Quản lý thị trường Hà Nội: Xử lý 355 vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng 11/2024

Trong tháng 11/2024, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, xử lý hơn 350 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt và giá trị hàng hóa vi phạm lên tới hàng tỷ đồng.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, tháng 11/2024, thị trường hàng hóa tại Hà Nội duy trì sự ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Trong khi giá xăng được giữ ở mức bình ổn, giá vàng lại biến động mạnh, tăng đột biến rồi giảm nhanh, chủ yếu do tác động từ kinh tế toàn cầu, đặc biệt sau sự kiện Tổng thống Mỹ tái đắc cử. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng cấm qua tuyến hàng không Nội Bài vẫn diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý.

Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Thành phố trong việc triển khai các chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND thành phố Hà Nội. Đồng thời, cơ quan này đã theo dõi, đôn đốc các sở, ngành và Ban Chỉ đạo 389 tại các quận, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Quản lý thị trường Hà Nội: Xử lý 355 vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng 11/2024
Lực lượng chức năng Hà Nội đang kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng hoá vi phạm, tại địa chỉ Số 5 ngõ 199 Đình Xuyên, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Thành Phố Hà Nội.

 

Cụ thể, ngày 30/10/2024, Cục ban hành Kế hoạch số 24/KH-QLTTHN, mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường từ cuối năm 2024 đến dịp Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Các Đội QLTT trên địa bàn thành phố được chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm theo các chuyên đề đã đề ra.

Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, trong tháng 11/2024, Cục QLTT Hà Nội đã thực hiện 359 vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý hành chính 355 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt hành chính lên tới 3,86 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm bị tịch thu ước tính 2,913 tỷ đồng.

Một số vụ việc điển hình bao gồm: Ngày 30/10/2024, Đội QLTT số 24 phối hợp cùng Công an huyện Hoài Đức kiểm tra, phát hiện 37.000 nhãn mác và 35.450 đôi tất chân giả mạo các nhãn hiệu đã được bảo hộ. Cùng ngày, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 thuộc Ban Chỉ đạo 389 Thành phố phát hiện và xử lý hành vi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử với số lượng hàng hóa vi phạm gồm 11.900 sản phẩm tất chân giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ.

Những kết quả đạt được cho thấy nỗ lực không ngừng của các cơ quan chức năng Hà Nội trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm với nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Cục QLTT Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sự ổn định của thị trường.

 

Diệu Hân