TÓM TẮT:
Bài báo tập trung vào khái quát lý luận về tác động từ chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tới tăng trưởng kinh tế, phân tích tác động từ quá trình này tới tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Trị và rút ra những hàm ý mang tính định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế. Nghiên cứu này sử dụng số liệu thống kê của tỉnh Quảng Trị và mô hình kinh tế lượng để ước lượng tác động của CDCC ngành kinh tế tới tăng trưởng. Kết quả cho thấy, CDCC ngành tác động tích cực tới tăng trưởng GRDP, cùng với đó quy mô nền kinh tế, chất lượng nhân lực và trang bị kỹ thuật tốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Từ khóa: chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, tăng trưởng kinh tế, 3SLS, GMM.
1. Đặt vấn đề
Chuyển dịch cơ cấu (CDCC) ngành kinh tế phản ánh tình hình phân bổ nguồn lực của nền kinh tế, quyết định năng lực và tăng trưởng sản lượng của nền kinh tế. Có nhiều nghiên cứu khác nhau đề cập tới chủ đề này trên các cách tiếp cận khác nhau. Các nghiên cứu làm rõ những thay đổi cơ cấu ngành, tái phân công lao động, phân bổ lại nguồn lực,… từ đó thay đổi mức sản lượng của nền kinh tế trên góc độ nền kinh tế quốc gia hay lãnh thổ ở cả Việt Nam và thế giới.
Nền kinh tế Quảng Trị những năm sau chia tách, quy mô GDP của tỉnh đã mở rộng không ngừng, tốc độ tăng trưởng nhanh và liên tục, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch tích cực. Các ngành công nghiệp và dịch vụ đã phát triển rất nhanh thúc đẩy thay đổi cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng những đánh giá này chỉ là định tính. Vì thế, cần đánh giá định lượng những ảnh hưởng từ CDCC ngành kinh tế cùng với các nhân tố khác tới tăng trưởng GRDP, từ đó có những hàm ý để tái cơ cấu ngành kinh tế nhằm tạo ra những động lực mới cho nền kinh tế.
2.Cơ sở lý luận về ảnh hưởng của CDCC ngành kinh tế tới tăng trưởng kinh tế
2.1. Cơ sở lý thuyết
Các Lý thuyết mô hình tăng trưởng kinh tế là cơ sở để nghiên cứu tác động của CDCC ngành kinh tế đến tăng trưởng kinh tế:
(i) Lý thuyết tăng trưởng cổ điển tuy không trực tiếp chỉ ra tác động của cơ cấu kinh tế tới tăng trưởng nhưng đã khẳng định phải bảo đảm tỷ lệ các yếu tố nguồn lực - cơ cấu nguồn lực hợp lý thì tăng trưởng mới được bảo đảm.
(ii) Lý thuyết về tăng trưởng kinh tế Tân cổ điển đã chỉ ra rằng tăng tích lũy cho phép thúc đẩy tăng đầu tư, thúc đẩy CDCC kinh tế nhưng không duy trì được tăng trưởng trong dài hạn; Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế nhất định cần duy trì quy mô dân số hợp lý; Tiến bộ về khoa học công nghệ chính là chìa khóa của tăng trưởng kinh tế trong dài hạn do tác động tới thay đổi tích cực cơ cấu kinh tế.
(iii) Lý thuyết tăng trưởng kinh tế nội sinh một mặt đã chỉ ra cách thức phân bổ nguồn lực của nền kinh tế chuyển nhanh và mạnh mẽ trên cơ sở công nghệ cao nhờ phát huy tính hiệu quả sử dụng nguồn lực, nâng cao chất lượng nguồn lực nhất là lao động và mở rộng nghiên cứu, phát triển hay nói cách khác phát huy tính chất nội sinh của chúng. Cơ chế phân bổ này sẽ hướng nguồn lực tới những ngành và lĩnh vực mà ở đó năng suất và hiệu quả nguồn lực được tốt ưu. Mặt khác, lý thuyết này gián tiếp cũng nói lên rằng nhu cầu ngày càng cao của xã hội cả về số lượng và chất lượng sản phẩm. Chất lượng hàng hóa dịch vụ chỉ có thể đạt được nhờ trình độ công nghệ ngày càng cao. Vì vậy, những ngành sản xuất hàng hóa dịch vụ cao cấp luôn có nhu cầu áp dụng và nâng cao trình độ công nghệ sản xuất. Chính sự thay đổi cơ cấu tiêu dùng và sản xuất đã thúc đẩy tiến bộ công nghệ.
(iv) Lý thuyết tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu là cách vận hành kinh tế dựa vào tận dụng những lợi thế mọi mặt để thúc đẩy xuất khẩu; Thay đổi cấu trúc xuất khẩu chuyển từ sản xuất sản phẩm thâm dụng lao động sang thâm dụng công nghệ, từ công nghiệp chế biến giai đoạn đầu (hàng thiết yếu) sang giai đoạn sau (tư liệu sản xuất); Đồng thời, cơ cấu nền kinh tế cũng có sự thay đổi trong điều kiện kinh tế mở để đáp ứng nhu cầu thị trường mở cửa như yếu tố để nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực. Đây chính là cơ chế CDCC ngành kinh tế thúc đẩy tăng trưởng GDP và nâng cao trình độ công nghệ.
2.2. Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm
Theo như nghiên cứu của Muhamed và các cộng sự (2015), rất nhiều quốc gia đã đạt được quá trình tăng trưởng kinh tế một cách bền vững thông qua sự chuyển đổi cơ cấu các ngành kinh tế; tuy nhiên, sẽ có sự khác biệt về bản chất của sự tăng trưởng giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển. Ngoài ra, Muhamed và các cộng sự cũng đã nhận định rằng: trong 3 thập kỉ qua, một số quốc gia đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đặc biệt là có mức tăng trưởng về thu nhập ổn định là nhờ vào việc không ngừng đổi mới về công nghệ cũng như thay đổi cơ cấu các ngành kinh tế.
Theo Nick Henry (2011), lịch sử phát triển kinh tế đã chỉ ra rằng: có mối quan hệ rất mật thiết và khá phức tạp giữa quá trình tăng trưởng kinh tế và sự chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế có thể mang lại những sự thay đổi trong cơ cấu ngành kinh tế hoặc sự chuyển dịch trong cơ cấu ngành kinh tế có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế. Điều này là do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế là kết quả của quá trình phản ánh khả năng của một ngành công nghiệp, một khu vực hoặc một nền kinh tế nhằm đối phó với những áp lực trong môi trường cạnh tranh mới và những cơ hội mới.
Theo như nghiên cứu của Joseph và Peter (2016), việc chuyển đổi cơ cấu các ngành kinh tế là thực sự cần thiết và quan trọng nhằm duy trì quá trình tăng trưởng kinh tế ổn định cho nền kinh tế Australia. Bên cạnh đó, Joseph và Peter cũng cho rằng: các chính sách của Chính phủ về lao động sẽ có những ảnh hưởng đến cơ cấu các ngành kinh tế của Australia.
Araujo và các cộng sự (2017) cho rằng, chuyển dịch cơ cấu chính là chiến lược cho tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển, vì nó làm phân tán tốt hơn những tác động tích cực của năng suất công nghiệp thông qua chuỗi sản xuất, dẫn đến tăng giá trị các điều khoản thương mại khi các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng lớn hơn. Hơn nữa, việc các quốc gia chuyển sang sản xuất những loại hàng hóa có độ co giãn của cầu theo thu nhập cao hơn, sẽ ít bị tổn thương hơn trước những thay đổi khó lường của tình hình quốc tế. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đã nhấn mạnh: việc chuyển dịch cơ cấu các ngành sản xuất theo hướng dựa trên các sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu là khó khả thi đối với các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là Brazil, nếu muốn bắt kịp các nền kinh tế phát triển. Do đó, việc chú trọng sản xuất các hàng hóa công nghiệp để xuất khẩu dựa trên nhu cầu thực tế của các đối tác thương mại có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc định hướng chuyển dịch cơ cấu các ngành sản xuất.
Valli và Saccone (2015) đã tiến hành nghiên cứu so sánh, phân tích mối quan hệ giữa chuyển dịch cơ cấu, vấn đề toàn cầu hóa và tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời đánh giá những ảnh hưởng của chúng đối với các vấn đề xã hội, cũng như những đóng góp đến năng suất lao động tổng hợp. Ở cả 2 nước, đặc biệt là Trung Quốc, đã đạt được sự gia tăng rất ấn tượng về năng suất lao động. Trong khi ở Ấn Độ, mặc dù tốc độ tăng trưởng năng suất lao động chậm nhanh hơn nhưng lại đạt được sự cân bằng tốt hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc tái phân bổ nguồn lao động cũng hướng đến những ngành có mức năng suất lao động cao nhất.
Nghiên cứu của Tania-Georgia, Viciu; Adrian, Vasile; Carmen-Eugenia, Costea (2012) tập trung xem xét mối quan hệ giữa những cơ cấu kinh tế và tăng trưởng chung của nền kinh tế Rumani. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, về mặt phân phối sản lượng của nền kinh tế nước này được coi là thành công khi đang chuyển đổi từ cơ chế cũ sang một nền kinh tế thị trường, tuy nhiên kết quả của phân công lao động thì vẫn thiếu hiệu quả, chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp có khoảng 30% lực lượng lao động nhưng chỉ đóng góp vào GDP với khoảng 10%. Như vậy, quá trình hiện đại hóa và tái cơ cấu nền kinh tế nên được xem như các nỗ lực để tạo ra các hoạt động sản xuất và bền vững trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.
Nghiên cứu của Nguyễn Thị Cẩm Vân (2015) đã xây dựng mô hình phân tích tác động của chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tới tăng trưởng GDP. Tác giả đã sử dụng hàm sản xuất mở rộng để xây dựng mô hình phân tích. Trong nghiên cứu này, biến chuyển dịch cơ cấu được đại diện bằng tỷ trọng vốn và lao động trong các ngành Công nghiệp và Thương mại dịch vụ. Nghiên cứu này lấy số liệu theo tỉnh của Việt Nam và thời gian từ năm 1989 tới năm 2014. Kết quả chỉ ra tác động dương từ sự CDCC kinh tế. Nguyễn Hồng Quang (2018) cũng sử dụng mô hình này để phân tích với số liệu về: Tăng trưởng kinh tế, Vốn đầu tư vào các ngành phi nông nghiệp, Lao động trong các ngành phi nông nghiệp, Lao động trong các ngành nông nghiệp. Kết quả khẳng định chuyển dịch cơ cấu tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mai Văn Tân (2014) phân tích những nội dung nghiên cứu về mối quan hệ giữa chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận định rằng: việc CDCC ngành kinh tế của một quốc gia không chỉ đánh giá được chất lượng tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó, mà còn phản ánh được bản chất của quá trình công nghiệp hóa. Ngoài ra, Mai Văn Tân còn cho rằng, thực chất sự thay đổi trong cơ cấu các ngành kinh tế chính là sự điều chỉnh về phương thức phân bổ và sử dụng các nguồn lực. Do đó, có thể xem CDCC ngành kinh tế là trọng tâm của quá trình phát triển kinh tế.
Nghiên cứu của Bùi Quang Bình (2010) đã xem xét quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tác giả sử dụng phương pháp phân tích thống kê và tổng hợp số liệu kinh tế Việt Nam từ năm 1986 đến năm 2009. Nghiên cứu đã chỉ ra một số khiếm khuyết của cơ chế vận hành phân bổ nguồn lực cho các ngành kinh tế Việt Nam mà chúng có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Một trong những khiếm khuyết đó là việc phân bổ nguồn lực đã không góp phần phát huy vai trò của ngành Nông nghiệp Việt Nam. Đây là ngành có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nghiên cứu này như gợi ý xem xét cơ chế phân bổ nguồn lực cho các ngành quyết định tăng trưởng kinh tế.
Các lý thuyết và kết quả các nghiên cứu thực nghiệm này sẽ cung cấp cơ sở lý luận để phân tích tác động của CDCC ngành kinh tế tới tăng trưởng kinh tế.
3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu được sử dụng chủ yếu là: (i) Phân tích thống kê mô tả sử dụng phân tích động thái và xu hướng tăng trưởng của CDCC ngành kinh tế; (ii) Mô hình kinh tế lượng sẽ được trình bày cụ thể dưới đây.
Một số nghiên cứu khi phân tích tác động của chuyển dịch cơ cấu ngành đã sử dụng hàm sản xuất mở rộng để xác định. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Cẩm Vân (2015) đã xây dựng mô hình phân tích tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế tới tăng trưởng kinh tế theo phương pháp hàm sản xuất mở rộng. Vũ Thị Thu Hương (2017) đã sử dụng số liệu khảo sát doanh nghiệp Việt Nam theo tỉnh, các năm từ 2004-2014 và mô hình hàm sản xuất dạng:
lnGOjkt = β0 + β1lnLjkt + β2lnKjkt + β3LIjkt + yeart (1)
Trong đó: j là số ngành kinh tế cấp I, k là chỉ số tỉnh và t là năm; L là lao động; K là vốn và LI là Chỉ số Lilien do David M. Lilien (1982) xây dựng để đo lường độ tái phân bổ lao động giữa các ngành hay vùng. Sử dụng phương pháp ước lượng OLS cho kết quả chuyển dịch cơ cấu lao động có tác động dương tới tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở các nghiên cứu trên, để phân tích tác động của chuyển CDCC ngành kinh tế tới tăng trưởng của 1 địa phương, tác giả đề xuất mô hình sau:
lnyit = β0 + β1lnyit-1 + β2cdccit + β3hit + β4lnvcit + εit (2)
Trong đó: i bao gồm các ngành cấp I như NLTS, ngành Công nghiệp và ngành Thương mại - Dịch vụ; lnyit là biến đại diện cho tăng trưởng kinh tế và yit là giá trị gia tăng của ngành i năm t; cdcct biến đại diện cho CDCC kinh tế ngành I của năm t. Trên cơ sở tham vấn các chuyên gia về mối quan hệ này, tác giả được gợi ý có các biến yit-1 kết quả sản xuất hay giá trị gia tăng của ngành I năm t -1; các yếu tố nguồn lực là vốn con người - hit và Trang bị tài sản cố định trên lao động của các ngành cấp I - lnvcit. Ở đây, biến đại diện cho CDCC ngành kinh tế bằng cách sử dụng góc CDCC kinh tế - góc φ hay hệ số cos φ đã được xác định theo Moore J. (1978).
Ở đây sẽ sử dụng phương trình (2) để phân tích. Nhưng biến tăng trưởng kinh tế năm trước - lnyit-1 và cdcciit là biến nội sinh. Theo Mankiw (2013), sản lượng của nền kinh tế phụ thuộc vào lượng vốn sản xuất, lao động và tỷ lệ đầu tư nâng cao trình độ công nghệ cho từng ngành kinh tế, do vậy có thể thiết lập phương trình (3). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành phụ thuộc vào các yếu tố như tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế cho từng ngành, lao động và chi ngân sách cho từng ngành kinh tế,… (Bùi Tất Thắng (2006), Nguyễn Hồng Quang (2018)), nên có thể thiết lập phương trình (4).
lnyit-1 = β0 + β1lnkit-1 + β2ln1it-1 + β3DTCNit-1+ εit (3)
cdccit = β0 + β1sit + β2lnlit + β3bugetit + εit (4)
Trong phương trình (2) có thể xảy ra sự tương tác lẫn nhau giữa các biến chính trong mô hình, như: giá trị gia tăng của các ngành năm t-1 (lnyit-1) và biến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế (cdccit) nên cần phải áp dụng phương pháp ước lượng phù hợp để xem xét tác động tương hỗ lẫn nhau nhưng tránh được các vấn đề thiên lệch trong quá trình phân tích. Ở đây, tác động tương hỗ là tương quan các phần dư giữa các phương trình, cũng như tương quan giữa các biến chính (Biến nội sinh). Trong trường hợp này, có thể sử dụng hệ phương trình đồng thời và áp dụng phương pháp ước lượng hồi quy 3 giai đoạn (3 SLS -GMM) để khắc phục (Andreas et. al (2015)).
Trong hệ 3 phương trình đồng thời gồm 2, 3 và 4. Ở đây biến nội sinh lnyit-1 và cdccit được giải quyết thông qua các biến ngoại sinh ở trong phương trình 3 và 4. Trong trường hợp này theo Zellner, A & Theil.H (1962) có thể áp dụng phương pháp ước lượng 3SLS.
Về số liệu của nghiên cứu: Các số liệu được tổng hợp từ Niên giám thống kê của tỉnh Quảng Trị các năm từ 2000 - 2019. Các chỉ tiêu thống kê gồm giá trị sản xuất, GRDP của tỉnh; giá trị sản xuất, giá trị gia tăng,… của các ngành kinh tế. Các số liệu này được tính bằng giá hiện hành và giá so sánh. Ở đây giá so sánh sẽ được chuyển về giá năm 2010. Số liệu các nguồn lực như lao động, vốn đầu tư của tỉnh và các ngành cũng được tổng hợp từ các ấn phẩm này. Riêng số liệu vốn đầu tư sẽ được tính bằng giá hiện hành và giá so sánh và giá so sánh sẽ là giá năm 2010. Khoảng thời gian của số liệu sẽ từ năm 2000 tới năm 2019.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Đặc điểm về địa bàn nghiên cứu
Tỉnh Quảng Trị nằm trên tọa độ địa lý từ 16018 đến 17010 vĩ độ Bắc, có lợi thế về địa lý - kinh tế, là đầu mối giao thông, nằm ở trung điểm đất nước, ở vị trí quan trọng - điểm đầu trên tuyến đường huyết mạch chính của hành lang kinh tế Đông - Tây nối với Lào - Thái Lan - Mianmar. Tổng diện tích tự nhiên của Quảng Trị là 473.744 ha. Dân số của tỉnh năm 2020 là 633.4 nghìn người. Trong hơn 20 năm qua, cùng với sự đổi mới và mở cửa phát triển nhanh của cả nước, sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Trị đã đạt được những thành tựu đáng kể trên mọi lĩnh vực.
4.2. Thực trạng tăng trưởng GRDP và xu thế chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế
4.2.1. Thực trạng tăng trưởng GRDP tỉnh Quảng Trị
Quy mô nền kinh tế mở rộng không ngừng, tốc độ tăng trường cao hơn trung bình của cả nước, tuy nhiên tăng trưởng không ổn định và xu hướng giảm dần, vị thế kinh tế Quảng Trị ở DHMT không được cải thiện:
Theo giá hiện hành, Quy mô GRDP của tỉnh Quảng Trị năm 2000 là 1.679 tỷ đồng, năm 2005 là 3.707 tỷ đồng và năm 2010 là 10.912 tỷ đồng, tăng gần 9.5 lần. Theo giá so sánh 2010, Quy mô GRDP của tỉnh Quảng Trị năm 2000 là 3.930 tỷ đồng, năm 2005 là 5.959 tỷ đồng và năm 2010 là 10.912 tỷ đồng, tăng 2.77 lần. Theo đó, thời kỳ 2001 - 2005 tăng trưởng bình quân 8,7%/năm và đặc biệt thời kỳ 2006 - 2010 tăng trưởng bình quân 10,6%/năm, đây là thời kỳ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, ổn định nhất so các thời kỳ trước đó. Giai đoạn 2011-2019, quy mô GRDP của tỉnh Quảng Trị vẫn duy trì đà tăng trưởng, từ mức 14.140 tỷ đồng năm 2011 lên mức 31.657 tỷ đồng năm 2011 (giá hiện hành), tăng 2.23 lần. Theo giá so sánh 2010, GRDP năm 2011 của tỉnh Quảng Trị là 11.561 tỷ đồng và năm 2019 là 19.166 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình là 6.46%, gần bằng với trung bình của Việt Nam thời kỳ này. Dù quy mô GRDP gia tăng như so với các tỉnh thành ở Duyên hải miền Trung vẫn khá hạn chế, vị thế kinh tế của tỉnh không được cải thiện.
Các ngành kinh tế chủ chốt phát triển nhanh đã tạo ra động lực mới cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
Trong 20 năm qua, các ngành phi nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò vị thế trong nền kinh tế khi duy trì gia tăng quy mô khá cao. Trong 10 năm đầu, đường xu hướng tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành dịch vụ ở phía trên đường tăng trưởng GRDP chung. Điều này hàm ý động lực chính cho tăng trưởng kinh tế thuộc về ngành này. Giai đoạn 2010-2019, với sự phát triển nhanh của công nghiệp xây dựng đã kéo đường xu hướng tăng trưởng giá trị gia tăng của CN-XD lên trên đường xu hướng tăng trưởng GRDP chung. Giai đoạn này động lực chính của tăng trưởng kinh tế nhờ 2 ngành này. Tăng trưởng giá trị của nông lâm thủy sản luôn chậm hơn tăng trưởng các ngành phi nông nghiệp cũng như của nền kinh tế.
4.2.2. Xu thế thay đổi cơ cấu ngành kinh tế tỉnh Quảng Trị
Trong 20 năm qua, cơ cấu ngành kinh tế cấp I theo tổng sản lượng GRDP đã thay đổi theo hướng tích cực và có chất lượng khá tốt. Trong 10 năm đầu rõ nét và có chất lượng cao hơn 10 năm sau nhưng Dư địa chuyển dịch về số lượng đã giới hạn:
Sự thay đổi cơ cấu giá trị gia tăng ngành kinh tế cấp I theo tổng sản lượng GRDP nếu nhìn theo từng thời điểm như lát cắt như trên chưa thể thấy xu thế CDCC giá trị gia tăng trong GRDP của nền kinh tế. Số liệu thống kê cho thấy rõ xu thế thay đổi tỷ trọng giá trị gia tăng các ngành cấp I trong GRDP. Tỷ trọng giá trị gia tăng NLTS giảm dần. Ngược lại, tỷ trọng giá trị gia tăng của CN-XD tăng dần và của dịch vụ tăng trong giai đoạn 10 năm đầu và 10 năm sau ít thay đổi.
Cơ cấu ngành nông lâm thủy sản đã có sự thay đổi khá tích cực dựa vào những ngành có tiềm năng và dư địa phát triển lớn nhưng chất lượng còn chưa cao:
Trong ngành cấp I nông lâm thủy sản, tỷ trọng giá trị gia tăng của nông nghiệp giảm dần nhưng vẫn chiếm đại bộ phận. Năm 2000, tỷ trọng giá trị gia tăng của nông nghiệp là 76.4%, năm 2010 là 73.5 % và 2019 là 66%. Tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành Thủy sản chiếm vị trí sau nông nghiệp và có xu hướng tăng dần. Trong thời gian này, tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành Thủy sản lần lượt là 14.4%; 19.7% và 28.5%. Tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành cấp II lâm nghiệp lần lượt là 9.2%; 6.8% và 5.5%. Trong giai đoạn 20 năm qua, tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành cấp II nông nghiệp giảm 10.4%, tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành cấp II lâm nghiệp giảm 3.7%, trong khi tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành thủy sản lại tăng 14.1%. Tuy nhiên, chất lượng chuyển dịch chưa cao, chỉ đạt 8.4 độ, thấp hơn mức chung của nền kinh tế. Như vậy, cơ cấu ngành cấp I này thay đổi theo hướng phát huy tiềm năng lợi thế về thủy sản của tỉnh, hạn chế khai thác lâm nghiệp, tuy nhiên chất lượng thấp và dư địa thay đổi theo chiều rộng còn ít.
Nội bộ ngành CN-XD đã dịch chuyển dần dựa vào công nghiệp nhiều hơn nhưng còn chậm và chất lượng chưa cao:
Trong giá trị gia tăng ngành cấp I công nghiệp xây dựng, tỷ trọng của ngành cấp II công nghiệp chiếm chỉ hơn một nửa và có xu hướng tăng. Năm 2000, tỷ trọng giá trị gia tăng của công nghiệp là 44%, năm 2010 là 46% và 2019 là 54.49%. Trong thời gian này, tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành xây dựng lần lượt là 56%; 51.5% và 45.5%. Với cơ cấu này cho thấy ngành cấp I - CN-XD, trong 10 năm đầu dựa chủ yếu vào xây dựng, công nghiệp chỉ thực sự phát huy ở 10 năm sau. Trong giai đoạn 20 năm qua, tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành cấp II công nghiệp tăng 10.5%, theo chiều ngược lại, tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành cấp II xây dựng giảm 10.5%. Tuy nhiên, chất lượng chuyển dịch chưa cao, chỉ đạt 3.66 độ, thấp hơn mức chung của nền kinh tế. Trong giá trị gia tăng của ngành cấp II này, tỷ trọng của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm chủ yếu, từ hơn 50% năm 2000 tăng lên 62.6% năm 2010 và chỉ đạt 65.1% năm 2019. Tỷ trọng của ngành Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí vẫn giữ được vị trí thứ 2 nhưng đang giảm dần từ mức 25.5% xuống còn gần 20% năm 2015 và tăng lên 25.8% (Nhờ triển khai và đưa vào hoạt động nhiều dự án điện gió, mặt trời). Ngành Khai khoáng vẫn giữ được vị trí thứ ba nhưng tỷ trọng chỉ còn 6.3% năm 2019. Tỷ trọng của cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải chỉ chiếm gần 3% năm 2019. Nhìn chung, xu thế chuyển dịch cơ cấu của công nghiệp đang dựa vào sự phát triển của các ngành có khả năng khai thác tiềm năng lớn như điện khí, ngành chế biến và chế tạo có sự phát triển nhưng sẽ phải có chính sách hỗ trợ tốt hơn.
Khác với cơ cấu trong nội bộ ngành cấp I công nghiệp xây dựng, Trong cơ cấu nội bộ ngành cấp I thương mại - dịch vụ. Trong giá trị gia tăng của ngành cấp I này, tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành Dịch vụ chiếm đa số và tăng dần từ mức 68% năm 2000 lên gần 77% năm 2019. Theo chiều ngược lại, tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành Thương mại chỉ chiếm chưa tới 1/3 và xu hướng giảm dần. Trong 20 năm qua, tỷ trọng của ngành Thương mại giảm 8.8%, trong đó 10 năm đầu giảm hơn 6%. Góc chuyển dịch cơ cấu khá chỉ đạt 8.4 độ. Tình hình này cũng phù hợp với đặc thù của địa phương khi các điều kiện để kinh doanh dịch vụ thuận lợi hơn kinh doanh thương mại vì quy mô thị trường nhỏ, sức mua thấp và các hộ kinh doanh chiếm đại bộ phận so với doanh nghiệp.
4.3. Phân tích tác động từ CDCC ngành kinh tế tới tăng trưởng GRDP
Thống kê mô tả các biến trong mô hình được trình bày ở Bảng 1.
Bảng 1. Thống kê mô tả số liệu trong mô hình
Nguồn: Tính toán từ Niên giám thống kê tỉnh Quảng Trị
Bảng 1 đã thể hiện một số thống kê cơ bản về các biến trong mô hình. Giá trị trung bình của biến phụ thuộc CDCC là 0.270, giá trị nhỏ nhất là 0.22 và giá trị lớn nhất là 0.41. Giá trị trung bình của biến quy mô kinh tế - lny là 7.97 và nhỏ nhất và lớn nhất là 7.36 và 8.78. Thống kê cơ bản của các biến khác được sử dụng trong phân tích được thể hiện trong bảng này. Các số liệu về cơ bản đã thể hiện tính hội tụ và có thể sửa dụng để phân tích.
Kết quả phân tích:
Bảng 2. Kết quả ước lượng
Nguồn: Tính toán từ Niên giám thống kê tỉnh Quảng Trị
Kết quả ước lượng có ý nghĩa thống kê. Từ đó, rút ra những đánh giá sau: Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hệ số hồi quy ở đây bằng +2.28. Điều này hàm ý rằng, chuyển dịch cơ cấu các ngành làm thay đổi góc chuyển dịch cơ cấu kéo theo sự phân bổ nguồn lực hệu quả hơn. Chính điều này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quy mô nền kinh tế năm trước có ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng kinh tế năm sau với hệ số hồi quy là +0.93. Vốn có người có hệ số hồi quy là +0.009 hay tác động dương. Điều này hàm ý rằng khi lao động làm việc trong các ngành kinh tế có tỷ lệ qua đào tốt hơn sẽ kích thích tăng trưởng. Trang bị tài sản cố định trên lao động của các ngành cấp I có ảnh hưởng dương tới tăng trưởng kinh tế, đây cũng là yếu tố cải thiện trình độ công nghệ sản xuất. Các yếu tố nguồn lực như vốn, lao động có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các yếu tố như lao động, tỷ lệ chi tiêu ngân sách và mức tín dụng dành cho các doanh nghiệp vay tác động tích cực tới CDCC ngành kinh tế qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kết quả này cũng cho thấy chuyển dịch ngành kinh tế có ý nghĩa rất lớn với tăng trưởng kinh tế ở đây.
Như vậy, CDCC ngành kinh tế những năm qua đã tạo ra tác động tích cực tới tăng trưởng GRDP của tỉnh. Sự gia tăng nhanh quy mô GRDP lại tạo ra khả năng tích lũy cả vốn vật chất và con người thúc đẩy tăng trưởng sản lượng những năm sau. Các yếu tố chiều sâu vừa thúc đầy chuyển dịch cơ cấu vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
5. Bàn luận và hàm ý chính sách
Từ những phân tích trên, rút ra những kết luận và hàm ý chính sách sau:
5.1. Bàn luận
Thứ nhất, CDCC ngành kinh tế đã tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế khá rõ nét. CDCC ngành kinh tế đã thúc đẩy nâng cao năng suất lao động của địa phương để chuyển đổi mô hinh
tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả.
Thứ hai, quy mô nền kinh tế mở rộng không ngừng, tốc độ tăng trường cao hơn trung bình của cả nước, tuy nhiên tăng trưởng không ổn định và xu hướng giảm dần, vị thế kinh tế Quảng Trị ở DHMT chưa được cải thiện. Các động lực tăng trưởng của nền kinh tế là các ngành kinh tế chủ chốt, chúng phát triển nhanh đã tạo ra động lực mới cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thứ ba, cơ cấu cơ cấu ngành kinh tế kinh tế đã thay đổi theo hướng tích cực và có chất lượng khá tốt. Trong 10 năm đầu rõ nét và có chất lượng cao hơn 10 năm sau, nhưng dư địa chuyển dịch về số lượng đã giới hạn. Cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế đã có sự dịch chuyển khá tích cực và theo xu thế khác nhau tùy thuộc mỗi ngành.
5.2. Hàm ý chính sách
Những đánh giá trên là cơ sở đưa ra các hàm ý chính sách như sau:
Thứ nhất, phát triển các ngành kinh tế của địa phương theo các định hướng:
(i) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp với mức tăng trưởng cao, tạo động lực phát triển cho toàn nền kinh tế. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư phát huy hiệu quả các khu công nghiệp; hình thành và phát triển khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị gắn với xây dựng cảng biển Mỹ Thủy. Tập trung đầu tư các ngành công nghiệp có tiềm năng lợi thế như: chế biến nông lâm thủy sản và đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng và xi măng; khai thác và chế biến khoáng sản, nước khoáng, khí đốt; hóa chất phân bón; cơ khí và sản xuất sản phẩm từ kim loại; năng lượng và cấp điện; sản xuất và phân phối nước; các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, sản xuất hàng xuất khẩu,... Chú trọng áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; công nghệ sạch; công nghệ tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp.
(ii) Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch gắn với công nghiệp chế biến, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, kết hợp với giữ gìn môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững.
(iii) Tạo bước phát triển vượt bậc về hệ thống doanh nghiệp, kinh tế hợp tác xã; phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, tăng khả năng đóng góp cho nền kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập dân cư.
Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực thúc đẩy CDCC kinh tế ngành.
(i) Tập trung cơ cấu lại lao động trong nền kinh tế. Trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu lao động theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ; khả năng tạo việc làm trong nội bộ nền kinh tế tỉnh.
(ii) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chú trọng đào tạo lực lượng lao động khoa học, kỹ thuật, quản lý, đội ngũ lao động chất lượng cao, đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới. Tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên 60% vào năm 2030.
Thứ ba, phát triển khoa học công nghệ, tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số.
Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, coi đây là yếu tố then chốt tạo ra những đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Phát triển khoa học công nghệ phải gắn kết và phục vụ thiết thực, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đáp ứng được yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.
Thứ tư, tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển mạng lưới đô thị hiện đại, tạo nền tảng vững chắc cho bước phát triển tiếp theo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Joseph và Peter. (2016). Structural change and economic growth. [Online] Avalabile at https://link.springer.com/ chapter/10.1057/9781137475350_16-page-1
- Muhamed và các cộng sự/ (2015). Structural Change and Economic Growth in Emerging Markets: A Cross-Country Analysis. [Online] Avalabile at http://www.irti.org/English/News/Documents/Seminars/Structural%20 Change%20and%20Economic%20Growth%20in%20Emerging%20Markets%20A%20Cross-Country%20 Analysis.pdf
- Nick Henry. (2011). Impacts of Structural Change: Implications for policies supporting transition to a Green Economy. [Online] Avalabile at http://ec.europa.eu/environment/enveco/resource_efficiency/pdf/ transition_costs.pdf
- Araujo, R. A. et al. (2017). Economic growth and structural change in a multi-sector and multilateral approach to balance-of-payments constrained growth. Brazilian Journal of Political Economy, 37(4), 894-915.
- Bùi Quang Bình (2010). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tạp chí Phát triển Kinh tế, 233, 8-11.
- Mai Văn Tân (2014). Nghiên cứu mối quan hệ giữa chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh. Luận án tiến sỹ kinh tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Thị Cẩm Vân (2015). Các mô hình phân tích CDCC kinh tế trong quá trình CNH, HĐH đất nước. Luận án tiến sỹ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
- Tania-Georgia, Viciu; Adrian, Vasile; Carmen-Eugenia, Costea (2012). A new appraisal of the relationship between economic growth and the economic structure. Journal of Information Systems & Operations Management, 6.1 (Spring 2012), 1-9.
- Valli, V. and Saccone, D. (2015). Structural Change, Globalization and Economic Growth in China and India. European Journal of Comparative Economics, 12(2), 133-163.
- Vũ Thị Thu Hương (2017). Chuyển dịch cơ cấu lao động tại Việt Nam: Các yếu tố tác động và vai trò đối với tăng trưởng kinh tế. Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
- Mankiw, N. G. (2013). Macroeconomics, Ninth Second edition. USA: Harvard Universiti, Worth Publishers.
- Zellner, A & Theil.H (1962). Three - Stage last squeres: Simultaneous estimation of Simultaneous equations. Econometrica, 30(1), 54-78.
- Moore J. (1978). A measure of structural change in output. Review of Income and Wealth, 24(1), 105-118.
IMPACTS OF THE ECONOMIC RESTRUCTURING
ON THE GRDP GROWTH IN QUANG TRI PROVINCE
• Ph.D student NGUYEN TRUONG SON
Univrsity of Economics, University of Da Nang
ABSTRACT:
This study presents a theoretical overview of the impact of economic restructuring on the economic growth. The study analyzes the impact of economic restructuring on the economic growth of Quang Tri Province and draws out some implications for the province’s economic restructuring. Statistics from Quang Tri Province and econometric models were used to conduct this study. The study finds out that Quang Tri Province’s sectoral restructuring has a positive impact on the provincial GRDP growth. In addition, the size of economy, the quality of human resources and the good technical equipment also promote the provincial economic growth.
Keywords: economic restructuring, economic growth, 3SLS, GMM.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 12 năm 2021]