Quyền trình dự án Luật, dự án Pháp lệnh và kiến nghị về Luật của đại biểu Quốc hội ở Việt Nam và một số ý kiến góp ý

ThS. NGUYỄN THỊ NỮ (Trường Đại học Luật, Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Quyền trình dự án Luật, dự án Pháp lệnh và kiến nghị về luật của đại biểu Quốc hội là một quyền rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay vì nhiều lý do khác nhau, quyền này của đại biểu Quốc hội chưa được thực hiện tốt. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ đưa ra thực trạng quyền trình dự án Luật, dự án Pháp lệnh và kiến nghị về luật của đại biểu Quốc hội nước ta, từ đó rút ra nguyên nhân và đưa ra một số góp ý để hoàn thiện quyền này của đại biểu Quốc hội nước ta hiện nay.                                                             

Từ khóa: Dự án luật, dự án pháp lệnh, kiến nghị về luật, đại biểu Quốc hội.

 1. Đặt vấn đề

Làm luật là hoạt động phức tạp, có nhiều công đoạn được các chủ thể khác nhau thực hiện, trong đó có đại biểu Quốc hội. Mỗi công đoạn đóng vai trò nhất định trong việc bảo đảm chất lượng của luật, trình dự án luật và kiến nghị luật là cơ sở pháp lý để Quốc hội xây dựng chương trình xây dựng luật từng năm và cả khóa hoạt động của mình cho nên chất lượng của hoạt động này ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng và hiệu quả của pháp luật. Đại biểu Quốc hội được trao quyền trình dự án Luật, Pháp lệnh, kiến nghị về luật, tuy nhiên, tỷ lệ dự án luật được hình thành trên cơ sở kiến nghị của đại biểu Quốc hội còn khá khiêm tốn, đa số các dự án Luật được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội chủ yếu từ các cơ quan nhà nước khác. Trong phạm vi bài viết, tác giả chủ yếu đề cập đến thực trạng, nguyên nhân và giải pháp nhằm nâng cao khả năng của đại biểu Quốc hội trong hoạt động này.

2. Thực trạng việc thực hiện quyền trình dự án Luật, dự án Pháp lệnh và kiến nghị về Luật của đại biểu Quốc hội

Trong các giai đoạn của hoạt động lập pháp, trình dự án Luật và Pháp lệnh (sáng kiến lập pháp) và kiến nghị về luật là hoạt động đầu tiên trong quy trình làm luật, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hiệu quả và kết quả của hoạt động lập pháp. Chương trình xây dựng luật của Quốc hội phù hợp với nhu cầu của thực tiễn phụ thuộc vào chất lượng của các sáng kiến lập pháp cho nên quyền trình sáng kiến lập pháp được trao cho nhiều chủ thể khác nhau, Điều 84 Hiến pháp năm 2013 quy định:

“Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật ra trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, dự án pháp lệnh ra trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.”[5]

Theo nội dung của Điều luật trên có nhiều chủ thể tham gia xây dựng dự án luật, nhưng chỉ riêng đại biểu Quốc hội tham gia với tư cách cá nhân, còn các chủ thể khác đều là cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức chính trị - xã hội; Quyền của đại biểu Quốc hội tham gia xây dựng các dự án Luật có nội dung rộng hơn so với quyền này của các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Cụ thể, ngoài quyền trình các dự án Luật giống như các chủ thể khác, đại biểu Quốc hội còn có quyền kiến nghị về luật.

Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 tiếp tục khẳng định tại Điều 48: “Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật ra trước Quốc hội, dự án pháp lệnh ra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định”. [6]; và Điều 29 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016 cũng khẳng định: “Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án pháp lệnh theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định”.[7]

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội được quy định tại điều 33. Cụ thể, Điều 33 của Luật quy định:

“Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh. Việc kiến nghị về luật, pháp lệnh phải căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. [8]

Mặc dù, được Hiến pháp và pháp luật trao quyền, các đại biểu Quốc hội hiếm khi thực hiện các quyền của mình. Đa số các dự luật được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật hầu như chủ yếu xuất phát trên cơ sở các sáng kiến lập pháp của các cơ quan của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình. Các đại biểu Quốc hội có đề xuất các kiến nghị luật, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc đưa ra sự cần thiết phải có luật, pháp lệnh mà chưa thấy các kiến nghị được trình bày có lập luận và cơ sở lý luận và thực tiễn bảo đảm theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về dự án Luật. Thực tiễn cho thấy, từ trước đến nay chỉ có 3 Đại biểu Quốc hội trình sáng kiến lập pháp lên Quốc hội, trong đó: Quốc hội khóa IX có 1 đại biểu trình dự án luật; Quốc hội khóa XIII có đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến đã trình dự án Luật Bảo vệ quyền riêng tư và đại biểu Nguyễn Minh Hồng trình dự án Luật Nhà văn.

 Việc các đại biểu Quốc hội chưa thực hiện quyền này do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân sau:

- Các dự án Luật, Pháp lệnh do các cơ quan tổ chức trình là quá lớn dẫn đến sự quá tải trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Để dự án được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là một việc không đơn giản, nếu có trình thì cũng chưa chắc được chấp nhận.[11]

- Đại đa số đại biểu Quốc hội của nước ta hoạt động kiêm nhiệm. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, các đại biểu Quốc hội còn phải thực hiện các công việc theo chức trách nơi mình công tác. Trong khi đó, muốn trình dự án Luật, Pháp lệnh hoặc chủ trì xây dựng dự án Luật, Pháp lệnh cần rất nhiều thời gian và công sức.[11]

- Việc xây dựng dự án Luật, Pháp lệnh cần có chi phí tài chính và bộ máy giúp việc. Để giúp đại biểu Quốc hội làm việc này, theo Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ quy định: “Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh”. Quy định như thế này quá chung chung, cần có cơ chế cụ thể, rõ ràng hơn.

- Bên cạnh các nguyên nhân khách quan nêu trên, về mặt chủ quan, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn có ý tưởng về dự án hoặc kiến nghị về luật, pháp lệnh nhưng còn e ngại, chưa tích cực đề xuất.

3. Một số ý kiến góp ý bảo đảm việc thực hiện quyền trình dự án Luật, dự án Pháp lệnh và kiến nghị về Luật của Đại biểu Quốc hội

Xuất phát từ thực trạng nêu trên, tác giả xin đưa ra một số ý kiến nhằm bảo đảm việc thực hiện quyền trình dự án Luật, Pháp lệnh và kiến nghị về Luật của Đại biểu Quốc hội được tốt hơn.

Thứ nhất: Quyền của đại biểu Quốc hội trình hoặc kiến nghị dự án luật, pháp lệnh là những quyền rất cơ bản và đặc trưng của hoạt động đại biểu. Thực hiện tốt các quyền này của đại biểu Quốc hội sẽ phát huy được trí tuệ của Quốc hội, phát huy được tính tích cực, chủ động sáng tạo của đại biểu Quốc hội. Đó cũng là một bảo đảm tốt nhất thể hiện tính nhân dân, ý chí của nhân dân trong hệ thống luật pháp của nước ta.

          Thứ hai: Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta đã quy định tương đối đầy đủ về quyền của đại biểu Quốc hội về sáng kiến lập pháp trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có các phương pháp, biện pháp phù hợp để tổ chức thực hiện.

            Thứ ba: Cần có định hướng khuyến khích đại biểu Quốc hội trình các dự án luật, pháp lệnh hoặc chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, từ các dự luật, pháp lệnh đơn giản đến các dự luật, pháp lệnh phức tạp. Văn phòng Quốc hội cụ thể hóa cơ chế giúp đỡ các đại biểu Quốc hội về kinh phí và các điều kiện cần thiết khác ví dụ như các chuyên gia để giúp các đại biểu Quốc hội trong việc trình dự án Luật, Pháp lệnh ra trước Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội.

          Thứ tư: Khi đại biểu Quốc hội có sáng kiến pháp luật, cần giao cho cơ quan, tổ chức có liên quan giúp đại biểu Quốc hội nghiên cứu, xây dựng hồ sơ và bảo đảm yêu cầu theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình.

         Thứ năm: Cần tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách và quy định trình độ của đại biểu Quốc hội cụ thể, rõ ràng hơn để nâng cao hiệu quả làm luật của các đại biểu Quốc hội. Sáng kiến lập pháp là kết quả của một quá trình tư duy sáng tạo, phức tạp đòi hỏi kiến thức tổng hợp, hiểu biết rộng, có trình độ phân tích, tổng hợp.

         Thứ sáu: Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới trong hoạt động lập pháp để nâng cao hiệu quả hơn nữa hoạt động lập pháp ở nước ta, đặc biệt trong giai đoạn sáng kiến lập pháp, bởi nếu có sáng kiến lập pháp tốt, các giai đoạn sau của quá trình lập pháp sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn.

4. Kết luận

Để thực sự xây dựng Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, việc nâng cao vai trò của đại biểu Quốc hội trong hoạt động lập pháp cụ thể là giai đoạn sáng kiến lập pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng. Có như vậy, Luật mới thực sự phản ánh ý chí của nhân dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ khi triển khai trong thực tế.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

   1. Quốc hội nước Việt Nam (1946), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1946, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

  1. Quốc hội nước Việt Nam (1959), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1959, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  2. Quốc hội nước Việt Nam (1980), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Quốc hội nước Việt Nam (1992), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Quốc hội nước Việt Nam (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  5. Quốc hội nước Việt Nam (2001), Luật tổ chức Quốc hội năm 2001, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  6. Quốc hội nước Việt Nam (2014), Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  7. Quốc hội nước Việt Nam (2008), Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  8. Th.S. Trần Việt Dũng (2009), Tập bài giảng chuyên đề Hoàn thiện bộ máy nhà nước, Khoa Luật, Đại học Huế.
  9. Th.S. Trần Việt Dũng (2007), Tập bài giảng môn Luật Hiến pháp Việt Nam, Khoa Luật, Đại học Huế.
  10. TS. Nguyễn Đức Chính, Việc thực hiện quyền trình dự án Luật, dự án Pháp lệnh và kiến nghị về Luật của Đại biểu Quốc hội.

 

THE RIGHT TO SUBMIT BILLS, DRAFT ORDINANCE

AND LAWS PROPOSAL OF THE NATIONAL ASSEMBLY DEPUTIES

IN VIETNAM AND RECOMMENDATIONS

Master. NGUYEN THI NU

University of Law, Hue University

ABSTRACT:

To be able to submit bills, ordinances and law proposals of National Assembly deputies is a very important right. However, for various reasons, this right of the National Assembly deputies has not been well implemented. Within the scope of this article, the author presents the status of the right to submit the bills, ordinances and law proposals of the National Assembly deputies of Vietnam. From there, the article draws out the causes and gives some suggestions to improve this right of our National Assembly deputies at present.

Keywords: Law project, ordinance project, law recommendations, National Assembly deputies.