Quỹ tín dụng nhân dân Tây Điện Bàn có trụ sở chính tại thôn Phong Thử 1, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Quỹ hoạt động trên địa bàn 5 xã: Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Tiến và Điện Hoà.
Năm 2022, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do biến động giá cả trên thị trường, lạm phát ở mức cao, hàng hóa tồn kho, thị trường tài chính, tín dụng không ổn định … đã tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung và ảnh hưởng đến hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân Tây Điện Bàn nói riêng, nhưng với tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết và quyết tâm của tập thể cán bộ, nhân viên, hoạt động Quỹ vẫn duy trì và phát triển về mọi mặt.
Kết thúc năm 2022, Quỹ tín dụng nhân dân Tây Điện Bàn đã giải quyết cho 1466 lượt thành viên vay vốn, tổng dư nợ cho vay đạt hơn 162 tỷ đồng, huy động vốn đạt hơn 236 tỷ đồng.
Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ, cuộc sống nhiều hộ thành viên thay đổi, chất lượng cuộc sống từng bước được nâng lên. Nhiều thành viên đã mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển ngành nghề - dịch vụ góp phần giải quyết việc làm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, tiêu biểu là các hộ: Phan Minh Hoàng, Nguyễn Thanh Bình, Hồ Minh Tiến, Nguyễn Thanh Tùng…
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Phụng Đường – Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân Tây Điện Bàn chia sẻ: Với lợi thế sát dân, hiểu rõ nhu cầu, sản xuất, kinh doanh, khả năng tài chính của từng hộ vay, nên việc giải quyết hồ sơ, thủ tục vay vốn của Quỹ được tiến hành nhanh gọn và bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Quỹ phân công cán bộ tín dụng phụ trách sát địa bàn để chủ động nắm bắt thông tin khách hàng, phân tích và đánh giá cụ thể các phương án sản xuất, kinh doanh, mô hình và kế hoạch đầu tư... từ đó, xác định mức cho vay và thời điểm giải ngân phù hợp.
Việc hoàn thiện thủ tục hồ sơ vay vốn được thực hiện nhanh chóng, hầu hết được giải ngân trong ngày nên được khách hàng đánh giá cao và ủng hộ. 100% các món vay đều được kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay và đánh giá khả năng thanh toán của người vay khi đến hạn thanh toán. Thường xuyên tổ chức đôn đốc thu lãi và các món nợ đến hạn thanh toán nên Quỹ không có nợ xấu.
Đạt được kết quả như trên ngoài sự nỗ lực của mỗi cán bộ nhân viên còn là sự đổi mới trong ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa quy trình nghiệp vụ. Qua đó, nâng cao năng xuất, hiệu quả công việc.
Để duy trì, hợp tác, hỗ trợ cùng thành viên phát triển, Quỹ tín dụng nhân dân Tây Điện Bàn tiếp tục bám sát chủ trương, chính sách của Nhà nước, sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Nam về thực hiện mặt bằng lãi suất huy động vốn, duy trì sự ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng trên địa bàn, từ nguồn vốn huy động, quỹ đã tích cực triển khai các chương trình cho vay, nhanh chóng cung cấp các khoản vốn vay kịp thời phục vụ sản xuất, tạo lòng tin của nhân dân trong việc huy động tiền gửi, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Đồng thời đẩy mạnh huy động vốn gắn với phát triển các dịch vụ ngân hàng; tiếp tục trẻ hóa và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, tăng cường sử dụng đội ngũ đại học chính quy chuyên ngành tài chính, ngân hàng; không ngừng chăm lo đào tạo nâng cao năng lực quản trị, điều hành nhằm tiếp cận nhanh nhạy cơ chế, chính sách, ứng dụng công nghệ thông tin và có những giải pháp đưa quỹ không ngừng tăng trưởng là “đòn bẩy” tạo động lực thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội địa phương .