Quy định mới về con dấu doanh nghiệp, sự thay đổi cần thiết theo thông lệ quốc tế

ThS. HOÀNG TÙNG (Bộ môn Luật - Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Kể từ năm 1986, nền kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển theo con đường trở thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với sự hội nhập kinh tế khu vực cũng như hội nhập trên toàn thế giới đòi hỏi chúng ta phải có một hành lang pháp lý đồng bộ, thông thoáng và tạo điều kiện tốt nhất cho hệ thống các doanh nghiệp được kinh doanh một cách thuận tiện và hiệu quả nhất. Luật Doanh nghiệp và hệ thống văn bản dưới luật chính là những chìa khóa cho sự hình thành, tồn tại và phát triển của hệ thống hơn 500.000 doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Tại Luật Doanh nghiệp 2014 đã có nhiều điểm mới về cái cách thủ tục hành chính theo hướng “cởi bỏ” những rào cản đối với “quyền tự do kinh doanh” của các doanh nghiệp và một trong những điểm mới đó là “Quy định về con dấu của doanh nghiệp”- vật làm tin thể hiện giá trị pháp lý của các loại văn bản giấy tờ trong hoạt động kinh doanh. Trong phạm vi nội dung bài viết này, tác giả sẽ đưa đến cái nhìn về con dấu doanh nghiệp trong các văn bản pháp luật trước đây và hiện tại, cũng như quy định của pháp luật một số nền kinh tế lớn trên thế giới về con dấu của doanh nghiệp.

Từ khóa: Con dấu doanh nghiệp, quy định mới, Luật Doanh nghiệp 2014.

1. Một số quy định cụ thể về con dấu trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực

+ Theo Từ điển Tiếng Việt: Dấu là vật nhỏ bằng gỗ, bằng đồng, bằng ngà có khắc chữ để in ra làm tin.

+ Theo Luật Doanh nghiệp 2005 (Điều 36):

1. Doanh nghiệp có con dấu riêng. Con dấu của doanh nghiệp phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của doanh nghiệp. Hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Con dấu là tài sản của doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu, doanh nghiệp có thể có con dấu thứ hai.

+ Theo Nghị định số 58/2001/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu:

Điều 1: Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước.

Điều 8: Bộ Công an thống nhất quy định các mẫu dấu, việc làm biểu tượng hoặc chữ nước ngoài trong hình dấu, việc làm và sử dụng con dấu thứ hai; đăng ký lưu chiểu và cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu, quản lý hoạt động làm con dấu; kiểm tra việc quản lý, sử dụng con dấu theo quy định của Nghị định này.

Điều 10.4: Các tổ chức kinh tế được thành lập theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư không phải cấp giấy phép làm con dấu, nhưng phải đăng ký mẫu dấu tại cơ quan Công an trước khi sử dụng.

Chúng ta có thể thấy rằng với quy định như trên thì con dấu của doanh nghiệp là một nội dung được các nhà làm luật đưa vào các quy định để quản lý một cách rất chặt chẽ, mô hình đó chính là rào cản với sự phát triển của doanh nghiệp như: Một doanh chỉ được có một con dấu, trong trường hợp cần thiết, được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu, doanh nghiệp có thể có con dấu thứ hai, điều này nặng về thủ tực hành chính, theo cơ chế “xin - cho” hoặc con dấu phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở của doanh nghiệp, điều này tạo nên một sự kém linh hoạt trong việc triển khai thực thi kí kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh với các bạn hàng của doanh nghiệp khi làm ăn trong nước cũng như nước ngoài; hoặc quy định Bộ Công an thống nhất quy định các mẫu dấu, việc làm biểu tượng hoặc chữ nước ngoài trong hình dấu, việc làm và sử dụng con dấu thứ hai cũng đem lại sự thụ động cho các doanh nghiệp trong việc sử dụng các công cụ pháp lý cho sự phát triển của mình.

2. Quy định của pháp luật các nền kinh tế trên thế giới về con dấu của doanh nghiệp trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực

Theo thống kê của Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group), trong số 189 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng về môi trường kinh doanh tại báo cáo Doing Business:

- Có 79 quốc gia có thủ tục làm con dấu doanh nghiệp là một trong những thủ tục của quy trình gia nhập thị trường. Trong số này, chỉ có 7 quốc gia quy định bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu (bao gồm: Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar, Triều Tiên, Buhtan), 72 quốc gia còn lại cho phép doanh nghiệp được lựa chọn việc có sử dụng con dấu hay không.

- Có 110 quốc gia không sử dụng con dấu doanh nghiệp: Canada (từ năm 1971), Anh (từ năm 1989), California - Mỹ (từ năm 1995), Úc (từ năm 1998), Armenia (từ năm 2010), Hy Lạp (từ năm 2013), Hồng Kông (từ tháng 3/2014),…

Căn cứ vào số liệu thống kê nói trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng xu hướng chung của kinh tế thế giới là cho phép doanh nghiệp được tự do trong việc lựa chọn và quyết định có sử dụng con dấu doanh nghiệp hay không. Với văn hóa kinh doanh của các nước Á đông thì “con dấu doanh nghiệp” thể hiện niềm tin của đối tác với bạn hàng làm ăn của mình nên các quy định về con dấu còn tương đối cứng nhắc và chặt chẽ. Với những nền kinh tế lớn của thế giới thì cùng với văn hóa có phần cởi mở, môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp đem lại lợi ích cho nền kinh tế là yếu tố vô cùng quan trọng, các quy định về “con dấu doanh nghiệp” tại đây là những kinh nghiệm quý báu cho các nền kinh tế đang phát triển phải học tập, có thể kể đến như quy định tại các nền kinh tế phát triển sau:

- Quy định của Vương quốc Anh:

Vương quốc Anh bãi bỏ việc doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng con dấu kể từ năm 1989. Theo quy định của Luật Công ty 2006 của Anh: Doanh nghiệp không bắt buộc phải có con dấu; tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có con dấu thì nội dung của con dấu phải tuân thủ một số nguyên tắc chung. Luật này cũng quy định con dấu doanh nghiệp và chữ ký của người có thẩm quyền có giá trị ngang nhau trong việc khẳng định giá trị pháp lý của văn bản do doanh nghiệp ban hành.

- Quy định của Hồng Kông:

Theo Pháp lệnh Công ty (622) - Companies Ordinance (622) của Hồng Kông, công ty không bắt buộc phải có con dấu chung (common seal). Theo quy định, con dấu phải được làm bằng kim loại, được khắc chữ tên công ty một cách rõ ràng, dễ nhìn. Nếu hình thức con dấu không đúng quy định thì các cá nhân liên quan sẽ bị vi phạm pháp luật và phải chịu mức phạt ở mức độ 3. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị phạt HK$300 mỗi ngày cho đến khi khắc phục hành vi vi phạm đó.

Ngoài ra, Pháp lệnh Công ty Hồng Kông cho phép công ty đã có con dấu chung có thể có con dấu chính thức (official seal) để sử dụng ở nước ngoài. Con dấu chính thức đó phải là bản sao của con dấu chung của công ty, nhưng có khắc rõ ràng tên địa điểm nơi con dấu này sẽ được sử dụng.

- Quy định của Úc:

Theo Luật Công ty 2001 - Corporation Act 2001, công ty không bắt buộc phải có con dấu, nếu có 1 con dấu thì nó phải là con dấu chung của công ty (common seal). Theo quy định, con dấu phải có tên công ty, mã số công ty ACN (Australian Company Number) hoặc mã số kinh doanh ABN (Australian Business Number). Công ty có thể ký kết hợp đồng mà không cần sử dụng con dấu. Trường hợp công ty nhân bản con dấu chung thì các con dấu nhân bản phải được ghi rõ tương ứng là “duplicate seal” hoặc “share seal” hoặc “certificate seal”.

Xu hướng của thế giới hiện đại là không sử dụng con dấu do các công cụ hỗ trợ việc xác minh nhân thân và tính pháp lý của văn bản trở nên đáng tin cậy hơn. Tại nhiều nước trên thế giới, con dấu ngày càng mang tính hình thức và biểu tượng cho doanh nghiệp nhiều hơn là tính pháp lý. Do đó, việc sử dụng con dấu đã được bãi bỏ tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, quy định về quản lý và sử dụng con dấu tại Việt Nam cũng không thể ngay lập tức thực hiện theo các nước trên thế giới được mà cần có những đặc thù riêng cho nền kinh tế của mình, đó là sự quản lý của Nhà nước ở một khía cạnh nào đó mà vẫn nâng cao được tính cạnh tranh cho hệ thống các doanh nghiệp đang tồn tại.

3. Những quy định pháp luật mang mới mang tính bước ngoặt về con dấu doanh nghiệp

Tiếp theo sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 2014 là Nghị định số 96/2015/NĐ-CP quy định về con dấu của doanh nghiệp đã ghi nhận một sự thay đổi rất lớn về nhiều mặt đối với một khía cạnh pháp lý về uy tín và lòng tin đối với doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:

1. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin sau đây:

a) Tên doanh nghiệp;

b) Mã số doanh nghiệp.

2. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

3. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.

4. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu”.

Tại Nghị định 96/2015/NĐ-CP, quy định về con dấu được quy định cụ thể tại các Điều 12,13,14,15.

Điều 12. Số lượng, hình thức, nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp:

1. Chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, việc quản lý và sử dụng con dấu, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Nội dung Điều lệ hoặc Quyết định về con dấu của doanh nghiệp phải bao gồm:

a) Mẫu con dấu, gồm: Hình thức, kích cỡ, nội dung, mầu mực dấu.

b) Số lượng con dấu.

c) Quy định về quản lý và sử dụng con dấu.

Điều 13. Số lượng, hình thức, nội dung mẫu con dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện:

1. Chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Điều 14. Hình ảnh, ngôn ngữ không được sử dụng trong nội dung mẫu con dấu:

1. Doanh nghiệp không được sử dụng những hình ảnh, từ ngữ, ký hiệu sau đây trong nội dung hoặc làm hình thức mẫu con dấu:

a) Quốc kỳ, Quốc huy, Đảng kỳ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

b) Hình ảnh, biểu tượng, tên của nhà nước, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.

2. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm bảo đảm tuân thủ quy định Khoản 1 Điều này, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan khi sử dụng hình ảnh, từ ngữ, ký hiệu trong nội dung hoặc làm hình thức mẫu con dấu. Tranh chấp giữa doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan về từ ngữ, ký hiệu và hình ảnh sử dụng trong nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp được giải quyết tại tòa án hoặc trọng tài. Doanh nghiệp phải chấm dứt việc sử dụng con dấu có từ ngữ, ký hiệu hoặc hình ảnh vi phạm quy định tại Điều này và chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại phát sinh theo quyết định có hiệu lực thi hành của tòa án hoặc trọng tài.

Điều 15. Quản lý và sử dụng con dấu:

1. Các doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 tiếp tục sử dụng con dấu đã được cấp cho doanh nghiệp mà không phải thực hiện thông báo mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp làm thêm con dấu, thay đổi màu mực dấu thì thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu theo quy định về đăng ký doanh nghiệp.

Có thể nói là với những quy định của pháp luật hiện hành, chúng ta có thể khẳng định được rằng doanh nghiệp đã được Nhà nước trao cho quyền tự quyết về con dấu của doanh nghiệp mình nhưng không có nghĩa là pháp luật quy định bỏ con dấu hay hoạt động kinh doanh không cần dùng con dấu nữa, những bước ngoặt cụ thể về con dấu doanh nghiệp được thể hiện cụ thể như sau:

+ Thứ nhất, về hình thức và nội dung con dấu:

So với Luật Doanh nghiệp năm 2005: “Hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Chính phủ” thì Luật Doanh nghiệp mới đã thay đổi hoàn toàn quy định này khi trao hoàn toàn quyền quyết định về hình thức, nội dung con dấu cho doanh nghiệp.

+ Thứ hai, về số lượng con dấu:

Nếu ở Luật Doanh nghiệp năm 2005: “Trong trường hợp cần thiết, được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu, doanh nghiệp có thể có con dấu thứ hai” thì với Luật Doanh nghiệp mới, doanh nghiệp bên cạnh việc quyết định nội dung, hình thức của con dấu còn được quyền quyết định số lượng con dấu của doanh nghiệp mình. Sự thay đổi này phù hợp với quy định mới về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho phép “công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”. Khi công ty có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật thì công ty cũng có thể có nhiều con dấu để phù hợp hơn với nhu cầu hoạt động kinh doanh của công ty.

+ Thứ ba, về thủ tục đăng ký con dấu:

Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực, đã thay đổi theo hướng mở, tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp. Thay vì phải đăng ký mẫu dấu với cơ quan Công an như trước đây thì hiện nay doanh nghiệp được hoàn toàn chủ động trong việc làm con dấu. Doanh nghiệp có thể tự khắc dấu hoặc đến các cơ sở khắc dấu trên thị trường để làm con dấu.

Trước khi sử dụng con dấu, doanh nghiệp chỉ cần gửi thông báo mẫu dấu đến cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Mục đích của quy định này là nhằm công bố công khai cho xã hội và bên thứ ba được biết về con dấu của doanh nghiệp. (khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014)

+ Thứ tư, về việc quản lý và sử dụng con dấu:

Chính phủ ban hành Nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp liên quan đến việc quản lý và sử dụng con dấu cụ thể tại điều 15 để hướng dẫn cụ thể về các quy định mới về con dấu với những doanh nghiệp đã, đang và sẽ thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình theo Luật Doanh nghiệp 2014.

+ Thứ năm, về thời điểm có hiệu lực của con dấu doanh nghiệp:

Trong nội dung thông báo mẫu dấu do doanh nghiệp gửi cơ quan đăng ký kinh doanh bao gồm thông tin về thời điểm có hiệu lực của mẫu con dấu nghĩa là quyền tự chủ về thời điểm có hiệu lực của con dấu cũng là một quyền được quy định dảnh cho chính doanh nghiệp.

4. Các khuyến nghị để thực hiện quy định mới về con dấu doanh nghiệp

Một sự thay đổi bao giờ cũng mang đến sự tác động nhiều chiều với hệ thống các doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Việc quy định, quản lý, giám sát chặt chẽ có thể gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp, nhưng khi quy định thông thoáng lại gây ra tâm lý lo lắng, sợ bị lợi dụng, lừa đảo, gia tăng tranh chấp. Với những cải cách rất mạnh về con dấu doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 96/2015/NĐ-CP sẽ gặp không ít khó khăn, vướng mắc do cộng đồng doanh nghiệp và cả các cơ quan nhà nước vẫn đang quen với lối tư duy cũ, cách quản lý cũ làm hạn chế tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.

Căn cứ trên những quy định thực tế tác giả bài viết xin đưa ra một số khuyến nghị để thực hiện các quy định mới về con dấu doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất, cụ thể như sau:

+ Thứ nhất, đẩy mạnh việc tuyên truyền bản chất của các quy định về con dấu của doanh nghiệp nói riêng cũng như tuyên truyền, phổ biến Luật Doanh nghiệp 2014 nói chung. Hiện không ít báo chí do trích dẫn không đầy đủ có thể dẫn đến hiểu sai như: Sau ngày 01/7/2015 được tự do kinh doanh, muốn kinh doanh cái gì cũng được, miễn không cấm (theo quy định là không cấm nhưng phải có đủ điều kiện mới được kinh doanh); bỏ con dấu (theo quy định là doanh nghiệp được tự quyết về con dấu và quản lý, sử dụng con dấu).

+ Thứ hai, phải lấy chữ ký, thẩm quyền ký, thẩm quyền ban hành văn bản là những căn cứ quan trọng nhất để xác định tính hợp lệ, hợp pháp của văn bản. Do vậy, các đối tác khi thực hiện giao dịch luôn phải có ý thức cao để tự bảo vệ chính mình, tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng về đối tác khi thực hiện bất cứ một giao dịch với ai hay ký kết một văn bản nào. Đối với những công việc, hợp đồng quan trọng, nên sử dụng tư vấn từ các luật sư, các chuyên gia pháp lý.

+ Thứ ba, khi được Luật trao quyền tự chủ về con dấu rồi thì hơn ai hết, các doanh nghiệp phải tự xây dựng quy định, quy chế chặt chẽ để làm sao một mặt đáp ứng được yêu cầu tự do sử dụng, đạt hiệu quả cao nhất nhưng đồng thời đảm bảo được quyền quản lý con dấu, sự an toàn của chính doanh nghiệp. Việc cho phép tự do, thoải mái tự quy định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu không bao giờ đồng nghĩa với việc quản lý lỏng lẻo, sử dụng tùy tiện, bừa bãi muốn làm bao nhiêu con dấu cũng được nhưng lại không có cơ chế quản lý hiệu quả gây nên những hậu quả không đáng có.

+ Thứ tư, tăng cường thực hiện chữ ký số, giao dịch điện tử, thay đổi thói quen sử dụng văn bản bằng giấy như hiện nay. Thường xuyên tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp nói chung, tìm hiểu về mẫu dấu của doanh nghiệp nói riêng trước khi làm ăn, ký kết văn bản, hợp đồng giao dịch. Các thông tin về doanh nghiệp, mẫu con dấu doanh nghiệp .v.v. sẽ được đăng tải đầy đủ tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

+ Thứ năm, thẩm quyền xử lý vi phạm về con dấu theo quy định mới đã được chuyển cho hai cơ quan có thẩm quyền giải quyết là trọng tài và tòa án, việc này đảm bảo một cơ chế xử lý với những hành vi cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý và dụng con dấu doanh nghiệp như hành vi lừa đảo, gian dối liên quan đến giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu, sử dụng con dấu không đúng thẩm quyền.

+ Thứ sáu, với quy định mới về con dấu doanh nghiệp thì thực tiễn xét xử của tòa án đối với các tranh chấp sẽ phức tạp hơn rất nhiều trước kia khi xét về khía cạnh thẩm quyền tham gia ký kết các hợp đồng, các loại văn bản giấy tờ. Trước đây bắt buộc phải có chữ ký và con dấu thì nay các doanh nghiệp được chủ động quy định có sử dụng hay không sử dụng con dấu, một mặt là thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng mặt khác lại gây nhiều khó khăn cho hệ thống cơ quan xét xử. Chính vì vậy, đòi hỏi đội ngũ thẩm phán làm nhiệm vụ xét xử phải luôn cập nhật các quy định mới của pháp luật cũng như nâng cao năng lực chuyên môn, hoàn thiện kỹ năng, nghiệp vụ xét xử để đưa ra những bản án đúng người, đúng tội, hạn chế đến mức tối đa các hành vi vi phạm pháp luật. Tạo hành lang pháp lý và môi trường cạnh tranh cho sự phát triển của các doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. http://dangkykinhdoanh.gov.vn

2. http://duthaoonline.quochoi.vn

3. http://quochoi.vn

4. http://chinhphu.vn

NEW VIETNAMESE REGULATION

ON CORPORATE STAMP – NEW CHANGE TO ADAPT

INTERNATIONAL CUSTOMS AND PRACTICES

Master. HOANG TUNG

Division of Economic Law, Banking Academy

ABSTRACT:

Since 1986, Vietnam has built and developed a socialist-oriented market economy. The rapid integration of Vietnam’s economy into the regional and global economy requires Vietnam to issue a synchronized legal framework which would provide the best business environment for enterprises. The Law on Enterprises and its regulations system are the key legal framework for the development of more than 500,000 enteprises operating in Vietnam. The 2014 Law on Enterprises was issued with new regulations to eliminate legal barriers against business activities of enteprises. One of new regulations is the corporate stamp regulation. The corporate stamp is used as an official mark or signature of a corporation on business documents. This study presents different views on the corporate stamp in previous and existing Vietnamese regulations as well as regulations of major economies in the world.

Keywords: Corporate stamp, new regulation, the 2014 Law on Enterprises.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 02 tháng 02/2017 tại đây