngữ và các kỹ năng làm báo trong công cuộc chuyển đổi số nhưng hoạt động phát triển nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội vẫn còn một số hạn chế.

Thứ nhất, công tác quản lý đào tạo chưa kịp thời và thường xuyên, hoặc thiếu tham gia những khóa đào tạo, bồi dưỡng báo chí nói chung cũng như công nghệ nói riêng. Ban biên tập các báo còn chưa chú ý đến tính đồng đều về năng lực, trình độ cũng như tính chuyên nghiệp khi sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với năng lực, sở trường nên thiếu sự hiệp đồng trong tác nghiệp, đưa tin làm cho việc quản lý đội ngũ nhân lực, quản lý tổ chức nội dung thông tin giữa các báo có những khó khăn.

Thứ hai, chính sách tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng kiến thức, lý luận chính trị, nghiệp vụ báo chí cho phóng viên, biên tập viên còn thiếu đồng bộ, chế độ đãi ngộ thấp gây nên những bất lợi lớn đến chất lượng nguồn nhân lực báo chí. Các chính sách cho đào tạo, bồi dưỡng đội cán bộ quản lý nhà nước về báo chí và nhân lực báo chí chưa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ quản lý cũng như nhiệm vụ làm báo trong công cuộc chuyển đổi số.

Thứ ba, hạn chế trong thanh tra, kiểm tra, giám sát và đề xuất khen thưởng, kỷ luật các hành vi, vi phạm pháp luật của người làm báo.

3.2. Những giải pháp phát triển nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội

Một là, tập trung hoàn thiện các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đối với đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên, cán bộ quản lý báo chí địa phương. Phát triển nguồn nhân lực đội ngũ quản lý nhà nước, đổi mới phương pháp quản lý nhà nước, nâng cao năng lực, trình độ, nghiệp vụ chuyên môn đối với đội ngũ quản lý nhà nước về báo chí địa phương. Đổi mới chính sách quản lý, cơ chế quản lý, công cụ quản lý để phát triển nhân quản lý báo chí bao gồm môi trường làm việc, chính sách việc làm, thu nhập, bảo trợ xã hội, nhà ở. Có các chính sách đối với bộ phận nhân lực chất lượng cao làm công tác quản lý báo chí địa phương.

Hai là, xây dựng mô hình đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực báo chí địa phương cho sát với thực tiễn yêu cầu chuyển đổi số và cải cách hành chính của Thành phố Hà Nội.

Ba là, đổi mới mô hình quản lý và tổ chức nhân lực báo chí theo hướng hiện đại. Xây dựng nền báo chí dựa trên nền tảng khoa học báo chí, truyền thông và nền tảng công nghệ thông tin. Trong đó tập trung chú trọng đa nền tảng, hội tụ công nghệ, báo chí di động, báo chí dữ liệu, báo chí thông minh, truyền thông sáng tạo. Phát triển nguồn nhân lực; thu hút và đào tạo nhân sự có chất lượng cao; chuyển đổi mô hình tòa soạn hội tụ, xuất bản đa nền tảng.

4. Kết luận

QLNN đối với nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Báo chí Hà Nội đã nỗ lực cố gắng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng của Thủ đô và đất nước. Các cơ quan báo chí Thủ đô đã bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn của nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, quản lý nhà nước đối với nhân lực báo chí địa phương tại Thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: Quá trình quản lý chưa bắt kịp đòi hỏi phát triển nguồn nhân lực; Hệ thống khuôn khổ pháp lý chưa đồng bộ; Tính chủ động và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa cao; Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá tính tuân thủ pháp luật và các quy định về quản lý nhân lực chưa đi sâu vào kiểm tra, giám sát chuyên môn và kiểm soát năng lực nhân sự. Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Sở Nội vụ cũng đã nhận thấy cần thiết phải có quy hoạch phát triển nhân lực báo chí để phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số và thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực báo chí.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2019). Quyết định số 362/ QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
  2. Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
  3. Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (2019). Bài phát biểu tại Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ”, tháng 11.2019 tại Hà Nội.
  4. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Báo chí và sứ mệnh chuyển đổi số. Ấn phẩm đặc biệt Chào mừng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.
  5. Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT (2019). Bài phát biểu tại Hội thảo Data center in a Rack - Digital transformation for Enterprises, Đà Nẵng.

State management of human resources for the local press in the context of digital transformation in Hanoi

Master. Dao Thanh Hoan

Economics and Urban Newspaper

Abstract:

The human resources development activities for the local press are under the management of state agencies and these activities play an important role in the development of the Vietnamese revolutionary press in general and the local press in particular. By analyzing the state management problems in the development of human resources for the press in Hanoi City in the context of digital transformation, this paper approaches the human resources management of the local press as an effective management tool to help the local press achieve development goals in the context of digital transformation.

Keywords: state management, human resources for the press, digital transformation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]