Quản lý thu ngân sách xã trên địa bàn huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ

GS.TS. NGUYỄN VĂN SONG (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - VŨ THỊ TUYỀN (UBND thị trấn Thanh Ba, Phú Thọ) - TS. TRẦN ĐỨC THUẬN (Đại học Công nghệ Đồng Nai)

TÓM TẮT:

Bài viết thông qua thu thập dữ liệu thứ cấp về thu ngân sách xã giai đoạn 2017 - 2019 từ UBND, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ và số liệu sơ cấp từ khảo sát trực tiếp 72 cán bộ là cán bộ của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, Kho bạc nhà nước huyện, Chi cục thuế, Chủ tịch, kế toán các xã, thị trấn và đại diện một số doanh nghiệp, hộ dân có sản xuất kinh doanh tại thị trấn Thanh Ba và xã Mạn Lạn.

Nghiên cứu đánh giá công tác quản lý ngân sách thu nhà nước cấp xã qua các khâu: (i) Lập dự toán, (ii) Chấp hành dự toán, (iii) Quyết toán thu ngân sách nhà nước và (iv) Thanh tra, kiểm tra. Từ đó, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý về thu ngân sách xã tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới.

Từ khóa: Quản lý, thu ngân sách,  huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

I. Đặt vấn đề

Xã, phường là nơi trực tiếp giải quyết các mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân dựa trên các quy định của pháp luật. Ngân sách xã (NSX) là cấp cuối cùng trong phân cấp quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) và là công cụ, phương tiện tài chính quan trọng để chính quyền cấp xã thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo Stigler (1957), “một Chính phủ đại diện hoạt động tốt nhất khi nó ở gần dân nhất” và Chaudhuri (1959): “Phân cấp tài khóa bên cạnh việc tạo ra nguồn lực tài chính độc lập tương đối cho mỗi cấp chính quyền để chủ động hơn khi thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, đồng thời còn là động lực khuyến khích mỗi cấp chính quyền và dân cư địa phương tích cực khai thác các tiềm năng của mình để phát triển địa phương”.

Thanh Ba là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Phú Thọ, gồm 27 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 01 thị trấn và 26 xã. Nguồn thu ngân sách cấp xã tại huyện bao gồm: Thu NSNN trên địa bàn giao chính quyền cấp xã quản lý (thuế, phí, lệ phí, các khoản huy động đóng góp...) và thu bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách xã. Trong những năm qua, công tác thu và quản lý NSNN tại địa phương đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác quản lý thu NSX của huyện vẫn còn những tồn tại cần phải khắc phục và hoàn thiện. Do vậy, việc nghiên cứu đề tài “Quản lý về thu ngân sách xã trên địa bàn huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ” là hết sức cần thiết, nhằm giúp cho địa phương đánh giá thực trạng và đề xuất những giải pháp phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả quản lý NSNN cấp xã trong thời gian tới.

II. Thực trạng quản lý thu ngân sách xã tại huyện Thanh Ba

1. Thực trạng lập dự toán thu ngân sách xã tại huyện Thanh Ba

Lập dự toán thu ngân sách cấp xã được quy định tại Điều 11 Thông tư số 344/2016/TT-BTC theo quy trình như sau: Hàng năm, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của cơ quan tài chính cấp trên và quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách của UBND huyện, bộ phận Tài chính - Kế toán các xã, thị trấn tiến hành xây dựng dự toán NSNN của địa phương mình trình UBND, HĐND cấp xã xem xét và gửi UBND huyện. UBND huyện giao cho Phòng Tài chính - Kế hoạch trực tiếp thẩm tra dự toán của các xã, tổng hợp và báo cáo lại. Trên cơ sở đó, UBND huyện quyết định giao các chỉ tiêu kế hoạch về NSNN cho các xã. Việc xây dựng dự toán ngân sách cho năm sau được tiến hành vào đầu quý III.

Theo kết quả điều tra, hiện nay vẫn còn 18% xã thực hiện lập dự toán dựa vào cách lập theo kế hoạch năm trước nhân với tỷ lệ phần trăm. Theo đó, vì ngân sách địa phương cũng ít có sự thay đổi, nếu xã có nhiều hoạt động thêm như thêm doanh nghiệp hoặc các hộ kinh doanh thì sẽ điều chỉnh và nhân với một tỷ lệ dự toán nào đó. Tuy nhiên, công tác lập dự toán cơ bản tuân thủ theo Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn.

Sơ đồ 1: Dự toán thu ngân sách xã ở Thanh Ba giai đoạn 2017 - 2019

Dự toán thu ngân sách xã ở Thanh Ba giai đoạn 2017 - 2019

Nguồn: Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thanh Ba (2020)

Tổng thu ngân sách xã, phường theo dự toán đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, phản ánh cho thấy, có dự toán thu ngân sách xã cao nhất là vùng II của huyện và năm 2018 giảm so với thực hiện kế hoạch, nhưng năm 2019 lại lấy lại đà tăng. Đối với các khoản thu được tính điều tiết do cơ quan thuế thu, hoặc ủy nhiệm thu, việc ước thực hiện thu ngân sách trong năm thường không chính xác, thường cao hơn so với thực tế thu. Ngoài ra, nhiều xã khi lập dự toán đưa ra số liệu xây dựng cao hơn so với ước thực hiện dẫn đến tình trạng xây dựng dự toán cao hơn so với thực tế.

2. Tổ chức thu ngân sách xã tại huyện Thanh Ba

Tỉ lệ thực hiện thu NSNN hàng năm của huyện Thanh Ba luôn vượt mức so với kế hoạch. Cụ thể, năm 2017 đạt 795,969 triệu đồng (184% so với kế hoạch), năm 2018 đạt 990,754 triệu đồng (205,8% so với kế hoạch) và năm 2019 đạt 952,931 triệu đồng (181,9% so với kế hoạch của huyện

Bảng 1. Tình hình thực hiện thu ngân sách xã thuộc huyện Thanh Ba

Tình hình thực hiện thu ngân sách xã thuộc huyện Thanh Ba

Nguồn: Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thanh Ba (2020)

Tổng thu NSX tại huyện Thanh Ba tăng trong giai đoạn 2017 - 2019 với tốc độ tăng bình quân là 7,89%, và đạt cao nhất vào năm 2018 với giá trị là 237.576,9 triệu đồng. Nguồn thu NSX được phân thành 3 nguồn chính: Khoản thu xã hưởng toàn bộ, Khoản thu phân chia theo tỷ lệ % và Thu bổ sung từ ngân sách cấp trên. Trong đó, Thu bổ sung từ ngân sách cấp trên chiếm tỷ trọng lớn nhất - trên 64%, và tăng liên tục qua 3 năm từ 128.401 triệu đồng năm 2017 đến 126.974 triệu đồng năm 2019. Nguyên nhân của việc tăng lên liên tục này là do Nhà nước thay đổi mức lương tối thiểu và chi tiêu cho các chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với nguồn thu còn lại, có thể thấy thu trên địa bàn ít và phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu liên quan đến đất đai, như thu cấp quyền sử dụng đất chiếm tới 14,8% tổng thu ngân sách trong năm 2019. Điều này cho thấy, chính quyền xã thiếu chủ động trong quản lý ngân sách vì phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn thu liên quan đến đất đai và bổ sung từ ngân sách cấp trên.

Thanh Ba là huyện miền núi, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Mức thu thuế môn bài chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng thu ngân sách, do sản xuất phần lớn vẫn ở quy mô hộ gia đình, không qua đăng ký kinh doanh. Cán bộ thuế khó có thông tin chi tiết về sản xuất và thu nhập của hộ. Một số xã thực hiện huy động các khoản đóng góp của dân thông qua hình thức góp ngày công, tự nguyện hiến đất, đóng góp nguyên vật liệu để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nhiều xã chưa thực hiện quy đổi ra giá trị để hạch toán ghi thu - chi khoản đóng góp này.

Bảng 2. Đánh giá về phân cấp nguồn thu tại xã, thị trấn

Đánh giá về phân cấp nguồn thu tại xã, thị trấn

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra (2020)

Có thể thấy, việc phân cấp nguồn thu trên địa bàn huyện Thanh Ba đã được thực hiện tương đối tốt tạo điều kiện cho cấp xã chủ động phát huy tiềm năng tại chỗ. Bên cạnh đó, theo đánh giá của các hộ kinh doanh, buôn bán trên địa bàn cho thấy, tinh thần thái độ, nghiệp vụ của các cán bộ thu thuế được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, việc áp dụng linh hoạt hình thức nộp thuế ở địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, các hình thức nộp thuế đối với các hộ dân chủ yếu là thu trực tiếp, việc áp dụng nộp thuế qua kho bạc chưa được áp dụng đối với các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ.

3. Công tác quyết toán thu ngân sách

Công tác quyết toán được thực hiện theo đúng quy trình tại Điều 13 Thông tư số 344/2016/TT-BTC. Quyết toán từ cấp xã, phường, đơn vị, sau đó tổng hợp quyết toán toàn huyện, số liệu quyết toán sau khi được tổng hợp sẽ báo cáo UBND huyện để trình HĐND phê duyệt. Về cơ bản, báo cáo quyết toán đảm bảo được các yêu cầu cơ bản của công tác quản lý NSNN. Hoạt động thu, chi nhìn chung bám sát dự toán, đúng chế độ chính sách của Nhà nước, không có xã nào vướng vào trường hợp quyết toán chi vượt quá nguồn thu. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị gửi báo cáo quyết toán chậm, gây ảnh hưởng đến việc quyết toán chung của ngân sách huyện.

4. Công tác thanh tra kiểm tra quản lý ngân sách xã

Tại các xã, thị trấn, HĐND xã giám sát tình hình chấp hành dự toán tại địa phương. Còn ở cấp huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện phối hợp với thanh tra huyện Thanh Ba, Kho bạc Nhà nước huyện Thanh Ba để kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện thanh tra, kiểm tra thu, chi tài chính ngân sách xã một cách thường xuyên. Trong giai đoạn 2017 - 2019, đoàn kiểm toán đã thực hiện kiểm toán ngẫu nhiên 9 cơ quan, đơn vị, không có vấn đề vi phạm lớn về quản lý NSNN của các đơn vị, những vấn đề kiến nghị khác được xử lý kịp thời.

Bảng 3. Kết quả thanh tra, kiểm tra liên quan đến quản lý thu ngân sách xã tại huyện Thanh Ba, giai đoạn 2017 - 2019

Kết quả thanh tra, kiểm tra

Nguồn: Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thanh Ba (2020)

III. Giải pháp tăng cường quản lý về thu ngân sách xã trên địa bàn huyện

Thứ nhất, giải pháp cho vấn đề lập dự toán. Dự toán thu ngân sách xã phải dựa trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện năm trước, phân tích, dự báo tình hình đầu tư của Nhà nước, khả năng tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tình hình đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở kinh tế trọng điểm, có số thu lớn. Đảm bảo tính đúng, tính đủ từng lĩnh vực thu, từng sắc thuế theo các quy định của pháp luật về thuế, chế độ thu, đặc biệt là các chính sách, chế độ mới ban hành hoặc sửa đổi về thu ngân sách nhà nước đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Thứ hai, giải pháp cho tổ chức thu ngân sách xã tại huyện. Công tác chấp hành thu ngân sách phải đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo chế độ quy định. Các khoản thu thuế, phí và lệ phí phải được triển khai thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, đặc biệt là các chính sách mới ban hành, UBND cấp xã chỉ được thực hiện thu thuế, phí, lệ phí nằm trong danh mục được phép thu và mức thu theo quy định của HĐND tỉnh Phú Thọ. Tăng cường quản lý quỹ đất công ích và có cơ chế giao khoán hợp lý, tận dụng triệt để, không để quỹ đất công ích hoang hóa. Việc thu khoán quỹ đất công ích nên giao khoán và thu tiền hàng năm, tránh tình trạng giao khoán nhiều năm nhưng thu tiền một lần làm ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách của các năm tiếp theo.

Thứ ba, giải pháp về công tác quyết toán thu ngân sách. Đôn đốc thu - nộp đầy đủ những khoản phải thu nhưng chưa thu vào NSNN. Trước khi thực hiện khóa sổ phải xem xét lại các số liệu đã hạch toán và đối chiếu với KBNN nơi giao dịch để đảm bảo rằng các số liệu thu, chi ngân sách xã đều chính xác, đầy đủ và theo đúng mục lục ngân sách xã. Kiểm kê, đối chiếu toàn bộ tài sản, vật tư, công nợ, tiền mặt, tiền gửi và các loại nguồn vốn quỹ của xã để xác định số thực có ở thời điểm cuối năm báo cáo có hoàn toàn khớp đúng hay không.

Thứ tư, giải pháp về công tác thanh tra, kiểm tra quản lý ngân sách xã. Công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm định quyết toán của Phòng Tài chính - kế hoạch huyện đối với cấp xã cần phải được tăng cường, không dừng ở việc thẩm định số thu, số chi so với số của KBNN. Công khai quyết toán để mọi người biết và kiểm tra giám sát. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân trong giám sát quản lý và sử dụng ngân sách của cơ quan đơn vị và địa phương mình. Xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

IV. Kết luận

Công tác quản lý NSX trên địa bàn huyện Thanh Ba trong những năm gần đây đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tỉ lệ thực hiện thu NSNN hàng năm của huyện luôn vượt mức so với kế hoạch, tốc độ tăng thu NSX bình quân 3 năm là 7,89%. Công tác quản lý ngân sách thu nhà nước cấp xã qua các khâu lập dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán thu ngân sách nhà nước và thanh tra, kiểm tra đã đảm bảo đúng kế hoạch, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thu trên địa bàn.

Tuy nhiên, cơ cấu nguồn thu ngân sách trên địa bàn xã chưa hợp lý, còn phụ thuộc nhiều vào nguồn bổ sung từ ngân sách cấp trên và các giao dịch liên quan đến đất đai. Bên cạnh đó, công tác quản lý thu NSNN trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Từ những tồn tại trên, tác giả đã đề xuất một số giải pháp chính nhằm tăng cường công tác quản lý về thu ngân sách xã tại huyện Thanh Ba trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 344/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn.
  2. Chaudhuri, P. K. (1959). Decentralisation or Delegation of Power? The Rajasthan Panchayat Samitis and Zila Parishad Act. The Economic & Political Weekly, 11(40), 1365-1368.
  3. Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thanh Ba (2020). Các báo cáo về lập dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách, quyết toán ngân sách và tổng hợp quyết toán ngân sách của huyện các năm 2017, 2018, 2019.
  4. Stigler, George. (1957). The Tenable Range of Local Functions. Reprinted in Wallace Oates, editor, (1998), 3-9.
  1. UBND huyện Thanh Ba (2020). Các nghị quyết, kế hoạch về phát triển KTXH và dự toán ngân sách của huyện các năm 2017, 2018, 2019.

THE REVENUE MANAGEMENT OF STATE BUDGET

IN THANH BA DISTRICT, PHU THO PROVINCE

• Prof.Ph.D NGUYEN VAN SONG

Vietnam National University of Agriculture

•  VU THI TUYEN

People's Committee of Thanh Ba Town, Phu Tho Province

• Ph.D TRAN DUC THUAN

Dong Nai University of Technology

ABSTRACTS:

This study was conducted by analyzing secondary data on commune budget revenues collected from the People's Committee, the Department of Finance and Planning of Thanh Ba District, Phu Tho Province for the period 2017-2019, and primary data obtained from the survey of 72 people who are working for the Department of Finance and Planning, the State Treasury, the Department of Taxation, working as the Chairman and Accountants of commune,  representatives of some businesses and households in Thanh Ba Town and Man Lan Commune. This study is to evaluate the management of state budget revenues at the commune level through different stages including (i) estimation, (ii) compliance with the estimate, (iii) finalization of state budget revenues, and (iv) inspection. Based on this study’s findings, some solutions are proposed to strengthen the revenue management of state budget in Thanh Ba District in the coming time.

Keywords: Management, state budget revenue, commune, Thanh Ba District, Phu Tho Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]