TÓM TẮT:
Bài viết tập trung phân tích về quy định vấn đề ly hôn theo pháp luật Việt Nam nhằm đưa ra một cái nhìn khái quát về hệ thống các quy định pháp luật ly hôn và những vấn đề thực tiễn liên quan, chỉ ra những thiếu sót trong quy định pháp luật về ly hôn. Qua đó, bài viết cũng đưa ra một vài giải pháp về xã hội và đề xuất, kiến nghị cho việc ban hành các quy định pháp luật về ly thân nhằm giúp hệ thống pháp luật về hôn nhân và gia đình trở nên đầy đủ và chặt chẽ hơn. Những quy định này sẽ góp phần hỗ trợ các cặp vợ chồng giải quyết mâu thuẫn một cách hiệu quả hơn, tránh việc phải ly hôn một cách vội vàng hoặc không cần thiết.
Từ khóa: ly hôn, ly thân, tỷ lệ ly hôn, hôn nhân, gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, pháp luật.
1. Đặt vấn đề
Trên thực tế, việc ly hôn hiện nay đã trở thành một hiện tượng phổ biến và số vụ ly hôn đang ngày càng tăng nhanh với những mâu thuẫn khác nhau đã gây ảnh hưởng xấu cho xã hội. Trước thực trạng đáng lo ngại và những tác hại của ly hôn đối với xã hội. Mục đích của bài viết là tìm hiểu rõ nguyên nhân từ những vụ ly hôn, từ đó tìm ra những giải pháp khắc phục tình trạng ly hôn hiện nay tại Việt Nam.
2. Quy định pháp luật hiện hành về ly hôn
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, ly hôn được định nghĩa là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đây là một quy trình pháp lý có ảnh hưởng sâu rộng đến cả các bên vợ chồng và các thành viên gia đình khác. Quyền yêu cầu ly hôn có thể được thực hiện bởi một trong hai bên vợ hoặc chồng, hoặc bởi cha mẹ và người thân thích của một bên. Khoản 2 Điều 51 của Luật cho phép cha mẹ và người thân cũng tham gia vào quy trình này, phản ánh sự quan tâm của pháp luật đối với quyền lợi và sự can thiệp cần thiết để bảo vệ các thành viên gia đình trong những trường hợp đặc biệt.
Tuy nhiên, Luật cũng đặt ra các hạn chế đối với quyền yêu cầu ly hôn trong những tình huống cụ thể nhằm bảo vệ các bên yếu thế, như quy định tại Khoản 3 Điều 51. Cụ thể, việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, không chỉ là sự bảo vệ đối với sức khỏe và an toàn của mẹ và trẻ, mà còn nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ việc ly hôn trong giai đoạn nhạy cảm này.
Ly hôn có hai hình thức chính: ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương. Ly hôn thuận tình, khi cả hai bên vợ chồng đồng ý chấm dứt quan hệ và đã đạt được thỏa thuận về các vấn đề liên quan như tài sản và nuôi dưỡng con cái, cho thấy sự tự nguyện và hợp tác của các bên. Điều này giảm tải cho hệ thống tư pháp, giúp đạt được giải pháp nhanh chóng và hiệu quả. Ngược lại, ly hôn đơn phương, khi chỉ một bên yêu cầu Tòa án chấm dứt quan hệ hôn nhân, thường phức tạp hơn và có thể kéo dài thời gian xét xử, đặc biệt nếu không đạt được sự đồng thuận từ phía bên kia.
Các vấn đề cần giải quyết trong quá trình ly hôn bao gồm phân chia tài sản, nghĩa vụ cấp dưỡng và quyền nuôi con. Phân chia tài sản yêu cầu phải đảm bảo công bằng và hợp lý, với việc tài sản được phân chia dựa trên thỏa thuận giữa các bên hoặc quyết định của Tòa án nếu không đạt được sự đồng thuận. Nghĩa vụ cấp dưỡng không chỉ bao gồm việc hỗ trợ tài chính cho con cái mà còn có thể áp dụng cho bên vợ hoặc chồng gặp khó khăn tài chính sau ly hôn, nhằm duy trì sự ổn định và hỗ trợ các bên trong giai đoạn chuyển tiếp. Quyền nuôi con cần được xác định dựa trên lợi ích tốt nhất của con, khả năng tài chính, điều kiện sống và sự ổn định tinh thần của các bên, điều này cho thấy sự cân nhắc kỹ lưỡng của pháp luật đối với quyền lợi và sự phát triển của trẻ em trong bối cảnh ly hôn.
Pháp luật hiện hành về ly hôn đã có những quy định tương đối đầy đủ, nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong quá trình thực hiện. Thủ tục ly hôn phức tạp và kéo dài có thể gây khó khăn cho các bên khi muốn chấm dứt hôn nhân một cách nhanh chóng và hiệu quả. Về quyền lợi của trẻ em, tuy được quy định nhưng thực tế việc bảo vệ vẫn chưa thật sự toàn diện, với nhiều trường hợp quyền nuôi dưỡng và cấp dưỡng cho trẻ không được giải quyết thỏa đáng. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và an toàn của trẻ em sau khi bố mẹ ly hôn.
Đồng thời, việc bảo vệ các nạn nhân của bạo lực gia đình còn nhiều hạn chế. Nhiều nạn nhân vẫn phải đối mặt với nguy cơ bạo lực liên tục mà không có sự hỗ trợ và can thiệp kịp thời từ các cơ quan chức năng. Sự yếu kém trong việc bảo vệ này đã khiến nạn nhân gặp phải nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sự an toàn và bảo vệ quyền lợi của mình.
Một vấn đề khác đáng chú ý là việc chưa có quy định rõ ràng về chế định ly thân, điều này tạo ra nhiều bất cập trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, quyền nuôi con và trách nhiệm tài chính trong thời gian các cặp vợ chồng sống ly thân. Chế định ly thân, nếu được quy định rõ ràng, sẽ là một bước quan trọng để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong thời gian này, giảm bớt gánh nặng pháp lý cho cả hai bên và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các bên liên quan.
3. Thực trạng về vấn đề ly hôn tại Việt Nam
3.1 . Thực trạng về ly hôn
Trong những năm gần đây, tình trạng ly hôn ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao, nhiều cặp vợ chồng trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 30 gặp phải mâu thuẫn và bất đồng quan điểm, dẫn đến hơn 600.000 vụ ly hôn được thụ lý vào năm 2022. Số liệu từ các tỉnh thành cho thấy mỗi tháng TP. Hồ Chí Minh thụ lý từ 80 - 100 vụ ly hôn và Quảng Bình tiếp nhận hơn 1.600 đơn ly hôn chỉ trong 8 tháng đầu năm 2023.
Hình 1: Số vụ ly hôn đã xét xử trên cả nước từ năm 2019 - 2023 [1]
Trong 5 năm gần đây, số vụ ly hôn đã xét xử trên cả nước càng ngày càng tăng lên. Theo đó, dựa vào số liệu của Tổng cục Thống kê có thể thấy một xu hướng đáng lo ngại về tình trạng gia tăng ly hôn. Cụ thể, số vụ ly hôn trong năm 2019 là 25.702 vụ, nhưng con số này giảm nhẹ xuống còn 22.762 vụ vào năm 2020 và tiếp tục giảm nhẹ vào năm 2021 với 22.132 vụ. Tuy nhiên, từ năm 2022, số vụ ly hôn đã bắt đầu tăng đột biến, lên đến 29.010 vụ và đạt mức cao nhất trong giai đoạn này là 32.060 vụ vào năm 2023.
Trước hết, sự sụt giảm số vụ ly hôn trong 2 năm 2020 và 2021 do tác động của đại dịch Covid-19. Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển đã làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ pháp lý, bao gồm cả việc nộp đơn và xử lý các vụ ly hôn. Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và các hoạt động xã hội trở lại bình thường vào năm 2022, số vụ ly hôn lại tăng mạnh. Điều này có thể phản ánh những căng thẳng và mâu thuẫn gia đình trong suốt giai đoạn đại dịch đã đạt đỉnh và không còn cách giải quyết nào khác ngoài việc ly hôn.
Như vậy, trong 5 năm gần đây, số vụ ly hôn tại Việt Nam đã gia tăng đáng kể. Những số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ ly hôn không ngừng tăng, từ những thành phố lớn cho đến các vùng nông thôn, tạo nên một thực trạng đáng lo ngại.
3.2 . Hệ quả tỷ lệ ly hôn cao
Theo thống kê từ Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, khủng hoảng hôn nhân tại Việt Nam có nhiều nguyên nhân khác nhau: mâu thuẫn về lối sống chiếm 27,7%, ngoại tình 25,9%, yếu tố kinh tế 13%, bạo lực gia đình 6,7%, sức khỏe 2,2% và sống xa nhau 1,3%. Bốn nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn là mâu thuẫn lối sống, ngoại tình, vấn đề kinh tế và bạo lực gia đình.
Gia đình đóng vai trò quan trọng trong xã hội, tuy nhiên, tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho trẻ em. Khi bố mẹ ly hôn, trẻ thường có nguy cơ gặp phải các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu và khó khăn trong quan hệ xã hội. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ trẻ em bị bỏ rơi tăng cao, với hàng chục nghìn trẻ em chịu cảnh thiếu cha hoặc mẹ mỗi năm. Ngoài ra, trẻ em này còn đối mặt với nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực và xâm hại tình dục. Tình trạng gia đình không ổn định cũng góp phần làm gia tăng tội phạm vị thành niên.
Về mặt xã hội, tỷ lệ ly hôn cao gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội. Các chính sách hỗ trợ gia đình, như phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, phải được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các gia đình đơn thân. Điều này cũng có thể dẫn đến tăng chi phí xã hội, vì nhà nước phải đầu tư nhiều hơn vào các chương trình hỗ trợ trẻ em và các phụ huynh đơn thân.
Tỷ lệ ly hôn cao còn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Các cuộc ly hôn thường kéo theo việc phân chia tài sản, gây sự xáo trộn kinh tế trong gia đình và đôi khi dẫn đến tình trạng khó khăn tài chính. Sự suy giảm về tài chính của các gia đình sau ly hôn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế - xã hội.
4. Giải pháp nhằm giảm thiểu tỷ lệ ly hôn
4.1 . Giải pháp xã hội
Thứ nhất, các cặp vợ chồng cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình, phải giải quyết mâu thuẫn một cách bình tĩnh và khéo léo.
Thứ hai, Nhà nước cần nâng cao chất lượng giáo dục cho giới trẻ trong gia đình, trường học và xã hội, đặc biệt là về lối sống và nhân cách để họ có kỹ năng và tư duy cần thiết cho cuộc hôn nhân ổn định. Giáo dục giúp cá nhân hiểu rõ vai trò và trách nhiệm trong hôn nhân, từ đó chuẩn bị tốt hơn trước khi kết hôn, giảm nguy cơ ly hôn.
Thứ ba, việc tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình là cần thiết để nâng cao hiểu biết của các cặp đôi về quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân. Nắm rõ quy định pháp luật giúp các cặp đôi nhận diện hành vi vi phạm như bạo lực gia đình hay ngoại tình, từ đó ngăn ngừa những vấn đề nghiêm trọng.
Thứ tư, cần tăng cường khuyến khích các cặp đôi hòa giải ở cơ sở trước khi ra Tòa án ly hôn. Việc hòa giải kịp thời giúp giảm thiểu xung đột, giảm thiểu tình trạng ly hôn, bảo vệ lợi ích của con cái.
4.2 . Chế định ly thân
Cụm từ "ly thân" thường xuất hiện nhiều trong các bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và các văn bản hiện hành chưa quy định về chế định ly thân, cũng như không có các quy định pháp luật về trình tự và thủ tục ly thân giữa hai người đã kết hôn.
Việc luật hóa chế định ly thân là rất cần thiết, nhằm xác định rõ căn cứ, thủ tục và hậu quả liên quan đến ly thân. Điều này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của các bên. Do đó, cần kiến nghị bổ sung quy định về ly thân vào Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 để hoàn thiện khung pháp lý bao gồm các nội dung như sau:
- Về thủ tục ly thân
Thủ tục ly thân cũng không cần tuân theo một trình tự, thủ tục quá chặt chẽ mà chủ yếu dựa trên một văn bản thỏa thuận về ly thân, hay giấy chứng nhận ly thân giữa hai vợ chồng để qua đó có thể dễ dàng xác định thời điểm bắt đầu ly thân và tạo điều kiện để giải quyết hậu quả của ly thân.
- Về thời gian ly thân
Cần có quy định thời hạn tối đa cho việc ly thân là 1 đến 2 năm nhằm ngăn chặn tình trạng ly thân bị kéo dài, trì hoãn. Sau thời gian này, các bên phải đưa ra quyết định về việc tiếp tục sống chung hoặc tiến hành thủ tục ly hôn. Nếu sau thời hạn tối đa, các bên vẫn chưa quyết định, Tòa án có thể yêu cầu họ nộp đơn xin gia hạn ly thân nếu cả hai bên đều đồng ý và có lý do chính đáng, thời gian gia hạn có thể từ 6 tháng đến 1 năm hoặc yêu cầu tham gia buổi hòa giải để đưa ra quyết định cuối cùng.
Trong các trường hợp đặc biệt như một trong hai bên gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, Tòa án có thể xem xét kéo dài hoặc rút ngắn thời gian ly thân dựa trên tình huống thực tế.
- Về quan hệ tài sản giữa vợ và chồng khi ly thân
Nếu vợ chồng thiết lập chế độ tài sản theo thỏa thuận thì sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó. Các thỏa thuận này phải đảm bảo các nguyên tắc chung của Luật Dân sự, không xâm hại đến quyền, lợi ích chính đáng của các bên trong giao dịch dân sự; đảm bảo vợ chồng hoàn toàn tự nguyện khi thiết lập thỏa thuận.
Cần quy định rằng trong thời gian ly thân, tài sản chung của vợ chồng vẫn phải được quản lý và sử dụng đúng mục đích, không được tự ý bán, chuyển nhượng hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân mà không có sự đồng thuận của cả hai bên.
Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể quyết định việc phân chia tài sản tạm thời để đảm bảo cuộc sống cho cả hai bên trong thời gian ly thân. Trong thời gian ly thân, cả hai bên vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ chung mà hai người đã cùng nhau tạo ra trước đó.
- Về quyền của cha mẹ và con khi vợ chồng ly thân
Giống với quy định ly hôn. Cần quy định rằng khi ly thân, cha mẹ vẫn phải cùng chăm sóc và giáo dục con chưa thành niên hoặc con mất khả năng lao động. Nếu không thỏa thuận được, tòa án sẽ quyết định dựa trên mối quan hệ, khả năng tài chính và môi trường sống. Quyền nuôi con có thể thay đổi nếu hoàn cảnh thay đổi đáng kể. Trẻ từ 7 tuổi trở lên được quyền nêu ý kiến về người muốn sống cùng. Bên không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng đầy đủ và mọi tranh chấp sẽ được tòa án giải quyết nhanh chóng để bảo vệ trẻ.
- Về chấm dứt ly thân
Đối với trường hợp vợ chồng quay trở lại sống chung với nhau: Nếu trước đó vợ chồng xác lập ly thân qua Tòa án thì vợ chồng nộp đơn yêu cầu chấm dứt ly thân lên Tòa án để ra quyết định hủy bỏ tất cả các quyết định liên quan đến quyền nuôi con, cấp dưỡng và quản lý tài sản chung trong thời gian ly thân. Tòa án xem xét và quyết định dựa trên tinh thần khuyến khích vợ chồng hàn gắn, quay trở lại chung sống hòa thuận. Đối với trường hợp trước đó vợ chồng ly thân mà không ra Tòa án, vợ chồng cần xác lập thỏa thuận bằng văn bản có công chứng nêu rõ việc tự nguyện chấm dứt ly thân.
Nếu trong quá trình ly thân có phát sinh các vấn đề mới liên quan đến tài sản, con cái, hoặc bất kỳ vấn đề nào khác, các bên có thể đưa ra các thỏa thuận mới để giải quyết các vấn đề này trước khi chính thức trở lại sống chung. Nếu cần thiết, các thỏa thuận này có thể được công nhận bởi Tòa án.
Đối với trường hợp vợ chồng từ ly thân thành ly hôn: Trong thời hạn ly thân, vợ chồng có thể nộp đơn xin ly hôn bất cứ thời điểm nào. Hơn nữa Tòa án xét thấy có căn cứ cho rằng đời sống chung của họ không thể tiếp tục thì Tòa án cho ly hôn, cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng về vấn đề tài sản để tránh xảy ra tranh chấp với bên thứ ba trong giao dịch dân sự mà vợ, chồng đã thiết lập trong thời gian ly thân.
- Về xử lí hành vi vi phạm
Bên vi phạm nghĩa vụ có thể bị phạt tài chính, đặc biệt trong các trường hợp không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, không tuân thủ quyền thăm gặp con cái, hoặc gây khó khăn cho bên còn lại. Trong các trường hợp vi phạm nhẹ, Tòa án có thể ra quyết định cảnh cáo bên vi phạm, buộc bên vi phạm phải thực hiện các nghĩa vụ đã quy định. Nếu bên vi phạm không tự nguyện thực hiện, tòa án có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành như tịch thu tài sản.
5. Kết luận
Ly hôn là vấn đề mang tính chất xã hội rõ rệt và sâu sắc và để lại những hậu quả pháp lý thật nghiêm trọng, ảnh hưởng đến gia đình và toàn thể xã hội. Vậy cần có những giải pháp cần có sự nỗ lực của xã hội và sự hoàn thiện của pháp luật, cụ thể là bổ sung chế định ly thân nhằm kéo giảm tình trạng ly hôn để xây dựng một gia đình hạnh phúc, bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội (2014). Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
- Chính phủ (2014). Nghị định số 126/2014/NĐ - CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình.
- Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao (2024). Nghị quyết số 01/2024/NQ - HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.
- Huyền Chi (2023). Lý do chính khiến tỉ lệ ly hôn của người Việt ngày càng tăng, chủ yếu do phụ nữ đệ đơn. Truy cập tại: https://laodong.vn/gia-dinh-hon-nhan/ly-do-chinh-khien-ti-le-ly-hon-cua-nguoi-viet-ngay-cang-tang-chu-yeu-do-phu-nu-de-don-1265044.ldo
- Từ Thắng (2022). Gia đình trẻ Việt ngày càng thiếu sự gắn bó và bền vững. Truy cập tại https://thanhnien.vn/gia-dinh-tre-viet-ngay-cang-thieu-su-gan-bo-va-ben-vung-1851503856.htm
- Bảo Thiên (2023), Quảng Bình: Hơn 1.600 vụ ly hôn trong 8 tháng. Truy cập tại: https://plo.vn/quang-binh-hon-1600-vu-ly-hon-trong-8-thang-post750682.html
Divorce under Vietnamese law: Current situation and solution
Vo Anh Phuc
Le Thi Thuy Ly
Vu Tran Diem Quynh
Faculty of Administration And International Economics, Lac Hong University
ABSTRACT:
This study examined Vietnam's legal framework for divorce, identifying gaps and challenges in the current system. It proposed social solutions and recommends the introduction of legal provisions on legal separation. These measures aim to improve the effectiveness of conflict resolution, reduce hasty divorces, and enhance the overall coherence of Vietnam's marriage and family laws.
Keywords: divorce, divorce rate, marriage, family, the Law on Marriage and Family, law.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 9 năm 2024]