Quyền tự định đoạt của đương sự trong việc khởi kiện vụ án dân sự, đưa ra yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập

Đề tài Quyền tự định đoạt của đương sự trong việc khởi kiện vụ án dân sự, đưa ra yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập do Đỗ Thị Quỳnh Nga (Trường Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Quyền tự định đoạt của đương sự là quyền tự quyết định về quyền, lợi ích của họ và lựa chọn biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích đó. Chính vì vậy, việc nghiên cứu về quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự (TTDS) có ý nghĩa rất quan trọng trong cả lý luận và thực tiễn để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia các quan hệ trong xã hội. Bài viết tập trung làm rõ các quy định của pháp luật TTDS hiện hành về quyền tự định đoạt của đương sự trong việc khởi kiện vụ án dân sự, đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Từ khóa: quyền tự định đoạt của đương sự, quyền khởi kiện, quyền đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập.

1. Quy định của pháp luật tố tụng dân sự về quyền tự định đoạt của đương sự trong việc khởi kiện vụ án dân sự, đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập

1.1. Quyền tự định đoạt của đương sự trong việc khởi kiện vụ án dân sự

Theo quy định Điều 5 Bộ luât Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, quyền tự định đoạt của đương sự được thể hiện ở cả quyền khởi kiện VADS và yêu cầu giải quyết việc dân sự. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó [1].

Về nguyên tắc, chỉ có cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền, lợi ích bị xâm phạm mới có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ đó là để bảo vệ quyền hay lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực phụ trách, trong một số trường hợp đặc biệt, pháp luật quy định quyền khởi kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức gồm: cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện trong trường hợp cần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Bên cạnh đó, còn một trường hợp ngoại lệ khác là đối với những cá nhân không có năng lực hành vi tố tụng mà có quyền lợi cần phải được bảo vệ thì họ không thể tự mình khởi kiện vụ án được mà phải do người đại diện thay mặt để thực hiện việc khởi kiện vụ án.

Thứ nhất, chủ thể khởi kiện có thể là cơ quan, tổ chức, cá nhân tự mình khởi kiện VADS. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khi có cơ sở cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình xâm phạm thì có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp VADS buộc người có hành vi xâm phạm quyền dân sự phải chấm dứt hành vi trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại hoặc phải chịu chế tài phạt vi phạm. Để thực hiện quyền khởi kiện, chủ thể khởi kiện có quyền tự viết đơn khởi kiện hoặc nếu không thể pháp luật có những quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể thực hiện quyền khởi kiện trong trường hợp như: không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì pháp luật quy định họ có thể “nhờ người khác làm hộ đơn kiện” theo điểm c khoản 2 Điều 189 BLTTDS năm 2015. Khi đó, họ có thể thể hiện được đầy đủ nhất những nội dung mà họ muốn Tòa án giải quyết, đồng thời giúp Tòa án xác định được rõ ràng phạm vi và vấn đề mà đương sự khởi kiện, làm cơ sở cho việc tiếp tục thực hiện các quyền tố tụng sau này.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 3 Điều 189 BLTTDS năm 2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện VADS. Đây được đánh giá là một quy định tiến bộ của pháp luật TTDS, giúp cho đương sự thuận lợi hơn khi tham gia vào quan hệ tố tụng, họ được thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện VADS. Khi có tranh chấp xảy ra, đương sự có quyền khởi kiện và Tòa án chỉ thụ lý giải quyết khi có đơn khởi kiện và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện của đương sự. Đương sự cũng có quyền yêu cầu khởi kiện một hay nhiều cá nhân, pháp nhân, cơ quan, tổ chức hoặc một hay nhiều quan hệ pháp luật; có thể tự mình thực hiện quyền này khi có đủ năng lực hành vi TTDS hoặc nếu không, trong trường hợp cần thiết có thể “ủy quyền cho người đại diện hợp pháp của mình” để thực hiện quyền.

Hiện nay, BLTTDS năm 2015 chưa quy định việc đương sự được đến Tòa án trình bày yêu cầu khởi kiện VADS, yêu cầu giải quyết việc dân sự hay yêu cầu kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Theo quy định điều 189, 190 BLTTDS năm 2015, các chủ thể nếu muốn thực hiện quyền khởi kiện thì bắt buộc phải làm đơn khởi kiện và gửi đến Tòa án. Đương sự khởi kiện VADS phải làm đơn khởi kiện VADS; đương sự yêu cầu giải quyết việc dân sự phải làm đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự gửi đến Tòa án có thẩm quyền (Điều 362 BLTTDS 2015). Đơn khởi kiện VADS, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự và phải có các nội dung theo quy định của các điều luật này. Các quy định này tạo được điều kiện thuận lợi cho Tòa án trong việc giải quyết vụ việc dân sự nhưng cũng gây khó khăn cho đương sự trong việc khởi kiện VADS, yêu cầu giải quyết việc dân sự hay kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.

Quyền khởi kiện, quyền yêu cầu là quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân và kể từ thời điểm khởi kiện, đơn yêu cầu của họ được Tòa án thụ lý họ mới có tư cách tố tụng và được gọi là đương sự. Tuy nhiên khoản 1 Điều 5 BLTTDS năm 2015 sử dụng thuật ngữ “đương sự” là chưa phù hợp với bản chất pháp lý của quá trình TTDS và thể hiện sự thiếu thống nhất với các điều luật khác của Bộ luật này như khoản 1 Điều 4; khoản 1 Điều 6 và Điều 186 đều quy định là “Cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

1.2. Quyền tự định đoạt của đương sự trong việc đưa ra yêu cầu phản tố

Về bản chất yêu cầu phản tố cũng là yêu cầu kiện [2]. Như vậy, phản tố chính là việc bị đơn thực hiện quyền tự định đoạt của mình trong quá trình giải quyết VADS. Quy định về quyền phản tố của bị đơn nhằm mục đích bảo đảm sự bình đẳng giữa các đương sự trong TTDS.

Theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 72 BLTTDS năm 2015 bị đơn có quyền: “4. Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ nghĩa vụ của nguyên đơn”; “5. Đưa ra yêu cầu đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án”. Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận và giải quyết trong cùng một vụ án khi yêu cầu đó thuộc một trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Ví dụ: A có chiếc xe ô tô thuộc sở hữu riêng đã bán cho C, nhưng nói với B (B là con của A) là cho C thuê mỗi tháng 8 triệu đồng. Sau đó A chết, B khởi kiện yêu cầu C phải thanh toán tiền thuê xe trong 01 năm là 96 triệu đồng. C có yêu cầu phản tố yêu cầu Toà án công nhận quyền sở hữu xe ô tô và có tranh chấp. Nếu Tòa án chấp nhận yêu cầu phản tố của C dẫn đến việc không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của B đòi C thanh toán tiền thuê xe ô tô. Trường hợp này, yêu cầu phản tố của C đã loại trừ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn B.

Thứ hai, yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Đây là trường hợp cả bị đơn và nguyên đơn, người liên quan có yêu cầu độc lập đều có nghĩa vụ đối với nhau, nên bị đơn yêu cầu để được bù trừ nghĩa vụ bị đơn phải thực hiện. Ví dụ: Nguyên đơn S có đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn Y phải trả lại tiền thuê nhà còn nợ của năm 2019 là năm mươi triệu đồng. Bị đơn Y có yêu cầu đòi nguyên đơn S phải thanh toán cho mình tiền sửa chữa nhà bị hư hỏng và tiền thuế sử dụng đất mà bị đơn đã nộp thay cho nguyên đơn là ba mươi triệu đồng. Trường hợp này, yêu cầu của bị đơn Y được coi là yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn S [3].

Thứ ba, giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn. Ví dụ: Chị H khởi kiện yêu cầu anh X phải trợ cấp nuôi con là T mỗi tháng 5.000.000đ. Anh X có yêu cầu phản tố yêu cầu Tòa án xác định T không phải là con ruột của mình. Trường hợp này, yêu cầu của anh X không bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của chị H, cũng không làm triệt tiêu yêu cầu của chị H. Yêu cầu của chị H vẫn chính đáng nếu như là con của anh X, tuy nhiên, việc giải quyết yêu cầu này sẽ dẫn tới kết luận cuối cùng về việc giải quyết yêu cầu của chị H.

Nhằm khắc phục hạn chế của BLTTDS năm 2004 và bảo đảm việc giải quyết vụ án được kịp thời, tránh việc giải quyết vụ án bị kéo dài, khoản 3 điều 200 BLTTDS năm 2015 đã quy định thời điểm thực hiện yêu cầu phản tố của bị đơn: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Theo quy định này, bị đơn được quyền đưa ra yêu cầu phản tố trong khoảng thời gian từ sau khi Tòa án thông báo về việc thụ lý giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho đến trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tại phiên hòa giải hoặc sau phiên hòa giải mà bị đơn mới đưa ra yêu cầu phản tố thì yêu cầu này sẽ không được chấp nhận.

Như vậy, có thể thấy, quyền phản tố của bị đơn chỉ được thực hiện khi có mối quan hệ với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, việc quy định giới hạn những trường hợp phản tố hay thời hạn xem xét có hiệu lực của yêu cầu phản tố của bị đơn nhằm mục đích giới hạn phạm vi xét xử và thuận tiện cho việc giải quyết tranh chấp của Tòa án. Điều này không làm hạn chế quyền tự định đoạt của bị đơn. Bởi lẽ trong trường hợp yêu cầu của bị đơn là một việc hoàn toàn mới, không liên quan đến yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hoặc bị đơn không đưa ra yêu cầu phản tố trong thời hạn luật định, bị đơn vẫn có quyền tự định đoạt việc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thành vụ án riêng để đảm bảo cho vụ án đang được giải quyết nhanh chóng, triệt để [4].

1.3. Quyền tự định đoạt của đương sự trong việc đưa ra yêu cầu độc lập

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong VADS là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết VADS có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ [5]. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bao gồm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập.

Theo quy định Điều 201 BLTTDS năm 2015, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được giải quyết trong cùng một vụ án đã phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn khi thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ; (ii) Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết; (iii) Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh chóng hơn.

Nếu xét về bản chất yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng là yêu cầu kiện. Do đó, việc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thực hiện quyền tự định đoạt của mình trong quá trình giải quyết VADS có thể coi chính là yêu cầu độc lập. Tương tự như đối với việc phản tố của bị đơn, để bảo đảm việc giải quyết vụ án được kịp thời, tránh việc giải quyết vụ án bị kéo dài, khoản 2 Điều 201 BLTTDS năm 2015 quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”.

Ngoài ra, theo khoản 5 Điều 72 BLTTDS năm 2015, bị đơn cũng có quyền: “Đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Đối với yêu cầu độc lập thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 Bộ luật này”. Có thể nhận thấy BLTTDS năm 2015 quy định chưa thống nhất giữa các quy định về quyền yêu cầu của bị đơn. Theo quy định trên, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, chỉ duy nhất điều luật này có đề cập đến quyền đưa ra yêu cầu độc lập của bị đơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Điều 200 BLTTDS năm 2015 chỉ đề cập đến quyền đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, Điều 201 BLTTDS năm 2015 cũng chỉ đề cập đến quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Chính như vậy đã khiến cho việc áp dụng pháp luật trên thực tế gặp khó khăn, không đảm bảo được quyền tự định đoạt của bị đơn trong việc đưa ra yêu cầu. Mặc dù được quy định trong Bộ luật, tuy nhiên thủ tục đưa ra yêu cầu, văn bản hướng dẫn thi hành chưa được ghi nhận một cách rõ ràng, cụ thể. Điều này là một trong những hạn chế cần phải được hoàn thiện, bổ sung để bảo đảm được việc thực hiện quyền tự định đoạt của các đương sự trên thực tế.

2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền tự định đoạt của đương sự trong việc khởi kiện vụ án dân sự, phản tố, đưa ra yêu cầu độc lập

Một là, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTDS năm 2015 về việc đương sự được trực tiếp đến Tòa án trình bày yêu cầu khởi kiện VADS, yêu cầu giải quyết việc dân sự hay yêu cầu kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm. Khi đương sự trực tiếp đến Tòa án trình bày yêu cầu khởi kiện VADS, yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc yêu cầu kháng cáo thì không những đương sự được tạo thuận lợi mà Tòa án cũng có điều kiện tìm hiểu nắm vững được yêu cầu của đương sự. Hiện nay, trong yêu cầu thi hành án dân sự Điều 31 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 quy định người yêu cầu có thể đến cơ quan thi hành án dân sự trình bày yêu cầu thi hành án. Vì vậy, để tương đồng giữa các quy định của pháp luật và tạo thuận lợi cho đương sự trong khởi kiện VADS, yêu cầu giải quyết việc dân sự hay kháng cáo và cũng là đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự trong TTDS, đặc biệt trong trường hợp đương sự là người tàn tật, hoặc không biết chữ cần sửa đổi, bổ sung Điều 189, Điều 272 và Điều 362 BLTTDS năm 2015 theo hướng người khởi kiện được trực tiếp đến Tòa án trình bày yêu cầu khởi kiện, cán bộ Tòa án có trách nhiệm lập biên bản về nội dung khởi kiện mà chủ thể trình bày để đưa vào hồ sơ vụ án. Biên bản này có giá trị như đơn khởi kiện VADS, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự hay đơn kháng cáo. Khi đó, kể cả khi các chủ thể không biết chữ hay không đủ khả năng để làm đơn khởi kiện, với sự giúp đỡ của các cán bộ tòa án, họ sẽ thực hiện được quyền khởi kiện của mình.

Hai là, sửa đổi thuật ngữ “Đương sự” tại khoản 1 Điều 5 BLTTDS năm 2015 thành thuật ngữ “Cơ quan, tổ chức, cá nhân” để đảm bảo phù hợp với bản chất pháp lý của quá trình tố tụng, cũng như đảm bảo tính thống nhất giữa các điều luật khác nhau cùng quy định về vấn đề này của BLTTDS năm 2015.

Ba là, bổ sung quy định về quyền đưa ra yêu cầu độc lập của bị đơn được chấp nhận. Theo quy định tại khoản 5 Điều 72 BLTTDS 2015 có ghi nhận quyền đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập này có liên quan đến vụ án, đây là quy định bảo đảm quyền tự định đoạt của bị đơn. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể yêu cầu độc lập của bị đơn phải đáp ứng những điều kiện gì để được tòa án chấp nhận. Do vậy, trong thực tiễn xét xử, rất khó để bị đơn thực hiện quyền này của mình và vì thế, để đảm bảo quyền tự định đoạt của bị đơn trong việc đưa ra yêu cầu độc lập, cần sửa tên của Điều 200 BLTTDS năm 2015 từ “Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn” thành “Quyền yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của bị đơn”; bổ sung quyền yêu cầu độc lập của bị đơn:“Yêu cầu độc lập của bị đơn đối với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”.

Bổ sung thêm quy định giải thích quyền yêu cầu độc lập của bị đơn được chấp nhận vào khoản 2 Điều 200 theo hướng sau: “Yêu cầu độc lập của bị đơn sẽ được chấp nhận khi có các điều kiện việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của họ; yêu cầu độc lập của bị đơn có liên quan đến vụ án đang được giải quyết; yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác, dứt điểm hơn.”

Sửa đổi khoản 3 Điều 200 BLTTDS năm 2015 như sau: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Điều 5 BLTTDS năm 2015

[2] Nguyễn Thị Tuyết (2019), Nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự và thực tiễn thực hiện tại các toà án tại tỉnh Bắc Ninh, luậnvăn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.22.

[3] Nguyễn Hồng Dương (2023), Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án dân sự tại tòa án cấp sơ thẩm, luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.42.

[4] Khà Thị Yêu (2023), Quyền tự định đoạt của đương sự trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.35.

[5] Khoản 4 Điều 68 BLTTDS năm 2015.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Hồng Dương (2023), Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án dân sự tại Toà án cấp sơ thẩm, luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.42;

2.  Bùi Thị Huyền (2015), Quyền phản tố của bị đơn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tạp chí Luật học, số 4/2020;

3. Nguyễn Thị Tuyết (2019), Nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự và thực tiễn thực hiện tại các tòa án tại tỉnh Bắc Ninh, luật văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.22;

4. Khà Thị Yêu (2023), Quyền tự định đoạt của đương sự trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.35.

The right of self - determination of parties in filing civil lawsuits, raising counterclaims,

and making independent claims

Do Thi Quynh Nga

Hanoi Law University

ABSTRACT:

Parties' right to self-determination refers to their autonomy in deciding upon their rights and interests and in choosing the necessary legal measures to protect them. Therefore, studying the right of self-determination in civil proceedings holds significant theoretical and practical importance in ensuring the protection of the legitimate rights and interests of parties engaged in different social relations. This article focuses on clarifying the current provisions of civil procedure law regarding the right of self-determination in filing civil lawsuits, raising counterclaims, and making independent claims, as well as proposing recommendations to improve the law in line with current contexts.

Keywords: right of self-determination of parties, right to file lawsuits, right to raise counterclaims, independent claims.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 7 năm 2024]

Tạp chí Công Thương