Để hoàn thành nhiệm vụ này, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Trị đã kịp thời điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhất là việc tập trung tổ chức triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công. Qua đó góp phần hỗ trợ, trợ giúp các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trong tỉnh vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chương trình khuyến công tỉnh và quốc gia đã và đang tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn khắc phục những khó khăn, thách thức do đại dịch để đầu tư mua sắm máy móc thiết bị vào sản xuất, xây dựng các mô hình để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Số lượng các đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, qua đó các hoạt động khuyến công cũng được tổ chức thuận lợi hơn.
Năm 2021, tổng kinh phí hoạt động sự nghiệp khuyến công tỉnh là gần 3 tỷ đồng với nhiều hoạt động, qua 31 đề án khuyến công.
Cụ thể, Hỗ trợ xây dựng 02 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, gồm 01 mô hình sản xuất phôi, chai nhựa PET từ nguồn nguyên liệu rác thải nhựa tái chế tại Hộ kinh doanh Trần Văn Tín, xã Thanh An, huyện Cam Lộ, góp phần giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại địa phương, đồng thời tái chế hạt nhựa nguyên liệu và phôi chai PET; 01 mô hình chế biến các loại hạt ngũ cốc tại Hộ kinh doanh Phan Thị Tuyết Nhung, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, đây là mô hình đầu tiên trên địa bàn huyện Gio Linh sản xuất các sản phẩm hạt dưa, hạt hướng dương nhằm phối hợp với bà con nông dân phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh để tạo ra sản phẩm đặc trưng cho địa phương.
Hỗ trợ 28 đề án ứng dụng máy móc và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: sản xuất gỗ rừng trồng, mộc mỹ nghệ, may công nghiệp, cà phê, trà thảo mộc tự nhiên, tinh dầu thiên nhiên, sản xuất cửa nhôm, gạch Terrazzo, cơ khí, nước mắm,...các đề án đã phát huy hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, chất lượng tốt, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị.
Như vậy, có thể thấy, trong bối cảnh các doanh nghiệp, cơ sở CNNT chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19 thì nguồn kinh phí khuyến công đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong việc đầu tư xây dựng mô hình, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị vào sản xuất thực sự rất cần thiết và là nguồn động viên lớn đối với các doanh nghiệp, cơ sở CNNT nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định phát triển sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và bảo đảm việc làm cho người lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cùng với đó, năm 2021, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Trị tổ chức thực hiện đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và chế biến nông lâm thủy sản địa phương”. Trong đó, hỗ trợ 3 đơn vị: Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thu Hiếu (Sen Bảo Liên), Hộ kinh doanh Võ Thị Nuôi (Nước mắm Ông Lợi), Hộ kinh doanh Lê Thanh Biên (Dầu lạc làng An) về thiết kế, in ấn bao bì nhãn mác sản phẩm, tập gấp và 01 clip để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Qua đó, giúp các cơ sở hoàn thiện bao bì nhãn mác và tập gấp để quảng bá, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ.
Năm 2021, Trung tâm được giao thực hiện 02 nhóm đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, với 03 đơn vị thụ hưởng (lĩnh vực hỗ trợ sản xuất đá granite và ván ghép thanh), kinh phí 900 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Các đề án khuyến công quốc gia có quy mô lớn, tính lan tỏa tốt, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt, đã thu hút được nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển sản xuất công nghiệp. Qua đó, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, tăng doanh thu cho doanh nghiệp và tạo việc làm cho một lực lượng lớn lao động địa phương.
Ông Nguyễn Trương Hoàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp Quảng Trị cho biết, giai đoạn 2021-2025, công tác khuyến công của Quảng Trị tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh. Phấn đầu hoàn thành 100% các đề án khuyến công tỉnh và các đề án khuyến công quốc gia được phê duyệt hỗ trợ trong năm 2022.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng ưu tiên các đề án chế biến sâu, sử dung nguyên liệu của địa phương thông qua các dạng đề án: Hỗ trợ xây dựng, giới thiệu mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; Đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiến tiến vào sản xuất; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, đóng gói sản phẩm; Hỗ trợ phát triển thị trường; Đánh giá, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; Tư vấn thành lập, khởi sự doanh nghiệp...